THỨ BẨY, NGÀY 20 THÁNG 04 NĂM 2024 09:22

Bảo vệ trẻ em trước những hiểm họa đến từ lòng đất

02/12/2021 | 10:23
Trên những vùng đất xưa kia từng là chiến trường ác liệt, thi thoảng chúng ta lại nghe thấy một vụ tai nạn đau lòng mà nguyên nhân là do hậu quả của bom mìn, vật liệu chưa nổ còn sót lại sau chiến tranh gây ra. Những cái chết thảm khốc, những nỗi đau tật nguyền của trẻ em do các em vô tình vướng phải bom mìn khi đi học, đi chơi kiếm củi, chăn trâu bò, làm nương giúp cha mẹ... là điều khó có thể chấp nhận.
Dạy cho học sinh biết những vật liệu nổ còn sót lại để phòng tránh tai nạn thương tích do bom mìn. (Ảnh tư liệu)

Dạy cho học sinh biết những vật liệu nổ còn sót lại để phòng tránh tai nạn thương tích do bom mìn. (Ảnh tư liệu)

Những cái chết bất ngờ

Việt Nam là một trong những quốc gia phải gánh chịu hậu quả nặng nề của bom mìn, vật nổ còn sót lại sau các cuộc chiến tranh. Theo kết quả nghiên cứu tổng hợp về hiện trạng tồn lưu ô nhiễm bom mìn, vật nổ sau chiến tranh, diện tích đất đai Việt Nam hiện bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ là 6,1 triệu ha, chiếm 18,71% diện tích đất cả nước. Số bom mìn, vật liệu chưa nổ sót lại sau chiến tranh hiện nằm rải rác tại 63/63 tỉnh, thành phố, nhưng tập trung nhất ở các tỉnh miền Trung. Mặc dù thời gian qua, công tác rà phá bom mìn đã được quân đội và nhiều tổ chức quốc tế tháo gỡ, nhưng hiểm hoạ đến từ lòng đất vẫn còn và hàng ngày, hàng giờ rình rập các em.

Trẻ em có thể bị bom mìn sát thương vào bất cứ hoàn cảnh nào. Tại một trường học ở vùng núi Kỳ Sơn (Nghệ An), một học sinh nhặt được bom bi cho vào túi mang tới lớp. Giờ ra chơi, em và các bạn lấy ra xem thì quả bom phát nổ làm 7 em thiệt mạng, 30 học sinh khác bị thương. Ở xã Cát Hanh (huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định), một tốp trẻ chơi đá bóng phát hiện thấy một quả đạn cối đã lấy đập chơi, đạn nổ 5 em chết tại chỗ, 3 em bị thương nặng.

Cũng do thiếu hiểu biết và nghịch dại, em Trần Văn Quang ở Triệu Phong (Quảng Trị) nhặt được quả bom bi hình cầu đã dùng làm đồ chơi, quả bom phát nổ em bị tử vong để lại nỗi đau khôn cùng cho gia đình. Tại Triệu Phong còn có hai anh em cháu Nguyễn Thanh Giang, khi bố mẹ đi làm đồng đã nghịch kíp nổ một đầu đạn. Kíp nổ làm cháu Nguyễn Thanh Duy chết còn Giang bị cụt bàn tay trái, mù hai mắt. Ở bản Cà Tăng huyện Hướng Hoá - Quảng Trị, bốn chú bé người Vân Kiều sau giờ tan học rủ nhau lên đồi đào sắn. Cậu bé Hồ Văn Lai thấy một vật tròn xanh bóng láng liền nhặt lên và gọi bạn tới xem, khi chúng chưa kịp hiểu đó là cái gì thì một tiếng nổ khô khốc vang lên. Hồ Văn Lai gục xuống dãy dụa trong vũng máu, còn 3 em khác bị mảnh bi găm đầy người. Tai nạn bất ngờ khủng khiếp của em Lai và các bạn, vẫn còn là nỗi hãi hùng của bà con Vân Kiều trong suốt những năm qua.

Thông điệp phòng tránh bom mìn cần dạy cho trẻ em

- Bom mìn và vật liệu chưa nổ có nhiều hình dạng, kích thước khác nhau và rất nguy hiểm.

- Không đi vào khu vực nguy hiểm cắm biển báo có bom mìn.

- Khi nhìn thấy bom mìn và vật lạ hãy tránh xa.

- Không chơi đùa ở gần khu vực nguy hiểm.

- Không nhặt và ném vật lạ.

- Không tò mò nghịch bom mìn và vật lạ.

- Không tắm ở đầm nước là hố bom cũ.

- Không tháo gỡ bom mìn vật liệu chưa nổ để lấy thuốc nổ.

- Không đứng xem người lớn cưa bom mìn.

- Không đốt lửa sát mặt đất ở khu vực có bom mìn.

- Không chăn trâu, thả bò, kiếm củi ở gần khu vực có bom mìn.

- Khi nhìn thấy người bị tai nạn bom mìn hãy gọi người lớn đến cứu giúp.

(Theo UNICEF và Tổ chức Cứu trợ và phát triển CRS)

Còn nhiều những cái chết thương tâm của trẻ em do tai nạn bom mìn. Em Nguyễn Thị Kiều Nhi ở xã Hưng Hòa, huyện Bến Cát (tỉnh Bình Dương) phụ cha nhặt phế liệu bị trái đạn nổ làm đa chấn thương, toàn thân cháy xém phải đưa về cấp cứu ở Bệnh viện Chợ Rẫy – TP. Hồ Chí Minh. Tại thôn Nghĩa Tây, xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc (Quảng Nam) hai cha con ông Lê Văn Thạnh và Lê Hồng Vỹ, trong khi làm rẫy đã cuốc phải một trái đạn 105 li còn sót lại. Đạn nổ làm hai cha con chết tại chỗ. Một vụ nổ đạn pháo xảy ra tại tổ 9 ấp Quảng Lợi A, xã Tân Lợi, huyện Bình Long, tỉnh Bình Phước cũng làm 7 người chết trong đó có tới 6 nạn nhân là trẻ em.

Nói về vấn đề này, một bác sĩ ở Bệnh viện Đa Khoa tỉnh Quảng Trị cho biết: “Bệnh viện đã tiếp nhận nhiều nạn nhân bị tai nạn do bom mìn từ người lớn đến trẻ em, nhất là trẻ chăn trâu, do chơi đùa đã vấp phải bom bi làm nó phát nổ. Nhiều em bị nạn phải trải qua quá trình điều trị rất tốn kém, nhưng vẫn chịu thương tật suốt đời.” Đến nay, bom mìn còn sót lại vẫn là nỗi kinh hoàng cho các em và đã cướp đi sinh mạng của nhiều trẻ thơ vô tội.

Trẻ em vẽ tranh hưởng ứng Ngày thế giới nâng cao nhận thức về bom mìn. (Ảnh tư liệu)

Trẻ em vẽ tranh hưởng ứng Ngày thế giới nâng cao nhận thức về bom mìn. (Ảnh tư liệu)

Trẻ em bị tai nạn bom mìn do thiếu hiểu biết

Những năm gần đây, công tác truyền thông giáo dục cách phòng tránh tai nạn bom mìn đã được tiến hành nhưng chưa thực sự sâu rộng. Sự thiếu hiểu biết về bom mìn, chủ quan, mất cảnh giác của một số người dân và nhất là trẻ em ở những vùng còn nhiều bom mìn, vật liệu nổ sót lại là những yếu tố làm xảy ra tai nạn bom mìn khiến nhiều nạn nhân bị thương tật suốt đời thậm chí bị cướp đi mạng sống.

Theo số liệu của Đài tiếng nói Việt Nam, chơi đùa với bom mìn lại là một nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tai nạn bom mìn trong thanh thiếu niên dưới 18 tuổi (chiếm 29%). Điều đáng báo động là, tỉ lệ thương vong liên quan tới chơi đùa với bom mìn ngày càng gia tăng. Hoạt động chăn thả gia súc, một công việc phổ biến mà các gia đình nông thôn giao cho trẻ em, cũng là một yếu tố dẫn đến 18% các vụ tai nạn. Tại Quảng Trị, trong số gần 7.000 các nạn nhân bom mìn có tới 1.742 học sinh chiếm tới 31,57%. Nghịch dại là một nguyên nhân dẫn tới các em bị tai nạn bom mìn, song nhiều em lại vô tình trở thành nạn nhân của sự thiếu hiểu biết từ phía người lớn.

Trẻ em vốn hiếu động, thích khám phá nhưng chưa thực sự ý thức được khả năng sát thương của bom mìn nên dễ bị tai nạn. Những tai nạn thương tâm sẽ không xảy ra, nếu các em nhận biết được bom mìn là thứ cần phải tránh xa.

Chính vì thế khi việc rà phá bom mìn chưa có điều kiện được tiến hành triệt để và vẫn còn nhiều bom mìn, vật liệu nổ còn ẩn trong lòng đất, thì giáo dục phòng tránh bom mìn sẽ tạo môi trường thông tin sôi động, tác động lên ý thức thay đổi hành vi của con người nhất là trẻ em. Cũng có thể coi giáo dục phòng tránh bom mìn là biện pháp duy nhất, để hạn chế tai nạn bom mìn trong giai đoạn hiện nay.

Cách sơ cứu, cấp cứu khi thấy nạn nhân bom mìn

- Nếu thấy vết thương lớn, máu phun thành tia, có màu đỏ tươi thì phải buộc ga rô để cầm máu.

- Khi buộc ga rô phải thực hiện các thao tác như sau:

+ Buộc ga rô ở phía trên vết thương, cách vết thương 3 - 4 cm.

+ Dùng băng to bản quấn vòng quanh nơi đặt ga rô.

+ Dùng băng thun hoặc dây vải quấn chặt 3 vòng đến vòng thứ 4 thì nút dây.

+ Dùng một que đũa luồn qua các vòng dây vừa thắt nút và quay que đũa xoắn lại.

+ Buộc cố định que đũa, sau đó băng vết thương cẩn thận bằng vải sạch và chuyển ngay nạn nhân đến bệnh viện.

- Trong khi vận chuyển, cứ sau 30 phút nới ga rô một lần từ 1-2 phút cho máu lưu thông đến phần dưới của vết thương, vì nếu để lâu thì phần đặt ga rô trở xuống của cơ thể sẽ bị hoại tử và có thể phải cắt bỏ. 

Cách sơ cứu người bị sốc, bị choáng do bom mìn

- Biểu hiện của người bị choáng, bị sốc trong tai nạn bom mìn là: Da tái nhợt hoặc xám: Da lạnh ướt và nhiều mồ hôi; Tim đập nhanh; Thở gấp và nông; Không minh mẫn.

- Việc cần làm là: đặt nạn nhân xuống nơi bằng phẳng, thoáng mát; Lật đầu nạn nhân sang một bên; Nâng chân nạn nhân lên cao hơn thân mình; Kiểm tra đường thở và mạch đập của nạn nhân; Nới rộng quần áo; Gọi người đến cứu giúp và đưa ngay người bị nạn tới bệnh viện.

(Theo UNICEF và Tổ chức Cứu trợ và phát triển CRS)

Hà Phương
Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...
Ngày đầu tiêm vaccine phòng Covid-19 cho học sinh THPT trên địa bàn TP. Thanh Hóa

Ngày đầu tiêm vaccine phòng Covid-19 cho học sinh THPT trên địa bàn TP. Thanh Hóa

2 năm trước

Sáng 1/12, cùng với các địa phương trong tỉnh, TP. Thanh Hóa tổ chức tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em từ 15-17 tuổi trên địa bàn.
Cần nhân rộng mô hình đối thoại học đường

Cần nhân rộng mô hình đối thoại học đường

2 năm trước

Tại buổi đối thoại học đường, các em học sinh có cơ hội để nói lên suy nghĩ, được thực hiện “quyền được tham gia”, “quyền được bày tỏ ý kiến” với thầy cô giáo, cha...
Bộ GD&ĐT yêu cầu tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh vùng xanh được đi học trực tiếp

Bộ GD&ĐT yêu cầu tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh vùng xanh được đi học trực tiếp

2 năm trước

Bộ GD&ĐT yêu cầu, để học sinh được trở lại trường học tập an toàn theo từng cấp độ dịch, các địa phương cần thực hiện mạnh mẽ hơn nữa chủ trương “thích ứng an toàn, linh...
Hơn 1,4 tỉ đồng hỗ trợ trẻ em khó khăn ở Nghệ An bị ảnh hưởng do dịch Covid-19

Hơn 1,4 tỉ đồng hỗ trợ trẻ em khó khăn ở Nghệ An bị ảnh hưởng do dịch Covid-19

2 năm trước

Thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An, tính từ đợt dịch thứ 4 này, toàn tỉnh có hàng trăm trẻ em bị nhiễm Covid-19, 6.556 trẻ em phải cách ly y tế vì lí do F1; 15 trẻ...