THỨ BẨY, NGÀY 27 THÁNG 04 NĂM 2024 03:17

Bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái là vi phạm quyền con người

05/12/2018 | 11:04

Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Hà phát biểu khai mạc.

Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Hà và bà Đỗ Thị Thu Hà, Phụ trách văn phòng UNFPA tại Việt Nam chủ trì Tọa đàm. Cùng dự có 100 đại biểu là đại diện các Bộ, ngành và các đơn vị liên quan tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc và miền Trung, các đối tác phát triển, các tổ chức quốc tế, tổ chức xã hội, phóng viên báo chí.
 

 
Bà Đỗ Thị Thu Hà, Phụ trách văn phòng UNFPA tại Việt Nam 
 
Nhiều khó khăn, rào cản trong xử lý, can thiệp các vụ việc BLTD

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Hà cho biết: Thời gian qua, Việt Nam luôn chú trọng thực thi các giải pháp nhằm đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm quyền con người, trong đó có quyền của phụ nữ và thực thi bình đẳng giới. Điều này đã được khẳng định trong Hiến pháp, hệ thống pháp luật của Việt Nam. Bên cạnh đó, hàng năm, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội có các phiên làm việc trực tiếp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan để giám sát, đánh giá việc thực hiện pháp luật, chính sách về phòng, chống bạo lực gia đình và bạo lực trên cơ sở giới.

Bộ LĐTBXH đã triển khai các hoạt động, một số mô hình như Địa chỉ tin cậy, nhà tạm lánh tại cộng đồng, Cơ sở trợ giúp nạn nhân bạo lực trên cơ sở giới, Trung tâm công tác xã hội cung cấp dịch vụ bình đẳng giới, Trường học an toàn, thân thiện không bạo lực, Thành phố an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em gái góp phần từng bước nâng cao nhận thức của cộng đồng, giảm thiểu nguy cơ và cải thiện chất lượng dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bạo lực trên cơ sở giới. Đồng thời huy động sự hỗ trợ về kinh phí và kỹ thuật của các tổ chức quốc tế để xây dựng và nhân rộng các mô hình, đảm bảo tính sẵn có và dễ tiếp cận cho cả người bị bạo lực và người gây bạo lực.
 

Trao đổi về các khoảng trống pháp lý và các dịch vụ hỗ trợ đối với phụ nữ và trẻ em gái bị BLTD.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Hà cũng cho biết, so với các dạng bạo lực khác, việc xử lý, can thiệp kịp thời các vụ việc BLTD đối với phụ nữ và trẻ em gái cũng còn gặp những khó khăn nhất định như: Phụ nữ khó tố cáo các vụ việc bị BLTD và tìm kiếm sự hỗ trợ, tư vấn kịp thời so với những vấn đề về bạo lực thể xác. Việc xử lý và can thiệp đôi lúc chưa kịp thời, chưa thỏa đáng đã gây ra sự bất bình trong xã hội. 
 

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.
 
Đồng quan điểm, bà Đỗ Thị Thu Hà, Phụ trách văn phòng UNFPA tại Việt Nam cho biết: Bạo lực và quấy rối tình dục thường được coi là chủ đề nhạy cảm để chia sẻ, thảo luận trước công chúng. Hơn nữa những định kiến chống lại nạn nhân BLTD đã làm cho họ chưa được bảo vệ một cách đầy đủ và phải đối mặt với những hậu quả tiêu cực khi lên tiếng và đi tìm công lý. Họ thường bị đổ lỗi và còn bị cho là phải chịu trách nhiệm đối với những hành vi bạo lực hay quấy rối. Chính vì điều đó, nhiều người đã không tin vào các câu chuyện mà phụ nữ đã chia sẻ, thậm chí có người còn quay lưng chống lại họ, đẩy họ vào tình thế im lặng. 

Một nghiên cứu ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội năm 2014 cho thấy trong số những người bị quấy rối tình dục được phỏng vấn, chỉ có 1,9% nói rằng họ đã tìm kiễm hỗ trợ từ cơ quan chức năng, còn trong số những người đã chứng kiến phụ nữ bị quấy rối ở khu vực công cộng, 65% chia sẻ đã không thực hiện bất kỳ hành động hỗ trợ nào giúp nạn nhân.

Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái phải kết thúc ngay bây giờ

Tại Tọa đàm, các đại biểu đã thảo luận về một số giải pháp để giải quyết vấn đề BLTD. Trong đó, cần tập trung:

Thiết lập các dịch vụ hỗ trợ có chất lượng bao gồm chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ tâm lý, an toàn, trợ giúp pháp lý và hệ thống tư vấn hỗ trợ thông tin sẵn có và dễ tiếp cận với nạn nhân của BLTD. Để đảm bảo các dịch vụ này được cung cấp một cách hiệu quả, cần thiết phải có sự tiếp cận đa ngành, phối hợp tốt để giảm thiểu các tác động có hại và ngăn ngừa các tổn thương và thiệt hại không đáng có.

Thứ hai, phải thay đổi tư duy và thái độ của người dân về bạo lực giới, đặc biệt là BLTD, bao gồm quấy rối tình dục. Nam giới cần phải nhận ra rằng phụ nữ bình đẳng với họ, và tôn trọng quyền của phụ nữ để đảm bảo phụ nữ được an toàn trong bất kỳ môi trường nào ở nhà, nơi làm việc hay ở nơi công cộng. Hầu hết nam giới là những người ra quyết định trong xã hội và trong gia đình, vì vậy nam giới sẽ là tác nhân để thay đổi và ngăn chặn bạo lực giới. Các mô hình vai trò nam giới tích cực cần phải được xác định và khuyến khích để ủng hộ cho sự thay đổi xã hội. 
 
Thứ ba, cần phải có số liệu thống kê quốc gia toàn diện về BLTD đối với phụ nữ và trẻ em gái trong mọi môi trường. Hiện nay, UNFPA đã phối hợp với Bộ LĐTBXH và Tổng cục Thống kê để cập nhật các số liệu cũng như mở rộng phạm vi khảo sát quốc gia về bạo lực trên cơ sở giới lần 2. Dữ liệu từ cuộc khảo sát quốc gia này sẽ cung cấp bằng chứng quan trọng làm cơ sở cho việc xây dựng các hoạt động để chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái.
 
Cuối cùng, cần cải thiện các luật hiện hành và việc thực thi pháp luật cũng là việc rất quan trọng để đảm bảo công lý được thực thi với các trường hợp BLTD. 
 
Bạo lực tình dục xảy ra trên toàn thế giới và phần lớn nạn nhân là phụ nữ và trẻ em gái với tỷ lệ nạn nhân cao hơn ở độ tuổi thanh niên và thiếu niên. Tại Việt Nam, kết quả điều tra năm 2016 của Bộ LĐTBXH và Tổ chức ActionAid tại năm tỉnh và thành phố cho thấy 51% phụ nữ thừa nhận rằng họ đã từng bị quấy rối tình dục ít nhất một lần.
 

Bài và ảnh: Thảo Vân/ GĐTE

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...