THỨ BẨY, NGÀY 20 THÁNG 04 NĂM 2024 06:02

Cả xã hội chung tay bảo vệ, chăm lo cho trẻ mồ côi vì đại dịch

03/10/2021 | 08:50
Ảnh hưởng của đại dịch Covid -19 đã tác động đến mọi mặt của kinh tế, xã hội, đã có những mất mát về người, để lại những nỗi đau khó có thể bù đắp. Xót xa nhất là những trẻ em phải sống trong cảnh mồ côi do cha mẹ tử vong vì Covid-19, các cơ quan chức năng đã hỗ trợ các em vượt qua khó khăn bằng nhiều nguồn lực và cách thức khác nhau.

Theo công bố của Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, đầu năm học mới, Thành phố có trên 1.500 học sinh bậc học phổ thông, giáo dục thường xuyên rơi vào cảnh mồ côi vì người thân mất do dịch Covid-19 chỉ trong vòng vài tháng qua. Con số này chắc chắn còn lớn hơn nhiều nếu tính cả trẻ ở độ tuổi mầm non cùng với một số trường hợp đặc biệt khác ngoài hệ thống giáo dục hoặc trẻ em không có điều kiện đến trường, chưa kể số trẻ em tại các tỉnh, thành phố khác hiện chưa được thống kê.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên trao quà hỗ trợ cho trẻ em mồ côi vì dịch Covid-19 tại quận 8 - Ảnh: Duyên Phan

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên trao quà hỗ trợ cho trẻ em mồ côi vì dịch Covid-19 tại quận 8 - Ảnh: Duyên Phan

Bà Ðặng Trần Trúc Dao, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Hóc Môn nhìn nhận, phần lớn học sinh mồ côi trong đợt dịch Covid-19 này đều là con em của người lao động, trong đó có nhiều trường hợp nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Việc mất đi một người thân, khiến các em mất đi một tình cảm thiêng liêng, thiếu hụt người chăm sóc, dưỡng dục; phải đối diện nhiều khó khăn hơn trong những tháng ngày sắp tới. “Nỗi đau mất cha mẹ đối với các cháu nhỏ là quá lớn, không gì có thể bù đắp được. Các cháu mồ côi có hoàn cảnh hết sức khó khăn, cha mẹ trước khi mất đều làm thuê, buôn bán hàng rong, là công nhân, bảo vệ… giờ bơ vơ không nơi nương tựa, cuộc sống bấp bênh, tương lai phải đối mặt với nhiều thử thách”, bà Dao chia sẻ.

Đánh giá về tác động của dịch Covid-19 đối với trẻ em, các chuyên gia ngành tâm lý học lâm sàng cho rằng, trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong bối cảnh của đại dịch. Những sang chấn tâm lý của trẻ ở nhiều cấp độ khác nhau, trong đó có sự gia tăng các cảm xúc tiêu cực như căng thẳng, lo lắng, buồn chán, tức giận…

Theo Tiến sĩ Lê Minh Công, Phó trưởng Khoa Công tác xã hội trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, trẻ em thiếu sự kết nối xã hội sẽ gia tăng các hành vi tiêu cực; có suy nghĩ tự ti về bản thân, nhất là với trẻ lớn tuổi. Trẻ em trong những trường hợp này sử dụng Internet, mạng xã hội nhiều hơn để được trợ giúp, giải quyết những vấn đề khó khăn, bế tắc thay vì được tư vấn, cảm nhận về tiêu cực hay sự thoải mái, hạnh phúc…

Hỗ trợ các em vượt qua khó khăn bằng nhiều nguồn lực và cách thức

Để có thể chăm lo cho các em, nhất là trẻ em phải sống trong cảnh mồ côi do cha mẹ tử vong vì Covid-19, các cơ quan chức năng đã hỗ trợ các em vượt qua khó khăn bằng nhiều nguồn lực và cách thức khác nhau. 

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn thăm, tặng quà cho lực lượng chăm sóc trẻ em có mẹ mắc Covid-19 tại Trung tâm H.O.P.E (Bệnh viện Hùng Vương). Ảnh: Duyên Phan

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn thăm, tặng quà cho lực lượng chăm sóc trẻ em có mẹ mắc Covid-19 tại Trung tâm H.O.P.E (Bệnh viện Hùng Vương). Ảnh: Duyên Phan

Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Đặng Hoa Nam cho rằng, đại dịch Covid-19 lần này khác biệt so với các cuộc khủng hoảng về xã hội, thiên tai, thảm họa khác là chúng ta phải chăm sóc sức khỏe thể chất, sức khỏe tâm thần để giảm bớt sang chấn tâm lý cho trẻ em, nhất là những em mồ côi cha, mẹ hoặc cả cha lẫn mẹ. Điều quan trọng nhất lúc này là cần giúp người thân, người chăm sóc trẻ hay cán bộ địa phương nơi các em sinh sống sớm phát hiện các dấu hiệu sang chấn (nếu có) để can thiệp kịp thời vì không phải ai cũng có kiến thức kỹ năng để nhìn ra điều này. Hiện nay, Cục Trẻ em đã chỉ đạo các địa phương tăng cường hỗ trợ theo dõi chăm sóc trẻ mồ côi, kịp thời phát hiện các dấu hiệu sang chấn để tư vấn.

Khi cần hỗ trợ tư vấn, ngoài Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111, các địa phương, người chăm sóc trẻ có thể kết nối với các nhóm thiện nguyện ở đường dây nóng 1900636700, do các chuyên gia đầu ngành làm dịch vụ hỗ trợ trẻ em phụ trách. Dịch vụ được hoạt động từ 8 đến 22 giờ mỗi ngày.

Trong trường hợp trẻ có sang chấn kéo dài hoặc khủng hoảng thông qua các biểu hiệu hành vi cảm xúc tiêu cực như: Thu mình, lo lắng, trầm cảm, kích động, căng thẳng, có ý nghĩ tự sát, chống đối.. thì người thân cần liên hệ ngay bác sỹ tâm lý lâm sàng, hoặc tham vấn tâm lý để hỗ trợ các em.

Theo Nghị định 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, có hiệu lực từ ngày 1/7/2021, trẻ em mồ côi không có nguồn nuôi dưỡng, được hưởng trợ cấp 900.000 đồng/tháng với trẻ dưới 4 tuổi và 540.000 đồng/tháng đối với trẻ từ đủ 4 tuổi trở lên. Bên cạnh đó, khi sống tại nơi nhận chăm sóc, nuôi dưỡng thì trẻ mồ côi còn được hỗ trợ tiền ăn; chi phí điều trị trong trường hợp không có thẻ bảo hiểm y tế; chi phí đưa về nơi cư trú hoặc đến cơ sở trợ giúp xã hội, nhà xã hội.

Đầu tháng 9/2021, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng quyết định hỗ trợ 2 triệu đồng/người cho trẻ em mồ côi cha mẹ; trẻ em có hoàn cảnh khó khăn mồ côi cha hoặc mẹ do đại dịch Covid-19 trong khoảng thời gian từ ngày 27/4-31/12/2021, kinh phí trích từ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam.

Cục Trẻ em đã yêu cầu các địa phương cần nắm nhanh, sát thông tin trẻ em cần giúp đỡ, đặc biệt là trẻ em mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn để huy động sự trợ giúp kịp thời và đầy đủ nhất với tinh thần dành tất cả những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em và không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau, không trẻ em nào phải bỏ học vì Covid-19.

Việt Cường
Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...
Tiếng nức nở trong ngôi nhà của 5 trẻ mồ côi vì Covid - 19

Tiếng nức nở trong ngôi nhà của 5 trẻ mồ côi vì Covid - 19

2 năm trước

Cha đột ngột qua đời vì đại dịch, 5 đứa trẻ bỗng hóa cảnh mồ côi, không người chăm sóc. Thương các em côi cút, N. đành gửi con thơ ở quê, tạm lên thành phố rau cháo nuôi em.