THỨ BẨY, NGÀY 20 THÁNG 04 NĂM 2024 01:43

Ăn uống – Nỗi lo ngày càng tăng

08/09/2020 | 08:49

Pate Minh Chay gây ngộ độc làm tăng thêm nỗi lo. KT


Việc Pate Minh Chay gây ngộ độc làm tăng thêm nỗi lo


Việc sản phẩm Pate Minh Chay khiến nhiều người ngộ độc không gây ngạc nhiên nhưng làm bùng thêm lo lắng. Bởi vì nỗi lo về an toàn vệ sinh thực phẩm đã là nỗi lo “thường trực” của người dân rồi. Nhưng nay, TS-BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết: Trong vòng 20 - 30 năm trở lại đây, bệnh viện chưa gặp trường hợp nhiễm độc như thế này. Nghĩa là, Pate Minh Chay chứa độc tố mạnh, dễ gây tử vong.


Hơn thế nữa, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cảnh báo người tiêu dùng tạm thời không mua, không sử dụng một loạt sản phẩm: Pate Minh Chay, Pate nấm hầu thủ, Ruốc nấm Heri vị hảo hạng, Muối vừng bát bảo đặc biệt, Ruốc nấm Heri Hương thảo mộc, Giò lụa lúa mì, Muối lạc truyền thống, Chả quế lúa mì, Muối vừng bát bảo, Giò nấm lúa mì, Ruốc nấm truyền thống, Ruốc nấm sả ớt, Ruốc nấm cháy tỏi... Như vậy là quá nhiều sản phẩm có thể gây ngộ độc.


Kết quả kiểm nghiệm ban đầu một số sản phẩm Pate Minh Chay đã phát hiện vi khuẩn Clostridium botulinum type B. Đây là vi khuẩn kị khí tuyệt đối, sinh bào tử; độc tố của vi khuẩn Clostridium botulinum có độc lực rất mạnh, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe, kéo dài và dễ tử vong.


Làm thế nào để bớt nỗi lo khi ăn, uống?


Cách đây đã khá lâu, khi nói về việc rau quả được bán trên thị trường không bảo đảm về vệ sinh, hay như mọi người thường nói là chúng “không sạch”; một vị lãnh đạo khuyên: “Bà con nên tự túc lấy nguồn thực phẩm để bảo đảm vệ sinh, ví dụ nhà tôi trồng rau trên sân thượng...”.


Lời khuyên của vị lãnh đạo là có lý, nhưng không phải ai cũng thực hiện được vì không có điều kiện. Việc người dân thành phố tự túc lấy một phần thực phẩm là vô cùng khó. Hơn thế nữa, việc này có vẻ đi ngược lại trào lưu văn minh vốn cổ súy cho chuyên môn hóa và sản xuất lớn. Vì vậy, trên thực tế, người dân vẫn hi vọng vào các cơ quan chức năng và trách nhiệm của các nhà sản xuất, lưu thông, phân phối.


Trước hết, chúng ta mong muốn những nhà sản xuất lương thực, thực phẩm, chế biến thức ăn, thức uống phải có trách nhiệm trong việc bảo đảm cho sản phẩm của mình không độc hại. Tiếp theo, những người buôn bán cũng không nên vì lợi nhuận mà thêm chất bảo quản hay tẩy rửa để “làm đẹp” rau quả, vì điều này có hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Cuối cùng, mong các cơ quan chức năng phải chỉn chu, sâu sát, nghiêm khắc trong việc kiểm tra, giám sát, xử phạt.


Phải xem việc cố tình tung ra thị trường sản phẩm không bảo đảm chất lượng là vi phạm pháp luật, thậm chí là phạm tội ác mới mong giảm bớt thức ăn, thức uống gây ngộ độc cho người tiêu dùng.

Nghè Nghệ/TC GĐ&TE

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...