THỨ NĂM, NGÀY 25 THÁNG 04 NĂM 2024 04:37

Ảnh hưởng của Phật giáo trong đời sống văn hoá

25/10/2021 | 05:56
Sau hàng nghìn năm du nhập vào Việt Nam, Phật giáo vừa đồng hành, vừa góp phần làm phong phú bản sắc văn hóa Việt Nam. Hòa nhập vào với đời sống xã hội, Phật giáo không chỉ là lời răn dạy mà còn là sự thực hành. Nhiều tín điều Phật giáo đi vào đời sống xã hội Việt Nam truyền thống, gắn kết với văn hóa dân tộc để trở thành một số tiêu chí đạo đức mà mọi người đều muốn hướng tới.

Nhiều bài học đạo đức có nguồn gốc từ quan niệm của Phật giáo

Trẻ em chăm chú lắng nghe sư thầy giảng đạo lý tại Cung Trúc Lâm Yên Tử, Quảng Ninh. Ảnh: T. Anh

Trẻ em chăm chú lắng nghe sư thầy giảng đạo lý tại Cung Trúc Lâm Yên Tử, Quảng Ninh. Ảnh: T. Anh

Phật giáo được đánh giá luôn có đóng góp tích cực cho văn hóa dân tộc nước nhà. Cho đến nay, nhiều bài học đạo đức thường vẫn được truyền dạy trong gia đình, trong đất nước ta là có nguồn gốc từ quan niệm của Phật giáo hoặc theo tinh thần Phật giáo, như: "Ở hiền gặp lành", "Ác giả ác báo", "Tu nhân tích đức", "Nhân nào quả nấy", "Tu đâu cho bằng tu nhà - Thờ cha kính mẹ mới là chân tu"... Câu ca “Dù xây chín bậc phù đồ - Không bằng làm phúc cứu cho một người” đã đi vào trong tâm trí biết bao nhiêu triệu người dân Việt và những tấm lòng đã và đang hàng ngày cùng các nhóm thiện nguyện cùng chung tay giúp đỡ và chia sẻ với các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vươn lên trong cuộc sống, và cả trong giai đoạn đại dịch Covid-19 hiện nay. Những chia sẻ khó khăn đó bằng nhiều hình thức và từ những tấm lòng yêu thương đùm bọc của dân tộc ta như: “Một miếng khi đói – bằng một gói khi no”; “Một con ngựa đau – cả tầu bỏ cỏ”; “Cứu một người phúc đẳng hà sa”.

Phật giáo thu hút sự tham gia của một bộ phận công chúng và nhiều giáo lý nhà Phật có ý nghĩa trong xây dựng đạo đức con người, làm cho đời sống tinh thần của xã hội ngày càng thêm lành mạnh.

Phật giáo đã đưa ra những chuẩn mực đạo đức rất cụ thể để con người tu tập, phấn đấu. Trong đó, phổ biến nhất là Ngũ giới (không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu) và Thập thiện (ba điều thuộc về thân: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm; ba điều thuộc về ý thức: không tham lam, không thù hận, không si mê; bốn điều thuộc về khẩu: không nói dối, không nói thêu dệt, không nói hai chiều, không ác khẩu). Những chuẩn mực này, nếu lược bỏ màu sắc mang tính chất tôn giáo sẽ là những nguyên tắc ứng xử phù hợp giữa người với người, rất có ích cho việc duy trì đạo đức xã hội.

Phật giáo góp phần làm phong phú bản sắc văn hóa Việt

Cho con thực hiện nghi thức tắm nước cho đức Phật trong Đại lễ Phật Đản. Ảnh: T. Anh

Cho con thực hiện nghi thức tắm nước cho đức Phật trong Đại lễ Phật Đản. Ảnh: T. Anh

Theo nhận định của Hòa thượng, TS. Thích Gia Quang - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trong lĩnh vực văn học - nghệ thuật, Phật giáo đã góp phần lưu giữ những giá trị văn học, văn hóa của dân tộc thông qua hệ thống lưu trữ riêng ở các ngôi chùa. Nhiều tác phẩm văn học của tác giả là tu sĩ Phật giáo. Đồng thời, thông qua hệ thống giáo lý và kinh điển Phật giáo với triết lý nhân sinh sống phải tu nhân tích đức, làm điều thiện, điều lành, hướng con người tới ứng xử nhân văn, cao đẹp, góp phần hình thành nhân cách, đạo đức con người Việt Nam trong thời đại hiện nay. Hẳn trong ký ức tuổi thơ ai cũng nhớ hình ảnh ông Bụt luôn xuất hiện trong những câu chuyện cổ tích dân gian phản ánh triết lý sống nhân duyên, luật nhân quả “ở hiền gặp lành”.

Sự ảnh hưởng của Phật giáo thấm sâu vào người dân Việt Nam, không chỉ riêng dân tộc Kinh, các dân tộc thiểu số khác trong cộng đồng các dân tộc anh em cũng thấy rõ ảnh hưởng của Phật giáo trong đời sống văn hoá con người, nhất là trong lĩnh vực tinh thần.

Giá trị lớn nhất của đạo đức tôn giáo là góp phần duy trì đạo đức xã hội, hoàn thiện nhân cách cá nhân, hướng con người đến Chân – Thiện – Mỹ.

Ai là công dân Việt Nam cũng đều ít nhất một lần nghe tiếng chuông chùa hoặc tiếng kinh, tiếng mõ của nhà chùa. Nhất là ở vùng đồng bằng, mỗi làng, xã ở Việt Nam đều có ngôi chùa Phật giáo. Hình ảnh mái chùa từ nhỏ đã thấm vào ký ức mỗi con người Việt Nam. Trong những dịp lễ, Tết, sân chùa là nơi tụ tập để mọi người chung vui. Chùa là nơi để thờ Phật, là chốn linh thiêng, thanh tịnh để tín đồ, phật tử mỗi tháng hai lần dâng hương, đăng hoa, trà, quả lễ Phật. Trước kia, những sản vật dâng lên cúng Phật xong thường được đem phát chẩn cho người nghèo khó. Ngôi chùa truyền thống có ý nghĩa nhân văn rất lớn. Đó là nơi để người giàu có san sẻ với những người nghèo khó. Hiện nay, Phật giáo nước ta vẫn đang thực hiện được điều này, góp phần cùng xã hội thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh và làm tốt công việc từ thiện, nhân đạo, cứu trợ đói nghèo, để lại thiện tâm cho chúng sinh hướng đến cửa Phật.

Hòa thượng Thích Gia Quang khẳng định, Văn hóa Phật giáo Việt Nam ngày càng đóng góp nhiều hơn, lớn hơn, sâu rộng hơn vào việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Nhật Minh
Mang hơi ấm đến với trẻ em vùng cao tại 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái

Mang hơi ấm đến với trẻ em vùng cao tại 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái

4 tháng trước

Nhằm động viên, chia sẻ và đồng hành cùng nhà trường và các em học sinh vùng khó khăn, các nhà hảo tâm đã tổ chức Chương trình “Chia sẻ yêu thương” lần thứ 20 tại xã Phình Hồ...
Giáo hội Phật giáo tỉnh Hà Giang hỗ trợ máy tính cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn

Giáo hội Phật giáo tỉnh Hà Giang hỗ trợ máy tính cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn

2 năm trước

Thực hiện chủ trương của Chính phủ phát động Chương trình “Sóng và máy tính cho em”, Giáo hội Phật giáo tỉnh Hà Giang đã trao tặng 30 bộ máy tính, trị giá hơn 200 triệu đồng cho ngành...