THỨ SÁU, NGÀY 29 THÁNG 03 NĂM 2024 01:41

Bảo vệ trẻ em thời kỳ sống chung với Covid-19 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai

18/11/2021 | 20:49
Thông tin từ CDC Đồng Nai cho biết, trong đợt dịch thứ 4 bùng phát, tính đến ngày 16/11, trẻ từ 17 đến dưới 18 tuổi hơn 12,4 ngàn ca (chiếm 15,60%), trẻ từ 12-17 tuổi hơn 4,2 ngàn ca (chiếm 5,31%) và trẻ dưới 12 tuổi hơn 8,1 ngàn ca (chiếm 10,29%). Toàn tỉnh Đồng Nai ghi nhận gần 80 ngàn ca bệnh Covid-19.
Trẻ em bị bệnh Covid-19 được chăm sóc tại bệnh viện dã chiến tỉnh Đòng Nai. Ảnh: P.Liễu

Trẻ em bị bệnh Covid-19 được chăm sóc tại bệnh viện dã chiến tỉnh Đòng Nai. Ảnh: P.Liễu

Đến nay, trẻ em trên địa bàn tỉnh Đồng Nai từ 15-17 tuổi được tiêm vaccine ngừa Covid-19, còn trẻ ở độ tuổi nhỏ hơn thì chưa. Do đó, trẻ em là đối tượng nguy cơ mắc bệnh cao khi cuộc sống trở lại trạng thái “bình thường mới”. Thực tế, số ca F0 là trẻ em đang gia tăng nhanh khiến nhiều gia đình lo lắng.

Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật CDC Đồng Nai, thuộc Sở Y tế, chỉ trong 1 tuần sau khi thực hiện “nới lỏng” giãn cách xã hội (sau ngày 8/10), đã có đến 900 trẻ em bị nhiễm Covid-19. Còn tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, khi chưa “nới lỏng” giãn cách, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận từ 3-6 ca trẻ em nhiễm Covid-19, nhưng từ khi trở về “bình thường mới”, số ca F0 trẻ em tăng cao đột ngột với trên 30 ca/ngày. Phần lớn trẻ nhiễm Covid-19 được phát hiện khi trong nhà có người nhiễm hoặc khi trẻ được người thân đưa đi khám bệnh do thấy các triệu chứng: sốt, ho, khò khè giống như bệnh viêm đường hô hấp thông thường khác.

Theo Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai Nguyễn Lê Đa Hà, tính từ thời điểm đợt dịch thứ 4 bùng phát đến ngày 15/11, bệnh viện đã tiếp nhận gần 1 ngàn ca trẻ nhiễm Covid-19. Cao điểm trong 2 tuần sau “nới lỏng” giãn cách xã hội, mỗi ngày có đến 30-40 ca trẻ F0 được phát hiện, phần lớn ở độ tuổi dưới 5, số ít khoảng 7-8 tuổi và hầu hết trong số này đều không có triệu chứng.

Hiện công tác tiếp nhận và điều trị cho các ca trẻ F0 của bệnh viện gặp không ít khó khăn từ cơ sở vật chất đến nhân lực phục vụ điều trị. Tuy nhiên, bệnh viện đã rất nỗ lực để điều trị cho các bệnh nhi F0, đến nay chỉ ghi nhận 2 ca F0 trẻ em suy hô hấp nặng, gồm 1 trẻ sinh non và 1 trẻ béo phì. Các trẻ chuyển nặng đang được điều trị tích cực. Ngoài ra, bệnh viện cũng hỗ trợ cách ly những F1 là người thân của trẻ F0.

Công tác bảo vệ trẻ khi sống chung với dịch trên địa bàn tỉnh

Đồng Nai, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp với số ca mắc dao động từ 600 đến hơn 900 ca/ngày, nhiều ca ghi nhận ngoài cộng đồng. Trong khi đó, trẻ em dưới 15 tuổi là nhóm tuổi chưa được tiêm vaccine ngừa Covid-19 nên là “vùng trắng” để virus tấn công. Do đó, việc bảo vệ các trẻ khi phải chung sống với dịch bệnh cần được các gia đình đặc biệt quan tâm.

BS Nguyễn Thanh Quyền, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, trẻ em dễ bị nhiễm virus SARS-CoV-2 là do chưa được tiêm ngừa vaccine, khả năng đề kháng yếu, hệ thống miễn dịch ở trẻ chưa phát triển đầy đủ. Phần lớn các trẻ nhiễm bệnh đều ở thể nhẹ, tuy nhiên đối với những trẻ có bệnh lý nền như: suyễn, tim bẩm sinh, bệnh tự miễn hay béo phì thì bệnh lý nền có thể trở nặng một khi nhiễm Covid-19. Đối với những trường hợp này, trẻ dễ bị chuyển nặng và khả năng để lại di chứng kéo dài, dẫn đến xuất hiện các vấn đề như: viêm cơ tim, sương mù não, nhức đầu, mệt mỏi và gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Do đó, giữ gìn để các trẻ không bị nhiễm virus SARS-CoV-2 là trách nhiệm của các bậc cha mẹ. Theo khuyến cáo của BS Hồ Thị Hồng (CDC Đồng Nai), cha mẹ cần thực hiện nghiêm thông điệp 5K. Khi ra ngoài về nhà phải thay đồ, vệ sinh thân thể trước khi tiếp xúc với trẻ. Ngoài ra, phải tăng cường các biện pháp phòng bệnh cho trẻ như: đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý để tăng cường sức đề kháng; giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, đảm bảo vệ sinh môi trường xung quanh, nhà cửa thông thoáng, lau chùi thường xuyên các vật dụng trong nhà và đồ chơi của trẻ, vệ sinh tay cho trẻ thường xuyên; đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine khác theo đúng lịch để tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ.

“Khi cho trẻ ra đường, cha mẹ cần hướng dẫn trẻ tuân thủ việc đeo khẩu trang đúng cách, hạn chế đến nơi đông người, hạn chế đưa tay lên mũi, miệng để tránh lây nhiễm bệnh và thường xuyên rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy. Cha mẹ, người chăm trẻ cũng có thể hướng dẫn các em súc miệng nước muối mỗi ngày 2 lần” - BS Hồng khuyến cáo.         

KT
Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

4 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...
Thưởng - phạt theo phương pháp giáo dục tích cực

Thưởng - phạt theo phương pháp giáo dục tích cực

2 năm trước

Bạo lực sẽ để lại rất nhiều tổn thương cho trẻ, đôi khi một lời mắng gây ra cú sốc tâm lý đối với trẻ ngang với bỏng cấp độ 2-3. Thế nhưng, không phải ai cũng biết cách...
Điều chỉnh Bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi

Điều chỉnh Bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi

2 năm trước

Để chuẩn bị cho việc điều chỉnh Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi, mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phối hợp với Tổ chức cứu trợ trẻ em tổ chức tọa đàm về kết quả...
Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan chúc mừng các nhà giáo nhân ngày 20/11

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan chúc mừng các nhà giáo nhân ngày 20/11

2 năm trước

Nhân kỷ niệm 39 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2021), chiều 17/11, đồng chí Đào Hồng Lan, Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh đến...