THỨ NĂM, NGÀY 25 THÁNG 04 NĂM 2024 03:25

Bánh Trung thu vào mùa – Cảnh giác ngộ độc thực phẩm

16/09/2020 | 08:13
Liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm trước Tết Trung thu
 
Từ ngày 1/7 đến ngày 28/8, cả nước đã có 6.393 khách hàng mua sản phẩm pate Minh Chay. Số người nhập viện và có các triệu chứng ngộ độc thực phẩm vẫn còn tăng. 
 
Trong lúc ngành Y tế đang tập trung giải quyết hậu quả việc ngộ độc do sản phẩm Pate Minh Chay gây ra thì liên tiếp có những vụ ngộ độc tập thể mới. Đó là việc  cháu bé tại chùa Kỳ Quang 2 phải chuyển đến bệnh viện cấp cứu. Cụ thể, tối ngày10/9/2020, bác sĩ Đinh Tấn Phương - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM - cho biết, tại đây vừa tiếp nhận 26 trẻ có các biểu hiện nghi ngộ độc thực phẩm được chuyển đến từ mái ấm chùa Kỳ Quang 2, quận Gò Vấp, TP.HCM. Được biết, trưa 10/9, các cháu ăn cơm với canh bầu và thịt kho trứng. Trong đó, món thịt kho trứng nấu từ ngày hôm trước, đến giờ ăn, món này được mang ra đun nóng trở lại. 
 
Cũng vào thời điểm này, tại huyện Đông Anh (Hà Nội) ghi nhận nhiều học sinh của Trường Tiểu học Tiên Dương có dấu hiệu đau bụng, buồn nôn, trong đó có 3 em đã nhập viện điều trị. Ông Nguyễn Tiến Cường, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đông Anh cho biết: Đến 16h ngày 10/9, tổng cộng 51 học sinh có triệu chứng lâm sàng, trong đó 26 em có biểu hiện ho, sốt. Còn lại 25 em có biểu hiện đau bụng, buồn nôn, trong số này, 3 em đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đông Anh được chẩn đoán theo dõi nhiễm trùng tiêu hóa. Nghi vấn nằm ở bữa ăn bán trú gần nhất là vào trưa 9/9, thực đơn gồm có thịt kho trứng cút, su su xào, canh rau ngót, cơm trắng.


Cần đảm bảo an toàn cho bánh Trung thu ngay từ khâu làm bánh. Ảnh KT
 
Liên quan đến sự việc, Ban chỉ đạo huyện, Trung tâm Y tế huyện cũng đã yêu cầu dừng toàn bộ bữa ăn, đồng thời tiến hành kiểm tra cơ sở cung cấp suất ăn cho trường, lấy mẫu của nhân viên chế biến để xét nghiệm. Hiện chưa kết luận các học sinh bị ngộ độc thực phẩm, mới chỉ nghi vấn. Song, Trung tâm Y tế và Phòng Y tế cũng đã lấy mẫu thức ăn liên quan gửi Viện kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia. Nhưng việc cảnh giác với ngộ độc thực phẩm là việc cần làm.
 
Tết Trung thu đang đến, đón nhận, tận hưởng an toàn
 
Vào thời điểm này, ở nhiều nơi, bánh Trung thu được bày bán nhiều vô kể. Bánh Trung thu được mua nhiều nhất để ăn, biếu tặng trước Tết Trung thu khoảng 2-3 tuần, thậm chí cả tháng. Và sau Tết Trung thu, người ta vẫn tiếp tục mua, bán, ăn loại bánh này. Vì vậy, việc cảnh giác để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm với loại bánh được lưu hành nhiều ngày trên thị trường là điều rất cần thiết.


Xem kỹ sản phẩm trước khi mua và ăn, đảm bảo không ăn phải bánh quá hạn bị mốc. Ảnh KT
 
 Với chức năng của mình, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã khuyến cáo người dân cần lựa chọn và bảo quản bánh Trung thu đảm bảo ATTP, tránh những trường hợp ngộ độc đáng tiếc xảy ra. Theo đó, khi lựa chọn và sử dụng bánh Trung thu để đảm bảo ATTP, người tiêu dùng cần chú ý các tiêu chí sau:
 
1. Sản phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng: có tên của nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, có hướng dẫn sử dụng, bảo quản...
2. Sản phẩm phải ghi ngày sản xuất, thời hạn sử dụng và còn hạn sử dụng.
3. Sản phẩm được bày bán ở những địa điểm kinh doanh xác định, đáp ứng các yêu cầu về điều kiện kinh doanh thực phẩm như: có đủ trang thiết bị che đậy tránh bụi bẩn, mưa nắng, côn trùng xâm nhập; bảo quản đúng quy định trên nhãn sản phẩm của nhà sản xuất.
4. Người tiêu dùng cần sử dụng cảm quan để đánh giá bảo đảm sản phẩm không bị dập nát, biến dạng, bao bì không rách nát, không có màu sắc khác thường, không bị thiu, ẩm mốc, hư hỏng và không có mùi khác lạ.
5. Tuyệt đối không lựa chọn mua sản phẩm trôi nổi, không có nguồn gốc, hàng hết hạn sử dụng, bao bì rách nát, sản phẩm biến dạng, hàng lậu.
 
Ngoài khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, các gia đình (đặc biệt là những người nội trợ) cũng cần khuyên bảo nhau để có thái độ đối với bánh Trung thu nói riêng và cách đón Tết Trung thu nói chung.
 
Ngày xưa, Trung thu chỉ được xem là tết của trẻ em; ngày nay, người lớn hưởng ứng rất nhiệt tình nên nó đã trở thành ngày lễ chung của mọi người. Điều này là tốt thôi nhưng cũng không nên quá lạm dụng. Trước hết, không nên lợi dụng dịp Trung thu để ăn quá nhiều bánh và các loại thức ăn khác; cũng không nên biến dịp này thành cái cớ để biếu tặng quà nhau như một kiểu hối lộ.
 
Còn với những người thực sự yêu thích Tết Trung thu thì đây cũng là dịp để thể hiện khả năng của mình: Hãy tự làm lấy bánh Trung thu để vừa tiết kiệm tiền bạc, vừa bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, vừa thể hiện khía cạnh văn hóa của cuộc sống. Khi tự làm bánh cũng cần quan tâm những điều sau: Mua nguyên liệu bảo đảm chất lượng, làm bánh đúng quy trình (trên mạng có hướng dẫn đầy đủ, kỹ càng), bảo quản bánh ở nơi sạch sẽ, hợp vệ sinh...
 
Đừng quên là chúng ta đón Tết Trung thu khi dịch Covid-19 vẫn lẩn quất đâu đây nên phải cảnh giác với cả “bọn này” nữa. Do vậy, khi sử dụng bánh Trung thu (dù ở nhà, ở cơ quan hay hàng quán) đều phải rửa tay sạch trước khi cắt, chia bánh và trước khi ăn bánh; khuyên nhủ mọi người và hướng dẫn con cháu làm điều này.
 
Bánh Trung thu thường hấp dẫn, ngon nhưng không vì thế mà ăn quá nhiều. Nên nhớ, các loại bánh Trung thu thường được làm từ các thực phẩm giàu đạm, mỡ, đường nên chúng rất nhiều chất. Vì vậy, nên ăn ở mức độ vừa phải để tránh rối loạn hấp thu thực phẩm, rối loạn tiêu hóa.
Nếu các gia đình thực hiện được những khuyến cáo và những lời khuyên trên thì sẽ có một Tết Trung thu vui vẻ và rất đáng nhớ.
 

Hồ Bất Khuất/GĐTE

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

5 tháng trước

“Nằm vo tròn như một thai nhi trong bụng mẹ, tôi cảm giác mình sắp chết, không còn chút hi vọng nào có thể sống sót để kể lại câu chuyện này cho bất kỳ ai”.