THỨ NĂM, NGÀY 25 THÁNG 04 NĂM 2024 10:59

Cái chết của bé V.A và bài học cho những người làm cha, làm mẹ

06/12/2022 | 15:25
Vụ việc bé gái 8 tuổi N.T.V.A ở TP. HCM bị người tình của bố bạo hành dẫn tử vong gây rúng động dư luận, sau 1 năm điều tra và xét xử cuối cùng cũng đã đi đến hồi kết. Tòa án Nhân dân TP. HCM tuyên phạt bị cáo Nguyễn Võ Quỳnh Trang tử hình về tội "giết người", 3 năm tù về tội "hành hạ người khác", tổng hợp hình phạt là tử hình. Bị cáo Nguyễn Kim Trung Thái bị tuyên án 3 năm tù tội "hành hạ người khác", 5 năm tù đối với tội "che giấu tội phạm", tổng hợp hình phạt chung là 8 năm tù.

Sự việc đã khép lại nhưng nỗi đau về việc một đứa trẻ bị chính những người sống chung một mái nhà bạo hành đến chết vẫn còn đó. Một câu hỏi nhức nhối vẫn cứ âm ỉ trong lòng mỗi người: Tại sao một đứa trẻ bị bạo hành lâu đến thế ở giữa trung tâm thành phố mà không ai can ngăn, giúp đỡ, để con ra đi trong tức tưởi?!

Bé gái 8 tuổi N.T.V.A ở TP. HCM bị người tình của bố bạo hành dẫn tử vong gây rúng động dư luận.

Bé gái 8 tuổi N.T.V.A ở TP. HCM bị người tình của bố bạo hành dẫn tử vong gây rúng động dư luận.

Xoay quanh vấn đề này, phóng viên Vì trẻ em đã có cuộc trao đổi với chuyên gia tâm lý Nguyễn Tú Anh.

Tại sao những người hàng xóm biết cháu bé bị bạo hành mà không ai can ngăn, báo chính quyền, theo chị đó là vì thói thờ ơ hay vì họ không thể can thiệp? Ở nước ngoài, nếu không giúp đỡ cháu bé bị bạo hành thì họ liệu có bị xử phạt?

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Tú Anh: Tôi nghĩ có khá nhiều yếu tố cần cân nhắc. Điều đầu tiên và có lẽ quan trọng nhất là chúng ta cần “xóa sổ” câu nói: “Thương cho roi cho vọt” vào mọi tình huống nhân danh dạy bảo dưỡng dục con trẻ. Roi vọt và đàn áp bằng bạo lực chỉ thể hiện cho sự bất lực, chứ không nhân danh tình yêu thương nào cả. Hãy thừa nhận sự thật đó, và nếu là cha mẹ, hãy nhìn nhận vấn đề của bản thân trong việc dạy con để chủ động đi tìm giải pháp hiệu quả. Bảo vệ trẻ em, theo định nghĩa trong luật, nghĩa là việc thực hiện các biện pháp phù hợp để bảo đảm trẻ em được sống an toàn, lành mạnh; phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm hại trẻ em; trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Tôi đọc thấy những người hàng xóm cũng đã có một vài nỗ lực báo với Ban quản lý tòa nhà về trường hợp này, nhưng đúng là có lẽ vì vừa là tâm lý ngại va chạm (không phải chuyện nhà mình), và cũng không có được đầy đủ thông tin về việc nên báo với cơ quan nào có thẩm quyền, hoặc cũng có thể thật sự không thể can thiệp vì không biết sự việc sẽ đi đến đâu - mà dẫn ra cơ sự này. 

Ở nước ngoài, họ thường có những văn bản quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền hạn của người liên quan quanh trẻ bị ngược đãi, cũng như tài liệu miễn phí cho cộng đồng để hướng dẫn cụ thể từng bước cần liên hệ ở đâu. Quy định tóm tắt là: Ngay khi có đủ lý do hợp lý để tin rằng một đứa trẻ mà họ biết (trong các mối quan hệ như người chăm sóc, hàng xóm, dạy dỗ, huấn luyện, chăm sóc y tế) có dấu hiệu đang bị ngược đãi, bạo hành hoặc bỏ rơi, người lớn này cần phải báo ngay cho số Hotline bảo vệ trẻ em. Trách nhiệm của nhân viên đường dây nóng là xác định xem thông tin mà người báo cáo đưa ra có đáp ứng các yêu cầu pháp lý hay không để bắt đầu tìm hiểu và điều tra. Ví dụ, đối với hệ thống phúc lợi trẻ em của Mỹ, đa số các bang đều áp dụng hình phạt tiền hoặc giam giữ đối với những người báo cáo bắt buộc nếu họ cố ý không báo cáo khi có nghi ngờ rằng một đứa trẻ đang bị ngược đãi, bạo hành hoặc bỏ rơi. 

Tuy nhiên, để bảo vệ trẻ em khỏi nguy cơ bị ngược đãi, bạo hành hoặc bỏ rơi một cách trọn vẹn cần có cả một hệ thống liên ban ngành liên quan để thực thi các công việc cấp bách theo sau đó. Điều gì sẽ xảy ra với trẻ sau khi có người báo cáo về tình huống này, con sẽ tiếp tục ở nhà hay đi “trú nạn” nơi khác, và hệ thống những nhà lưu trú cho con có được đảm bảo sẵn sàng hay chưa? Nếu người chăm sóc trẻ bị bắt, ai sẽ là người chăm sóc thay thế và đảm bảo các quyền lợi được nuôi dưỡng và chăm sóc đúng chuẩn mực? Nếu không có ai chăm sóc thay thế, và cũng không có nơi lưu trú, vậy thì con vẫn sẽ quay về ở cùng với người đã bạo hành và gây tổn hại con, chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo? Cá nhân tôi nghĩ, có rất nhiều vấn đề “dắt dây” sau đó không có câu trả lời hay giải pháp rõ ràng cụ thể, nên phải chăng đây cũng là lí do mà những người xung quanh ngại ngần báo cáo? Tôi nghe không ít người nói rằng: “Nếu ba/ mẹ bị bắt, rồi ai nuôi đứa nhỏ? Đứa nhỏ ở với ai?”.

Bị cáo Nguyễn Võ Quỳnh Trang và Nguyễn Kim Trung Thái tại toà.

Bị cáo Nguyễn Võ Quỳnh Trang và Nguyễn Kim Trung Thái tại toà.

Là một chuyên gia đào tạo làm cha mẹ và nuôi dạy con tích cực, theo chị làm thế nào để các bậc phụ huynh chuyển từ dạy con bằng đòn roi sang giáo dục bằng kỷ luật tích cực?

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Tú Anh: Ngoài việc xử phạt nghiêm minh theo pháp luật những hành vi xâm phạm trẻ, tôi tin rằng còn một nhiệm vụ vô cùng quan trọng chính là làm sao phòng ngừa và ngăn chặn những sự vụ tương tự, và điều này cần bắt đầu từ trong chính từng gia đình một. Hãy hỗ trợ cho các bậc cha mẹ để họ có thể nâng cao năng lực làm cha mẹ và nuôi dạy con, bằng cách cung cấp cho họ đầy đủ thông tin và kiến thức liên quan trong trách nhiệm này. Rất nhiều vấn đề xảy ra khi cha mẹ bị căng thẳng và stress vì không hiểu rõ giai đoạn phát triển và các nhu cầu của con trong từng thời kỳ. Vì sự hiểu lầm này mà họ có thể nghĩ là con đang “kiếm chuyện” với họ, và họ dần trở nên nóng giận, mất kiểm soát.

Cha mẹ cũng cần được biết về các cơ quan dịch vụ hỗ trợ về mặt tâm lý tinh thần và kể cả các nguồn hỗ trợ phúc lợi xã hội. Vì chính những căng thẳng cá nhân, cuộc sống, hay những tổn thương mà họ có sẵn từ trong quá khứ và tuổi thơ không được giải tỏa hay giải quyết, dẫn đến việc họ vô tình làm tổn thương con và xem con là nơi trút giận mỗi khi mất kiểm soát. Nếu có được những sự hỗ trợ cho nội tại, cha mẹ sẽ trở nên kiên cường hơn vì họ biết họ được giúp đỡ, tôi tin là họ sẽ sẵn sàng mở lòng để thay đổi và tiếp nhận kiến thức mới.

Để các bậc phụ huynh chuyển từ việc dạy con bằng đòn roi sang giáo dục bằng kỷ luật tích cực, với những phụ huynh có điều kiện về nội lực sẽ thuận tiện hơn các phụ huynh đang gặp khó khăn. Những thử thách mà phụ huynh thường chia sẻ với tôi đó là: không có sự đồng thuận của người bạn đời hay ông bà cùng chăm sóc cháu, họ sợ rằng một mình họ áp dụng phương pháp mới nhưng nhiều người cùng tham gia chăm sóc trẻ không đồng thuận thì khó có kết quả; không có ai giúp họ chăm sóc con và làm việc nhà để họ có thể dành thời gian học tập để thay đổi... Vì vậy, một cách thực tế nhất, để phụ huynh có thể thay đổi, đầu tiên họ cần phải nhận được những hỗ trợ để vượt qua các thử thách như tôi vừa nêu trên.

Empty
Thanh Huyền (thực hiện)
Chi tiết trang bị vua Android tầm trung- Galaxy A55 5G: Cao cấp như Galaxy S24 Ultra, hơn iPhone 15

Chi tiết trang bị vua Android tầm trung- Galaxy A55 5G: Cao cấp như Galaxy S24 Ultra, hơn iPhone 15

1 tháng trước

Galaxy A55 5G vừa trình làng cách đây không lâu sở hữu hàng loạt trang bị ấn tượng hơn cả iPhone 15 và tiệm cận Galaxy S24 Ultra để vững bước lên ngôi vua Android tầm trung.
Học sinh Anh mơ về bữa ăn nóng hổi giữa bão lạm phát

Học sinh Anh mơ về bữa ăn nóng hổi giữa bão lạm phát

1 năm trước

Với trẻ em sống tại Birmingham, Anh, nơi có nhiều gia đình thu nhập thấp, bữa ăn ở trường có thể là bữa ăn nóng sốt và bổ dưỡng duy nhất trong ngày.
Trẻ nói dối có thể cho thấy trí não phát triển lành mạnh

Trẻ nói dối có thể cho thấy trí não phát triển lành mạnh

1 năm trước

Nhiều trẻ em bịa ra những điều dối trá mà không mang lại lợi ích gì. Tuy nhiên, đây có thể là dấu hiệu tốt, cho thấy trí não trẻ phát triển lành mạnh.
Chủ nhóm lớp mầm non bị phạt 20 triệu vì bạo hành trẻ

Chủ nhóm lớp mầm non bị phạt 20 triệu vì bạo hành trẻ

1 năm trước

Bà Phan Thùy Giang bị phạt 20 triệu đồng vì bạo hành trẻ tại nhóm lớp do mình sáng lập và quản lý.
TP.HCM: Tăng 50% trẻ mắc viêm màng não cuối năm

TP.HCM: Tăng 50% trẻ mắc viêm màng não cuối năm

1 năm trước

Số bệnh nhi mắc bệnh viêm màng não tại TP.HCM tăng mạnh trong thời gian gần đây. Đa số trẻ mắc bệnh là trẻ nhỏ, nhũ nhi nên bệnh dễ diễn tiến không thuận lợi, gặp nhiều biến chứng...