THỨ SÁU, NGÀY 26 THÁNG 04 NĂM 2024 03:26

Bảo vệ trẻ khỏi những tổn thương tâm lý trong mùa dịch

12/12/2021 | 07:22
Đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực trên phạm vi toàn cầu. Trong đó trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Trẻ không thể đến trường, cuộc sống và sinh hoạt thường ngày bị đảo lộn. Nghiên cứu cho thấy, những rối loạn tâm thần mà trẻ có thể gặp phải do ảnh hưởng của dịch Covid-19 được chẩn đoán bao gồm: rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), lo âu, rối loạn lưỡng cực, rối loạn cư xử, trầm cảm, rối loạn ăn uống, khuyết tật trí tuệ và tâm thần phân liệt...

Tại các địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài, hàng triệu trẻ em ở trong nhà suốt một thời gian dài, điều kiện sinh hoạt và học tập bị hạn chế khiến nhiều em gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần, bị sang chấn tâm lý. Nếu không được quan tâm, điều trị kịp thời, nhiều nguy cơ sẽ ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển sau này của các em.

Trẻ em cũng có rối loạn lo âu trong đại dịch Covid-19 khi chỉ quanh quẩn trong nhà học trực tuyến. Ảnh: Kim Chi

Trẻ em cũng có rối loạn lo âu trong đại dịch Covid-19 khi chỉ quanh quẩn trong nhà học trực tuyến. Ảnh: Kim Chi

Trẻ nhỏ có nguy cơ gặp chấn thương lớn về sức khỏe, tinh thần, đặc biệt trong các gia đình có người bệnh tử vong. Dịch Covid-19 có thể tác động đến sức khỏe tâm thần và thể chất của trẻ em, thanh thiếu niên trong nhiều năm tới.

Tâm lý lo lắng bị nhiễm bệnh khiến cho trẻ thấy chán nản, hụt hẫng, stress

Theo giảng viên Ngô Thị Lụa, Khoa Kỹ thuật Y sinh, Trường ĐH Quốc tế - Đại học quốc gia Tp.HCM, khủng hoảng tâm lý, tinh thần đang là một trong những vấn đề được báo động bởi sự thay đổi liên tục của Covid-19 gây ra, ví dụ như cảm giác lo lắng, sợ hãi, chán nản,...  Theo một cuộc khảo sát ở lứa tuổi trẻ vị thành niên tại Trung Quốc (Wu và cộng sự, 2021), Leilei Liang cùng nhóm đã báo cáo rằng có khoảng 40.4% trong số 584 trẻ được kiểm tra, gặp các vấn đề về tâm lý và đến 14.4% bị rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD). 

Một nghiên cứu khác tại các bang Pennsylvania cũng như Delaware và Texas của Emily Hotez và cộng sự, công bố vào tháng 4/2021, cho thấy các vấn đề về hành vi trẻ em bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Về phạm vi lâm sàng, các vấn đề hành vi bên trong ở trẻ em tăng gấp 2,5 lần và các vấn đề hành vi bên ngoài tăng gấp 4 lần, so với mức trước đại dịch. Trong đó, các vấn đề hành vi bên ngoài bao gồm hành động thái quá hoặc hiếu động thái quá và vấn đề hành vi bên trong gồm lo lắng, sợ hãi hoặc các triệu chứng tâm thần.

Học sinh trường tiểu học Tri Lễ 1 (huyện Quế Phong, Nghệ An) đều an toàn, mạnh khỏe sau 14 ngày cách ly. Ảnh: NVCC

Học sinh trường tiểu học Tri Lễ 1 (huyện Quế Phong, Nghệ An) đều an toàn, mạnh khỏe sau 14 ngày cách ly. Ảnh: NVCC

Theo PGS.TS Bùi Quang Huy - Khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân y 103, giống như người lớn, trẻ em cũng có rối loạn lo âu lan tỏa (không biệt định) trong đại dịch Covid-19. Dịch dã gây lo âu do 3 nguyên nhân: Sợ bị lây bệnh; sợ bị cách ly; sợ mất việc làm, không có thu nhập. Với người lớn, cả 3 nguyên nhân trên đều có vai trò rất lớn, đặc biệt là nguyên nhân thứ ba (nặng dần theo thời gian cách ly xã hội). Nhưng với trẻ em là đối tượng ít bị lây nhiễm, khó diễn biến nặng và rất hiếm khi tử vong do nhiễm Covid-19. Hơn nữa, trẻ em chưa đi làm nên cũng chưa biết lo về vấn đề mất việc làm, giảm thu nhập… Trẻ em lo âu chủ yếu là do sợ bị cách ly.

Với trẻ em, nhà trường, bạn bè và thầy cô là một phần xã hội rất quan trọng, chiếm một phần đáng kể thời gian trong ngày của các em. Khi cách ly xã hội kéo dài vài tuần thì tình trạng lo âu ở các em sẽ rất rõ ràng dù cường độ không nặng nề như ở người lớn.

Cùng với đó, việc học trực tuyến ở nhà sẽ khiến trẻ có những biến đổi về mặt tâm lý khi không được giao lưu, gặp gỡ bạn bè hay chạy nhảy, vui đùa bên ngoài. Trẻ sẽ khó thích nghi khi không được làm những điều quen thuộc và từ đó trở nên trầm lắng, ít nói chuyện và lười hoạt động.

Phụ huynh giữ tâm lý vui vẻ, lắng nghe, thấu hiểu con có nhu cầu gì

Thạc sĩ Nguyễn Thúy Quỳnh, giảng viên Khoa Tâm lý giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết: “Với những trẻ sống trong vùng tâm dịch, sẽ có tâm lý lo lắng bị nhiễm bệnh cùng với thói quen sinh hoạt không lành mạnh khiến cho trẻ thấy chán nản, hụt hẫng, mất khả năng tập trung. Có trẻ còn bị ngừng trệ trong tư duy. Còn các em không ở tâm dịch nhưng vẫn tuân thủ các biện pháp phòng dịch cũng cảm thấy khó chịu, stress khi ở nhà một thời gian dài. Trong hoàn cảnh hiện tại, để vượt qua những ngày khó khăn này để cùng cả nhà vui vẻ, mỗi gia đình cần có cẩm nang phòng dịch Covid-19 của riêng mình. Gia đình cần ngồi lại với nhau để thảo luận về thời khóa biểu chung của cả nhà và thời khóa biểu riêng của từng người. Tùy theo độ tuổi và khả năng nhận thức của con mà bố mẹ phân chia việc nhà phù hợp. Muốn đồng hành cùng con vượt qua thời gian này, phụ huynh hãy cố gắng giữ một tâm lý vui vẻ, thoải mái và lắng nghe, thấu hiểu xem các con có nhu cầu gì. Từ đó, mình sẽ có câu trả lời cho các con rằng có thể đáp ứng cho nhu cầu của trẻ hay không và vì sao. Bố mẹ hãy thực sự dành cho các con những thời gian chất lượng. Chất lượng ở đây là hãy đặt điện thoại xuống để nói chuyện, chia sẻ, tâm sự, chơi các trò chơi cùng con, chứ không phải đơn thuần là trông con. Thạc sĩ Nguyễn Thúy Quỳnh cho biết thêm.

Đồng quan điểm trên, giảng viên Ngô Thị Lụa cũng cho rằng, để giúp các con vượt qua giai đoạn khó khăn về tâm lý khi cả gia đình đối diện với khủng hoảng, cha mẹ cần kiên nhẫn lắng nghe tâm sự, vỗ về cảm xúc của con. Phụ huynh nên từ từ giải thích với sự yêu thương và quan tâm, tăng cường sợi dây liên kết cảm xúc với con bằng cách dành thời gian chất lượng ở bên con, để con có cảm giác được quan tâm, yêu thương. Nhờ đó con sẽ giảm cảm giác cô đơn, lạc lõng, một mình. Để làm được điều này, cha mẹ cần phải giữ bình tĩnh, tâm lý ổn định để ở bên các con. Đồng thời cha mẹ cần cân bằng giữa công việc và gia đình để có thể lo cho con được tốt nhất. Việc chú ý giữ gìn sức khỏe, nâng cao sức đề kháng như ăn ngủ đầy đủ, cân bằng, bổ sung vitamin cũng là hết sức cần thiết.

Thực ra, khi phải đối mặt với nỗi sợ Covid-19 của cha mẹ hàng ngày, con cũng sẽ cảm nhận được nỗi sợ không tên nào đó. Cha mẹ nên giúp con đặt tên cho nỗi sợ đó. Hãy giải thích về độ nguy hiểm của Covid-19 một cách dễ hiểu nhưng đừng hù dọa con. Hãy giúp con hiểu rằng nếu con chăm sóc bản thân tốt như rửa tay, đeo khẩu trang,... đúng cách, hay tránh ra ngoài để khỏi lây lan Covid-19 thì con vẫn có thể khỏe mạnh. Trong tình huống trong nhà có người mắc Covid-19, cha mẹ phải cố gắng giữ bình tĩnh để con không bị lây nỗi lo âu của người lớn. Chúng ta không nên để stress kéo dài sẽ làm giảm hệ miễn dịch và có thể gây ra nhiều bệnh, dẫn đến virus dễ dàng tấn công. Cha mẹ giữ tâm thế thoải mái thì con cái cũng sẽ vô tư cùng vượt qua giai đoạn này. 

Việt Cường
“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

5 tháng trước

“Nằm vo tròn như một thai nhi trong bụng mẹ, tôi cảm giác mình sắp chết, không còn chút hi vọng nào có thể sống sót để kể lại câu chuyện này cho bất kỳ ai”.
Giải tỏa tâm lý căng thẳng, giúp trẻ học như chơi trên môi trường trực tuyến

Giải tỏa tâm lý căng thẳng, giúp trẻ học như chơi trên môi trường trực tuyến

2 năm trước

Thời gian qua, việc học online của trẻ gặp vô số vấn đề bị động, phụ huynh “kêu trời”, trẻ ngao ngán khi học. Các chuyên gia về tâm lý, giáo dục đã đi sâu vào mổ xẻ vấn đề này...