THỨ TƯ, NGÀY 24 THÁNG 04 NĂM 2024 08:55

BS Nguyễn Trung Cấp - Người tham gia lên phác đồ điều trị Covid-19

10/03/2020 | 11:34

 
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. 
 
Việt Nam áp dụng sáng tạo trong điều trị bệnh COVID-19

Việt Nam đã điều trị khỏi 16 ca bệnh Covid-19. Việt Nam cũng đã phân lập được virus Corona từ rất sớm. BS Nguyễn Trung Cấp đánh giá thế nào về công tác dự phòng và điều trị của Việt Nam trước dịch Covid-19?
 
Chúng ta phải xác định là rất may mắn vì hệ thống y tế dự phòng cũng như hệ thống kiểm dịch biên giới của Việt Nam đã hoạt động tích cực từ giai đoạn đầu tiên. Cho nên, số lượng bệnh nhân bị bệnh Covid-19 ở nước ta đã được kiểm soát ngay từ đầu. Việc điều trị hiệu quả cũng xuất phát từ việc chúng ta ngăn ngừa hiệu quả. Và tôi cũng hy vọng rằng, với khả năng chúng ta tích cực ngăn ngừa cùng với sự tham gia tích cực của toàn dân, các cấp chính quyền, các đoàn thể, kiểm soát phòng bệnh chặt, không để bùng phát thì khâu điều trị sẽ bảo đảm hiệu quả.
 
Liệu khi các ca bệnh nhiều hơn, chúng ta có “vỡ trận” trong kiểm soát dịch bệnh không?
 
Trong trường hợp số lượng bệnh nhân nhiều hơn, Bộ Y tế đã có các chiến lược ứng phó và cung ứng khả năng chăm sóc tốt nhất. Chiến lược đó là “4 tại chỗ”: điều trị tại chỗ với nguồn lực tại chỗ, nhân lực tại chỗ và thiết bị tại chỗ. Chỉ những bệnh nhân nặng mới chuyển lên bệnh viện tuyến trên.
 
Thí dụ, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương là tuyến 1, Bệnh viện Phổi Trung ương là tuyến 2, các bệnh viện tỉnh là tuyến 3… Các bệnh viện tuyến dưới luôn nhận được sự hỗ trợ của bệnh viện tuyến trên về mặt nhân lực và trang thiết bị. Như vậy, trong trường hợp số lượng bệnh nhân nhiều, chúng ta vẫn bảo đảm được việc điều trị chất lượng cao.
 
Cá nhân tôi cho rằng, với số lượng bệnh nhân không quá nhiều thì hệ thống y tế của chúng ta hoàn toàn có khả năng đáp ứng được với chiến lược phân tuyến điều trị theo phương châm “4 tại chỗ”. Về số lượng bệnh nhân dự kiến, Bộ Y tế đã lên phương án sẵn sàng cho nhiều nghìn bệnh nhân.

 
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp tại buổi tọa đàm trực tuyến “Tăng sức đề kháng phòng, chống dịch Covid-19” do báo Nhân dân tổ chức.
 
Qua báo chí, được biết một số địa phương tại Trung Quốc có tỷ lệ người mắc Covid-19 thấp do họ sử dụng bài thuốc Đông y. Xin bác sĩ cho biết, các bài thuốc này có thật sự hiệu quả không và Việt Nam có hướng đến nghiên cứu những bài thuốc này không?
 
Với chủng Corona nói chung, ở người có 4 chủng virus Corona thường gây tình trạng cảm lạnh. Bản thân chúng ta cũng có một số bài thuốc Đông y chữa cảm lạnh. Về điều trị Covid-19, có hai điểm. Thứ nhất, với đa số các trường hợp diễn biến nhẹ, chúng ta chủ yếu điều trị triệu chứng bằng thuốc Tây y hoặc Đông y. Thứ hai, với trường hợp diễn biến nặng, thí dụ người bệnh bị tổn thương phổi nặng thì bắt buộc sử dụng biện pháp hồi sức của y học hiện đại như thở máy, tim phổi nhân tạo. Vậy rõ ràng, giá trị của bài thuốc Đông y nằm trong nhóm hỗ trợ triệu chứng, nâng cao thể trạng cho bệnh nhân có thể áp dụng được.
 
Với câu hỏi bài thuốc này có thật sự hiệu quả hay không, và nhờ nó mà số ca bệnh nặng giảm hay không thì chưa đủ dữ liệu để kết luận. Tại Trung Quốc, cũng mới đưa vào áp dụng và chưa kết luận có nhờ bài thuốc này mà số ca bệnh nặng giảm hay không. Nhưng chắc chắn, những bài thuốc này có thể giảm các triệu chứng và hỗ trợ sức đề kháng cho cơ thể.
 
Bình tĩnh, tự tin nhưng không thể chủ quan 
 
Chúng ta đã khống chế cơ bản nguồn dịch lan từ Trung Quốc sang, nhưng lại phải đối phó với nhiều nguy cơ khác từ những nơi có dịch bùng phát mới như Hàn Quốc, Iran, Italia… Việt Nam hiện cũng đang phải đưa ra nhiều kịch bản đối phó với dịch trong tình hình mới. Bác sĩ có khuyến cáo gì với người dân lúc này để không hoang mang, nhưng cũng không được chủ quan?
 
Kinh nghiệm trong việc điều trị 16 ca nhiễm chủng mới của Covid-19 đợt này cũng như trước kia với các ca điều trị dịch SARS hoặc các dịch bệnh khác đã từng xảy ra ở Việt Nam cho thấy, ngành Y tế Việt Nam có đủ năng lực để đối phó với những tình huống phức tạp cũng như các bệnh nhân nặng, khó.
 
Tuy nhiên, cũng một kinh nghiệm của chúng ta qua tất cả các mùa dịch vừa qua là việc khống chế thành công đòi hỏi có sự tham gia của tất cả các ngành, các cấp, các tổ chức chính trị, xã hội, cũng như của mọi người dân.
 
Đến thời điểm hiện tại, người dân hoàn toàn có thể tin tưởng vào năng lực dự phòng của toàn ngành Y tế. Tuy nhiên, mọi thành công cũng cần phải có sự chung tay đóng góp của mọi người, chính vì vậy, người dân có thể bình tĩnh, tự tin nhưng cũng không thể chủ quan được.
 
Và để phòng chống Covid-19, cơ thể khỏe mạnh, bổ sung dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng là rất cần thiết. Việc bảo đảm chế độ dinh dưỡng đầy đủ và duy trì một lối sống tích cực, lành mạnh đóng vai trò quan trọng trong tăng sức đề kháng phòng chống dịch Covid-19. 
 
Xin cảm ơn bác sĩ Nguyễn Trung Cấp.

Việt Cường/TC GĐ&TE

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...