THỨ BẨY, NGÀY 20 THÁNG 04 NĂM 2024 08:28

Bệnh tay chân miệng - Hiểu để chăm sóc và điều trị đúng cách

11/10/2018 | 16:11
 
Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trong 9 tháng đầu năm 2018, cả nước ghi nhận 53.529 trường hợp mắc tay chân miệng tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó 6 trường hợp tử vong tại khu vực phía Nam. Hiện nay, bệnh tay chân miệng đang vào mùa cao điểm. Các tỉnh thành ghi nhận số mắc tích lũy cao và gia tăng nhanh trong các tuần gần đây như: TP.HCM, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng… 
 
Nguyên nhân gây bệnh
 
Nguyên nhân gây bệnh tay chân miệng do các virus thuộc nhóm Enterovirus. Bệnh tay chân miệng chủ yếu gây ra bởi virus Coxsackievirus A16 với ít biến chứng và thường tự khỏi. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể bắt nguồn từ các virus nhóm Enterovirus, bao gồm virus Enterovirus 71 (EV71) với rất nhiều biến chứng nguy hiểm và có thể dẫn đến tử vong.
 
Bệnh tay chân miệng chủ yếu xảy ra ở trẻ em dưới 10 tuổi, thường là ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Trẻ càng nhỏ thì các triệu chứng càng nghiêm trọng. Tuy nhiên, tất cả những ai chưa từng mắc bệnh đều có nguy cơ lây nhiễm khi tiếp xúc với các dụng cụ hoặc bề mặt bị nhiễm virus do người bệnh chạm vào, nhưng không phải ai bị nhiễm virus cũng có biểu hiện của bệnh. Trẻ em có nguy cơ lây nhiễm virus và mắc bệnh cao hơn, vì khả năng đề kháng và miễn dịch ở trẻ yếu. Phụ nữ mang thai cần phòng tránh bệnh, không nên tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh bởi có khả năng lây nhiễm và truyền virus sang cho con ngay trước khi sinh hoặc trong khi sinh.
 
Triệu chứng của bệnh
 
Các dấu hiệu của bệnh tay chân miệng bao gồm: sốt (sốt nhẹ hoặc sốt cao) và tổn thương ở da (rát đỏ, mụn nước ở các vị trí đặc biệt như họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối…). 
 
Những dấu hiệu sớm cảnh báo bệnh tay chân miệng diễn biến nặng
 
- Quấy khóc dai dẳng kéo dài: Trẻ có thể quấy khóc nhiều, thậm chí là quấy khóc cả đêm không ngủ. Trẻ cứ ngủ khoảng 15-20 phút lại dậy quấy khóc khoảng 15-20 phút rồi lại ngủ tiếp. Nhiều người cho rằng đó là do bé có các nốt đau ở miệng, nhưng thực tế không phải vậy. Đó là do tình trạng nhiễm độc thần kinh ở giai đoạn rất sớm.
 
- Sốt cao không hạ: Trẻ sốt trên 38,5 độ C kéo dài hơn 48 giờ và không đáp ứng với thuốc hạ nhiệt paracetamon. Lúc này, cần dùng một loại thuốc hạ sốt đặc biệt hơn, đó là các chế phẩm có Ibuprofen. 
 
- Giật mình: Đây là dấu hiệu của tình trạng nhiễm độc thần kinh. Chú ý phát hiện triệu chứng này ngay cả khi trẻ đang chơi, quan sát xem tần suất giật mình có tăng theo thời gian hay không.
 
Nếu trẻ có 1 trong 3 triệu chứng nêu trên, cần đưa trẻ đi khám để được xử trí kịp thời.
 
Khi phát hiện một số biểu hiện khác ở trẻ như: yếu tay yếu chân, đi đứng loạng choạng, nổi mụn đỏ, thở khó, thở mệt, mạch nhanh, huyết áp cao... cũng phải đưa trẻ tới bệnh viện thăm khám.

 
Trẻ em bị tay chân miệng đang cấp cứu ở khoa Nhiễm - thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng I. Ảnh: Internet
 
Cách phòng ngừa bệnh 
 
Bộ Y tế khuyến cáo người dân vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng. Vệ sinh ăn uống: Thức ăn cho trẻ cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng; ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng; sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường…
 
Chăm sóc trẻ tại nhà thế nào?
 
Với những trẻ bị tay chân miệng thể nhẹ, có thể chăm sóc và theo dõi điều trị ở nhà sau khi đã được bác sĩ khám và kê đơn thuốc. Cụ thể:
Về dinh dưỡng: Cho trẻ uống nhiều nước mát và ăn thức ăn dễ tiêu. Không làm trẻ đau họng thêm bằng cách dùng muỗng mềm cho ăn; không cho ngậm vú nhựa; không cho ăn, uống đồ có vị chua hoặc có gia vị mạnh.
 
Thuốc: Chỉ dùng thuốc paracetamol để hạ sốt, giảm đau và các thuốc khác do bác sĩ kê. Bù đủ nước cho trẻ nếu có sốt cao. Vệ sinh miệng thường xuyên bằng các dung dịch sát khuẩn, nước muối loãng. Tại các vị trí bị thương tổn ngoài da, bôi các dung dịch sát khuẩn để tránh bội nhiễm.
 
Cách ly và thực hiện vệ sinh thân thể: Cách ly trẻ bị bệnh với các trẻ khác trong nhà. Người lớn khi tiếp xúc và chăm sóc trẻ bị bệnh nên mang khẩu trang y tế cho mình và cho cả trẻ bệnh. Sau khi tiếp xúc nên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch ngay. Quần áo, tã lót của trẻ bệnh nên được ngâm dung dịch sát khuẩn như cloramin B 2% hoặc luộc nước sôi trước khi được giặt sạch bằng xà phòng và nước sạch. Vật dụng cá nhân của trẻ nên được luộc sôi và sử dụng riêng biệt cho từng trẻ. Tắm rửa và vệ sinh nhẹ nhàng cho trẻ hằng ngày bằng nước sạch để tránh nhiễm khuẩn.
 
Theo dõi sát tình trạng bệnh: Tốt nhất trong 7 ngày kể từ lúc bị bệnh, ngoài việc chăm sóc tại nhà và dùng thuốc theo đơn bác sĩ kê thì hằng ngày nên tái khám để phát hiện sớm những diễn biến bất thường. Chú ý, bệnh lây lan mạnh nhất trong tuần đầu nhưng virus có thể còn tồn trong phân vài tháng sau.


Rửa tay bằng xà phòng là một trong những biện pháp phòng bệnh. Ảnh: Internet

 Một số sai lầm khiến trẻ bị tay chân miệng nặng thêm

1. Không cách ly trẻ với trường lớp: Khi phát hiện trẻ bị tay chân miệng, cần cho trẻ cách ly ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi phát bệnh. 

2. Không thường xuyên rửa tay cho trẻ: Phải rửa tay thường xuyên cho trẻ bằng xà phòng sát khuẩn, nhất là sau khi đi vệ sinh.

3. Không vệ sinh răng miệng: Khi bị tay chân miệng, nên vệ sinh răng miệng cho trẻ để tránh nguy cơ bị viêm nha chu, nấm miệng. Vệ sinh cho trẻ bằng nước muối sinh lý, xúc miệng cho trẻ sau bữa ăn, trước khi đi ngủ, sau khi ngủ dậy. 

4. Ủ ấm khi trẻ sốt: Khi trẻ bị tay chân miệng kèm sốt, chỉ nên cho trẻ uống hạ sốt khi sốt trên 38,5 độ C. Khi trẻ sốt, cho trẻ ở nơi thông thoáng, mặc đồ rộng rãi; tuyệt đối không ủ ấm trẻ.

5. Kiêng tắm: Khi trẻ bệnh, không nên kiêng tắm, ngược lại phải giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, tắm trong phòng kín gió với xà phòng sát khuẩn. 

6. Tự ý truyền dịch: Việc tự ý truyền dịch tại nhà do bị sốt khi bị tay chân miệng có thể dẫn đến phù nề, suy hô hấp và nguy hiểm đến tính mạng.
 
 

Đức Anh/GĐTE

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

5 tháng trước

“Nằm vo tròn như một thai nhi trong bụng mẹ, tôi cảm giác mình sắp chết, không còn chút hi vọng nào có thể sống sót để kể lại câu chuyện này cho bất kỳ ai”.