THỨ NĂM, NGÀY 25 THÁNG 04 NĂM 2024 08:27

Bên trang sách, trong tiếng ve và màu hoa phượng

22/06/2020 | 18:05
 
Hoa phượng, tiếng ve, bạn bè, thầy cô, sách vở – những thứ làm cho lòng ta xao xuyến khi hè sang. Ơ kìa, đang vui, sao mắt lại ướt?! Hè 2020 này hình như muốn thử thách mọi người về sức bền của kỷ niệm, sức vươn của ước mơ, kết quả của mong chờ, tình yêu với sách vở... 
 
45 năm trước, chúng tôi là những học sinh cuối cấp 3, lớn rồi nhưng vẫn tinh khiết và ngô nghê. Chiến thắng vĩ đại, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã tung mùa cuối cùng của chúng tôi lên trời thẳm, chia cho tất cả mọi người. Thế là chúng tôi cảm thấy hơi thiệt thòi nên 45 năm sau tìm cách đòi lại. Chúng tôi hội quân ở Hà Nội, rồi về Nghệ An, thả mình vào nỗi nhớ, gọi tên nhau để thắp lửa cho mùa hè. Chuyến đi đủng đỉnh trên một chiếc xe 7 chỗ, qua các miền quê xứ Nghệ trong tiếng ve rộn vang và màu đỏ chói chang của hoa phượng. Tôi cảm thấy thỏa nguyện khi thực hiện được “Trở lại trường xưa nơi chúng mình sơ tán/Khi đôi bờ sông Lam hồn tươi sắc phượng”. 
 
“Ơ kìa, lớp cháu chắt đâu rồi? Ra đón các ông, các bà đi chứ!”. Thấp thoáng sau rèm là những ánh nhìn thèm thuồng không che giấu: “Ông ơi! Bọn cháu còn phải học, năm nay tới ngày 8, 9 tháng 8, kỳ thi THPT quốc gia mới diễn ra...”. À, ra thế! Cái “thằng” Covid Vũ Hán nó xô lệch thời khóa biểu của cánh học trò. Thế là dẫu tiếng ve mời gọi, hoa phương soi đường, bọn học sinh vẫn ôm khư khư lấy sách vở. Học bây giờ chưa chắc đã quan trọng, nhưng phải qua được kỳ thi quốc gia này. “Thôi, các cháu cứ học đi nhé! Ông bà phới đây, còn nhiều miền quê vẫy gọi”.


Còn cháy đỏ cả trời hoa phượng. 
 
Chúng tôi lên xe đi tiếp. Xứ Nghệ vẫn được mặc định là vùng đất nghèo nhưng thành phố Vinh với đường phố rộng, vỉa hè thoáng đã đầy ắp xe hơi. Về đây mà không ghé qua Cửa Lò là không xong đâu! Tầm này của những năm trước, Cửa Lò không còn chỗ để đặt chân; năm nay không quá thưa thớt người nhưng “lực lượng” tắm biển cũng hơi mỏng. Người Việt chúng ta vốn vậy, tất cả vì con cái. Năm nay, tháng 6 rồi mà các con vẫn miệt mài đèn sách thì cha mẹ nào dám đi biển?! Phải ở bên cạnh con trông chừng. Như vậy, ít ra là động viên tinh thần, nhiều ra là giám sát hay có thể pha sữa, chế mì tôm cho con. Cùng con vượt khó vốn là truyền thống của các phụ huynh Việt Nam.
 
Phải nói là thế hệ học trò hiện nay có nhiều thuận lợi hơn thế hệ cha ông. Các cháu không thiếu cái ăn, cái mặc; phương tiện cho học tập cũng nhiều hơn, đầy đủ và sang trọng hơn. Rất nhiều học trò đã có máy tính xách tay để dùng. Phải công nhận điều này: Thế hệ học trò THPT hiện nay cao lớn hơn thế hệ chúng tôi, giỏi ngoại ngữ hơn, kiến thức cũng dày dặn hơn. Nhưng có lẽ các cháu cũng gặp khó khăn nhiều hơn. Đó là cha mẹ đòi hỏi, kỳ vọng nhiều hơn. Trong khi đó, những tác động của xã hội lại không phải là tốt: Tham nhũng nhiều quá, tiêu cực nhiều quá; có nhiều người làm chức rất to rồi vẫn phải vào tù. Điều này ít nhiều làm các cháu hoang mang trong lựa chọn của mình. Học cho giỏi để sau này bước vào đời một cách đĩnh đạc, làm được nhiều việc, có chức, có quyền để được xem là thành đạt. Nhưng đùng một cái, có thể phải vào tù vì những sai phạm trong quá trình công tác?!
 
Vậy là phải cân nhắc xem nên lựa chọn con đường cho tương lai theo hướng nào? Làm quan chức? Làm doanh nhân? Làm nhà khoa học? Hay chỉ là một người bình thường được sống theo ý mình, nghĩa là ung dung tự tại giữa đời? Đặt ra những câu hỏi này bây giờ là cần thiết vì chúng có ý nghĩa quyết định đối với cả cuộc đời.
 
Nhưng các cháu ơi, hãy nghe ông! Với các cháu, việc cần làm nhất vào thời điểm này là học và “giao tiếp” với mùa hè. Dẫu có muộn thì cũng chỉ vài tháng nữa là năm học kết thúc. Với cánh học trò lớp 12, đây là mùa hè cuối cùng. Nắng hè, tiếng ve, sắc phượng (và hình như cả hoa bằng lăng nữa), ánh mắt của người bạn cùng bàn mới thiêng liêng một cách huyền bí. Trước ngày giã từ tuổi học trò để bước vào thế giới của người trưởng thành, các cháu hãy trân trọng tình cảm trong trắng, thuần khiết đang xuất hiện trong tâm hồn. Cảm xúc mãnh liệt trước bạn khác giới khó có thể gọi là tình yêu (nó mãnh liệt, thiêng liêng, trinh nguyên, huyền diệu...) vì hai người không thổ lộ, không nắm tay nhau. Nhưng chắc chắn cảm xúc đó sẽ theo con người đi suốt cuộc đời.


Sắp đến giờ chia tay. 

 Tình cảm học trò lạ lắm, người ta thường nhắm mắt lại để tưởng tượng chứ ít khi thực hiện nó trong đời thực. Chính vì vậy, loại tình cảm này mới trong trẻo, thuần khiết, làm giá đỡ cho tình yêu, cho hạnh phúc gia đình trong tương lai. 

 
Hoa phượng đã đỏ rực khắp phố cùng quê. Tiếng ve đã trở nên u uẩn, có con lạc giọng tạo cảm giác ai oán... Nỗi buồn tiếc khi từ giã tuổi học trò là có thật. Dường như chúng ta đang để mất một cái gì đó rất lớn. Bù lại, chúng ta giữ được một cái gì đó quý giá. Do vậy, khi rời mái trường phổ thông giữa mùa hè, có người viết:

Em đi rồi, còn lại trong tôi
Dáng nhỏ nhoi cô học trò trường huyện...
Còn cháy đỏ cả trời hoa phượng
Đưa tôi qua mùa hè nóng bỏng yêu thương.
 
Ồ, có thể biến xui thành hên. Đó là năm học này kéo dài, đồng nghĩa với việc kéo dài tuổi học trò, kéo dài những giây phút bên nhau. Điều có ý nghĩa là chúng ta tỉnh táo bên trang sách và đê mê trong tiếng ve.
 

 

Bài và ảnh: Hoàng My/GĐTE

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

5 tháng trước

Tại Quảng trường Đại đoàn kết, thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai, tối 11/11 đã khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch, liên hoan trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên Gia Lai 2023 với chủ đề “Gia...