THỨ SÁU, NGÀY 19 THÁNG 04 NĂM 2024 05:30

Báo động tình trạng tự tử ở trẻ vị thành niên

12/12/2021 | 07:51
Tự tử ở trẻ vị thành niên hiện nay ngày càng gia tăng nhưng người lớn, các bậc phụ huynh chưa biết cách nhận diện, hỗ trợ và can thiệp cho trẻ.

Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), cứ mỗi 40 giây trên thế giới có một người tìm cái chết (800.000 ca tự tử/năm). Mặc dù xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng theo thống kê, tự tử là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 2 đối với lứa tuổi 15 – 29 tuổi trên thế giới, chỉ sau tai nạn giao thông. Còn theo một nghiên cứu của Quỹ nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF), trung bình mỗi ngày, có khoảng 3.000 trẻ vị thành niên chết do tự tử trên thế giới.

Những câu chuyện đau lòng

Cuối tháng 1/2021, dư luận bàng hoàng khi một nữ sinh 13 tuổi ở Hà Nội được đưa vào Bệnh viện Nhi T.Ư cấp cứu sau khi uống 2 gói thuốc trừ sâu tự mua. Rất may gia đình đã phát hiện, nhanh chóng đưa em đến bệnh viện. Trước đó, trên lớp, nữ sinh thường bị trêu chọc nên xấu hổ, học lực giảm sút. Mỗi khi không làm được bài hoặc bị điểm kém, em càng bị cả lớp trêu chọc, dần dần căng thẳng, tự ti, lo lắng, thấy không có ai hiểu và giúp đỡ, không muốn giao tiếp với ai, kể cả cha mẹ và anh chị em, và muốn được “giải thoát”.

Ngày 9/3, một nữ sinh lớp 10 bất ngờ rơi từ tầng cao của chung cư CT2A, thuộc P. Mỹ Đình 2, Q. Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội xuống đất và tử vong. Sau khi khám nghiệm hiện trường, cơ quan chức năng phát hiện một vỉ thuốc ngủ đã sử dụng trong phòng nữ sinh này. Thông tin từ phía gia đình cho hay nạn nhân có dấu hiệu trầm cảm.

Lực lượng chức năng có mặt tại hiện trường nơi nữ sinh lớp 10 rơi từ tầng cao chung cư xuống. Ảnh: Đặng Thủy

Lực lượng chức năng có mặt tại hiện trường nơi nữ sinh lớp 10 rơi từ tầng cao chung cư xuống. Ảnh: Đặng Thủy

Ngày 29/3, một nam sinh lớp 10 trường THPT Chuyên Bắc Kạn được xác nhận đã tử vong trong tư thế treo cổ, nghi tự tử ở kí túc xá trường. Nam sinh tử vong là em T.V.H., ở huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn. Lãnh đạo trường học cho biết, trước khi xảy ra sự việc, em T.V.H vẫn đi học bình thường, đến gần trưa có nhắn tin cho bố với nội dung xin lỗi.

Đó là một vài câu chuyện trong rất nhiều câu chuyện đau lòng về tình trạng trẻ em và vị thành niên tự tử diễn ra trong thời gian gần đây.

Nguyên nhân nào khiến trẻ em tự tử?

Tiến sĩ, bác sĩ Ngô Anh Vinh, Phó trưởng khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tự tử ở trẻ em. Các nghiên cứu cho thấy, nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng tự tử ở trẻ vị thành niên là do lo âu, trầm cảm. Lo âu, trầm cảm là vấn đề hay gặp và phổ biến trong giai đoạn phát triển trẻ vị thành niên (giai đoạn chuyển tiếp từ trẻ con thành người lớn). Đây là độ tuổi rất nhạy cảm trước những tác động của môi trường, xã hội do những thay đổi về tâm sinh lý ở lứa tuổi này.

Mâu thuẫn với gia đình, bạn bè, xã hội nhưng không được chia sẻ có thể khiến cho trẻ không tìm ra được những giải pháp để giải quyết. Ảnh minh họa: Trương Việt Hùng

Mâu thuẫn với gia đình, bạn bè, xã hội nhưng không được chia sẻ có thể khiến cho trẻ không tìm ra được những giải pháp để giải quyết. Ảnh minh họa: Trương Việt Hùng

Ở Việt Nam, một trong những nguyên nhân thường gặp gây ra trầm cảm ở trẻ vị thành niên là do áp lực học tập, thi cử. Lịch học quá dày gồm học chính khóa, học thêm đã chiếm hầu hết thời gian làm cho trẻ cảm thấy luôn căng thẳng và mệt mỏi. Ngoài ra, một số trẻ dễ rơi vào tình trạng “sốc tâm lý” và nghĩ đến chuyện tiêu cực thậm chí kết thúc cuộc đời sau những thất bại trong học tập, thi cử.

Hiện nay, trên thực tế ở Việt Nam, vấn đề sức khoẻ tâm thần, đặc biệt tâm lý thanh thiếu niên tuổi học đường chưa được chú trọng nhiều. Theo số liệu của một số nghiên cứu tại Việt Nam cho thấy, tỉ lệ trẻ vị thành niên bị trầm cảm là 26,3%, trẻ có suy nghĩ về cái chết: 6,3%, trẻ lập kế hoạch tự tử: 4,6% và trẻ cố gắng tự tử: 5,8%.

Ngoài ra, mâu thuẫn trong cuộc sống cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ vị thành niên tự tử. Những mối quan hệ bất hòa, mâu thuẫn với gia đình, bạn bè, xã hội nhưng không được chia sẻ có thể khiến cho trẻ không tìm ra được những giải pháp để giải quyết. Trẻ dễ có những suy nghĩ tiêu cực, mất kiểm soát dẫn đến hành vi tự tử và xem việc tự tử như là một cách để giúp giải thoát khỏi những bế tắc trong cuộc sống.

Làm gì để ngăn trẻ tự tử?

Cha mẹ cần nghi ngờ trẻ có ý định tự tử nếu trẻ có các biểu hiện: than thở buồn chán, nghĩ mình đầy tội lỗi xấu xa, cảm thấy bất tài vô dụng. Có ý định tàng trữ, cất giấu những vật dụng để thực hiện hành vi tự tử như: tích trữ thuốc ngủ, chuẩn bị dây… Đột ngột có những hành vi bất thường như: dặn dò bạn bè, mặc quần áo đẹp, tự nhiên trò chuyện vui vẻ với mọi người sau thời gian dài không giao tiếp.

Theo bác sĩ Ngô Anh Vinh, tự tử ở trẻ vị thành niên là vấn đề có thể ngăn ngừa được. Việc hiểu rõ các nguyên nhân, các dấu hiệu cảnh báo sẽ giúp cho các bậc phụ huynh tìm được cách giải quyết và ngăn ngừa tình trạng này.

Cha mẹ không nên áp đặt thành tích học tập cho trẻ, không đặt kỳ vọng quá cao ở trẻ vì điều này sẽ gây áp lực cho trẻ. Cần tạo sự gần gũi, gắn bó giữa bố mẹ với trẻ để trẻ có thể tâm sự, chia sẻ khi gặp khó khăn trong việc học hành, trong các mối quan hệ xã hội. Nên phân bổ thời gian học tập và vui chơi giải trí cho trẻ một cách hợp lí. Nếu có thể, hãy tổ chức các buổi du lịch dã ngoại, hoặc cho trẻ tham gia các hoạt động ngoài trời, đảm bảo đời sống tinh thần lành mạnh cho trẻ.

Và một điều quan trọng, rất nhiều bậc cha mẹ Việt Nam không chú ý, đó là cần dạy cho trẻ các kỹ năng sống để trẻ có khả năng đương đầu với những biến cố trong cuộc đời.

“Hãy nhớ rằng, tự tử ở trẻ vị thành niên có thể phòng ngừa được. Nếu bạn lo lắng về con, hãy tìm sự hỗ trợ và tư vấn của các bác sĩ, các nhà tâm lý” - bác sĩ Ngô Anh Vinh chia sẻ.

Chương trình Phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030 cho biết: Để phòng ngừa trẻ em tự tử, cần nghiên cứu các yếu tố nguy cơ, nguyên nhân tự tử ở trẻ em. Rà soát các quy định pháp luật, chính sách về cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần, giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em. Cung cấp, hướng dẫn cha mẹ, người chăm sóc trẻ em, giáo viên và trẻ em các kiến thức, kỹ năng để phòng ngừa tự tử ở trẻ em; phát hiện sớm và theo dõi, hỗ trợ các trường hợp trẻ em có nguy cơ tự tử.

Phương Anh
Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...
Công bố kết quả điều tra các mục tiêu phát triển trẻ em và phụ nữ

Công bố kết quả điều tra các mục tiêu phát triển trẻ em và phụ nữ

2 năm trước

Ngày 8/12, Tổng cục Thống kê và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNICEF) công bố Kết quả điều tra về tình hình của trẻ em và phụ nữ tại Việt Nam. Đây là kết quả của cuộc...
Bức tranh toàn diện về các khía cạnh cuộc sống của trẻ em năm 2020-2021

Bức tranh toàn diện về các khía cạnh cuộc sống của trẻ em năm 2020-2021

2 năm trước

70,8% trẻ em dưới 15 tuổi từng đã phải chịu ít nhất một hình thức xử phạt tâm lý hoặc thể xác bởi các thành viên trong gia đình là một trong những phát hiện đáng chú ý của Điều tra...