THỨ BẨY, NGÀY 27 THÁNG 04 NĂM 2024 11:59

Bất cập khi học sinh là F0, F1 phải tự học ở nhà

16/04/2022 | 13:08
Hiện nay, hầu hết các tỉnh/thành trên toàn quốc đã cho học sinh đi học trở lại ở tất cả các cấp học. Các ca nhiễm Covid-19 đã giảm mạnh, tuy nhiên, vẫn có không ít em bị mắc Covid. Nhiều học sinh F0, F1 chật vật tự học ở nhà khi các lớp học online không còn được duy trì.
Học sinh cả nước háo hức quay trở lại trường học. Ảnh: KT

Học sinh cả nước háo hức quay trở lại trường học. Ảnh: KT

Khi nhà có con là F0, F1

Chị Thanh Hoa ở Bắc Ninh cho biết, con gái lớn của chị (lớp 7) sau khi đi học trực tiếp tại trường được vài ngày thì test nhanh Covid-19 dương tính. Ngay lập tức, chị báo giáo viên chủ nhiệm và y tế phường. Vậy là con chị là F0 cùng 4 bạn tiếp xúc gần (F1) phải tạm thời nghỉ học. Thời điểm đó chỉ còn đúng 1 tuần nữa là thi giữa kỳ.

Chị Hoa tưởng rằng sẽ có một vài lớp học online dành cho các học sinh F0 và F1 nhưng cô chủ nhiệm thông báo, hiện tại tất cả các giáo viên đều đã đi dạy trực tiếp nên không còn người đứng lớp dạy online nữa, con sẽ phải tự học ở nhà. Nhà trường không có thiết bị cũng như đường truyền đủ mạnh để livestream các buổi học cho các học sinh F0, F1 cùng học. Con có thể nhờ các bạn trong lớp chụp lại vở để chép bài. Các đề thi thử giữa kỳ, cô sẽ gửi file qua Zalo, gia đình tự in cho con làm. Ðến ngày thi, nếu con âm tính thì sẽ được đến trường thi giữa kỳ trực tiếp với các bạn, còn nếu vẫn dương tính, con sẽ được thi online qua Zoom ở nhà.

Bé thứ 2 nhà chị Hoa đang học lớp 3 cũng phải phải nghỉ học trực tiếp vì là F1. Tuy nhiên, con được ghép học online với lớp bên cạnh do cô chủ nhiệm lớp này là F0 nên không thể dạy trực tiếp. Nếu không có giáo viên nào là F0 thì bé cũng sẽ phải tự học ở nhà. Việc tự học đối với học sinh bậc THCS hay THPT tuy không dễ dàng nhưng cố gắng thì vẫn có thể theo kịp các bạn; tuy nhiên với học sinh tiểu học, tự học chẳng khác nào bơi trong biển lớn vì các em còn quá nhỏ, cần có người giảng giải, dẫn dắt.

Cùng tâm trạng với chị Hoa, anh Huy - một phụ huynh ở TP. Hải Phòng cho biết, con anh năm nay học lớp 12. Lớp con có không ít học sinh là F0, F1, tuy nhiên, nhà trường không có phương án dạy học nào cho nhóm đối tượng này. Chỉ còn mấy tháng nữa thi tốt nghiệp THPT, anh thực sự vô cùng lo lắng vì việc nghỉ học trong ít nhất 7 ngày sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả học tập của con. Vì lẽ đó, nhiều phụ huynh có con là F0, F1 trong lớp đã kiến nghị tới giáo viên chủ nhiệm và cô giáo quyết định giao cho ban cán sự lớp livestream trực tiếp giờ học để các bạn ở nhà cùng theo dõi. Nhưng lớp rất ồn, các con nghe không rõ, việc học lõm bõm nên cũng không mấy hiệu quả.

Một tiết học môn Toán “2 trong 1” của học sinh lớp 9/6 Trường THCS Lê Quý Đôn, quận 3, TP.HCM. Ảnh: N. Hùng/TTO

Một tiết học môn Toán “2 trong 1” của học sinh lớp 9/6 Trường THCS Lê Quý Đôn, quận 3, TP.HCM. Ảnh: N. Hùng/TTO

Khắc phục thế nào khi con phải nghỉ học trực tiếp?

Mắc Covid-19, cơ thể vốn đã mệt mỏi, lại phải tự học, nhất là khi các kỳ thi đến gần là điều vô cùng khó khăn đối với các em học sinh. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải biết rằng, nếu không có chỉ đạo của nhà trường và không có các thiết bị hỗ trợ, giáo viên không thể nào “phân thân” để vừa dạy học trực tiếp trên lớp, lại vừa dạy học online các bạn ở nhà được.

Vậy nên, phụ huynh và học sinh chỉ còn cách cố gắng khắc phục. Covid-19 có thể sẽ không chỉ “viếng thăm” gia đình bạn một lần, chúng ta cần chuẩn bị tinh thần sẵn sàng để thích ứng, nhằm đảm bảo việc học tập của con không bị gián đoạn.

Những ngày đầu con mắc Covid, nếu sốt cao, mỏi mệt, tốt nhất hãy cho trẻ nghỉ ngơi hoàn toàn. 2-3 ngày sau, con khỏe hơn, nhắc con nhờ các bạn chụp hình vở để ghi chép bài đầy đủ. Nếu lớp con tổ chức livestream cho những bạn học ở nhà, cha mẹ nhắc con tham gia. Nếu lớp không livestream, con có thể nhắn tin riêng tới từng giáo viên bộ môn hoặc một bạn nào đó học khá ở trong lớp để hỏi về những bài con chưa hiểu. Các giáo viên dù có bận đến mấy cũng sẽ không từ chối khi học sinh hỏi bài, nhất là khi học sinh đó là F0, F1 không được đến trường học trực tiếp.

Ngoài ra, bạn có thể gợi ý con tham khảo thêm các lớp học trực tuyến trên đài truyền hình hoặc trên Youtube để bổ sung kiến thức.

Trẻ em mắc Covid-19 thường có triệu chứng nhẹ và nhanh khỏi, thời gian nghỉ học của bạn F0 thông thường chỉ 7 ngày, F1 thì 5 ngày. Những ngày trẻ cách ly, cha mẹ hãy cố gắng chăm sóc sức khỏe, ổn định tâm lý trẻ, đồng hành cùng con để việc học hành không bị ảnh hưởng quá nhiều.

Theo quy định của ngành Giáo dục về công tác phòng chống dịch, bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 khi học sinh trở lại trường học thì học sinh F0 phải cách ly từ 7-14 ngày (tùy vào kết quả test nhanh và việc học sinh đã tiêm vaccine hay chưa); học sinh F1 phải cách ly theo dõi 5-7 ngày, sau thời gian trên nếu test nhanh âm tính thì được trở lại trường học. Nhà trường và phụ huynh học sinh tiếp tục theo dõi sức khỏe học sinh trong 3 ngày tiếp theo, hướng dẫn con thực hiện 5K.

Bình Yên
Khởi động Cuộc thi 'Trường học không ma tuý'

Khởi động Cuộc thi "Trường học không ma tuý"

5 tháng trước

Ngày 4/11, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04) Bộ Công an cho biết đang phối hợp với Ban Khoa giáo, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức cuộc thi "Trường học không ma tuý" dành cho...
Những cuốn sách về bảo vệ môi trường trẻ nên đọc

Những cuốn sách về bảo vệ môi trường trẻ nên đọc

2 năm trước

Đây là những cuốn sách giàu cảm hứng, đầy đủ kiến thức khoa học, giúp nuôi dưỡng tình yêu với Trái đất thân thương và hướng dẫn độc giả bảo vệ môi trường bằng những hành...
Khai mạc ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2022 tỉnh Bắc Ninh

Khai mạc ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2022 tỉnh Bắc Ninh

2 năm trước

Ngày 15/4, tại Công viên Hồ điều hòa Văn Miếu (thành phố Bắc Ninh), UBND tỉnh Bắc Ninh đã khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Bắc Ninh năm 2022. Dự khai mạc có bà Đào Hồng Lan,...
Giao lưu cùng tác giả sách “Nhạc sĩ Hoàng Vân – Cho muôn đời sau…”

Giao lưu cùng tác giả sách “Nhạc sĩ Hoàng Vân – Cho muôn đời sau…”

2 năm trước

“Nhạc sĩ Hoàng Vân – Cho muôn đời sau…” là tiểu sử âm nhạc của nhạc sĩ Hoàng Vân do chính con gái ông – Tiến sĩ Âm nhạc Lê Y Linh viết với nguồn tư liệu tin cậy và kiến thức âm...