THỨ NĂM, NGÀY 25 THÁNG 04 NĂM 2024 11:31

Bắt nạt học đường từ những lý do lãng xẹt

12/05/2023 | 09:35
Gia nhập "hội nữ tướng" hồi lớp 9, Hoàng Thảo nhiều lần rủ nhóm đi đánh một nữ sinh vì bạn này có "nốt ruồi cạnh miệng, trông xấu".

"Lúc thì hẹn ngoài trường, lúc lôi vào nhà vệ sinh. Bọn mình đánh và tát bôm bốp chứ không phải dạng trêu đùa", Hoàng Thảo, hiện 27 tuổi, sống tại Hà Nội, nói.

Theo lời Thảo, vì sức khỏe yếu, nạn nhân thường im lặng chịu trận. Cũng có lần, người bị đánh kể với giáo viên, hoặc nhóm của Thảo bị bắt gặp khi đang đánh bạn nhưng Thảo thường xuyên thoát tội, hoặc chỉ viết bản kiểm điểm, bởi mẹ của Thảo làm hội trưởng phụ huynh. Việc bắt nạt cứ thế tiếp diễn, nhưng kín hơn trước.

Về lý do đánh bạn, Thảo nói đơn giản vì "nhìn thấy ghét", nhưng thừa nhận nhiều khi chỉ là lấy cớ, không vì nguyên nhân cụ thể gì. Nữ sinh bị bắt nạt chỉ được buông tha khi nhóm của Thảo thấy chán, chuyển qua trêu chọc một học sinh khác.

Bắt nạt là những hành động cố ý và liên tục, gây tổn hại cho người khác, tiến sĩ tâm lý Khúc Năng Toàn, trường Đại học Sư phạm Hà Nội, nói trong một toạ đàm cuối tháng 4. Bắt nạt được thể hiện bằng nhiều hình thức, như đe doạ bằng lời nói, lăng mạ, sỉ vả, tấn công thể chất, đăng clip, hình ảnh lên mạng để uy hiếp, thao túng, cô lập hoặc tung tin đồn.

Bộ Giáo dục và Đào tạo ước tính gần 7.100 học sinh liên quan tới bạo lực học đường trong năm 2022. Song, đây mới là con số thống kê sau những lần học sinh đánh nhau. Vì vậy, số nạn nhân và người liên quan thực tế tới bắt nạt học đường có thể lớn hơn rất nhiều.

Nữ sinh lớp 8 bị một nhóm học sinh cùng trường đánh trong nhà vệ sinh trường THCS Gio Linh, Quảng Trị, chiều 24/4. Ảnh cắt từ clip

Nữ sinh lớp 8 bị một nhóm học sinh cùng trường đánh trong nhà vệ sinh trường THCS Gio Linh, Quảng Trị, chiều 24/4. Ảnh cắt từ clip

Các chuyên gia cho rằng có bốn nguyên nhân dẫn đến hành vi bắt nạt học đường.

Thứ nhất là tương quan quyền lực giữa các học sinh, xuất phát từ mong muốn thể hiện quyền uy vượt trội trong mối quan hệ. Tiến sĩ Toàn lấy ví dụ một học sinh to lớn muốn thể hiện sức khoẻ, uy quyền, sự áp đặt của mình với những bạn có vóc dáng nhỏ hơn, từ đó hình thành việc bắt nạt. Theo ông Toàn, đôi khi những học sinh yếu thế trở thành kẻ bắt nạt, nhằm giành lấy ưu thế uy quyền, che giấu những bất lợi của mình.

Lý do thứ hai là sự tập nhiễm xã hội. Tiến sĩ tâm lý Vũ Thu Trang, trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cho rằng bắt nạt học đường không phải hành vi sinh ra là học sinh đã có, mà học từ người khác. Chẳng hạn trong gia đình, các em thấy bố mẹ sử dụng đòn roi để ra lệnh cho mình, hay bạn bè thuyết phục không được thì cô lập nhau. Trẻ em nhìn thấy và học theo.

Theo bà Trang, điều đáng buồn là nạn nhân cũng coi đó là hành động giúp giải quyết vấn đề hiệu quả, rồi dùng lại với những người yếu hơn mình. Quá trình này giống với sự lây lan của virus, xuất hiện từ học sinh này sang học sinh khác và có sự biến đổi, khiến tình trạng bắt nạt học đường lan rộng với tốc độ nhanh, khó kiểm soát.

Sự củng cố về mặt hành vi, cảm xúc là nguyên nhân thứ ba dẫn tới bắt nạt học đường, theo ông Toàn. Ông cho rằng không phải lúc nào bắt nạt cũng là hành vi có chủ đích từ đầu, đôi khi bộc phát do học sinh mất kiểm soát. Khi thấy hành động này có thể giúp giải quyết vấn đề hoặc đạt mục đích, các em sẽ tiếp tục sử dụng. Như vậy, hành vi được củng cố và tái hiện.

Nguyên nhân thứ tư là các hình thức kỷ luật bắt nạt học đường chưa đủ răn đe, nên học sinh không sợ và lặp lại hành vi, theo ông Huỳnh Thanh Phú, hiệu trưởng trường THPT Bùi Thị Xuân, TP HCM.

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, khi học sinh vi phạm kỷ luật, các trường chỉ có thể khiển trách, cảnh cáo, đình chỉ học tối đa hai tuần. Hình thức đuổi học không còn được áp dụng từ năm 2020. Trong khi đó, nhiều học sinh bất chấp quy định, thường xuyên gây gổ, đánh nhau ở trong và ngoài trường. Đôi lúc, các hành vi có tính chất nghiêm trọng, thậm chí gây tử vong.

Ít ngày trước, nhóm sáu nam sinh trường THPT An Phúc, Nam Định, chuẩn bị sẵn hung khí, đánh nhau sau giờ học. Hậu quả, một em lớp 11 tử vong trên đường đi cấp cứu.

Các hành vi bắt nạt, đánh nhau giờ đây thường được học sinh quay video, đăng lên mạng. PGS.TS Đặng Quốc Thống, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường THCS và THPT Đoàn Thị Điểm, cho rằng hành vi này xuất phát từ tâm lý thích được chú ý, tán dương, "thấy thế là hay", nghĩ mình là anh hùng. Theo ông Thống, ở lứa tuổi học sinh, các em thích bắt chước, trong khi việc đăng những nội dung giật gân, kể cả bạo lực, để câu "like" đầy rẫy trên mạng xã hội.

Bắt nạt học đường để lại hậu quả nặng nề không chỉ với các nạn nhân, mà cả thủ phạm. Ông Toàn nhìn nhận những học sinh bị bắt nạt sẽ sợ đến trường, kết quả học sa sút. Về mặt xã hội, nạn nhân của bắt nạt học đường trở nên thu mình, ngại giao tiếp, thường xuyên lo lắng, sợ hãi và căng thẳng. Bị bắt nạt còn khiến nạn nhân có những hành vi xấu, nói dối bố mẹ hoặc ăn trộm tiền để mua đồ ăn, "cống nạp" cho kẻ bắt nạt. Riêng việc bị đánh và quay clip tạo áp lực lớn hơn cho nạn nhân khi phải đối mặt với cảm giác hàng nghìn người biết tới sự việc.

Cuối tháng trước, con gái lớp 8 của ông Hoàng Văn Đăng, 43 tuổi, sống tại huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, một nhóm bạn học bắt quỳ, dùng mũ bảo hiểm đánh và xé áo trong nhà vệ sinh. Ông Đăng cho biết từ một người hòa đồng, thường tham gia các sự kiện văn nghệ của trường, con gái ông hiện sợ đi học, không dám lên mạng và hễ gặp người lạ là trốn. Ông cũng lo lắng, sau này khi tình cờ xem lại được clip trên mạng, con gái sẽ bị ảnh hưởng tinh thần một lần nữa.

Với những học sinh bắt nạt bạn, tiến sĩ Vũ Thu Trang nhìn nhận hành vi này là nền tảng cho cách giải quyết vấn đề không lành mạnh, khiến các em dễ vi phạm pháp luật trong tương lai. Chưa kể, những kẻ đi bắt nạt thường chỉ có vài người "bạn", hầu hết là các thành viên trong hội bắt nạt, và bị mọi người xa lánh. Đây cũng là hậu quả về quan hệ xã hội mà những học sinh có hành vi bắt nạt phải chịu.

Nhớ lại những gì đã làm, Hoàng Thảo cho rằng mình may mắn. Lúc đó, các phương tiện truyền thông, mạng xã hội chưa phát triển như bây giờ, nên hành vi của Thảo không bị phát tán. Việc này cũng có ý nghĩa với nạn nhân, bởi Thảo đồng tình rằng hậu quả của việc bị đăng clip nghiêm trọng hơn nhiều lần so với vết thương thể chất.

Một điều may mắn khác, theo Thảo, là người bạn bị đánh vô cớ cũng đã vượt qua được giai đoạn khó khăn đó. Lên trung học, cả hai nói chuyện lại với nhau, Thảo còn đi bê tráp trong đám hỏi người bạn, nhưng còn một việc mà cô vẫn chưa dám làm.

"Hơn 10 năm từ lúc tốt nghiệp THCS, mình chưa từng xin lỗi bạn ấy một cách nghiêm túc, hay hỏi bạn ấy đã vượt qua những điều đó thế nào. Mình không dám mở lời, dù vẫn thấy có lỗi và áy náy", Thảo nói.

Theo vnexpress.net
Khởi động Cuộc thi 'Trường học không ma tuý'

Khởi động Cuộc thi "Trường học không ma tuý"

5 tháng trước

Ngày 4/11, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04) Bộ Công an cho biết đang phối hợp với Ban Khoa giáo, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức cuộc thi "Trường học không ma tuý" dành cho...
Vì sao “Sisu” là bộ phim khiến giới phê bình và khán giả thán phục?

Vì sao “Sisu” là bộ phim khiến giới phê bình và khán giả thán phục?

11 tháng trước

“Sisu” có cốt truyện đơn giản nhưng đậm tính giải trí, bộ phim là một cuộc phiêu lưu thú vị và hấp dẫn, với cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp xen lẫn với những pha hành động gay cấn...
“Dòng máu cao quý” – Hồi ức cảm động của nữ nhà văn Bỉ Amélie Nothomb

“Dòng máu cao quý” – Hồi ức cảm động của nữ nhà văn Bỉ Amélie Nothomb

11 tháng trước

Năm 2021, tiểu thuyết “Dòng máu cao quý” của tiểu thuyết gia người Bỉ Amélie Nothomb giành giải Renaudot, một giải thưởng văn chương danh giá đã có tuổi đời gần một trăm năm. Độc...
NSND Lê Khanh tái xuất màn ảnh nhỏ trong “Nơi giấc mơ tìm về”

NSND Lê Khanh tái xuất màn ảnh nhỏ trong “Nơi giấc mơ tìm về”

11 tháng trước

Sau 5 năm, NSND Lê Khanh mới hội ngộ khán giả truyền hình trong bộ phim gia đình “Nơi giấc mơ tìm về”. Đây cũng là bộ phim quy tụ dàn diễn viên giàu thực lực. Ngoài NSND Lê Khanh, “Nơi...
Hộp sách và trò chơi - Món quà cùng con trải nghiệm mùa hè

Hộp sách và trò chơi - Món quà cùng con trải nghiệm mùa hè

11 tháng trước

Đối với các em nhỏ, kỳ nghỉ hè là khoảng thời gian tuyệt vời trẻ được nghỉ ngơi, thư giãn bên gia đình. Vậy làm thế nào cha mẹ có thể cân bằng thời gian vui chơi và học tập cho trẻ?...