THỨ NĂM, NGÀY 25 THÁNG 04 NĂM 2024 12:08

Cách xử trí tai nạn bỏng ở trẻ em

05/10/2018 | 17:13
 
Các bậc cha mẹ cần có kiến thức trong việc bảo vệ an toàn cho trẻ và biết cách cách sơ cứu ban đầu cho con khi xảy ra tai nạn bỏng trước khi chuyển đến cơ sở y tế.
 
Những hậu quả nặng nề
 
Theo số liệu của Viện Bỏng Quốc gia, 60% các ca bỏng được đưa đến viện là trẻ em (đa số là từ 1- 6 tuổi), trong đó bé trai bị bỏng nhiều hơn bé gái. Ở tuổi này, các em thường rất rất hiếu động, thích khám phá nhưng lại không ý thức được nguy hiểm. Đối với trẻ, thau nước sôi chuẩn bị pha tắm, ly, bình nước nóng chuẩn bị pha sữa, nồi canh đang dọn trên bàn, nồi cháo nóng vừa bắc ra khỏi bếp cho đến phích nước sôi để dưới đất, chiếc bật lửa, bàn là, bếp than, bếp điện hay bếp gas đều có thể lôi kéo sự tò mò khám phá của các em và hậu quả là… bỏng. 
 
Trong các tác nhân gây bỏng, nước sôi là nguyên nhân hàng đầu. Hầu hết tai nạn bỏng xảy ra là khi trẻ đang ở một mình, lúc người lớn bận rộn và rời mắt khỏi bé. Cha mẹ lại hay để những vật chứa nước nóng trên bàn, dưới đất trong tầm nhìn của bé, khi trẻ với lấy nghịch làm đổ nước sôi vào người gây bỏng. Ở khu vực nông thôn, trẻ em bị bỏng cũng nhiều hơn khu vực thành thị. 
 
Tùy theo mức độ nặng hay nhẹ, bỏng có thể đe dọa đến tính mạng các em do mất nước, mất điện giải, sốc bỏng, nhiễm khuẩn vết thương, nhiễm khuẩn máu, suy giảm miễn dịch... Thêm vào đó, hậu quả về lâu dài do bỏng để lại lên bản thân trẻ và gia đình là không nhỏ. Sau khi điều trị, trẻ còn có thể gặp một số di chứng nặng nề về thẩm mỹ cũng như về tâm thần, ảnh hưởng đến khả năng học tập, tiếp thu bài học chậm hơn so với các bạn và với chính bản thân mình. Về thể chất, nếu không được tư vấn và điều trị đúng cách, các di chứng ở trẻ sau bỏng sẽ nặng nề hơn so với người lớn do cơ thể các em đang trong giai đoạn phát triển, trong đó đáng chú ý là rối loạn sắc tố, ngứa, viêm da, sẹo. Nếu trẻ có sẹo co kéo ở ngực sẽ khiến ngực không phát triển làm cho lồng ngực bị hẹp lại, thể tích phổi không phát triển được. Nếu trẻ bị sẹo co kéo ở khớp không chỉ gây mất vận động mà còn có thể gây biến dạng xương. Khi trẻ bị sẹo ở cổ có thể gây co kéo cổ làm lệch cột sống. Thời gian điều trị bỏng cho trẻ kéo dài khoảng 2-3 tuần hoặc dài hơn tùy thuộc vào diện bỏng và mức độ bỏng, nhưng sau khi điều trị phải tiếp tục duy trì sự theo dõi trong 2 năm sau đó, vì thời gian này, sẹo và cơ thể trẻ vẫn phát triển sẽ dần hình thành các rối loạn do sẹo gây ra. Tuy nhiên, có những trường hợp phải xử trí ngay như những sẹo co kéo ở mắt, miệng, khiến mắt không nhắm được và miệng không mím được. Do thời gian điều trị thường kéo dài nên gánh nặng về tài chính cho việc chữa chạy chấn thương do bỏng cũng khá lớn. 
 
Cách xử trí ban đầu khi trẻ bị bỏng
 
Trẻ em bị bỏng dù trong hoàn cảnh nào thì nguyên nhân vẫn là do sự bất cẩn của người lớn. Những yếu tố nguy cơ như đồ điện, bàn là, bếp, phích nước nóng, thức ăn nóng… sẽ gây bỏng nặng nếu người lớn lơ là không để mắt tới trẻ. Điều đáng buồn là có tới 80% tai nạn bỏng ở trẻ nhỏ được người lớn xử lý ban đầu sai cách như: đắp bùn non, bôi nước mắm, bôi giấm, kem đánh răng, bôi nước điếu, bôi mẻ, rửa vết bỏng bằng nước vôi, trường hợp cá biệt còn sử dụng muối để rửa vết bỏng... thậm chí sử dụng thuốc Đông y, đắp lá thầy lang gây nhiễm khuẩn vết bỏng, nhiễm khuẩn huyết rất nguy hiểm làm cho quá trình điều trị tốn kém và để lại di chứng nặng nề mà trẻ bị bỏng phải gánh chịu. 
 
Theo BS Nguyễn Xuân Anh, chuyên gia Bệnh viện Việt - Pháp , nếu trẻ không may bị bỏng, điều trước tiên các bậc cha mẹ hoặc người thân trong gia đình phải làm là chặn đứng nguyên nhân gây ra bỏng càng sớm càng tốt. Sau đó nhanh chóng làm nguội vết thương bằng cách ngâm chỗ bị bỏng trong nước lạnh từ 20 đến 30 phút để hạ nhiệt độ hoặc cho đến khi cảm thấy hết đau, chú ý không được xả nước mạnh vì có thể làm trợt da, gây đau đớn. Việc rửa nước lạnh có công dụng làm vết bỏng không lan rộng, đồng thời làm vết bỏng nhỏ hơn và ít đau đớn hơn. Lưu ý, cần ngâm nước lạnh trước, cởi quần áo sau; trường hợp quần áo bị dính chặt vào vết thương, đừng tự cố gỡ mà phải nhờ đến bác sĩ. Tiếp đó, cần giữ vết bỏng sạch sẽ, tránh động chạm trong vòng 24 giờ. Nếu bỏng nhẹ (độ 1, 2), có thể chăm sóc tại nhà. Trường hợp bỏng nặng (độ 3), mức độ tổn thương sâu, cần đến ngay cơ sở y tế. Thường vết phồng sẽ xuất hiện sau một ngày bị bỏng. Trường hợp vết bỏng nằm ở những chỗ dễ đụng chạm, có thể dùng một băng vải đắp lên chỉ với mục đích tránh sự đụng chạm làm đau đớn. Sau 24 giờ, bạn có thể rửa vết bỏng với xà phòng và nước lạnh, lau hoặc quạt cho khô sau khi rửa, sau đó bôi dày kem kháng sinh BIAFINE, SILVIRIN hoặc làm theo hướng dẫn của bác sĩ. 

Một số biện pháp phòng tránh bỏng ở trẻ nhỏ
 
Bỏng có thể phòng và tránh được nếu mỗi gia đình, mỗi người làm cha, làm mẹ chú ý hơn trong việc sắp xếp, bài trí các vật dụng trong gia đình có nguy cơ gây bỏng cho trẻ. Không để trẻ nô đùa gần khu vực đun nấu, bén lửa; Đồ nấu ăn cần có nơi cất hợp lý, ngoài tầm tay với của trẻ; Không để trẻ tiếp xúc với bật lửa, hóa chất; Không để đồ vật nóng trong tầm tay của trẻ; không để trẻ đến gần ống xả xe máy… 
Những loại thuốc cần có:
 
Hai bộ đôi nên có sẵn ở tủ thuốc gia đình khi có trẻ nhỏ là:
 
- Chai nước muối sinh lý NaCl 9 0/00 500ml.
 
- Một tuýp kem: BIAFINE hay SILVIRIN mua dể ở các nhà thuốc Tây.
 
Ngoài ra, bông gòn, gạc vô trùng, băng keo cuộn vải Urgo hoặc băng thun cũng là những vật dụng y tế không thể thiếu.
 
 
Nếu bé bị tai nạn bỏng bàn tay, hãy bình tĩnh, nhanh chóng đưa bé đến ngay vòi nước trong nhà xối rửa nhiều nước (lưu ý không xối nước đá hoặc nước lạnh). T trong khoảng 15 phút, sau đó bôi dầy kem BIAFINE hoặc SILVIRIN lên các ngón tay bị bỏng, dùng gạc vô trùng tách giữa các kẻ ngón tay và đắp gạc lên toàn bộ vết thương bỏng, băng lại. Sau đó, tùy tình trạng nặng hay nhẹ, diện tích bỏng lớn hay nhỏ, nhà ở gần bệnh viện hay ở xa bệnh viện để đưa các bé đến khám cho bác sỹ đánh giá tình trạng bỏng và có hướng xử trí thích hợp. 

Minh Anh/TC GĐ&TE

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

5 tháng trước

“Nằm vo tròn như một thai nhi trong bụng mẹ, tôi cảm giác mình sắp chết, không còn chút hi vọng nào có thể sống sót để kể lại câu chuyện này cho bất kỳ ai”.