THỨ NĂM, NGÀY 25 THÁNG 04 NĂM 2024 06:32

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: “Mong muốn gia đình hãy dành sự quan tâm tốt nhất cho trẻ em”

09/02/2022 | 10:22
Đây là nhấn mạnh của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung tại buổi làm việc với Cục Trẻ em chiều 8/2, tại Hà Nội.

Nhiều chính sách hỗ trợ trẻ em đi trước đón đầu

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung khẳng định: Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm tâm đặc biệt đến trẻ em. Việt Nam là nước thứ 2 trên thế giới và là nước đầu tiên ở Châu Á phê chuẩn Công ước quốc tế về Quyền trẻ em. Di nguyện của nguyên Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng là muốn dành tòa nhà lúc còn sống người ở và làm việc để phục vụ công tác trẻ em. Đến nay, trụ sở 35 Trần Phú trở thành nơi làm việc của Cục Trẻ em – cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em. Qua thời gian, một số hạng mục của tòa nhà xuống cấp, Bộ LĐ-TB&XH quan tâm, dành nguồn kinh phí để sửa chữa, nâng cấp đến nay đã hoàn thành.

Bộ trưởng yêu cầu thanh tra toàn diện các cơ sở nuôi trẻ trên cả nước.

Bộ trưởng yêu cầu thanh tra toàn diện các cơ sở nuôi trẻ trên cả nước.

Khái quát nhìn chung bức tranh về trẻ em Việt Nam, Bộ trưởng cho rằng, rất tươi sáng và tốt đẹp, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em đạt nhiều thành tựu quan trọng: dinh dưỡng, y tế, giáo dục, đời sống vật chất tinh thần… được nâng lên. Gia đình có truyền thống yêu thương trẻ. Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật ngày càng được hoàn thiện, đồng bộ hơn. Hệ thống các tổ chức xã hội làm công tác trẻ em ngày càng mở rộng, phong trào toàn dân chăm sóc trẻ em được đẩy mạnh. “Trong đại dịch Covid-19 vừa qua chúng ta đã làm được rất nhiều việc cho trẻ em. Từ hỗ trợ trẻ em mồ côi do Covid-19, trẻ em là F0, F1, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn… Nhiều chính sách còn đi trước đón đầu. Những điều đó giúp người dân được ấm lòng”, Bộ trưởng nói.

Tuy nhiên, thời gian vừa qua, nổi lên vấn đề cần quan tâm đó là Việt Nam có tỷ lệ trẻ em đuối nước cao so với khu vực Châu Á. Thứ hai là tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em còn xảy ra ở niều nơi, nhiều địa bàn. Bộ trưởng cho rằng: “Vừa qua, xảy ra một số vụ bạo lực, xâm hại trẻ em để lại hậu qua nặng nề, gây bức xúc xã hội, không thể tha thứ được”.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, trẻ em vừa là mục tiêu, vừa là đối tượng, là chủ thể trong phát triển con người. Con người là mục tiêu, động lực phát triển, thì trẻ em là trung tâm động lực. Trẻ em là tương lai nhưng là đối tượng bị tác động xâm hại vì các em không tự bảo vệ được bản thân. Bộ trưởng cho rằng, có 2 cách để bảo vệ các em, đó là người lớn bảo vệ các em và dạy các em cách tự bảo vệ mình. Từ đó, Tư lệnh ngành đưa ra một số giải pháp cần thực hiện ngay. Theo Bộ trưởng, phải lấy phòng ngừa là chính. Đặc biệt quan tâm đến truyền thông, tuyên truyền, giáo dục pháp luật mọi lúc, mọi nơi trên phương tiện truyền thông.

Thứ 2 là phải tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh, thân thiện với trẻ em. Nơi an toàn nhất là gia đình, nhà trường lại để xảy ra bạo lực xâm hại ngay tại gia đình, nhà trường thì không thể chấp nhận được. Nhắc lại vụ dì ghẻ hành hạ em bé 8 tuổi ở TP Hồ Chí Minh đến tử vong, Bộ trưởng cho rằng, nếu ông bố thật sự quan tâm đến con thì không thể xảy ra tình trạng con bị đánh, bị hành hạ đến chết. Hay như vụ người tình của mẹ ghim đinh vào đầu con, người mẹ không thể không biết. Trước đó, đã nhiều lần hành hạ bé như bắt nuốt đinh, đánh gãy tay,… “Đọc lời khai của tên nghi phạm mà tôi cũng như nhiều người hết sức căm phẫn và không thể tha thứ”, Bộ trưởng nói.

Xử lý nghiêm các vụ bạo lực, xâm hại trẻ em không có vùng cấm

Người đứng đầu Bộ LĐ-TB&XH cho rằng phải hỗ trợ, can thiệp ngay từ khi có nguy cơ, chứ không chờ xảy ra rồi mới giải quyết. "Có nguy cơ thì phải báo cáo  xử lý ngay, không thể thờ ơ, vô cảm. Bản thân chúng ta, chỉ cần nghe con cháu mình khóc thì như xát muối vào người. Chứ ở đây họ bạo hành con mình mấy tiếng đồng hồ tại sao bố mẹ không biết?", Bộ trưởng chia sẻ.

Quang cảnh buổi làm việc.

Quang cảnh buổi làm việc.

“Nếu xảy ra các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em phải xử lý nghiêm, tiến hành thanh tra, giám sát và xử lý kịp thời, không có vùng cấm đảm bảo “5 nhất”: Phát hiện vụ việc sớm nhất, điều tra nhanh nhất, xử lý kịp thời nhất, xử lý nghiêm nhất và hỗ trợ nhanh nhất”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu.

Bộ trưởng cũng yêu cầu đẩy mạnh hỗ trợ pháp lý cho nạn nhân và gia đình khi sự việc xảy ra. Chủ động phối hợp với cơ quan tư pháp để phối hợp thực hiện.

Bộ trưởng giao Cục Trẻ em chủ trì, phối hợp rà soát toàn bộ hệ thống pháp luật liên quan đến trẻ em xem nội dung gì cần sửa đổi, bổ sung báo cáo Bộ để kịp thời tham mưu Chính phủ sửa đổi, bổ sung. Bộ trưởng lấy ví dụ, ở nước ngoài nếu bố mẹ bạo hành trẻ em có thể bị tước quyền nuôi con vĩnh viễn.

Cũng tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu, năm 2022 phải thực hiện thanh tra, giám sát toàn diện công tác chăm sóc, giáo dưỡng trẻ em, đặc biệt tại các Trung tâm bảo trợ xã hội, làng trẻ SOS, cơ sở tôn giáo...

Về công tác chăm sóc, hỗ trợ trẻ em tại cơ sở, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, việc phối hợp của giữa Ngành với các địa phương chưa tốt trong việc cấp kinh phí, nhân sự. "Mấy năm trước tôi biết có một địa phương tổ chức mấy tỷ đồng cho Tết Trung thu, nhưng không dành kinh phí cho công tác chăm sóc trẻ em. Tôi đã gọi điện cho lãnh đạo điện phương đó, yêu cầu họ cấp ngân sách cho công tác trẻ em và ngay lập tức là có kinh phí cho công tác trẻ em", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

In số Tổng đài bảo vệ trẻ em 111 lên bìa sách giáo khoa

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, công tác tuyên truyền về chăm sóc, bảo vệ trẻ em cần làm bài bản, mới hơn. Công tác giáo dục quyền trẻ em, hay thông tin về Tổng đài Quốc gia chăm sóc trẻ em số 111 cần phải đưa vào nhà trường, cần bàn với Bộ GD&ĐT để đưa thông tin in lên bìa sách giáo khoa, đồ chơi... “Tôi mong muốn khi xảy ra bất kỳ vấn đề nào về trẻ em, các em gọi điện ngay cho tổng đài 111, khi có nghi vấn bạo hành, xâm hại trẻ em những người xung quanh ngay lập tức gọi điện cho tổng đài 111 để kịp thời can thiệp, hỗ trợ các em”, Bộ trưởng nói.

Cục trưởng Cục trẻ em Đặng Hoa Nam nhận định, vừa rồi, các vụ trẻ em bị bạo hành, bị xâm hại, có thể thấy nổi lên một vấn đề là do việc trẻ được giao cho những người chăm sóc không đủ điều kiện mà cơ quan quản lý nhà nước không nắm được, không phát hiện được, không "chỉnh" được. Đơn cử như việc trẻ phải sống với người tình của bố/mẹ sau khi gia đình tan vỡ, trẻ sống ở những cơ sở nuôi dưỡng chưa được cấp phép, như Tịnh Thất Bồng Lai... Theo ông Nam, vấn đề này cần tính lại, sao để đảm bảo những môi trường nuôi dưỡng trước hết là phải an toàn với trẻ.

Báo cáo Bộ trưởng về những vấn đề nổi lên trong năm 2021 mà Tổng đài bảo vệ trẻ em 111 tiếp nhận được, bà Nguyễn Thuận Hải phụ trách Tổng đài cho biết,  vấn nạn xâm hại và bạo lực trẻ em trong năm 2021 tăng cao hẳn so với năm 2020, với 625 ca Tổng đài phải can thiệp, xử lý. Trong đó, trẻ bị bạo lực trong gia đình chiếm tỷ lệ nhiều nhất, tới 75%, tăng cao hơn rất nhiều, trong khi bạo lực học đường lại giảm hẳn, do trẻ không thể tới trường. Đây là một điểm đặc thù của năm 2021. Dự báo thời gian tới, khi trẻ được đi học lại, vấn đề bạo lực học đường có khả năng gia tăng nóng trở lại. Đây chính là vấn đề cần quan tâm để ngăn chặn.

Cán bộ phụ trách vận hành Tổng đài 111 cũng trình bày những khó khăn trong hoạt động của cơ quan này chính là đầu mối thông tin, can thiệp tại cơ sở. "Hệ thống của chúng tôi có cơ sở dữ liệu để kết nối tới cán bộ ngành LĐ-TB&XH, tới Phó Chủ tịch thường trực UBND cấp xã, số của công an, Hội phụ nữ… Nhưng hầu hết các trường hợp đều phải kết nối cùng lúc 4-5 đầu mối mới tính được hướng can thiệp, hỗ trợ trẻ. Khả năng làm việc của cán bộ tại cấp cơ sở còn hạn chế. Thông thường, kết nối với cán bộ Phòng LĐ-TB&XH tại cơ sở vẫn là nhanh, hiệu quả nhất" – bà Hải cho biết.

Khó khăn khác, thực tế với Tổng đài là về nhân sự cũng như kinh phí hoạt động. Đại diện Tổng đài cho biết, riêng năm 2021, Tổng đài còn thiếu 500 triệu đồng tiền cước phí điện thoại. Khả năng cao năm nay cũng sẽ tiếp tục thiếu hụt như thế mà chưa biết cách nào giải quyết. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, sẽ tìm cách giúp Tổng đài 111 giải quyết dứt điểm vấn đề này.

Tại buổi làm việc của Bộ trưởng, ông Lương Phan Cừ, Chủ tịch Trung ương Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi Việt Nam đánh giá, thời gian qua chúng ta đã làm được rất nhiều việc cho trẻ em. Không thể thấy nổi lên một vài vụ việc bạo hành, xâm hại trẻ em mà đánh giá sai về bức tranh tổng thể trẻ em Việt Nam. Tuy nhiên, ông Cừ cũng đặt ra vấn đề: Cùng với cơ quan quản lý Nhà nước, hiện có các tổ chức đoàn thể nhưng tại sao khi xảy ra các vụ bạo hành, xâm hại trẻ em lại chậm được phát hiện? Thứ hai là hiện nay, các em đang thiếu sân chơi lành mạnh đúng độ tuổi, thiếu môi trường sống an toàn, lành mạnh.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho rằng, theo thống kê của UNICEF và Tổng cục Thống kê năm 2020-2021 thì tỉ lệ trẻ em bị các thành viên trong gia đình trừng phạt gia tăng, vẫn có người cho rằng: “Yêu cho roi cho vọt”. Đây là quan niện sai lầm và cần sớm thay thế bằng phương pháp giáo dục tích cực.

Kết luận tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhắn nhủ: "Tất cả cha, mẹ, người lớn, hãy dành sự quan tâm tốt nhất cho trẻ em".

VÂN KHÁNH
Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...
Trẻ em trên thế giới đón chào năm mới

Trẻ em trên thế giới đón chào năm mới

2 năm trước

Trẻ em ở mỗi nước đều có phong tục đón năm mới khác nhau. Dù ở đâu, Tết vẫn luôn là những ngày vui và đáng nhớ với trẻ em.
Vì ngày mai tươi sáng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn

Vì ngày mai tươi sáng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn

2 năm trước

Nhờ sự hỗ trợ của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam (Quỹ BTTEVN), trong những năm qua, hàng triệu lượt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn trên toàn quốc đã được hỗ trợ kịp thời,...