THỨ BA, NGÀY 23 THÁNG 04 NĂM 2024 07:09

Cai nghiện bắt buộc cho người dưới 18 tuổi: Cần đảm bảo tính đặc thù

23/03/2022 | 08:24
Việc áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội. Đây không phải biện pháp xử lý hành chính nên cần đảm bảo tính đặc thù, thủ tục nhân văn.
Với việc ra đời của nhiều loại ma túy tổng hợp, việc sử dụng ma túy đang có xu hướng trẻ hóa

Với việc ra đời của nhiều loại ma túy tổng hợp, việc sử dụng ma túy đang có xu hướng "trẻ hóa"

Ông Huỳnh Thanh Hiếu, Phó giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP.HCM nhận định: “Cơ sở vật chất và năng lực của đội ngũ làm công tác cai nghiện tại xã, phường còn hạn chế. Phòng cắt cơn của những nơi này thậm chí còn không có bình lạnh, rất khó đáp ứng được yêu cầu cai nghiện.”

Trước băn khoăn liệu biện pháp này có đảm bảo quyền trẻ em hay không, Trung tá Hoàng Văn Hiểu, Phó Trưởng phòng 2 Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy cho biết: “Khi đưa người nghiện từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cai nghiện bắt buộc, đầu tiên chúng ta xác định đây không phải là biện pháp xử lý. Tức là lý lịch tư pháp của các em không bị ảnh hưởng gì cả. Do vậy sẽ đảm bảo cho các em về phát triển sau này.

Thứ hai để đảm bảo quyền của các em trong quá trình thực hiện biện pháp cai nghiện tại cơ sở cai nghiện, tại Điều 3 của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 cũng đã quy định: Trong các cơ sở này phải có bố trí một khu cai nghiện riêng cho người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi, để đảm bảo các em không bị tác động, không bị ảnh hưởng và đảm bảo cho việc cai nghiện có hiệu quả”. – Trung tá Hoàng Văn Hiểu cho biết.

Cai nghiện bắt buộc cho người từ 12 đến 18 tuổi có nhiều đặc thù

Thanh thiếu niên trong độ tuổi từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vẫn là lứa tuổi đang có sự thay đổi nhiều trong tâm sinh lý. Vì vậy, việc áp dụng hình thức cai nghiện bắt buộc với những người sử dụng ma túy trong độ tuổi này cũng tính đến những yếu tố đặc thù, để đạt được hiệu quả cao cũng như bảo vệ quyền lợi chính đáng của các em.

Việc cần tính đến những yếu tố đặc thù để đạt được hiệu quả cao cũng như bảo vệ quyền lợi chính đáng của các em là vấn đề được các đại biểu đề cập và băn khoăn trong phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Đây là phiên họp cho ý kiến về dự án, pháp lệnh, trình tự, thủ tục xem xét, quyết định đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất sự cần thiết ban hành Pháp lệnh về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trong các trường hợp: Người nghiện ma túy không thực hiện cai nghiện hoặc tự ý chấm dứt cai nghiện ma túy; người nghiện ma túy trong thời gian cai nghiện bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy; người nghiện ma túy, các chất dạng thuốc phiện không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt điều trị nghiện.

Tuy nhiên, theo các đại biểu đối tượng điều chỉnh của dự thảo Pháp lệnh là người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi. Việc đưa họ vào cơ sở cai nghiện bắt buộc không phải là biện pháp xử lý hành chính nên cần thể hiện tính đặc thù này.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật - Nguyễn Phương Thủy nêu ý kiến: “Đối tượng từ 12 đến 18 tuổi cần phải nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em, là đối tượng rất đặc biệt. Với lứa tuổi này thì việc được chăm sóc, được giáo dục, được chữa bệnh trong môi trường gia đình, trong môi trường cộng đồng là yếu tố rất quan trọng. Chúng ta đưa đối tượng trẻ từ 12 đến 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc mục đích cuối cùng là để giúp cho các các em cai nghiện thành công”.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội - Trần Quang Phương, vấn đề đặt ra trong Pháp lệnh liên quan đến những quy định của quốc tế, thực tiễn cuộc sống. Đặc biệt trẻ em trong độ tuổi này đang hình thành nhân cách, có nhiều yếu tố nhạy cảm hơn so với người lớn. Vì vậy, cần phải đánh giá cả tác động tiêu cực của chính sách, nhất là đến thanh thiếu niên, gia đình và xã hội. Từ đó làm cơ sở để lựa chọn giải pháp thực hiện, đảm bảo tính khả thi.

Phó Chủ tịch Quốc hội – Trần Quang Phương cho biết: “Đây là đối tượng rất dễ bị tổn thương và giai đoạn đang có nhiều thay đổi về tâm sinh lý. Việc hành xử thiếu thận trọng sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường và ảnh hưởng tiêu cực đến tương lai của đất nước. Vì vậy, cần đánh giá tác động đầy đủ hơn, đặc biệt là những tác động bất lợi để chúng ta có biện pháp, nhất là huy động sự tham gia của các chuyên gia, các nhà khoa học về lĩnh vực giáo dục, tâm lý học, xã hội học, y tế với các đối tượng này.”

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, tuy dự án được xem xét thông qua theo quy trình, thủ tục rút gọn nhưng vẫn phải đảm bảo đánh giá tác động đầy đủ, kỹ lưỡng. Nhất là về cơ sở vật chất phục vụ công tác cai nghiện bắt buộc cho người từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi; dự kiến nguồn lực chi cho công tác này.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết: “Việc ban hành Pháp lệnh này tạo pháp lý để tòa án thực hiện hoạt động xem xét, quyết định đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào các cơ sở cai nghiện bắt buộc. Một mặt là làm tăng khối lượng công việc của Tòa án nhân dân, nhất là cấp huyện do tác động chính sách. Còn các vấn đề khác liên quan đến kinh tế, xã hội, vấn đề ngân sách, vấn đề đầu tư...

Sau này số lượng người vào các cơ sở đó có tăng hơn không, cơ sở vật chất thế nào; dự kiến nguồn lực chi là bao nhiêu? Khi ta biểu quyết thông qua thì phải báo cáo tiếp thu, giải trình đánh giá rất kỹ việc này”. – Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Tòa án nhân dân tối cao phối hợp với các cơ quan của Chính phủ làm rõ thêm báo cáo đánh giá tác động. Trong đó, lưu ý đánh giá về thực trạng các cơ sở cai nghiện bắt buộc trên cả nước, chế độ, chính sách, các điều kiện đảm bảo cai nghiện và những điều kiện bảo đảm cho trẻ em. Đồng thời, Thường vụ Quốc hội sẽ có văn bản đề nghị với Chính phủ quan tâm hơn đến các điều kiện và chế độ bảo đảm, để thực hiện các quy định của Luật Phòng, chống ma túy.

Theo vov.vn
Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...
Công bố giải chạy cho học sinh, sinh viên S-Race 2022

Công bố giải chạy cho học sinh, sinh viên S-Race 2022

2 năm trước

Chiều 21/3, Bộ Giáo dục - Đào tạo công bố giải chạy dành cho học sinh, sinh viên S-Race 2022 với thông điệp “Vì tầm vóc Việt”.
Hà Nội: Quận Ba Đình gặp mặt động viên các đội tuyển tham dự kỳ thi Học sinh giỏi cấp thành phố

Hà Nội: Quận Ba Đình gặp mặt động viên các đội tuyển tham dự kỳ thi Học sinh giỏi cấp thành phố

2 năm trước

Sáng qua, Phòng GD&ĐT quận Ba Đình TP. Hà Nội tổ chức chương trình gặp mặt, động viên 129 học sinh trong Đội tuyển chuẩn bị tham dự kỳ thi cấp thành phố ngày 24/3.
Bé gái 4 tuổi ở TP. HCM bị u não, người nhà nhầm lẫn bé bị hậu Covid-19

Bé gái 4 tuổi ở TP. HCM bị u não, người nhà nhầm lẫn bé bị hậu Covid-19

2 năm trước

Sáng nay, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP. HCM cho biết, nơi đây đã tiếp nhận một bé gái 4 tuổi bị u não nghiêm trọng. Người nhà nhầm lẫn bé bị hậu Covid-19 nên đã trì hoãn việc thăm khám.