THỨ TƯ, NGÀY 24 THÁNG 04 NĂM 2024 07:25

Ấm áp nghĩa tình cô - trò vùng cao Mường Và

21/11/2022 | 08:06
Không có những bó hoa, không có những món quà như nơi phố thị đông đúc trong mỗi dịp 20/11, đối với những giáo viên vùng cao Mường Và (huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La), mỗi học sinh của mình đều biết cái chữ, chăm ngoan là món quà vô giá đối với họ, đó cũng là động lực để họ gắn bó với sự nghiệp “trồng người” ở vùng cao biên giới.
Cô giáo vùng cao xúc động nhận đóa hoa chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam. Ảnh minh họa

Cô giáo vùng cao xúc động nhận đóa hoa chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam. Ảnh minh họa

Đã từng đặt chân đến nhiều nơi để chứng kiến những vất vả, khó khăn trên con đường dạy chữ của các giáo viên vùng cao. Thế nhưng ở vùng biên giới Sốp Cộp luôn có những hình ảnh về những người thầy cô giáo để lại những trăn trở bởi những nhọc nhằn nơi đây. Đường đến trường của thầy cô và trò luôn là những cung đường gập ghềnh cheo leo trên sườn núi; lớp học nhỏ bám vào vách đất để tránh đi cái lạnh giá của mùa đông.

Các thầy cô giáo phải vượt qua những chặng đường gập ghềnh để mang con chữ đến cho học sinh vùng cao

Các thầy cô giáo phải vượt qua những chặng đường gập ghềnh để mang "con chữ" đến cho học sinh vùng cao

Trong những ngày tháng 11 này có dịp tới thăm Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú, Tiểu học, THCS Nà Khoang, xã Mường Và, huyện Sốp Cộp - nơi có 1 điểm trường chính và 9 điểm trường lẻ ở các bản cùng trên 1.000 học sinh, đồng nghĩa với việc luôn có 38 giáo viên nơi đây phải thay nhau dạy học ở những lớp cắm bản. Ở đây tỷ lệ hộ nghèo cao, vì thế mà việc dạy và học cũng gặp không ít khó khăn.

Cô giáo Trần Thị Loan - Phó Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú, Tiểu học, THCS Nà Khoang, nhà ở Sông Mã, được phân công phụ trách khối Tiểu học nên ngày nào cô cũng có mặt ở điểm trường chính thật sớm, rồi cùng các đồng nghiệp đi kiểm tra công tác giảng dạy ở các điểm trường lẻ. Hình ảnh những đứa trẻ nhem nhuốc, mong manh áo mỏng trong cái lạnh như cắt, bàn chân đất bé xíu bước trên sỏi đá bùn lầy để đến trường đã khiến cô có thêm quyết tâm gắn bó với con trẻ nơi vùng cao biên giới này.

Cô Loan tâm sự: Ngày đầu được phân công nhận công tác ở Nà Khoang đúng vào ngày 20/11, đến các điểm trường giáp với biên giới Việt - Lào, nhìn những em học sinh nhem nhuốc đứng chờ, tay cầm bó hoa rừng mà khiến tôi nghẹn ngào xúc động. Ngày 20/11 đầu tiên ở nơi đây, được học sinh tặng hoa khiến tôi bật khóc vì thật hạnh phúc.

Đường đến trường của thầy cô và trò vùng cao luôn là những cung đường gập ghềnh khó đi.

Đường đến trường của thầy cô và trò vùng cao luôn là những cung đường gập ghềnh khó đi.

Về công tác tại Trường PTDT bán trú, Tiểu học - THCS Nà Khoang, cô giáo Lò Thị Tuyến cũng bồi hồi kể lại: Có rất nhiều bất ngờ, thú vị. Vui nhất với tôi đấy là trò hái hoa rừng chúc mừng cô nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam. Có những em kết thành bó với đủ loại hoa: mua rừng, mười giờ, mào gà... Có thể học trò chưa hiểu hết được ý nghĩa của các loài hoa nhưng với các em, đấy là những bông hoa đẹp nhất để mang tặng cô giáo. Tôi rất trân trọng. Ở vùng khó, với giáo viên chúng tôi, đó là nguồn động viên rất lớn.

Nói về nghề và về Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, thầy giáo Trần Văn Chiến, Hiệu  trưởng Trường PTDT bán trú, TH-THCS Nà Khoang, xã Mường Và, huyện Sốp Cộp, có nhiều cảm nhận đặc biệt, bởi sự mộc mạc, chân thành của học sinh nơi biên giới còn nhiều khó khăn này. Ngày 20/11 của thầy cô giáo vùng cao đơn sơ, giản dị mà ấm áp vô cùng, giáo viên thường tự mình mua bánh kẹo để cùng học sinh vui chung. Cũng không thể thiếu những bó rau rừng, ớt nhà trồng, giò phong lan, chai mật ong rừng mà phụ huynh kiếm được, hay những bó hoa dại được những học sinh thân yêu hái tặng, những câu hát còn chưa sõi... khiến ai cũng xúc động.

Thầy Chiến kể lại: Nhớ nhất là vào thời điểm khi trường sáp nhập, thầy cô đi lại khó khăn hơn bởi thêm nhiều điểm trường. Ngày 20/11, ngoài hoa rừng thì mấy học sinh còn tặng thêm lạc, ngô và vài khúc mía góp cùng với bánh kẹo của cô để chúc mừng các thầy cô cắm bản. Có mặt chung vui ở lớp học cắm bản khi đó chúng tôi thực sự ấm lòng.

Không chỉ ở Mường Và, các xã Sam Kha, Púng Bánh, Nậm Lạnh hay Mường Lèo của huyện Sốp Cộp đều còn đó những khó khăn trên chặng đường “cõng chữ” lên non của giáo viên nơi đây. Trong ngày truyền thống của mình, họ chưa một lần đòi hỏi, chưa một lần so sánh. Với họ, được dân bản quý mến, trẻ đến trường đầy đủ, học trò biết cái chữ và tin yêu thầy cô giáo là những món quà, là hạnh phúc vô bờ bến.  

Ngày 20/11 bình dị, ấm áp của người thầy vùng cao với những điều thật đặc biệt, vật chất không nhiều nhưng tình cảm lớn, đấy là tấm lòng học trò trên vùng đất khó...

Thùy Dương
Khởi động Cuộc thi 'Trường học không ma tuý'

Khởi động Cuộc thi "Trường học không ma tuý"

5 tháng trước

Ngày 4/11, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04) Bộ Công an cho biết đang phối hợp với Ban Khoa giáo, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức cuộc thi "Trường học không ma tuý" dành cho...
Lấy ý kiến góp ý Dự thảo Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc bán trú

Lấy ý kiến góp ý Dự thảo Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc bán trú

1 năm trước

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân với dự thảo Thông tư ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc bán trú.
Khám sàng lọc, phẫu thuật miễn phí dị tật vùng hàm mặt cho trẻ em Sơn La

Khám sàng lọc, phẫu thuật miễn phí dị tật vùng hàm mặt cho trẻ em Sơn La

1 năm trước

Trong 5 ngày (từ 23 đến 27/9), Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Sơn La, Tổ chức Operation Smile Việt Nam (OSV) và Bệnh viện Đa khoa tỉnh phối hợp tổ chức tư vấn, khám sàng lọc, chỉ...