THỨ TƯ, NGÀY 24 THÁNG 04 NĂM 2024 02:31

Bố mẹ - bạn đồng hành tin cậy của con

28/07/2020 | 15:32

Ảnh minh họa

Nhiều người, vì quá bận rộn đến nỗi không có thời gian quan tâm đến việc học của con. Nhưng hễ khi con bị điểm kém, họ lại la mắng, đổ lỗi cho con. Ngược lại, cũng có những trường hợp, bố mẹ quá sốt sắng với việc học của con, nên tự kèm con học trước cả chương trình trong sách giáo khoa, thậm chí ép con học kiến thức nâng cao hẳn so với yêu cầu của độ tuổi, dẫn đến việc con trở nên nhàm chán với bài học trên lớp, không còn muốn tập trung nghe thầy cô giảng bài. Từ những tình huống như trên, có thể thấy, việc lựa chọn một phương pháp để khơi dậy niềm vui học tập cho con thật không dễ dàng. Nếu bố mẹ đã áp dụng nhiều cách để rèn luyện con mà chưa đạt hiệu quả như kì vọng, hãy thử đồng hành với con như một người bạn thân thiết, hẳn là con sẽ được đón nhận nhiều niềm vui trong học tập khi có bố mẹ đồng hành.


Thế nào là đồng hành với con?


Để đồng hành với con, trước hết, bố mẹ cần phải dành thời gian cho con. Hàng ngày, chúng ta vẫn có thời gian lướt web, mua sắm, online, thì không thể nào không dành ra khoảng 30 phút để quan tâm việc học tập của con. Nhưng như thế vẫn chưa đủ, nhiều bố mẹ dù có thời gian dành cho con vẫn không biết nên đồng hành với con thế nào. Một lần, khi tôi nêu vấn đề đồng hành với con trên một diễn đàn của các bố mẹ, nhiều phụ huynh đã bày to sự lo ngại rằng, chính bản thân mình không am hiểu về bộ môn con học, hoặc do học lâu ngày đã quên mất kiến thức, thì làm sao mà đồng hành với con được. Thực ra, ở đây các bố mẹ đang nhầm lẫn giữa việc dạy con và đồng hành với con. Dạy con học với mục đích cung cấp kiến thức mới là nhiệm vụ của nhà trường và giáo viên, cha mẹ không cần và không thể làm thay. Việc đồng hành với con cần hướng đến mục đích khác, đó là giúp con có hứng thú với việc học tập, từ đó củng cố, nắm bắt và mở rộng những gì đã học.


Đồng hành với con cũng không có nghĩa chỉ là kiểm tra, giám sát xem con đã làm xong bài chưa, nhắc nhở con làm đúng, đủ bài tập trên lớp, hay ngồi canh con học để chúng khỏi chểnh mảng. Ngược lại, nếu lúc nào con cảm thấy mệt mỏi, áp lực hoặc mất tập trung với việc học, phụ huynh có thể cho phép con dừng việc học để chơi cùng con, giúp con giải tỏa áp lực.

Ảnh minh họa

Một số kĩ năng đồng hành với con


Để đồng hành với con, bố mẹ không nhất thiết phải là người am hiểu sâu về lĩnh vực con học. Hơn nữa, con học nhiều bộ môn, chúng ta cũng không thể hiểu biết tất cả. Cái mà bố mẹ cần trang bị ở đây là kĩ năng đồng hành với con.


Một số kĩ năng đồng hành với con có thể gợi ý để bố mẹ tham khảo:

 

Thứ nhất: Chia sẻ cùng con


Thực tế cho thấy, việc đồng hành với con không phải lúc nào cũng thuận lợi. Khó khăn lớn nhất bố mẹ hay gặp phải đó là phản ứng của những đứa trẻ. Có thể chúng không hợp tác vì nghĩ rằng bố mẹ đang ép mình học, hoặc không muốn chia sẻ với bố mẹ. Nếu gặp phải trường hợp như vậy, bố mẹ nên xem lại phương pháp của mình đã đúng hay chưa. Chúng ta có thực sự đồng hành với con như một người bạn, hay là đang dùng quyền lực của người làm bố làm mẹ để ép buộc con. Bố mẹ hãy thử đặt mình vào địa vị những đứa trẻ để cảm nhận những khó khăn, rắc rối mà chúng đang gặp phải cũng như mong muốn hay hứng thú với việc học như thế nào, để từ đó khuyến khích con, hoặc cùng con tháo gỡ khó khăn. Bên cạnh đó, khi con bày tỏ sự thích thú về một bài học ở trường, hay điều gì mới mẻ con vừa thu nhận được, bố mẹ hãy vui với niềm vui của con, đồng thời giúp con khắc sâu hơn bằng cách quan tâm, hỏi han con về những gì xung quanh làm con hứng khởi.


Thứ hai: Giúp con thực hành những điều đã học ngay tại nhà


Để làm cho việc học trở nên thú vị, bố mẹ hãy giúp con thực hành những điều đã học ngay tại nhà bằng cách tạo lập một môi trường học gần gũi gần gũi, thân thiện. Cũng bởi khoa học là những tri thức được đúc rút từ tự nhiên, cho nên, môi trường xung quanh đều là những học liệu quan trọng giúp con thực hành. Bố mẹ nên gợi ý cho con tìm hiểu bằng các câu hỏi tại sao? như thế nào? về những gì liên quan đến các bộ môn khoa học. Chắc chắn, bố mẹ sẽ bất ngờ với những lý giải thông minh của trẻ. Bên cạnh đó, chúng ta cũng có thể cùng con thực hành bằng những công việc cụ thể như: trồng thêm cây xanh và quan sát, nuôi một con vật để tìm hiểu tập tính của chúng, thực hiện một thí nghiệm vật lý tại nhà, xem một bộ phim tiếng Anh, sưu tầm tranh ảnh...


Thứ ba: Thừa nhận năng lực, sở thích của con


Sự học là một quá trình lâu dài, việc đồng hành với con cũng vậy, không phải một sớm, một chiều mà có ngay kết quả. Hoặc có thể, kết quả chưa được như mong muốn, bố mẹ cũng đừng vì thế mà vội nản chí và bỏ mặc con. Chúng ta không thể nhanh chóng biến một đứa trẻ học kém môn toán trở nên học giỏi ngay trong thời gian ngắn, hay rèn chữ đẹp như chữ mẫu chỉ trong vài ngày. Bố mẹ hãy kiên trì. Còn nếu bố mẹ đã kiên trì, con đã cố gắng mà không đạt hiệu quả, bố mẹ cần phải xem lại và thừa nhận năng lực thực sự của con để thay đổi cách định hướng cho con. Việc thừa nhận con mình không có năng lực phù hợp để theo học một bộ môn nào đó thực sự không dễ dàng, bởi vì tâm lý mong con học giỏi toàn diện vẫn luôn hiện hữu đối với mỗi phụ huynh. Chính vì tâm lý này nên đôi khi, chúng ta có thể cố ép một đứa trẻ học trung bình lên khá môn toán mà vô tình để mất một tài năng về hội họa, thể thao hay các lĩnh vực khác. Điều đó thực sự rất đáng tiếc!


Ngày nay, với sự phát triển, mở rộng của thông tin và mạng xã hội, việc tìm kiếm các phương pháp đồng hành với con chưa bao giờ dễ dàng như vậy. Cho nên, thay vì dạy con, bố mẹ hãy đồng hành với con, để cùng con tận hưởng niềm vui cũng như khám phá nhiều điều thú vị trong học tập, đừng để những đứa trẻ cô đơn trên con đường tìm kiếm tri thức và một mình đối diện với những áp lực từ bài vở mà không được sẻ chia.

Nguyễn Thị Tuyết Nhung/TC GĐ&TE

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

5 tháng trước

Tại Quảng trường Đại đoàn kết, thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai, tối 11/11 đã khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch, liên hoan trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên Gia Lai 2023 với chủ đề “Gia...