THỨ SÁU, NGÀY 26 THÁNG 04 NĂM 2024 03:55

Bệnh tim thường gặp ở trẻ do bẩm sinh hoặc biến chứng

13/12/2021 | 20:04
Nghe nói đến bệnh tim không ít phụ huynh sẽ “xanh mặt” vì chi phí điều trị cao và gánh nặng bệnh tật cho gia đình. Thế nhưng, với sự tiến bộ của y học hiện đại, căn bệnh này vẫn có thể phòng ngừa và chữa trị được nếu được phát hiện sớm. Sau đây là các nhóm bệnh tim thường gặp ở trẻ nhỏ do bẩm sinh hoặc do biến chứng từ một bệnh khác.

Bệnh tim bẩm sinh

PGS TS BS Võ Minh Phúc – Trưởng khoa Tim Mạch (BV Nhi Đồng 1 TP.HCM) cho biết, bệnh tim bẩm sinh (TBS) là những tật tim đươc hình thành từ trong bào thai do bất thường trong quá trình hình thành và phát triển của phôi thai. Nguyên nhân có thể do: bất thường từ cấu trúc gien (di truyền hoặc không di truyền), người mẹ trong quá trình mang thai (nhất là 3 tháng đầu của thai kỳ) bị nhiễm siêu vi (Rubella, sởi, quai bị, cúm…), nhiễm độc chất (từ rượu, thuốc lá, thuốc an thần, hóa chất, tia xạ…) hoặc mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường, lupus ban đỏ...

Có 3 loại tật tim bẩm sinh chính gồm:

- Hẹp các thành phần trong tim như hẹp van tim hoặc hẹp các mạch máu ngoài tim. Tật thuộc loại này dẫn tới tắc nghẽn luồng máu chảy, ứ máu trong các buồng tim gây dầy dãn các buồng tim. Ví dụ như: hẹp van động mạch phổi, hẹp van động mạch chủ, hẹp van 2 lá.

- Hẹp van động mạch phổi: Có các lỗ thủng ở vách ngăn giữ các buồng tim (thông liên nhĩ, thông liên thất). Những lỗ thủng này cho phép máu chạy từ buồng tim bên này sang buồng tim bên kia (luồng thông). Khi áp lực ở buồng tim trái cao hơn, chiều luồng thông sẽ từ tim trái qua tim phải, dẫn tới tăng lượng máu lên phổi. Ngoài ra, luồng thông có thể không chạy qua các lỗ thủng mà chạy qua ống động mạch tồn tại sau sinh. Ống này đáng lẽ phải tự biến mất sau khi trẻ được sinh ra nối động mạch chủ với động mạch phổi cũng sẽ làm tăng lưu lượng máu lên phổi.

- Các mạch máu chính xuất phát từ tim ở những vị trí bất thường như dị tật “hoán vị đại động mạch chủ”. Bình thường, động mạch chủ xuất phát từ tâm thất trái mang máu đỏ - giàu oxy đi nuôi cơ thể còn động mạch phổi xuất phát từ tâm thất trái mang máu đen lên phổi để trao đổi oxy. Nếu bị “hoán vị đại động mạch” động mạch chủ và phổi sẽ hoán đổi vị trí cho nhau. Như vậy, máu đen từ tĩnh mạch về tim sẽ được được bơm lên động mạch chủ đi nuôi cơ thể dẫn tới trẻ sẽ bị thiếu oxy, trẻ có biểu hiện tím đen. Nếu không được phẫu thuật sớm trẻ sẽ tử vong.

Trong một vài trường hợp các tật trên có thể phối hợp với nhau. Ví dụ, bệnh “tứ chứng Fallot” trẻ vừa có thông liên thất vừa có hẹp động mạch phổi. Trong tật này máu lên phổi sẽ ít đi, áp lực trong tim phải cao, máu đen bên tâm thất phải sẽ qua lỗ thông liên thất vào tâm thất trái rồi đi vào động mạch chủ, máu đi nuôi cơ thể không đủ oxy khiến trẻ tím đen.

Nếu không điều trị, các tật TBS nặng sẽ dẫn tới: tim to, suy tim, tím tái nặng do thiếu oxy, trẻ thường xuyên bị nhiễm trùng phổi, chậm lớn, chậm phát triển tâm thần, vận động, nếu nặng có thể dẫn tới tử vong (sớm hoặc muộn tùy theo tật tim).

Làm thế nào để phát hiện sớm các trường hợp TBS?

Các trường hợp TBS có thể phát hiện sớm qua siêu âm bào thai lúc thai 16 tuần. Các bà mẹ khi mang thai nên đi khám thai định kỳ, nếu siêu âm sản khoa thấy có những dấu hiệu gợi ý sẽ được đề nghị siêu âm tim bào thai. Trẻ em nên đi khám sức khỏe định kỳ để được phát hiện sớm, không nên đợi khi có các triệu chứng rồi mới đi khám, đôi khi sẽ muộn và không điều trị được.

Bệnh TBS có điều trị được không?

 Hầu hết các tật TBS đều có thể điều trị được bằng phẫu thuật hoặc bằng thông tim can thiệp (nội soi), thậm chí có thể can thiệp ngay sau sinh.

Phòng ngừa các tật TBS bằng cách nào?

Bs Võ Minh Phúc cho biết, các tật TBS có thể phòng ngừa được. Phụ nữ trước khi mang thai nên chủng ngừa cúm, sởi, quai bị, Rubella, điều trị ổn định các bệnh mạn tính, tránh hút thuốc, uống rượu, tiếp xúc các độc chất. Phụ nữ mang thai cũng cần cẩn thận khi sử dụng thuốc, phải tham khảo ý kiến bác sĩ sản khoa.

Với sự tiến bộ của y học hiện đại, bệnh tim bẩm sinh hay biến chứng từ bệnh khác ở trẻ em vẫn có thể phòng ngừa và chữa trị được nếu được phát hiện sớm. Ảnh CK

Với sự tiến bộ của y học hiện đại, bệnh tim bẩm sinh hay biến chứng từ bệnh khác ở trẻ em vẫn có thể phòng ngừa và chữa trị được nếu được phát hiện sớm. Ảnh CK

Thấp tim

Bệnh thấp tim xảy ra sau khi bị viêm họng do một loại vi trùng có tên Liên cầu khuẩn tan huyết bê-ta nhóm A. Loại vi trùng này làm tổn thương tim, khớp, thần kinh, da và mô dưới da. Bệnh xảy ra ở tất cả mọi người nhưng tập trung nhiều nhất ở trẻ từ 5-15 tuổi có cơ địa nhạy cảm với loại vi trùng này.

Sau khi bị viêm họng do vi trùng này tấn công, khoảng 1-2 tuần trẻ sẽ có một hoặc nhiều các triệu mà nếu không được chữa trị kịp thời trẻ sẽ bị suy tim cấp nguy hiểm, có thể tử vong hoặc để lại di chứng hở hẹp các van tim dẫn tới suy tim mãn tính. Các triệu chứng cần lưu ý:

- Sưng, nóng, đỏ, đau một hoặc nhiều khớp.

- Mệt, khó thở, đau ngực, xanh xao, vả mồ hôi, phù, tiểu ít, hồi hộp, tim đập nhanh, tim to, sưng, đập yếu.

- Tay chân yếu, cầm đồ đạc và cử động trở nên vụng về, dễ đánh rơi, viết chư xấu đi, dễ ngã...

- Nổi những mảng hồng ban hình tròn trên người.

- Nổi những nốt cục dưới da nhỏ như hạt đậu, ở cùi chỏ, đầu gối, dọc cốt sống, da đầu.

- Chảy máu cam, đau bụng, biếng ăn.

Bệnh nhân cần được nghỉ ngơi tuyệt đối từ 2 tuần đến 3 tháng tùy theo chỉ định của bác sĩ cùng với điều trị nội khoa bằng kháng sinh pencillin, thuốc chống viêm Aspirin hoặc Corticoid từ 2-8 tuần và cả thuốc an thần nếu thấy có các triệu chứng thần kinh. Sau đó tiếp tục theo dõi, uống thuốc phòng ngừa trong thời gian ít nhất là 5 năm.

Để tránh mắc phải bệnh này, các bậc cha mẹ nên đưa trẻ đi khám bệnh sớm khi có triệu chứng đau họng, ho, sốt, đừng xem thường viêm họng là “bệnh vặt” mà bỏ qua. Nếu trị sớm và đúng bệnh viêm họng thì sẽ không bị biến chứng thấp tim. Trong tình hình dịch bệnh hiện nay, viêm họng còn có thể là nguy cơ khi trẻ đã nhiễm Covid-19, nên phụ huynh hãy hết sức lưu ý!

Can Khương
Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

5 tháng trước

Tại Quảng trường Đại đoàn kết, thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai, tối 11/11 đã khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch, liên hoan trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên Gia Lai 2023 với chủ đề “Gia...