THỨ NĂM, NGÀY 25 THÁNG 04 NĂM 2024 06:15

Bảo vệ trẻ em khỏi nguy cơ xâm hại qua môi trường mạng

19/11/2021 | 06:32
Ảnh hưởng bởi đại dịch, học sinh học trực tuyến, giải trí online, làm tăng nguy cơ trẻ em tiếp cận với các thông tin độc hại, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là tình trạng xâm hại tình dục trẻ em. Để ngăn ngừa hệ luỵ, các ngành chức năng thành phố Đà Nẵng có nhiều nỗ lực trong việc giúp trẻ em phòng, chống nguy cơ bị xâm hại tình dục qua môi trường mạng.

Đà Nẵng triển khai dự án giúp phụ huynh, giáo viên và học sinh có kỹ năng, kiến thức phòng ngừa

Ông Trần Công Nguyên, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH thành phố Đà Nẵng cho biết, nhằm bảo vệ trẻ em, thanh, thiếu niên tránh những cái xấu, thời gian qua, Sở LĐ-TB&XH tích cực phối hợp các sở, ngành triển khai dự án “Bảo vệ trẻ em và thanh, thiếu niên khỏi nguy cơ xâm hại tình dục qua môi trường mạng” giúp phụ huynh, giáo viên và học sinh có kỹ năng, kiến thức phòng ngừa.

Trẻ em cần được trang bị kỹ năng nhận diện nguy cơ bị lạm dụng khi sử dụng Internet. Ảnh: An Nhiên (Ảnh mang tính minh hoạ)

Trẻ em cần được trang bị kỹ năng nhận diện nguy cơ bị lạm dụng khi sử dụng Internet. Ảnh: An Nhiên (Ảnh mang tính minh hoạ)

Từ năm 2018, Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng và Tổ chức Tầm nhìn thế giới quốc tế tại Việt Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác và triển khai dự án “Bảo vệ trẻ em và thanh, thiếu niên khỏi nguy cơ xâm hại tình dục qua môi trường mạng”.

Theo đó, dự án triển khai ở địa bàn 9 phường thuộc các quận Hải Châu, Sơn Trà, Cẩm Lệ và 12 trường THPT và THCS. Sau 3 năm thực hiện, có 15.000 trẻ em, thanh, thiếu niên được nâng cao kiến thức, kỹ năng bảo vệ bản thân và bạn bè; được tiếp cận các dịch vụ chất lượng, thân thiện với trẻ về an toàn mạng. Bên cạnh đó, có 8.000 phụ huynh, người chăm sóc trẻ, giáo viên được nâng cao kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em từ các nguy cơ xâm hại tình dục trên môi trường mạng.

Nâng cao cảnh giác, phòng ngừa nguy cơ xâm hại tình dục trẻ em

Thầy Nguyễn Đức Tú Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Tây Sơn, Đà Nẵng cho biết, từ năm 2018, Nhà trường đưa chương trình giáo dục với các nội dung “Bảo vệ trẻ em và thanh, thiếu niên khỏi nguy cơ xâm hại tình dục qua môi trường mạng”, trang bị kiến thức, kỹ năng cho giáo viên và học sinh. Thông qua các buổi chào cờ, giờ học ngoại khóa, các em tham gia các cuộc thi được trang bị các kiến thức, kỹ năng phòng, ngừa các nguy cơ xâm hại tình dục qua mạng. Bên cạnh đó, nhà trường cũng lập tổ tư vấn để hỗ trợ, giúp đỡ các em khi chẳng may bị lôi kéo, quấy rầy…

Ở một số trường THPT, học sinh cũng được trang bị các kiến thức để phòng ngừa nguy cơ xâm hại tình dục qua mạng. Em N.T.T, học sinh Trường THPT Tôn Thất Tùng cho hay, trong quá trình học tập tại trường, thầy cô giáo cũng nhiều lần phổ biến kiến thức, hướng dẫn kỹ năng phòng ngừa tác hại xấu, nhất là các hành vi lôi kéo, xâm hại tình dục qua môi trường mạng. “Để chủ động phòng ngừa cái xấu, nhất là bị xâm hại tình dục trên môi trường mạng, các bạn học sinh không nên đưa quá nhiều hình ảnh của mình lên mạng xã hội; đồng thời, tuyệt đối không kết bạn, nói chuyện với những người không quen biết. Đặc biệt, đừng tò mò truy cập vào những trang web có nội dung bậy bạ. Đó là cách tự bảo vệ mình hiệu quả nhất”, T. chia sẻ.

Giúp hạn chế được những chuyện đau lòng có thể xảy ra đối với các em

Ông Ngô Ngọc Hoàng Vương, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho rằng, Dự án triển khai thực hiện ở một số trường trên địa bàn thành phố trong thời gian qua mang lại những hiệu quả tích cực. Học sinh ở những trường được hưởng thụ dự án được bồi dưỡng kiến thức, trang bị các kỹ năng phòng, chống các nguy cơ xâm hại tình dục qua môi trường mạng. Nhờ đó, nhận thức của các em có sự chuyển biến rõ rệt, điều này giúp hạn chế được những chuyện đau lòng có thể xảy ra đối với các em.

Cũng theo ông Trần Công Nguyên, trên cơ sở tài liệu tuyên truyền, tập huấn, giáo dục kỹ năng của Dự án, các ngành chức năng thành phố, UBND các quận, huyện cần nhân rộng cho tất cả trẻ em, thanh, thiếu niên tham gia, giúp các em “miễn dịch” trước nguy cơ xâm hại tình dục qua môi trường mạng. Thời gian tới Sở LĐ-TB&XH sẽ đề xuất Tổ chức Tầm nhìn thế giới tại Việt Nam tiếp tục hỗ trợ các dự án liên quan đến việc bảo vệ trẻ em.   

Các em tham gia Thảo luận nhóm trực tuyến. Ảnh: An Nhiên

Các em tham gia Thảo luận nhóm trực tuyến. Ảnh: An Nhiên

Trong khuôn khổ dự án “Bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên khỏi nguy cơ bị xâm hại tình dục qua môi trường mạng”, mới đây Trung tâm Công tác xã hội thành phố Đà Nẵng đã tổ chức các lớp tập huấn trực tuyến về Kỹ năng tham vấn tâm lý cho trẻ là nạn nhân của xâm hại tình dục qua môi trường mạng cho nhân viên Trung tâm Công tác xã hội, lãnh đạo và giáo viên phụ trách Điểm công tác xã hội trường học tại 2 trường THCS: Trần Quý Cáp và Tây Sơn.

Qua 2 ngày tập huấn, TS. Lê Thị Duyên - Giảng viên khoa Tâm lý Trường Đại học sư phạm Đà Nẵng cho biết, lớp tập huấn đã cung cấp và chia sẻ những kiến thức và kỹ năng như: Nhận diện những vấn đề học sinh gặp phải trong xâm hại tình dục trẻ em qua mạng; các kỹ năng tham vấn, lắng nghe đặt câu hỏi, xử lý tình huống im lặng và kỹ năng giải quyết mâu thuẫn. Đặc biệt, trong thời gian tập huấn, báo cáo viên và đại biểu tham gia đã đưa ra các bài tập tình huống và thực tế của học đường để cùng nhau thực hành, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm trong việc xử lý. Qua đó, nhân viên công tác xã hội và giáo viên phụ trách Điểm Công tác xã hội tại hai trường có thể vận dụng những kiến thức từ lớp tập huấn vào quá trình tương tác với học sinh, can thiệp, hỗ trợ học sinh của nhà trường khi có nhu cầu trợ giúp.

Đại biểu tham gia lớp tập huấn qua hình thức trực tuyến.

Đại biểu tham gia lớp tập huấn qua hình thức trực tuyến.

Tháng 10/2021, Trung tâm Công tác xã hội thành phố Đà Nẵng đã tổ chức 5 đợt Tham vấn nhóm trực tuyến về nhu cầu hỗ trợ sức khỏe tâm lý xã hội, phòng ngừa và ứng phó với nạn bạo hành trẻ em cho các nhóm, câu lạc bộ thanh thiếu niên trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Qua đó, những kiến thức về Công ước quyền Trẻ em, sức khỏe tâm lý xã hội, các vấn nạn bạo hành trẻ em, bao gồm trong đời sống thực, tình trạng bắt nạt trên mạng, lạm dụng tình dục trực tuyến, những hiểu biết về phòng ngừa, ứng phó với nạn bạo hành trẻ em được các em chia sẻ trao đổi thẳng thắn và tiếp nhận các thông tin. Nhiều câu chuyện bạo hành từ gia đình, trường học, trong đời sống xã hội và trên mạng được các em tâm sự và chia sẻ. Qua đó cho thấy, nhiều em vẫn chưa hiểu rõ hoặc hiểu chưa đầy đủ và chưa có những ứng phó phù hợp đối với các vụ bạo hành mà chính các em là nạn nhân.

Một số vụ bạo hành được các em chia sẻ qua Tham vấn nhóm, một em nữ chia sẻ về câu chuyện theo em mãi đến bây giờ đó là em bị xâm hại tình dục. Nó không nặng đến mức là quan hệ sâu xa nhưng đâu đó một phần bị người ta đụng chạm vào lúc mình không biết lúc đấy là bị xâm hại (lớp 5), cho đến khi em lớp 6,7 thì mới biết được hành vi người đó làm với mình là xâm hại tình dục. Lúc đó, mình biết được như vậy mình cảm thấy ghê tởm, sợ - sợ rất nhiều thứ, những điều đó đều tác động đến em về tâm lý và những thứ khác đối với em vì em bị xâm hại trong chính môi trường sống của mình.

Kết quả các đợt Tham vấn nhóm đã nâng cao năng lực cho các em về các kiến thức và kỹ năng về Công ước Quyền trẻ em, sức khỏe tâm lý xã hội, phòng ngừa và ứng phó với nạn bạo hành trẻ em. Từ đó, các em có thể áp dụng để bảo vệ bản thân và những người xung quanh.

Ngoài ra, thành phố Đà Nẵng đã tập trung phát triển các dịch vụ hỗ trợ trẻ em có nguy cơ và trẻ em là nạn nhân bị xâm hại trên môi trường không gian mạng, xây dựng bộ tài liệu truyền thông về phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng, tư vấn và hỗ trợ bảo vệ trẻ em qua Tổng đài 1022.

Việt Cường
Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...
“Tấm khiên” bảo vệ trẻ em trên không gian mạng

“Tấm khiên” bảo vệ trẻ em trên không gian mạng

2 năm trước

Thời đại công nghệ 4.0, việc "sống chung" với điện thoại, máy tính là điều không thể tránh khỏi và nguy cơ trẻ nghiện game online cũng từ đó tăng lên. Thời gian qua, bảo vệ trẻ em trên...