THỨ TƯ, NGÀY 24 THÁNG 04 NĂM 2024 11:01

Bác sĩ Ấn Độ thực hiện hơn 37.000 ca phẫu thuật miễn phí cho trẻ em

15/12/2021 | 06:05
Một bác sĩ ở Ấn Độ đã được ca ngợi là anh hùng khi dành phần lớn cuộc đời mình để thực hiện hơn 37.000 ca phẫu thuật sứt môi, hở hàm ếch miễn phí cho trẻ em.
Bác sĩ Subodh Kumar Singh. Ảnh: Facebook

Bác sĩ Subodh Kumar Singh. Ảnh: Facebook

Sứt môi và hở hàm ếch là những dị tật bẩm sinh xảy ra khi môi hoặc miệng của trẻ không hình thành đúng cách trong thời kỳ mang thai. Những khiếm khuyết này gây ra nhiều vấn đề khác nhau, từ việc không thể bú sữa như những đứa trẻ bình thường khác khi còn nhỏ, đến việc bị bắt nạt và phân biệt đối xử khi lớn lên. Cả hai dị tật bẩm sinh này đều có thể được sửa chữa với sự hỗ trợ của phẫu thuật thẩm mỹ. Nhưng rất tiếc, các thủ thuật này không dành cho những gia đình nghèo khó, người cần chúng nhất. 

Ở Ấn Độ, một bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ đã được biết đến là ân nhân của hàng chục nghìn trẻ sơ sinh và trẻ em, khi đã phẫu thuật miễn phí khiếm khuyết sứt môi và hở hàm ếch, mang lại cho họ cơ hội có một cuộc sống tốt đẹp hơn cho nhiều đứa trẻ.

Sinh ra trong một gia đình nghèo khó ở Varanasi, bang Uttar Pradesh, Ấn Độ, bác sĩ Subodh Kumar Singh, đã vượt qua nghịch cảnh của mình trong suốt thời thơ ấu. Điều này đã thôi thúc ông cống hiến sự nghiệp của mình để giúp đỡ những người nghèo khó, thay vì tìm kiếm lợi nhuận. Sau khi mất cha khi mới 13 tuổi, Subodh và ba người anh trai đã phải kiếm sống nuôi gia đình bằng công việc bán nến, xà phòng và kính bảo hộ trên đường phố và trong các cửa hàng địa phương.

Các anh trai của Subodh đều phải nghỉ học để phụ giúp gia đình, nhưng họ vẫn cố gắng cho em trai mình có thể tiếp tục học tập và thực hiện ước mơ trở thành bác sĩ. Subodh đã không ngừng nỗ lực, vừa học vừa làm việc để theo đuổi ước mơ của mình. Ông đã tốt nghiệp Học viện Khoa học Y khoa Ấn Độ và hoàn thành chương trình đào tạo sau đại học chuyên ngành phẫu thuật tổng quát và chuyên ngành phẫu thuật thẩm mỹ.

“Thời thơ ấu của tôi đã cho tôi thêm sức mạnh để vượt qua khó khăn và nâng cao kiến thức để giúp đỡ những người đang phải đấu tranh hàng ngày,” bác sĩ Singh nói với tờ The Better India. “Những khó khăn đó đã khiến tôi thấu hiểu và dễ dàng chia sẻ với họ hơn. Trở thành bác sĩ giúp tôi có thể giúp đỡ nhiều người. Tôi muốn làm cho cuộc sống của những người nghèo trở nên tốt đẹp hơn”.

Nhận thấy trẻ sơ sinh và trẻ em mắc dị tật sứt môi, hở hàm ếch cần được giúp đỡ, bác sĩ phẫu thuật Subodh bắt đầu tổ chức các trạm y tế miễn phí và giúp đỡ nhiều người. Những nỗ lực của ông  đã sớm được Smile Train, một sáng kiến toàn cầu về phẫu thuật hở hàm ếch quan tâm. Với sự hỗ trợ của Smile Train và các tổ chức phi chính phủ khác, bác sĩ Subodh đã giúp được nhiều người hơn nữa.

Bác sĩ Subodh Kumar Singh với trẻ em. Ảnh: Facebook

Bác sĩ Subodh Kumar Singh với trẻ em. Ảnh: Facebook

“Những đứa trẻ này không thể bú sữa mẹ như trẻ em bình thường. Nhiều em đã tử vong vì suy dinh dưỡng và thường rất còi cọc. Những đứa trẻ này cũng cảm thấy khó khăn khi sử dụng lưỡi để nói, gây ra các vấn đề về khả năng phát ngôn”, bác sĩ Subodh chia sẻ. “Các em thường phải bỏ học do không thể nói chuyện bình thường hoặc bị bắt nạt. Họ cảm thấy khó khăn khi tìm kiếm việc làm hoặc tìm kiếm sự chấp nhận của xã hội. Không ít lần, người mẹ bị trách móc, ruồng bỏ vì đã mang thai đứa con bị dị tật. Điều đó cũng ảnh hưởng đến tâm lý của các bậc cha mẹ. Nhưng phẫu thuật có thể giải quyết tất cả những vấn đề này”.

Kể từ khi bắt đầu hành trình của mình vào năm 2004, bác sĩ Subodh đã thực hiện hơn 37.000 ca phẫu thuật cho cả trẻ em và người lớn. Với sự giúp đỡ của Smile Train, ông cũng đã đào tạo hàng chục bác sĩ khác trên khắp Ấn Độ có thể phẫu thuật các dị tật bẩm sinh này. Subodh  hy vọng một ngày nào đó ông có thể thành lập một trung tâm quốc gia về phẫu thuật sứt môi và hở hàm ếch. 

Bác sĩ Subodh Kumar Singh chia sẻ: “Tôi cảm thấy tự hào khi có sức mạnh thay đổi cuộc sống của nhiều người. Một cuộc phẫu thuật tác động tích cực không chỉ đến một gia đình hay cuộc sống của một cá nhân. Không gì mang lại cho tôi niềm vui hơn là chứng kiến các gia đình được đoàn tụ, những người con dâu và những đứa trẻ được gia đình chấp nhận sau khi phẫu thuật”.

Trước Subodh, một vị bác sĩ khác cũng đã khiến cộng đồng thế giới phải cảm phục bởi hành động cao cả của mình. Đó là Sanduk Ruit - bác sĩ nhãn khoa người Nepal, còn được mệnh danh là “vị thần thị giác” - đã khôi phục thị lực cho trên 100.000 người trên khắp thế giới.

Theo baotintuc.vn
“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

5 tháng trước

“Nằm vo tròn như một thai nhi trong bụng mẹ, tôi cảm giác mình sắp chết, không còn chút hi vọng nào có thể sống sót để kể lại câu chuyện này cho bất kỳ ai”.
Làm gì khi con bắt nạt bạn trên mạng?

Làm gì khi con bắt nạt bạn trên mạng?

2 năm trước

Bạn phải làm gì khi tình cờ hoặc được ai đó thông báo về việc con mình là kẻ bắt nạt và gây tổn thương cho những trẻ em khác trên mạng?
Cần điều chỉnh nội dung cấp tiểu học năm học 2021-2022

Cần điều chỉnh nội dung cấp tiểu học năm học 2021-2022

2 năm trước

Tôi có con học tiểu học (lớp 2) nên rất quan tâm tới vấn đề điều chỉnh chương trình, nội dung ở cấp tiểu học để phù hợp với việc học trực tuyến. Sự điều chỉnh mới đây của...
Triển khai nhiều biện pháp giúp học sinh nói không với ma túy

Triển khai nhiều biện pháp giúp học sinh nói không với ma túy

2 năm trước

Trong những năm qua, công tác phòng chống ma túy trong trường học đã có sự đầu tư đồng bộ để kiềm chế sự xâm nhập của tệ nạn ma túy vào môi trường giáo dục. Tại Lạng Sơn, hàng...