THỨ NĂM, NGÀY 25 THÁNG 04 NĂM 2024 07:16

Bảo vệ quyền trẻ em trước tác động của biến đổi khí hậu

18/08/2020 | 16:35

Trẻ em lên tiếng về môi trường và biến đổi khí hậu.

Trẻ em ngày càng quan tâm đến vấn đề môi trường

Theo báo cáo Tiếng nói Trẻ em Việt Nam do Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững MSD và Tổ chức Cứu trợ Trẻ em thực hiện và công bố vào tháng 6 vừa qua, cứ 8 trong số 10 trẻ em được hỏi cảm thấy lo lắng về các vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu. Ngoài ra, trong 12 tháng qua, cứ 3 trẻ em thì có 1 trẻ không thể đến trường và tham gia các hoạt động vui chơi ngoài trời vì biến đổi khí hậu và các vấn đề môi trường. 50% trẻ em nói rằng cuộc sống của các em trong tương lai sẽ khác với hiện tại do tác động của biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, một tín hiệu đáng mừng là hiện nay, ngày càng có nhiều người, nhiều quốc gia quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường. Và trẻ em - những thế hệ tương lai của thế giới cũng rất quan tâm về vấn đề môi trường và có rất nhiều ý tưởng, sáng kiến hiệu quả góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực của ô nhiễm môi trường.

Tại buổi Toạ đàm trực tuyến: “Tôi chọn hành tinh xanh – Tiếng nói trẻ em và thanh thiếu niên Việt Nam về môi trường” do MSD phối hợp với Tổ chức Cứu trợ Trẻ em thực hiện ngày 16/8/2020, các diễn giả và đại diện trẻ em đã cùng nhau chia sẻ về những vấn đề môi trường mà trẻ em đang quan tâm, những đề xuất, sáng kiến về môi trường của các em, cũng như những cách thức để khuyến khích, hỗ trợ trẻ em đóng góp tiếng nói và hành động về gìn giữ màu xanh của trái đất.

Đam mê và đã thực hiện nhiều hoạt động, dự án về môi trường, em Nguyễn Bá Khang Hưng bày tỏ: “Em cảm thấy rất vui vì càng ngày càng có nhiều trẻ em quan tâm đến các vấn đề về môi trường, điều này giúp cho việc tìm ra giải pháp cho việc cải thiện bảo vệ môi trường sẽ ngày càng có thêm nhiều tiềm năng. Em nhận ra nếu mình chỉ hành động một mình thì sẽ không thể hiệu quả bằng việc nhiều người cùng tham gia. Chính vì thế, việc bảo vệ môi trường cần sự chung tay của rất nhiều người.”

Em Chu Hoa Bảo Trâm, Top 10 thiếu nhi tiêu biểu thủ đô giai đoạn 2015 – 2020 chia sẻ: “Việc ô nhiễm không khí nói riêng và ô nhiễm môi trường nói chung đang là một vấn đề rất là nan giải. Việc bảo vệ môi trường cần nỗ lực từ những hành động rất nhỏ. Bên cạnh việc học tập, chúng em rất muốn bố mẹ tạo điều kiện để chúng em tham gia nhiều hoạt động ngoại khoá, những hoạt động bảo vệ môi trường để có thể phát triển toàn diện.”

Là một người đã có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực môi trường và kết nối các nhóm thanh thiếu niên, bà Đỗ Vân Nguyệt, Giám đốc Trung tâm Live&Learn Việt Nam cho biết: Người lớn đang đặt ra rất nhiều những băn khoăn về việc lựa chọn giữa kinh tế và môi trường. Tuy nhiên, chúng ta lại quên mất rằng trẻ em cũng là những công dân, những người phải đối mặt trực tiếp bởi những hậu quả của việc ô nhiễm môi trường đầu tiên. “Thông qua việc tham gia vào việc bảo vệ môi trường cùng các bạn trẻ trong suốt nhiều năm qua, tôi nhận thấy trẻ em có rất nhiều ý tưởng sáng tạo trong việc hành động bảo vệ môi trường. Bất cứ hành động nào, chỉ cần người lớn lắng nghe và quan sát thì sẽ thấy rất nhiều những sự đóng góp của trẻ em trong hành trình này”, bà Nguyệt nói.

Khuyến khích, hỗ trợ trẻ em đóng góp tiếng nói và hành động bảo vệ môi trường

Trong nỗ lực bảo vệ quyền con người trước tác động của biến đổi khí hậu, Việt Nam đặc biệt chú ý đến quyền của trẻ em với ba nội dung ưu tiên là: xây dựng các chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu lấy trẻ em làm trung tâm, nâng cao nhận thức về tác động của biến đổi khí hậu đối với trẻ em và tăng cường hợp tác quốc tế, khu vực trong việc ứng phó với những tác động của biến đổi khí hậu đối với trẻ em.

Thực tiễn, Việt Nam đã lồng ghép các nội dung về quyền trẻ em trong chính sách quốc gia về biến đổi khí hậu, coi trọng việc xử lý tác động của biến đổi khí hậu đối với quyền trẻ em trong tiến trình thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Việt Nam cũng nỗ lực hợp tác với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và các đối tác trong xây dựng chiến lược giảm thiểu rủi ro thiên tai lấy trẻ em làm trung tâm. Việt Nam cũng tăng cường truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của trẻ em về biến đổi khí hậu, khuyến khích trẻ em thực sự tham gia, đóng góp vào nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai. Một trong những điểm sáng của vấn đề này là Việt Nam đã nỗ lực huy động nhà trường, gia đình và toàn xã hội trang bị cho trẻ em những kiến thức cơ bản về môi trường, biến đổi khí hậu, cũng như những kỹ năng cần thiết để giảm thiểu rủi ro do thiên tai.

Ông Vương Đình Giáp - Giám đốc Thực hiện Chương trình, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em nhấn mạnh, gần đây Chính phủ Việt Nam đang làm rất tốt trong việc thúc đẩy sự tham gia của trẻ em. Chúng tôi kêu gọi chính phủ và các cơ quan chức năng tiếp tục phát huy hơn nữa trong những hoạt động thiết kế, tham vấn các hoạt động liên quan đến trẻ em và môi trường, cũng như biến đổi khí hậu. “Trong các hoạt động của Tổ chức Cứu trợ trẻ em tại Việt Nam, chúng tôi luôn lấy trẻ em làm trọng tâm và các em có quyền tham gia vào việc xây dựng khung chương trình về những vấn đề liên quan trực tiếp đến trẻ em”, ông Giáp chia sẻ.

Cứ 10 trẻ em thì có 9 trẻ cho rằng mình không có hoặc có ít cơ hội để bày tỏ ý kiến của mình với người có thẩm quyền ra quyết định. Trong khi đó, gần 90% trẻ em nói rằng việc người lớn lắng nghe tiếng nói trẻ em là rất quan trọng (1 trong 15 phát hiện nổi bật của Báo cáo khảo sát tiếng nói trẻ em Việt Nam) .

Vân Nhi/ GĐTE

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

5 tháng trước

Tại Quảng trường Đại đoàn kết, thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai, tối 11/11 đã khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch, liên hoan trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên Gia Lai 2023 với chủ đề “Gia...