THỨ NĂM, NGÀY 25 THÁNG 04 NĂM 2024 07:57

Bức tranh toàn diện về các khía cạnh cuộc sống của trẻ em năm 2020-2021

11/12/2021 | 20:15
70,8% trẻ em dưới 15 tuổi từng đã phải chịu ít nhất một hình thức xử phạt tâm lý hoặc thể xác bởi các thành viên trong gia đình là một trong những phát hiện đáng chú ý của Điều tra các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ (gọi tắt là Điều tra SDGCW Việt Nam 2020-2021).
Bà mẹ thực hành phương pháp Kangaroo chăm sóc trẻ sinh non, nhẹ cân. Ảnh SC.

Bà mẹ thực hành phương pháp Kangaroo chăm sóc trẻ sinh non, nhẹ cân. Ảnh SC.

Chăm sóc và bảo vệ trẻ em luôn là vấn đề được quan tâm và đầu tư bởi trẻ em chính là tương lai của đất nước. Điều tra SDGCW Việt Nam 2020-2021 nghiên cứu các khía cạnh chăm sóc và bảo vệ trẻ em trong các hộ gia đình Việt Nam, đặc biệt quan tâm đến trẻ em dưới 5 tuổi. Theo đó, trong số những trẻ em sinh trong vòng 2 năm trước thời điểm điều tra, có 96,6% trẻ em được cân, 95% được lau khô và 12,5% được đặt lên ngực trần của bà mẹ ngay sau khi sinh và có 88,5% được kiểm tra sức khỏe sau sinh. Trẻ sơ sinh bị nhẹ cân khi sinh đối mặt với nguy cơ tử vong gia tăng đáng kể trong những ngày đầu đời, có 4% trẻ em bị nhẹ cân khi sinh, trong đó đồng bằng sông Cửu Long là vùng có tỷ lệ trẻ em nhẹ cân khi sinh cao nhất với 9,3%.

Chương trình tiêm chủng trẻ em của WHO khuyến cáo tất cả trẻ em cần được tiêm phòng các vắc xin ngừa các bệnh lao, bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt, sởi, viêm gan B, các bệnh do tác nhân là vi khuẩn Hib, phế cầu khuẩn, virus rota và rubella. Năm 2020, trong nhóm trẻ em từ 12-23 tháng tuổi, có 86% các em được tiêm/uống phòng bại liệt, 78,3% tiêm phòng sởi và 78,6% em được tiêm chủng đầy đủ, tỷ lệ tiêm phòng các vác xin phòng lao, bạch hầu, ho, gà uốn ván, viêm gan B và viêm não Nhật Bản đạt 90%.

Bú sữa mẹ trong những năm đầu đời có thể bảo vệ trẻ khỏi các bệnh lây nhiễm, cung cấp nguồn dinh dưỡng lý tưởng, tiết kiệm và an toàn. Có 23,5% trẻ em sinh ra trong 2 năm trước thời điểm điều tra được bú mẹ trong vòng 1 giờ sau sinh, có 45,4% trẻ em dưới 6 tháng tuổi được bú mẹ hoàn toàn, 60,7% trẻ em dưới 6 tháng tuổi được bú sữa mẹ là chủ yếu và 66,5% được tiếp tục bú mẹ khi 1 tuổi. Phụ nữ ở nông thôn có xu hướng cho con cai sữa muộn hơn so với phụ nữ sống ở thành thị, có gần 70% trẻ em từ 12-15 tháng tuổi ở nông thôn được bú mẹ đến 1 tuổi trong khi ở thành thị tỷ lệ này là 60%.

Những năm đầu đời là giai đoạn phát triển nhanh về trí não cần có sự tham gia của người lớn vào các hoạt động cùng trẻ, những cuốn sách, đồ chơi cho trẻ ở nhà và các điều kiện chăm sóc để ủng hộ sự phát triển của trẻ. Kết quả điều tra cho thấy có 64,8% trẻ từ 2-4 tuổi có người lớn trong gia đình tham gia cùng từ 4 hoạt động trở lên để khuyến khích trẻ học tập và giúp trẻ sẵn sàng đi học trong vòng 3 ngày trước thời điểm điều tra; có 26,5% trẻ em dưới 5 tuổi có từ 3 quyển sách trở lên và 45,8% trẻ em cùng độ tuổi có từ 2 món đồ chơi trở lên. Có 78,2% trẻ em từ 3-5 tuổi phát triển đúng hướng, tức là có thể tự làm được ít nhất 3 trong 4 lĩnh vực sau: (1) biết đọc, biết làm toán, (2) thể chất (có thể nhặt được đồ vật, cầm, nắm), (3) giao tiếp xã hội (có thể cùng chơi với các trẻ khác) và (4) học hỏi (có thể tự làm được việc gì đó theo hướng dẫn).

Để trẻ em ở nhà không có người lớn chăm sóc, trông coi là một yếu tố nguy cơ gây ra tai nạn thương tích ở trẻ. Kết quả điều tra cho thấy có 6,5% trẻ em dưới 5 tuổi bị để ở nhà một mình hoặc cho trẻ em khác dưới 10 tuổi trông hơn 1 giờ trong tuần trước thời điểm điều tra. Tình trạng trông coi trẻ dưới 5 tuổi theo cách trên đối với nhóm trẻ sống ở Tây Nguyên có tỷ lệ cao nhất trong cả nước với 12,1%, ở các bà mẹ không có bằng cấp là 12,5% và tỷ lệ này ở các hộ nghèo nhất là 13,4%.

Cho trẻ em tham gia chương trình giáo dục mầm non là bước chuẩn bị cho việc sẵn sàng đi học tiểu học, có 80,5% trẻ em từ 36-59 tháng tuổi đang học chương trình giáo dục mẫu giáo. Tỷ lệ trẻ em đi học mẫu giáo của vùng Đồng bằng sông Cửu Long thấp nhất chỉ đạt 47,6%, thấp hơn nhiều so với vùng Đồng bằng sông Hồng (93,3%).

Ở bậc học phổ thông cho thấy nguy cơ trẻ em không đi học (trẻ em ngoài nhà trường) tăng dần theo cấp học và độ tuổi. Ở bậc tiểu học (cấp 1) có 98,2% trẻ em đi học đúng tuổi và chỉ có 1,2% trẻ em ngoài nhà trường nhưng đến cấp trung học phổ thông (cấp 3) thì tỷ lệ đi học đúng tuổi chỉ còn 78,1% và tỷ lệ học sinh ngoài nhà trường ở cấp học này là 21,6%. Tỷ lệ hoàn thành cấp học cũng phản ánh thực trạng giáo dục các cấp học, tỷ lệ hoàn thành tiểu học là 98,3% giảm xuống còn 86,8% ở cấp trung học cơ sở và chỉ còn 58,1% ở cấp trung học phổ thông. Chỉ số bình đẳng giáo dục về giới cho thấy ở bậc học trung học phổ thông nam thiệt thòi về giáo dục hơn so với nữ (1,03) trong khi không có sự khác biệt về giới giữa bậc tiểu học và trung học cơ sở.

Bảo vệ trẻ em, trong Điều tra SDGCW Việt Nam 2020-2021 thu thập các thông tin về đăng ký khai sinh, xử phạt trẻ em, lao động sớm. Đối với các thông tin xử phạt trẻ em và lao động sớm áp dụng theo tiêu chuẩn quốc tế để xác định.

Đăng ký cho trẻ khi sinh ra là bước đầu tiên bảo đảm cho trẻ được pháp luật công nhận và đảm bảo các quyền này không bị vi phạm, trên cả nước còn gần 2% trẻ em dưới 5 tuổi chưa đăng ký khai sinh.

Dạy trẻ tự kiểm soát bản thân và hành xử đúng mực là một phần của việc rèn luyện trẻ em trong tất cả các nền văn hóa, 70,8% trẻ em dưới 15 tuổi từng đã phải chịu ít nhất một hình thức xử phạt tâm lý (như la hét, chửi mắng trẻ, gọi trẻ là đồ ngu, đồ lười hoặc hình thức tương tự) hoặc thể xác (đánh hoặc phát trẻ vào bàn tay, cánh tay, cẳng chân; hoặc đánh, phát vào mặt/đầu/mang tai/mông trẻ bằng tay; hoặc đánh vào thân thể trẻ bằng một vật như thắt lưng, roi vật cứng khác; đánh trẻ liên tiếp, mạnh) bởi các thành viên trong hộ gia đình trong một tháng trước thời điểm điều tra, tỷ lệ này ở trẻ em trai là 73%, cao hơn so với trẻ em gái là 68,3%. Tỷ lệ trẻ em dưới 15 tuổi bị xử phạt nặng như đánh hoặc tát vào mặt, đầu, tai; đánh đập mạnh nhiều lần là 1,6% trên cả nước, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có tỷ lệ xử phạt nặng cao hơn so với mặt bằng chung cả nước, tương ứng là 2,4% và 2,6%.

Điều 32 của Công ước Quyền trẻ em khẳng định rằng “Các quốc gia thành viên công nhận quyền của trẻ em được bảo vệ khỏi bị bóc lột kinh tế và khỏi bất kỳ hình thức công việc nào có thể gây nguy hiểm hoặc ảnh hưởng tới việc học hành của trẻ em, hoặc có hại đối với sức khỏe hoặc sự phát triển về thể chất, trí tuệ, tinh thần, đạo đức hay xã hội của trẻ em”. Theo chuẩn quốc tế trẻ em tham gia vào cả công việc gia đình và các hoạt động kinh tế bằng hoặc vượt ngưỡng thời gian quy định đối với độ tuổi thì được coi là lao động trẻ em, kết quả điều tra cho thấy tỷ lệ lao động của trẻ từ 5-17 tuổi theo tiêu chuẩn trên là 6,6%. Theo khái niệm này thì tỷ lệ lao động trẻ em ở vùng Tây Nguyên là cao nhất (13,0%) trong 6 vùng kinh tế.

Vi Hương
Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

5 tháng trước

Tại Quảng trường Đại đoàn kết, thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai, tối 11/11 đã khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch, liên hoan trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên Gia Lai 2023 với chủ đề “Gia...
Giáo dục tín ngưỡng, tôn giáo cho trẻ em bắt đầu từ gia đình

Giáo dục tín ngưỡng, tôn giáo cho trẻ em bắt đầu từ gia đình

2 năm trước

Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên được hình thành từ xa xưa và tồn tại ở nhiều dân tộc trên thế giới. Ở Việt Nam, thờ cúng tổ tiên là một loại hình tín ngưỡng dân gian, xuất phát từ...
Trang bị kỹ năng sống cho học sinh để phát triển toàn diện

Trang bị kỹ năng sống cho học sinh để phát triển toàn diện

2 năm trước

Trong xu hướng giáo dục hiện nay không chỉ hướng vào mục tiêu tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, mà còn hướng đến mục tiêu phát triển đầy đủ và...
Chế độ ăn giàu dinh dưỡng và đạm: Bí quyết dinh dưỡng dự phòng Covid-19

Chế độ ăn giàu dinh dưỡng và đạm: Bí quyết dinh dưỡng dự phòng Covid-19

2 năm trước

Nâng cao sức khỏe và thể chất trong thời kỳ đại dịch để chống chọi lại bệnh tật là một vấn đề đang được mọi người mọi nhà quan tâm và thực hành. Vì vậy, hiện nay một chế...