THỨ BẨY, NGÀY 27 THÁNG 04 NĂM 2024 04:09

Cách kiểm soát cơn nóng giận khi trẻ mắc lỗi

10/03/2022 | 07:03
Đôi khi, cần cho trẻ thấy bạn không hài lòng về hành động vừa rồi của con, bạn đang rất tức giận. Điều này giúp trẻ hiểu mình đã làm sai và cần sửa chữa. Tuy nhiên, bạn cũng cần học cách kiềm chế cơn nóng giận, bởi nóng giận không phải là cách để giải quyết vấn đề, điều quan trọng hơn cả là chỉ cho con biết con đã sai ở đâu và cần làm gì để khắc phục hậu quả.
Hãy chỉ cho con biết, con đã sai ở đâu và cần làm gì để khắc phục hậu quả. Ảnh minh họa.

Hãy chỉ cho con biết, con đã sai ở đâu và cần làm gì để khắc phục hậu quả. Ảnh minh họa.

Bạn tức giận đã đúng cách?

Chị Mai Hương luôn tự hào mình là một bà mẹ yêu con vô cùng. Chị chưa bao giờ đánh con cho đến khi dạy kèm con học trong thời gian giãn cách xã hội. Một đoạn văn mẫu, hướng dẫn viết một ô li thì con chị viết hẳn hai ô li; Chữ đầu tiên lùi vào một ô thì con chị lùi hẳn ba ô. Ðã thế, thỉnh thoảng bé còn tự ý xuống dòng lung tung. Một đoạn văn ngắn chỉ có 5-6 dòng, con sai hơn 10 lỗi chính tả. Chỉ là nhìn mẫu và chép lại, chị không hiểu sao con có thể “biến hóa” thành một đoạn chính tả chi chít lỗi đến thế. Ban đầu, chị đã rất cố gắng bình tĩnh và nhẹ nhàng nhắc nhở con. Sau 2 lần viết lại (mỗi lần mất nửa tiếng), con chị vẫn còn mắc 4 lỗi chính tả thì chị bắt đầu cáu giận, quát mắng con. Lần đầu tiên đánh con và chị cảm thấy thật bất lực. Nếu còn tiếp tục dạy kèm con học, chị Hương sợ rằng mình sẽ biến thành mẹ “hổ”.

Có thể, rất nhiều ông bố, bà mẹ cũng đã từng rơi vào hoàn cảnh như chị Hương. Chúng ta không thể nào lý giải nổi tại sao trẻ lại sai ở những lỗi đơn giản như thế. Vâng, đó là suy nghĩ của những ông bố, bà mẹ 30-40 tuổi, không phải là suy nghĩ của những đứa trẻ 6-7 tuổi. Nếu việc viết đúng dễ đến thế, các thầy cô giáo đã không phải dành gần như cả một năm học lớp 1 chỉ để rèn trẻ viết chính tả. Vì bạn đưa ra một yêu cầu quá cao ở con nên đã nhận về một tâm trạng thất vọng và chán nản. Ðã thế, bạn còn bắt trẻ viết đi viết lại đoạn văn cho đến khi nó đúng như ý bạn mong muốn, trong khi con bạn chỉ muốn viết xong để được chơi với anh/chị hoặc xem phim hoạt hình.

Ðôi khi, các bậc cha mẹ cần phân biệt rạch ròi giữa yêu cầu/mong muốn của bản thân và khả năng thực tế của trẻ; giữa những sai phạm không nghiêm trọng của trẻ và những sai phạm có thể gây ảnh hưởng đến những người xung quanh. Căn cứ vào các hành vi cụ thể của trẻ, chúng ta sẽ có cách xử trí phù hợp. Tuy nhiên, cố gắng không chỉ trích, đay nghiến trẻ, thay vào đó, hãy hướng dẫn trẻ (trẻ nhỏ) hoặc cùng thảo luận với trẻ (trẻ đã lớn) để tìm cách khắc phục hậu quả.

Ví dụ, con làm đổ cốc sữa, bạn sẽ làm gì? Mắng con một chặp vì làm bẩn nhà hay hướng dẫn con cách lau dọn sạch sẽ sữa bị đổ và nói cho con biết hành động không khéo léo của con đã làm mất đi bữa ăn nhẹ buổi chiều?

Nóng giận không phải là cách để giải quyết vấn đề. Ảnh minh họa.

Nóng giận không phải là cách để giải quyết vấn đề. Ảnh minh họa.

Cách kiềm chế cơn nóng giận với trẻ

Khi trẻ em mắc lỗi, điều các bậc cha mẹ cần làm là phải thật bình tĩnh, chỉ cho trẻ biết trẻ đã sai ở đâu, trẻ nên làm gì để sữa chữa sai lầm. Có những sai lầm có thể khắc phục, nhưng có những sai lầm không thể cứu vãn, trẻ cần biết điều đó để lần sau không mắc phải.

Nếu chúng ta cáu giận, quát mắng, đánh đập con, đập phá đồ đạc… thì điều chúng ta muốn dạy trẻ khi trẻ mắc sai lầm sẽ rất dễ bị hiểu sai lệch thành “cha mẹ đã không còn yêu con/ cha mẹ ghét bỏ con”, khiến cho quan hệ giữa cha mẹ và con có thể xấu đi. Hãy kiềm chế cơn nóng giận của bạn bằng cách:

1. Hít thở sâu và chậm là cách để bạn kiểm soát cơn giận dữ trong mọi tình huống.

2. Tạm dừng cuộc tranh luận với con. Bạn nói mãi mà trẻ vẫn không hiểu hoặc cố tình không chịu hiểu, hãy tạm dừng cuộc tranh luận, nếu không bạn sẽ trở thành một quả bom phát nổ. Hãy chờ đến khi bạn và con bình tĩnh hơn, cuộc tranh luận sẽ được nối lại.

3. Tạm thời không gặp trẻ. Ðó cũng là cách để bạn tự hạ hỏa. Nếu lỗi của trẻ không nghiêm trọng đến mức phải xử lý ngay, bạn nên chờ cho đến khi tâm trạng trẻ bớt hoảng loạn và tâm lý bạn không còn quá căng thẳng, lúc đó hãy nói chuyện với con.

4. Hãy đặt mình vào vị trí của trẻ. Nhớ rằng, bạn đang dạy dỗ một đứa trẻ chứ không phải một người trưởng thành, đừng đỏi hỏi trẻ phải nghĩ giống như bạn. Ðặt mình vào vị trí của trẻ, bạn sẽ hiểu và cảm thông phần nào cho lỗi lầm của con.

5. Tại sao mình phải tức giận?! Bạn đã bao giờ tự hỏi bản thân câu hỏi này. Nếu tất cả những sai lầm hay yếu kém của trẻ đều khiến bạn tức giận, thì sớm muộn bạn sẽ rơi vào trạng thái stress. Ðừng quá lo lắng, bởi có những sai lầm trẻ hoàn toàn có thể tự dàn xếp và khắc phục, có những sai lầm giúp trẻ trưởng thành. Bạn chỉ nên can thiệp khi lỗi sai của con ảnh hưởng đến những người xung quanh hoặc khi con cần được giúp đỡ.

6. Tự tìm hiểu nguyên nhân. Trước khi đưa ra phán xét hay trách phạt trẻ, bạn nên tự tìm hiểu xem tại sao trẻ lại làm điều đó. Tại sao con lại đánh nhau với bạn A ở lớp? Là con gây sự trước hay do đối phương?... Biết rõ nguyên nhân của hành động sẽ giúp bạn đưa ra được quyết định xử trí đúng đắn.

7. Ðưa ra các quy tắc về hình phạt. Ðể hạn chế những sai lầm của trẻ, bạn có thể cùng con thảo luận về các hình phạt áp dụng khi con phạm lỗi. Tuy nhiên, khi yêu cầu trẻ thực hiện hình phạt này, cha mẹ nên nhắc nhở để trẻ không tái phạm lần sau, nếu trẻ vẫn mắc lỗi, hình phạt có thể sẽ gia tăng.

8. Không nhắc đi nhắc lại về lỗi sai của trẻ. Ðó là điều rất ít phụ huynh làm được. Vì mỗi khi trẻ mắc một lỗi gì đó tương tự hoặc gần giống với lỗi cũ, một cách vô thức, cha mẹ sẽ nhắc gộp lại cả các lỗi cũ trong tâm trạng tức giận. Ðiều này là không nên, trẻ sai ở đâu thì xử lý ở đó, cần tách biệt và minh bạch vấn đề này.

9. Ðề nghị người khác giúp đỡ. Bạn không phải là chuyên gia biết tuốt để thấu hiểu được mọi vấn đề trẻ đang gặp phải. Bạn có thể trao đổi cùng với vợ/chồng, ông, bà, hoặc giáo viên của con để đưa ra phương án dạy trẻ tốt nhất. Trong trường hợp cả gia đình và nhà trường cùng tham gia giáo dục trẻ mà kết quả vẫn không có biến chuyển, bạn có thể tham vấn ý kiến của các chuyên gia.

Bình Yên
Chi tiết trang bị vua Android tầm trung- Galaxy A55 5G: Cao cấp như Galaxy S24 Ultra, hơn iPhone 15

Chi tiết trang bị vua Android tầm trung- Galaxy A55 5G: Cao cấp như Galaxy S24 Ultra, hơn iPhone 15

1 tháng trước

Galaxy A55 5G vừa trình làng cách đây không lâu sở hữu hàng loạt trang bị ấn tượng hơn cả iPhone 15 và tiệm cận Galaxy S24 Ultra để vững bước lên ngôi vua Android tầm trung.
Lan tỏa tinh thần bình đẳng giới và giáo dục STEM đến học sinh

Lan tỏa tinh thần bình đẳng giới và giáo dục STEM đến học sinh

2 năm trước

Bất bình đẳng giới là một vấn đề phức tạp với nhiều thách thức đan xen. Chỉ riêng việc đa dạng hóa nhân lực tại nơi làm việc hay hỗ trợ phát triển các sáng kiến lãnh đạo của...
Cần chấm dứt hành vi trục lợi từ lao động trẻ em tại Sa Pa

Cần chấm dứt hành vi trục lợi từ lao động trẻ em tại Sa Pa

2 năm trước

Việc cha mẹ, người thân bắt ép trẻ em bán hàng rong tại Sa Pa (tỉnh Lào Cai) đã xảy ra từ nhiều năm nay và gây bức xúc trong dư luận. Dù mang lại lợi ích kinh tế, nhưng hành vi trục lợi từ lao...
Sau khỏi bệnh, trẻ em có nên đi khám hậu COVID-19?

Sau khỏi bệnh, trẻ em có nên đi khám hậu COVID-19?

2 năm trước

Hầu hết các trẻ mắc COVID-19 đều nhẹ và phục hồi nhanh hơn người lớn. Tuy nhiên, gia đình cần theo dõi sát diễn biến tình trạng sau thời gian trẻ mắc COVID-19 và có thể đưa trẻ đến...