THỨ TƯ, NGÀY 24 THÁNG 04 NĂM 2024 03:34

An toàn cho phụ nữ và trẻ em trên môi trường mạng trong dịch Covid-19

04/11/2021 | 16:07
Thời gian tiếp cận Internet càng nhiều thì khả năng trẻ em bị xâm hại, quấy rối trên mạng càng lớn - Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hương, Phó giám đốc Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam nhận định.
Ảnh minh họa: Trương Việt Hùng/UNICEF Việt Nam.

Ảnh minh họa: Trương Việt Hùng/UNICEF Việt Nam.

Xâm hại trẻ em trên mạng xã hội gia tăng trong dịch Covid-19

Việt Nam hiện có khoảng hơn 60 triệu người sử dụng Internet, với 58 triệu người sử dụng mạng xã hội; trong đó, tỷ lệ trẻ em chiếm khoảng 30%. Không chỉ trở thành “công dân số” từ rất sớm, trẻ em còn hoạt động trên môi trường mạng nhiều giờ trong mỗi ngày. Trong bối cảnh ngày càng gia tăng tình trạng không kiểm chứng được nội dung thông tin trên Internet, thì việc sử dụng không gian mạng với tần suất lớn khi chưa đến tuổi trưởng thành, khiến các em vừa có thể tiếp cận những điều bổ ích, vừa luôn phải đối diện không ít nguy cơ, hiểm họa.

Phát biểu tại hội thảo chủ đề "An toàn cho phụ nữ và trẻ em trên môi trường mạng", do Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam tổ chức vào ngày 16/10, bà Nguyễn Thị Nga, Phó cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, trên môi trường mạng, trẻ em có thể tiếp cận nhiều nội dung xấu, độc và có nguy cơ bị xâm hại rất cao.

Theo một kết quả thăm dò của UNICEF tại Việt Nam thông qua Khảo sát ý kiến qua tin nhắn ẩn danh qua U-Report năm 2019: 1/5 số trẻ em được hỏi cho biết mình đã từng là nạn nhân của đe dọa trực tuyến trên Internet. Rất nhiều em có những trải nghiệm không mong muốn khi sử dụng Internet như: tiếp xúc với thông tin, hình ảnh bạo lực, tài liệu khiêu dâm; có trẻ em bị dụ dỗ tình dục qua mạng, yêu cầu gửi thông tin cá nhân… Như vậy có thể thấy, những nguy cơ trẻ em phải đối mặt khi sử dụng mạng Internet đã ngày càng nguy hiểm, phức tạp.

Trong thời gian trẻ em nghỉ học vì dịch Covid-19, Tổng đài 111 đã nhận phản ánh của nhiều phụ huynh về việc con họ được nhắn tin mời tham dự các cuộc thi sắc đẹp trẻ em. Khi tham dự cuộc thi này, trẻ được yêu cầu gửi ảnh khỏa thân hoặc bán khỏa thân với lý do để kiểm tra trên cơ thể có khiếm khuyết gì không. Nhiều trẻ em vô tư chia sẻ hình ảnh cá nhân cho các đối tượng lừa đảo này, từ đó có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường.

Nguy hiểm hơn, vì ở lứa tuổi nhận thức chưa chín chắn, nhưng lại ưa thích thể hiện nên nhiều em dễ bắt chước các trào lưu, trò chơi nguy hiểm trên mạng mà không lường được hậu quả. Tháng 6/2020 tại huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, sự việc một nam sinh lớp 11 bắt chước theo game online bắt cóc em bé 5 tuổi với động cơ biến bản thân thành “người hùng” sau khi giả vờ tìm ra nạn nhân, nhưng hậu quả đau lòng là em bé đã chết vì bị bỏ đói, khát trong nhiều giờ khiến dư luận xã hội bàng hoàng.

Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) và Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) ký kết hợp tác trong công tác bảo vệ trẻ em trên không gian mạng năm 2020.

Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) và Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) ký kết hợp tác trong công tác bảo vệ trẻ em trên không gian mạng năm 2020.

Cần những hành động cụ thể, thiết thực

Trong cuộc sống thực, trẻ em được bảo vệ bởi nhiều thiết chế xã hội như gia đình, họ hàng, người thân, nhà trường, trung tâm chăm sóc và hỗ trợ trẻ em... Tuy nhiên, hiện còn thiếu các thiết chế để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Bất kỳ một trẻ em nào truy cập Internet đều chịu nhiều nguy cơ tiềm ẩn từ việc bắt nạt, dụ dỗ, lừa đảo hay thậm chí là bị tấn công, xâm hại tình dục qua môi trường mạng. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc xây dựng các đề án hướng tới những hành động cụ thể, thiết thực để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Theo bà Nguyễn Thị Nga, Phó cục trưởng Cục Trẻ em, hiện công tác bảo vệ trẻ em đang được Chính phủ đẩy mạnh và có nhiều bước tiến đáng kể. Việc xử lý các hành vi xâm hại trẻ em trên mạng cũng đã có khung pháp lý khá đầy đủ, có những quy định chặt chẽ để xử lý với các mức phạt lên đến vài chục triệu đồng.

Chính phủ cũng vừa triển khai Chương trình quốc gia bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025 với những hành động quyết liệt, thành lập Mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng với nhiều đơn vị tham gia.

Phó cục trưởng Cục Trẻ em cho biết: Hiện Bộ LĐ-TB&XH có Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 để tiếp nhận thông tin tố giác hành vi xâm hại trẻ em. Thông tin phản ánh về tổng đài sẽ được giải quyết, kết hợp cơ quan công an xử lý ngay.

Như vậy có thể thấy, vấn đề bảo vệ trẻ em trên không gian mạng đã được đặt ra trong quá trình thực hiện chính sách bảo vệ trẻ em ở Việt Nam. Các mạng lưới, đường dây nóng bảo vệ trẻ em trên không gian mạng đã dần được hình thành từ trung ương đến một số địa phương. Thậm chí, quy định xử phạt về việc sử dụng, cung cấp, chia sẻ thông tin xấu, độc trên môi trường không gian mạng cũng tương đối nghiêm khắc.

Tuy nhiên, trên thực tế, các hoạt động bảo vệ trẻ em trên không gian mạng chưa thực sự hiệu quả do các chủ thể liên quan chưa thực sự lấy trẻ em làm trung tâm trong quá trình thực hiện các chính sách, pháp luật liên quan đến an ninh mạng, công nghệ số. Sự kết nối giữa các cơ quan quản lý nhà nước đối với trẻ em từ trung ương đến địa phương, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng, nhà trường, gia đình chưa chặt chẽ và hiệu quả.

Bên cạnh đó, phần lớn cha mẹ, thầy cô chưa hoặc không đủ kiến thức tin học để có thể nắm được nội dung lên mạng của con; các đơn vị cung cấp dịch vụ mạng không kiểm soát, phân loại và cảnh báo kịp thời về các nội dung xấu; hành lang pháp luật bảo vệ trẻ em chưa đủ mạnh; năng lực của các cơ quan quản lý còn hạn chế; trẻ em cũng chưa tự bảo vệ được bản thân mình trước sức hút của môi trường mạng...

Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hương, để bảo vệ an toàn cho phụ nữ và trẻ em trên môi trường mạng, cần có sự chung tay của mỗi cá nhân, gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Xã hội cần lên tiếng tố giác, tẩy chay những nội dung, thông tin xấu độc. Cha mẹ cần quan tâm, quản lý, giám sát và hướng dẫn trẻ sử dụng Internet, mạng xã hội; tăng cường trò chuyện, chia sẻ, tâm sự với trẻ, giúp trẻ tự hiểu được những tác hại trên không gian mạng, từ đó tạo lá chắn phòng, chống hữu hiệu. Các cơ quan chức năng cần kiểm tra, giám sát và triệt xóa những nội dung thông tin có hại; xử phạt nghiêm các đối tượng vi phạm. Các cấp, các ngành, địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền Luật An ninh mạng và các văn bản pháp luật liên quan để nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng thực hiện các biện pháp phòng ngừa. Cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu, xây dựng các sổ tay hướng dẫn cụ thể nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ trên không gian mạng.

Châu Anh Hưng
Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...
Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động có được hưởng trợ cấp thất nghiệp?

Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động có được hưởng trợ cấp thất nghiệp?

2 năm trước

Trường hợp người lao động tự ý nghỉ việc và công ty ban hành Quyết định thể hiện người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì người lao động có được hưởng...
Ngày 3/11, Hà Nội ghi nhận 67 ca bệnh trong đó 16 ca ngoài cộng đồng

Ngày 3/11, Hà Nội ghi nhận 67 ca bệnh trong đó 16 ca ngoài cộng đồng

2 năm trước

Trung tâm CDC Hà Nội cho biết, ngày 3/11. trên địa bàn Hà Nội ghi nhận 67 ca mắc Covid-19 mới tại các quận, huyện: Mê Linh (28), Hoàng Mai (9), Hà Đông(5), Sóc Sơn (3), Bắc Từ Liêm (3), Ứng Hòa (3),...
Không để 'lợi ích nhóm', lợi ích cục bộ 'cài cắm' vào quá trình xây dựng luật

Không để "lợi ích nhóm", lợi ích cục bộ "cài cắm" vào quá trình xây dựng luật

2 năm trước

(Dân sinh) - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: "Không được để cho lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ cài cắm vào quá trình xây dựng luật”.
Đắk Nông : Hai cán bộ Cục quản lý thị trường bị bắt

Đắk Nông : Hai cán bộ Cục quản lý thị trường bị bắt

2 năm trước

Phát hiện xe bồn chở xăng dầu không có hoá đơn chứng từ, hai cán bộ không lập biên bản mà yêu cầu tài xế "chung" 160 triệu đồng.