THỨ SÁU, NGÀY 26 THÁNG 04 NĂM 2024 03:44

Bảo vệ trẻ em trong thiên tai và mùa mưa lũ

13/10/2022 | 16:13
Trẻ em là một trong những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các đợt mưa lũ, thiên tai xảy ra gần đây tại Việt Nam. Theo ước tính, bình quân trong vòng 20 năm trở lại đây, mỗi năm thiên tai gây thiệt hại về kinh tế từ 1% đến 1,5% GDP; khiến gần 329 người chết và mất tích, trong đó các đối tượng dễ bị tổn thương là trẻ em bị ảnh hưởng và chịu tác động từ thiên tai chiếm 35%.
Những chuyến đò vận chuyển miễn phí, đưa trẻ đến trường an toàn. Ảnh Hữu Huynh

Những chuyến đò vận chuyển miễn phí, đưa trẻ đến trường an toàn. Ảnh Hữu Huynh

Cần xác định những rủi ro thiên tai mà trẻ dễ bị tổn thương nhất

Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết, hàng năm có 35% trẻ em chịu ảnh hưởng từ thiên tai, do vậy cần xác định được những rủi ro thiên tai mà trẻ em dễ bị tổn thương nhất, trên cơ sở đó có các giải pháp ứng phó hiệu quả.

Theo bà Lương Minh Ngọc (Chuyên gia giảm nhẹ rủi ro thiên tai, UNICEF tại Việt Nam), Việt Nam có khoảng 27 triệu trẻ em, chiếm trên 28% dân số. Trẻ em là một trong những đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất bởi thiên tai và biến đổi khí hậu. Khi thiên tai xảy ra, trẻ dễ có nguy cơ tử vong, thương tật, bệnh tật, tàn tật, các vấn đề tâm lý xã hội; kết quả giáo dục thấp hơn và giảm khả năng học tập suốt đời, dẫn đến thiếu cơ hội việc làm; giảm khả năng tiếp cận với nước an toàn và các công trình vệ sinh ở trường học, gia đình và cộng đồng. Do đó, ưu tiên việc đảm bảo an toàn, tiếp cận nước sạch, công trình vệ sinh, chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng, giáo dục, hỗ trợ tâm lý - xã hội… là những việc cần làm để bảo vệ trẻ em trong mùa mưa lũ. Bà Lương Minh Ngọc nhấn mạnh, để giảm thiểu rủi ro thiên tai đối với trẻ em, cần tiếp tục thực hiện chương trình ứng phó với các trường hợp khẩn cấp thông qua giáo trình trường học an toàn, cung cấp bộ dụng cụ phát triển trẻ khẩn cấp, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ tâm lý xã hội sau thiên tai, khám sàng lọc suy dinh dưỡng cấp tính nặng, cung cấp vật tư về nước sạch...

Theo các chuyên gia, phương pháp hiệu quả nhất vẫn là việc giáo dục về phòng chống thiên tai tại trường học. PGS.TS Nguyễn Hồng Phương - Viện Vật lý địa cầu cho rằng, cần đưa chương trình giáo dục về bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu vào nhà trường từ những cấp thấp như tiểu học đến những cấp cao nhất như đại học. Cách tiếp cận linh hoạt tùy theo từng cấp học, với các kiến thức được mở rộng và nâng cao dần.

Ở các cấp thấp như tiểu học hay trung học, môn học phù hợp để lồng ghép các kiến thức này có thể là Giáo dục công dân hay các hoạt động ngoại khóa, các hình thức tham quan hay tọa đàm với chuyên gia ngay tại lớp.

Các trường đại học cũng cần có những bộ môn chuyên sâu về khoa học và công nghệ liên quan đến đánh giá mức độ nguy hiểm, ước lượng rủi ro do thiên tai và các biện pháp phòng chống thiên tai.

Trên thực tế, thời gian qua nhiều địa phương đã có nhiều cách làm hay để bảo vệ trẻ em trong mùa mưa lũ. Ðiển hình như tại huyện An Phú (tỉnh An Giang), nhiều năm qua, do nước lũ từ thượng nguồn đổ về nhiều, cùng với triều cường lên cao đã gây chia cắt nhiều tuyến đường nông thôn. Nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh trong mùa mưa lũ, ngành GD&ÐT huyện phối hợp các xã đã tổ chức đưa rước học sinh đi học an toàn. Bằng tất cả giải pháp và tình thương, huyện cố gắng không để các em bị gián đoạn học tập do lũ chia cắt và mô hình nhân văn này được huyện An Phú duy trì từ nhiều năm nay.

Theo ông Võ Hoàng Lâm, Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện An Phú, toàn huyện có khoảng 160 học sinh ở xã Vĩnh Hội Ðông, Vĩnh Hậu, Phú Hữu, Vĩnh Lộc cần đưa đón đi học hàng ngày nếu lũ lên cao hơn. Số học sinh này chưa bao gồm số học sinh hàng ngày di chuyển qua sông bằng đò. Mỗi ngày, Xã đội phối hợp các trường ở xã Vĩnh Hậu và Vĩnh Hội Ðông đưa đón hơn 50 học sinh đi học để đảm bảo an toàn cho các em. Ngoài ra, các bến đò trên địa bàn còn vận chuyển miễn phí hơn 100 lượt học sinh (của huyện An Phú và TX. Tân Châu) qua sông để đến trường hàng ngày.

Phụ huynh đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo an toàn cho trẻ em. Ảnh Hữu Huynh

Phụ huynh đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo an toàn cho trẻ em. Ảnh Hữu Huynh

Chiến dịch truyền thông "Cùng em hành động sớm - Sẵn sàng trước thiên tai và biến đổi khí hậu"

Nhằm thu hút sự quan tâm của toàn xã hội, nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng ngừa, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu của trẻ em, nhà trường, gia đình và cộng đồng, đồng thời, lan tỏa thông điệp hành động sớm, không bị động trước các rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu, nhân Ngày Quốc tế phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai và Ngày ASEAN về Quản lý thiên tai (13/10) năm nay, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai phối hợp với UNICEF tại Việt Nam tổ chức Chiến dịch truyền thông "Cùng em hành động sớm - Sẵn sàng trước thiên tai và biến đổi khí hậu".

Chiến dịch truyền thông được thực hiện từ tháng 10 đến tháng 12/2022 với chuỗi sự kiện, cuộc thi trực tiếp và trên Internet về tìm hiểu kiến thức, thực hành kỹ năng về phòng, chống thiên tai lấy trẻ em làm trung tâm, trong đó các sự kiện lớn được thực hiện tại thành phố Ðà Nẵng nơi thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, lũ, bão của Việt Nam.

Một số thông điệp truyền thông trong Chiến dịch:

- Cùng em hành động sớm - Giáo dục trẻ cách phòng ngừa, ứng phó, giảm nhẹ hậu quả của những biến đổi khí hậu là một vấn đề quan trọng góp phần kiến tạo thế hệ tương lai toàn diện.

- Cùng em hành động sớm - Chung tay bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em trước thiên tai và biến đổi khí hậu.

- Cùng em hành động sớm - Lắng nghe bằng trái tim, bảo vệ bằng hành động.

- Cùng em hành động sớm - Ðồng lòng trước thiên tai vì một thế giới an toàn hơn, kiên cường hơn.

- Phòng chống thiên tai luôn là nhiệm vụ hàng đầu, thường xuyên và liên tục nhằm chuẩn bị sẵn sàng bảo vệ tính mạng, sức khỏe, đời sống và tài sản của mọi nhà.

- Trẻ em chính là tương lai của thế giới, chuẩn bị hành trang cho trẻ trong việc phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu chính là việc làm cấp thiết nhất cho một thế giới tốt đẹp hơn.

Ngay sau khi cơn bão số 4 và hoàn lưu sau bão qua đi, UNICEF tại Việt Nam đã triển khai những hành động hỗ trợ khẩn cấp vô cùng kịp thời và hiệu quả. Điển hình là đã kết nối tài trợ 500 thiết bị lọc nước cho người dân chịu thiệt hại do lũ quét tại tỉnh Nghệ An. Đại diện UNICEF tại Việt Nam đã tham gia đoàn công tác của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo, trực tiếp trao quà, hiện vật đến tận tay người dân gặp khó khăn.

Châu Anh Hưng
Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...
Bé gái 3 tuổi bị đóng đinh vào đầu: VKS đề nghị điều tra trách nhiệm người mẹ

Bé gái 3 tuổi bị đóng đinh vào đầu: VKS đề nghị điều tra trách nhiệm người mẹ

1 năm trước

Đại diện VKS đề nghị HĐXX trả hồ sơ vụ bé gái 3 tuổi bị đóng đinh vào đầu, để điều tra bổ sung đối với người mẹ vì có dấu hiệu che giấu tội phạm.
Kỳ tích cứu bé trai bị xe tải tông thẳng vào ngực trải qua 2 lần kích hoạt báo động đỏ

Kỳ tích cứu bé trai bị xe tải tông thẳng vào ngực trải qua 2 lần kích hoạt báo động đỏ

1 năm trước

Vừa qua, bé N.H.Q. (12 tuổi, ngụ TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương), bị xe ô tô tải lớn tông trực tiếp vào vùng vai cánh tay trái và toàn bộ lồng ngực. Sau tai nạn, bệnh nhi được người dân đưa vào...
Những sai lầm gây ảnh hưởng xấu tới tính cách của con

Những sai lầm gây ảnh hưởng xấu tới tính cách của con

1 năm trước

Bố mẹ nào cũng mong muốn nuôi dạy con trở thành người tốt và có ích. Nhưng đôi khi, việc áp đặt, đòi hỏi… sẽ gây ảnh hưởng xấu tới con bạn.