THỨ BẨY, NGÀY 20 THÁNG 04 NĂM 2024 12:32

Bình Phước thực hiện hiệu quả quyền trẻ em

04/12/2020 | 11:39

Một buổi tập huấn chuyên đề về quyền trẻ em do Hội đồng đội tỉnh tổ chức. Ảnh: Thùy Dương


Trước hết là công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về Luật Trẻ em và quyền trẻ em cho chính quyền các cấp, các tổ chức, gia đình, nhà trường, cộng đồng xã hội và bản thân trẻ em về quyền trẻ em. Các địa phương đã xây dựng kế hoạch về trẻ em và thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trẻ em và thực hiện quyền trẻ em với nhiều hình thức phong phú, như: tuyên truyền trực tiếp tại các hộ gia đình về các quyền của trẻ em, thủ tục đăng ký khai sinh, thẻ bảo hiểm y tế, các hành vi vi phạm quyền trẻ em, giúp đỡ cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, giáo dục, vận động gia đình không bạo hành trẻ em, vận động trẻ em đến trường đúng độ tuổi, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, xâm hại hòa nhập cộng đồng; tổ chức các hoạt động, cuộc thi liên quan đến các nội dung phòng, chống bạo lực học đường; tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng được duy trì thường xuyên như mở chuyên mục trên Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước. Xuất bản các tập san, xây dựng các cụm pano tại các huyện, thị xã với những nội dung tuyên truyền về các quyền của trẻ em. In ấn, nhân bản và phát hành 16.000 bộ tài liệu tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình tại các địa bàn trọng điểm. Tiếp tục triển khai Đề án tuyên truyền, giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình và mô hình phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Bình Phước, mỗi năm tổ chức 26 hội nghị với trên 1.300 lượt người tham dự là đại diện các gia đình tham dự. Công an tỉnh đã phối hợp với các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các đoàn thể, nhà trường trong công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến cho phụ huynh và học sinh trên địa bàn để các em học sinh có kiến thức và kỹ năng bảo vệ bản thân khỏi nguy cơ bị xâm hại, bạo lực.


Tỉnh cũng chú trọng việc xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em đã được các ngành và địa phương tổ chức thực hiện đồng bộ. Ngành Giáo dục - Đào tạo xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, mô hình “Trường học an toàn”; tổ chức sinh hoạt chuyên đề “Học sinh, sinh viên nói không với hành vi bạo lực”. Ngành LĐTBXH thực hiện mô hình “Ngôi nhà an toàn, phòng chống tai nạn thương tích trẻ em”; xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em tại 11/11 huyện, thị xã, thành phố. Ngành Y tế thực hiện việc xây dựng “Cộng đồng an toàn cho trẻ em”.

Tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại Cơ sở xã hội Mái ấm An Vũ, xã Đồng Tâm, Đồng Phú, tỉnh Bình Phước. Ảnh: Đức Anh

Bên cạnh đó, tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương bố trí ngân sách cho công tác trẻ em, xây dựng, củng cố hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; thực hiện tốt chương trình, đề án về trẻ em; tăng cường vận động nguồn lực hỗ trợ cải thiện tình trạng sức khỏe, dinh dưỡng, hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số, miền núi; bảo đảm cơ cấu tổ chức quản lý Nhà nước về trẻ em và nhân lực thực hiện công tác trẻ em tại địa phương, thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em thông qua các lĩnh vực như giáo dục, y tế, đảm bảo xã hội và thông qua các chương trình, đề án… Việc xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em, phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em  được các ngành quan tâm thực hiện. Hệ thống cơ sở dữ liệu trẻ em tỉnh Bình Phước đang hoàn thiện và duy trì hoạt động. Các hoạt động tập huấn nâng cao năng lực kiến thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em khỏi các nguy cơ bị xâm hại, bị bạo lực cho cán bộ, người làm công tác trẻ em cấp xã, cộng tác viên làm công tác trẻ em tại cộng đồng, cha mẹ và người chăm sóc trẻ được thực hiện thường xuyên từ cấp tỉnh đến cơ sở. Hoạt động cung cấp và kết nối dịch vụ bảo vệ trẻ em tại Trung tâm Công tác xã hội được duy trì và phát huy hiệu quả.  


Đội ngũ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em (BVCSTE) các cấp thường xuyên được củng cố, kiện toàn để đảm bảo nhiệm vụ. Tại các thôn, ấp, khu phố đều có cộng tác viên làm công tác BVCSTE (hiện toàn tỉnh có 863 cộng tác viên trẻ em). Công tác tập huấn cho đội ngũ cán bộ và cộng tác viên làm công tác BVCSTE ở cơ sở được các ngành, địa phương quan tâm thực hiện như: cấp tỉnh tập huấn cho 355 người, cấp huyện 550 người, cấp xã 1.300 người, tập huấn cho 780 người là cha mẹ, người chăm sóc trẻ, tập huấn các kỹ năng tự bảo vệ khỏi các nguy cơ bị xâm hại, bạo lực cho 10.350 trẻ em.  


Từ năm 2019 đến nay, 100% các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các hoạt động bảo đảm bảo các quyền cơ bản của trẻ em như đăng ký khai sinh, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí, học tập. Tỷ lệ trẻ em đi học tiểu học đúng độ tuổi đạt 99,6%; có 114.629 trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Số xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp trẻ em là 87 xã, đạt 78,38%. Giảm tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt xuống mức dưới 2% tổng số trẻ em; trên 95% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc để phục hồi, hòa nhập cộng đồng và có cơ hội phát triển; giảm tỷ lệ gia tăng số trẻ em bị xâm hại, lợi dụng.


Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, trên địa bàn tỉnh Bình Phước vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, bị xâm hại, bạo lực, lạm dụng sức lao động, nhất là vùng sâu vùng xa, kinh tế kém phát triển, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao, dân số thường xuyên biến động phần lớn. Điều này đòi hỏi tỉnh Bình Phước cần nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc thực hiện và bảo đảm các quyền của trẻ em.

Minh Anh/TC GĐ&TE

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...