THỨ BẨY, NGÀY 20 THÁNG 04 NĂM 2024 04:15

Các nước trên thế giới đẩy mạnh tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em

21/10/2021 | 21:53
Để xây dựng và thực hiện lộ trình “sống chung với Covid-19” trong dài hạn, việc bảo vệ trẻ em trước các biến thể của virus SARS-CoV-2 bằng cách tiêm vaccine ngừa Covid-19 đang là một trong những chiến lược được một số quốc gia đẩy mạnh.
Ảnh minh họa (theo baochinhphu.vn)

Ảnh minh họa (theo baochinhphu.vn)

Theo ncov.vnanet.vn, từ đầu tháng 9, trẻ em tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã bắt đầu năm học mới. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, các biến thể của virus SARS-CoV-2 gây Covid-19 vẫn đang là mối đe dọa lớn khi mà tỷ lệ trẻ em mắc bệnh và tử vong vì Covid-19 có xu hướng tăng cao. Và để bảo vệ các em trước biến thể Delta đang lây lan, những chương trình tiêm chủng cho trẻ em và đối tượng thanh thiếu niên đang được một số quốc gia đẩy mạnh hơn bao giờ hết.

Hiện, trẻ dưới 18 tuổi chiếm một tỷ lệ lớn trong dân số trên toàn cầu. Bảo vệ cho nhóm đối tượng chiếm phần đông dân số này là điều cần thiết khi chúng ta muốn tiến tới kiểm soát đại dịch. Các bằng chứng gần đây cho thấy trẻ em có khả năng lây lan virus SARS-CoV-2 kém hơn người lớn, nhưng nguy cơ không phải là con số 0. Nếu mắc Covid-19, trẻ em cũng phải chịu các tác dụng phụ nghiêm trọng, có khả năng kéo dài với mức độ tương tự như người lớn, ngay cả khi trẻ chưa bao giờ có triệu chứng hoặc chỉ xuất hiện triệu chứng nhẹ tại thời điểm nhiễm bệnh. Nhiều trẻ còn tiếp tục bị mệt mỏi, đau đầu, đau bụng, đau cơ và khớp, khó ghi nhớ và xử lý thông tin. Khi trường học mở cửa, trẻ được học trực tiếp là rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ, nhưng việc có một nhóm lớn trẻ em chưa được tiêm chủng và dễ mắc bệnh, có thể khiến các ca bệnh trong cộng đồng tiếp tục gia tăng.

Theo các chuyên gia, tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em là một điều rất cần thiết. Tuy nhiên, các nhà quản lý cần giám sát chặt chẽ các quy trình tiêm chủng cho đối tượng này. Hiện Tổ chức Y tế Thế giới và Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ mới chỉ khuyến nghị tiêm vaccine Covid-19 cho người từ 12 tuổi trở lên với vaccine Pfizer, còn những lứa tuổi khác vẫn đang được nghiên cứu. Đa phần các quốc gia trên thế giới cũng khá thận trọng trong việc tiêm chủng cho toàn bộ trẻ nhỏ mọi lứa tuổi. Các chuyên gia cho rằng, trẻ em là những cơ thể khác biệt, không phải là "những người lớn trong kích cỡ nhỏ bé", bởi vậy đây có lẽ là tiêu chí quan trọng nhất khi các quốc gia tiến hành tất cả các hoạt động nghiên cứu và chủng ngừa vaccine Covid-19 cho đối tượng trẻ em.

Việc thực hiện các thử nghiệm vaccine cho trẻ cũng phức tạp hơn so với các thử nghiệm dành cho người lớn do các vấn đề đạo đức và một loạt các yếu tố chỉ dành cho trẻ em. Trẻ em có những khác biệt nổi bật trong quá trình trao đổi chất và miễn dịch so với người lớn. Trẻ nhỏ hơn có các phản ứng miễn dịch tích cực hơn chuyển thành các phản ứng mạnh hơn, như sốt cao hơn và các phản ứng tại chỗ. Do đó, dữ liệu an toàn lâu dài của vaccine phải được nghiên cứu tỉ mỉ trước khi đưa ra các khuyến nghị triển khai vaccine ở trẻ em.

Mặc dù vậy, hiện trên khắp thế giới, ngày càng có nhiều bằng chứng về tầm quan trọng và hiệu quả của việc tiêm vaccine cho trẻ em và phụ nữ mang thai. Nhiều sản phẩm vaccine Covid-19 được phép sử dụng khẩn cấp ở người lớn (AstraZeneca, Pfizer/BioNTech và Moderna...) cũng đã được thử nghiệm ở trẻ em từ 12 tuổi trở lên. Các thử nghiệm lâm sàng so sánh tính an toàn và hiệu quả của vaccine với giả dược. Những nghiên cứu này, xác nhận vaccine an toàn để sử dụng cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi. Hiện một số công ty cũng đã chuyển sang thực hiện các thử nghiệm lâm sàng ở trẻ nhỏ từ 6 tháng tuổi và khả năng vaccine cho những trẻ dưới 12 tuổi có thể được cung cấp vào cuối năm nay.

Các nước đẩy mạnh tiêm chủng cho trẻ em

Tại châu Âu, dù chiến lược tiêm chủng Covid-19 ở trẻ em chưa được áp dụng đồng bộ trên khắp châu Âu vì lo ngại tác dụng phụ, song nhiều nước đã tiên phong tăng độ phủ vaccine đến nhóm dân số nhỏ tuổi. Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) khẳng định tiêm chủng cho trẻ em sẽ thu lại lợi ích lớn hơn nhiều so với rủi ro. Hồi tháng 5/2021, EMA đã cấp phép sử dụng vaccine Pfizer cho trẻ em trong độ tuổi 12-15 và vaccine Moderna cho đối tượng trong độ tuổi 12-17. Trong cả hai nghiên cứu với lần lượt hơn 2.000 và 3.000 thanh thiếu niên tham gia, không trường hợp nào xuất hiện các triệu chứng của Covid-19 sau khi tiêm vaccine.

Các quốc gia châu Âu như Italy, Pháp và Đức hiện đang áp dụng chiến lược tiêm chủng quyết đoán.

Italy cho phép người từ 12 đến 18 tuổi tiêm vaccine không cần đặt lịch từ ngày 16/8, đặt mục tiêu phủ vaccine phần lớn thanh thiếu niên cả nước trước khi năm học bắt đầu vào tháng 9. Tính đến ngày 14/9, khoảng 74% tổng dân số trên 12 tuổi của Italy đã được tiêm vaccine Covid-19.

Pháp là một trong những nước châu Âu đầu tiên cho trẻ trên 12 tuổi tiêm chủng, bắt đầu từ ngày 15/6. Sau hai tháng, hơn 56% số người trong nhóm 12-17 tuổi được tiêm ít nhất một mũi vaccine, hơn 32% tiêm đủ liệu trình. Từ cuối tháng 9, những người dưới 18 tuổi ở Pháp khi đến nơi công cộng phải xuất trình thẻ xanh Covid-19, chứa chứng nhận tiêm chủng hoặc thông tin xét nghiệm âm tính trong 72 giờ trước.

Romania, Italy, Đức, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Hà Lan và Ba Lan cũng đã bắt đầu thực hiện tiêm vaccine cho trẻ từ 12 tuổi. Thụy Điển sau khi tiêm chủng ít nhất 1 mũi cho hơn 80% dân số trên 16 tuổi và tiêm đủ hai mũi cho gần 75%, cũng đã thông báo kế hoạch tiêm cho trẻ em vào mùa Thu…

Còn tại Mỹ, chính phủ nước này đã cho phép tiêm chủng vaccine Pfizer/BioNTech cho trẻ trên 12 tuổi với hai mũi cách nhau 21 ngày. Nghiên cứu đã chỉ ra vaccine của hãng Pfizer/BioNTech đạt hiệu quả 100% trong ngăn ngừa Covid-19 ở trẻ em từ 12-15 tuổi. Nghiên cứu trước đây cho thấy vaccine này có hiệu quả bảo vệ 95% ở những người từ 16 tuổi trở lên, và hiệu quả phòng ngừa bệnh nặng do biến thể Delta lên tới 96%. Vào tháng 5 vừa qua, Mỹ và Canada là hai nước đầu tiên tiêm chủng cho trẻ từ 12 tuổi trở lên, sau khi số ca mắc Covid-19 mới tăng vọt do biến chủng Delta. Đến cuối tháng 7, 42% trẻ thuộc nhóm tuổi này đã được tiêm ít nhất một mũi, 32% đã được tiêm đầy đủ hai mũi vaccine Covid-19. Hiện Mỹ đang chờ nghiên cứu thêm ở độ tuổi từ 5-11 tuổi với vaccine Pfizer/BioNTech. Còn tại Canada, đến giữa tháng 8 đã có 58% trẻ em từ 12-17 tuổi ở nước này được tiêm đầy đủ. Vaccine sử dụng là của hãng Pfizer.

Ngoài ra, một số quốc gia như Cuba, Chile và Trung Quốc… cũng đã triển khai tiêm chủng ngừa Covid-19 ở trẻ em dưới 12 tuổi.

Song song với các nước tiêm vaccin cho trẻ em theo baochinhphu.vn đưa tin Campuchia đã tiêm chủng cho hơn 1,4 triệu em từ 6 đến 12 tuổi, trong vòng 9 ngày, kể từ ngày 17/9. Con số này chiếm 75,12% tổng số trẻ em trong nhóm tuổi 6 đến 12 đủ điều kiện tiêm chủng.

Theo Hãng tin Reuters, Campuchia sử dụng vaccine của Sinovac và Sinopharm do Trung Quốc sản xuất, cùng với vaccine AstraZeneca của Anh để tiêm cho trẻ em trên 12 tuổi. Riêng trẻ em từ 6 đến 12 tuổi tiêm vaccine Sinovac.

Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) của Thái Lan đang xem xét khả năng tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ em từ 3 tuổi trở lên.

Tờ Bangkok Post đưa tin Tổng Thư ký FDA Paisarn Dankum thông báo Công ty Biogenetech, đơn vị được FDA chấp thuận nhập khẩu vaccine của Sinopharm (Trung Quốc), ngày 2/9 đã trình đề xuất hạ độ tuổi cho những người có thể tiêm vaccine của Sinopharm từ trên 18 tuổi xuống trên 3 tuổi. 

Hiện ở Thái Lan có 2 loại vaccine có thể được tiêm cho trẻ vị thành niên từ 12 tuổi trở lên là vaccine của Pfizer và Moderna. Đối với việc tiêm ngừa Covid-19 cho trẻ từ 3 tuổi trở lên, ngoài Sinopharm, Tổ chức Dược phẩm Chính phủ (GPO) cũng đang theo dõi và yêu cầu các tài liệu hỗ trợ từ các nhà sản xuất của Sinovac.

Có thể thấy nhiều quốc gia trên thế giới đang coi việc tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ em là một trong những giải pháp chủ chốt để tiến tới mở cửa trường học, cho phép trẻ em tham gia các hoạt động trong đời sống xã hội, dần đưa cuộc sống trở lại bình thường, đồng thời cũng để bảo vệ trẻ em trước nguy cơ mắc bệnh và tử vong. Việc tiêm chủng cho trẻ em cũng  giúp giảm nguy cơ truyền bệnh cho người khác và giúp nhanh chóng tạo miễn dịch cộng đồng, từ đó góp phần bảo vệ xã hội trước virus  SARS-CoV-2.

KT (Tổng hợp)
“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

5 tháng trước

“Nằm vo tròn như một thai nhi trong bụng mẹ, tôi cảm giác mình sắp chết, không còn chút hi vọng nào có thể sống sót để kể lại câu chuyện này cho bất kỳ ai”.
Lan tỏa năng lượng tích cực cho trẻ đặc biệt

Lan tỏa năng lượng tích cực cho trẻ đặc biệt

2 năm trước

Được truyền cảm hứng bởi tinh thần hồn nhiên và năng lượng tích cực của các bạn nhỏ đặc biệt (trẻ tự kỷ, trẻ khuyết tật, trẻ bị bỏ rơi, mồ côi, khó khăn), Tòhe ra đời với...
Một số giải pháp giảm thiểu tình trạng đuối nước ở trẻ em

Một số giải pháp giảm thiểu tình trạng đuối nước ở trẻ em

2 năm trước

Ngành LĐ-TB&XH giữ vai trò điều phối, đôn đốc thực hiện các giải pháp và thí điểm các mô hình, chỉ đạo, can thiệp về phòng, chống đuối nước trẻ em, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng...
Dựng chuyện cháu bị bắt cóc

Dựng chuyện cháu bị bắt cóc

2 năm trước

Thấy cháu 2 tuổi chơi ngoài sân khóc lúc có xe chạy ngang nhà, bà ngoại hô hoán và dựng chuyện "cướp lại bé từ tay người lạ" để công an vào cuộc điều tra.