THỨ NĂM, NGÀY 25 THÁNG 04 NĂM 2024 07:37

Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình có tầm quan trọng rất lớn

20/06/2020 | 16:29

Mục đích của Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình rất rõ ràng

Gia đình với tư cách là một thiết chế xã hội đã tồn tại hàng ngàn năm. Người Việt Nam chúng ta đã dần dần hoàn thiện gia đình, tạo dựng cho gia đình những giá trị truyền thống quý báu. Con người từ khi sinh ra cho đến khi về thế giới vĩnh hằng đều gắn bó với gia đình. Tuy nhiên, trong sự vận động không ngừng của cuộc sống, gia đình cũng bị tác động của nhiều tư tưởng, nhiều trào lưu mới. Do vậy, gia đình cũng chịu nhiều “va đập” và biến đổi. 

Ảnh minh họa.

Trong hơn 30 năm qua, xã hội Việt Nam đã có những biến đổi lớn lao trong hoạt động kinh tế - xã hội. Sau khi đạt được những kết quả đáng khích lệ trong phát triển kinh tế, Việt Nam quyết định hội nhập sâu. Trong hội nhập, nhiều việc tốt, nhiều vấn đề hay của thế giới đã được chúng ta lĩnh hội. Các nước trên thế giới cũng mang đến nước ta những phong tục, tập quán; những hoạt động chưa hẳn phù hợp vào thời điểm hiện tại.


Những điều này tác động đến đời sống gia đình và nảy sinh một số hiện tượng “lệch chuẩn” làm một số người băn khoăn, lo lắng. Để củng cố và phát huy những giá trị truyền thống quý báu của gia đình Việt trong thời hội nhập, Bộ Văn hóa -  Thể thao và Du lịch đã ban hành Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình với những mục đích góp phần xác định và từng bước đưa vào cuộc sống các chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; Củng cố ý thức pháp luật, đề cao đạo đức, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân, gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước; ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình và xã hội; Nâng cao nhận thức về xây dựng, giữ gìn hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình hướng tới sự ổn định, văn minh cho toàn xã hội.
 

Các tiêu chí ứng xử đều dựa trên giá trị truyền thống và có tính phổ quát

Để đạt được mục đích trên, những tiêu chí ứng xử chung cũng đã được xác định. Đó là 4 tiêu chí có giá trị truyền thống và tính phổ quát: 1. Tôn trọng: Đánh giá đúng mực, coi trọng danh dự, phẩm giá và lợi ích của nhau; 2. Bình đẳng: Có nghĩa vụ và quyền ngang nhau về mọi mặt trong gia đình; 3. Yêu thương: Có tình cảm gắn bó tha thiết, quan tâm chăm sóc nhau; 4. Chia sẻ: Cùng nhau vun đắp tình cảm, chia sẻ với nhau vui buồn, khó khăn, hoạn nạn.


Ảnh minh họa.

Sau khi đã xác định những tiêu chí chung, Bộ tiêu chí ứng xử đưa ra những tiêu chí ứng xử cơ bản trong mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình. Những phẩm chất có giá trị nhất đã được đưa vào làm tiêu chí trong các mối quan hệ giữa các thành viên gia đình. Ví dụ, vợ và chồng là hai phẩm chất: Chung thủy, Nghĩa tình; cha mẹ với con; ông bà với cháu là Gương mẫu, Yêu thương; con với cha mẹ; cháu với ông bà là Hiếu thảo, Lễ phép; anh, chị, em là Hòa thuận, Chia sẻ.

Như vậy, chúng ta thấy các tiêu chí ứng xử đều thể hiện những phẩm chất cao quý của con người. Những phẩm chất này đã được loài người vung đắp qua các thế hệ, chúng có giá trị truyền thống và tính phổ quát cao. Đây là những điều mà con người vẫn thương nghe thấy nhưng để thực hiện chúng trong cuộc sống thì phải được nhắc nhở tới thường xuyên. Việc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xây dựng thành Bộ tiêu chí và đưa vào thực hiện trong cuộc sống nhằm mục đích này. Những điều cao cả, đầy tính nhân đạo, nhân văn cần phải luôn luôn được thể hiện trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, nhất là trong gia đình.
 

Thấy gì sau thời gian thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình?

Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình đã được thực hiện thí điểm tại 12 tỉnh/thành, gồm: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Cao Bằng, Lào Cai, An Giang, Thừa Thiên - Huế, Yên Bái, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Thái Bình, Bình Thuận và Quảng Ninh. Thời gian thí điểm 2 năm: 2019-2020; 2021 tổng kết. Tuy chưa đến thời hạn tổng kết, nhưng một số địa phương căn cứ vào tính hình thực hiện thí điểm ở địa phương mình, đã có báo cáo tổng kết bước đầu.

Hà Nội đã có một báo cáo dày dặn trên 5.600 chữ nói rõ về cách thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình ở xã Phú Cường, huyện Ba Vì và ở phường Khương Trung, quận Thanh Xuân. 600 đại biểu đại diện 600 hộ gia đình tham gia đăng ký thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình năm 2019, trong đó: Hộ gia đình 1 thế hệ: 19/600 hộ (tỷ lệ 3,2%); hộ gia đình 2 thế hệ: 384/600 hộ (tỷ lệ 64%); hộ gia đình 3 thế hệ: 197/600 hộ (tỷ lệ 32,8%).

Có thể thấy, Hà Nội đã tổ chức thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình rất nghiêm túc và bài bản. Bước đầu đã có tổng kết và chỉ rõ: “Nhân dân trên địa bàn thí điểm cơ bản đã nắm rõ nội dung, ý nghĩa, mục đích của việc thực hiện các tiêu chí ứng xử trong gia đình và cam kết thực hiện, từ đó đã góp phần thay đổi ý thức, có sự điều chỉnh về hành động, cách ứng xử giữa các thành viên trong gia đình, góp phần giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình, đẩy lùi tệ nạn xã hội, xây dựng, gìn giữ hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình hướng tới sự ổn định, văn minh cho toàn xã hội”.                                                                                           

Trong thời gian sắp tới, chắc chắn các địa phương làm thí điểm sẽ có báo cáo đầy đủ tình hình thực hiện của 2 năm 2019 - 2020. Trên cơ sở đó, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch sẽ có tổng kết chung. Kết quả của việc thực hiện thí điểm Bộ Tiêu chí sẽ tạo tiền đề quan trọng cho triển khai áp dụng chính thức Bộ tiêu chí trên phạm vi cả nước.


Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện.                    

Trọng Đàm / TC Gia đình & Trẻ em

Chi tiết trang bị vua Android tầm trung- Galaxy A55 5G: Cao cấp như Galaxy S24 Ultra, hơn iPhone 15

Chi tiết trang bị vua Android tầm trung- Galaxy A55 5G: Cao cấp như Galaxy S24 Ultra, hơn iPhone 15

1 tháng trước

Galaxy A55 5G vừa trình làng cách đây không lâu sở hữu hàng loạt trang bị ấn tượng hơn cả iPhone 15 và tiệm cận Galaxy S24 Ultra để vững bước lên ngôi vua Android tầm trung.