THỨ SÁU, NGÀY 29 THÁNG 03 NĂM 2024 04:54

Các chính sách trợ giúp trẻ em tự kỷ tại Việt Nam

19/10/2019 | 10:22

Trẻ tự kỷ và những con số đáng báo động

Theo Tổ chức Y tế thế giới WHO: “Tự kỷ là một loại khuyết tật phát triển suốt đời và rất khó chữa khỏi, được thể hiện trong vòng 3 năm đầu đời. Tự kỷ là do rối loạn của hệ thần kinh gây ảnh hưởng đến hoạt động của não bộ. Tự kỷ có thể xảy ra ở bất kỳ cá nhân nào không phân biệt giới tính, chủng tộc, giàu nghèo và địa vị xã hội. Tự kỷ được biểu hiện ra ngoài bằng những khiếm khuyết về tương tác xã hội, khó khăn về giao tiếp ngôn ngữ và phi ngôn ngữ, có hành vi, sở thích cũng như những hoạt động mang tính hạn hẹp và lặp đi lặp lại”.
 
Ước tính, Việt Nam có hơn 200.000 người mắc hội chứng tự kỷ và tỷ lệ trẻ em mắc tự kỷ là khoảng 1% dân số trẻ em, con số đó rất lớn, tạo gánh nặng cho nhiều gia đình và toàn xã hội.
 
Mặc dù chưa có số liệu thống kê chính xác về trẻ tự kỷ, đến 2009, riêng Bệnh viện Nhi TƯ có 1.752 bệnh nhi tự kỉ. Nghiên cứu mô hình khuyết tật ở trẻ em của khoa Phục hồi Chức năng Bệnh viện Nhi TƯ (2000-2007) cho thấy số lượng trẻ được chẩn đoán và điều trị tự kỷ ngày càng đông; số trẻ tự kỷ đến khám năm 2007 gấp 50 lần năm 2000; số trẻ tự kỷ đến điều trị năm 2007 gấp 33 lần năm 2000. Tại TP.HCM, nếu năm 2000 chỉ có 2 trẻ tự kỷ điều trị, thì 2008 đã là 324 trẻ, tăng 160 lần.
 

Ông Phạm Đại Đồng, Trưởng phòng chính sách xã hội, Cục Bảo trợ xã hội giới thiệu các chính sách trợ giúp xã hội đối với trẻ em khuyết tật và tự kỷ.
 
Các chính sách trợ giúp người khuyết tật, trong đó có trẻ tự kỷ

Thời gian qua, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan soạn thảo, trình Quốc hội bổ sung nội dung liên quan trong các Bộ luật và 16 Luật liên quan; Chính phủ ban hành 40 Nghị định, Nghị quyết; Thủ tướng Chính phủ ban hành 26 Quyết định; Bộ LĐTBXH, các Bộ đã ban hành 61 Thông tư, Thông tư liên tịch có liên quan về trợ giúp xã hội cho người khuyết tật. Trong đó, có văn bản quan trọng như Luật Người khuyết tật, Nghị định số 28/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật người khuyết tật, Nghị định số 136/2013/NĐ-CP quy định về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội. 
 
Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành các quyết định: Quyết định số 1019/QĐ-TTg, ngày 5/8/2012 phê duyệt Đề án trợ giúp người khuyết tật (2012-2020), nhằm hỗ trợ người khuyết tật phát huy khả năng của mình để đáp ứng nhu cầu bản thân; tạo điều kiện để người khuyết tật vươn lên tham gia bình đẳng vào các hoạt động kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng cộng đồng và xã hội; Quyết định 1215/QĐ-TTg, ngày 22/7/2011 phê duyệt Đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễm tâm trí dựa vào cộng đồng (2011 – 2020), nhằm huy động sự tham gia của xã hội nhất là gia đình, cộng đồng trợ giúp về vật chất, tinh thần, phục hồi chức năng cho người tâm thần để ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, phòng ngừa NRTT bị tâm thần góp phần bảo đảm an sinh xã hội; Quyết định số 647/2013/QĐ-TTg, ngày 26/4/2013 phê duyệt Đề án chăm sóc trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em nhiễm HIV/AIDS, trẻ em là nạn nhân của chất độc hóa học, trẻ em khuyết tật nặng và trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa dựa vào cộng đồng (2013-2020). Trong đó, có nội dung xây dựng mô hình cơ sở chăm sóc và trợ giúp trẻ em bị tự kỷ, bị down, bị thiểu năng trí tuệ và một số nhóm đặc biệt khác.
 
Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 103/2017/NĐ-CP; Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 524/QĐ-TTg phê duyệt Đề án củng cố, phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội, Quyết định số 1520/QĐ-LĐTBXH quy hoạch mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội, đến nay cả nước thành lập 418 cơ sở trợ giúp xã hội (189 cơ sở công lập và 229 cơ sở ngoài công lập). Trong đó, có 67 cơ sở chăm sóc người khuyết tật. Ngoài ra, còn có hàng trăm cơ sở tổng hợp chăm sóc, phục hồi chức năng cho người cao tuổi, người khuyết tật và các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, với công suất phục vụ khoảng 20.000 đối tượng. 
 
Những chính sách này đã tạo ra chuyển biến tích cực đối với cuộc sống của người khuyết tật nói chung và trẻ tự kỷ nói riêng. Sự thay đổi về nhận thức xã hội giúp trẻ tự kỷ tự tin hơn, hòa nhập vào đời sống xã hội ngày càng thuận lợi.
 


Ồng Đào Xuân Quyền - Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An giới thiệu về mô hình chăm sóc, giáo dục, can thiệp, phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ tại Trung tâm.
 
Một số mô hình chăm sóc trẻ tự kỷ

Mô hình chăm sóc và phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ tại Trung tâm Phục hồi chức năng trẻ tàn tật Thụy An; Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh; Trung tâm Phồi chức năng và trợ giúp trẻ tàn tật sẽ khám bệnh, tư vấn, chăm sóc, phục hồi chức năng cho người có vấn đề về sức khỏe tâm thần; can thiệp, phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ; cung cấp hoạt động dịch vụ phục hồi chức năng đối với trẻ tự kỷ. Ngoài ra, các Trung tâm này còn giáo dục cho người có vấn đề về sức khỏe tâm thần; Phối hợp với các khoa, phòng đơn vị, tổ chức giáo dục hướng nghiệp dạy nghề cho đối tượng; Tham gia đào tạo, tập huấn hướng dẫn kỹ năng cho cán bộ, nhân viên, sinh viên các cơ sở bảo trợ xã hội, các địa phương, các trường học và gia đình đối tượng; Nghiên cứu nguyên nhân, ứng dụng, phát triển các phương pháp can thiệp, phục hồi chức năng cho người tâm thần nói chung và trẻ tự kỷ nói riêng; Phối hợp với chính quyền địa phương trợ giúp đối tượng hòa nhập cộng đồng; hỗ trợ, tạo điều kiện cho đối tượng ổn định cuộc sống; Tổ chức các hoạt động dịch vụ phù hợp (khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng, giáo dục đặc biệt, phục hồi chức năng nghề nghiệp, công tác xã hội…).
 
Trong thời gian vừa qua, Bộ LĐTBXH đã hỗ trợ thí điểm mô hình cơ sở phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh, Thanh Hóa và Đà Nẵng; Trung tâm Phục hồi chức năng và trợ giúp trẻ tàn tật; Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng Đà Nẵng; Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng TP. Hồ Chí Minh; Trung tâm Điều dưỡng phục hồi chức năng tâm thần Việt Trì.
 
Các mô hình này cung cấp dịch vụ công tác xã hội trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe rối nhiễu tâm trí; Nâng cao năng lực đội ngũ nhân viên công tác xã hội trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ rối nhiễu tâm trí; Nâng cao nhận thức cộng đồng và cung cấp các dịch vụ về giáo dục xã hội cho gia đình đối tượng; Tham gia phát triển chương trình, chính sách và thực hiện các chương trình về phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí; Cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh ban đầu và phục hồi chức năng cho người rối nhiễu tâm trí;..

Bài và ảnh: Thanh Huyền/GĐ&TE

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

5 tháng trước

Làm việc với cơ quan chức năng, 2 sinh viên ở Hà Nội khai nhận bán hàng cho một cá nhân ở Hà Tĩnh với mức giá 20.000-50.000 đồng/giàn pháo hoa nhái hàng của Bộ Quốc phòng.