THỨ TƯ, NGÀY 24 THÁNG 04 NĂM 2024 01:39

Cán bộ y tế bị hành hung – Xã hội lâm nguy!

27/04/2018 | 16:32
 
 
Việc cán bộ y tế bị hành hung đã trở nên phổ biến?
 
Thông tin bác sĩ bị người nhà bệnh nhân hành hung liên tiếp xuất hiện trên báo chí. Bác sĩ bị hành hung gần như ở khắp mọi nơi, từ Nam chí Bắc, từ miền xuôi đến miền núi. Đó là việc nữ bác sĩ ở Nghệ An bị một nhóm người đuổi đánh ngay tại phòng cấp cứu của bệnh viện. Mà những người đuổi đánh là giám đốc một xí nghiệp có tiếng ở thành phố Vinh cùng một… chủ tịch phường. 
 
Còn ở Thái Bình, bác sĩ đến cấp cứu bệnh nhân bị tai nạn giao thông bị người nhà nạn nhân đấm liên tiếp vào vùng mắt, mũi, đầu, làm gãy kính. Rồi chuyện hai bác sĩ ở Yên Bái thực hiện xong một ca phẫu thuật cho một nữ sản phụ, vừa ra khỏi phòng mổ thì bị chồng sản phụ và 10 kẻ khác dùng đèn pin hành hung, đập vào đầu. Kết quả là cả hai bác sĩ phải nằm viện để điều trị vết thương. 
 
Những chuyện mới nhất xảy ra ngay trong tháng 4/2018 cũng vô cùng nghiêm trọng. Đó là vào tối 8/4, một người đàn ông tên Kỳ khi đưa con đến khám bệnh ở bệnh viện tỉnh Hà Tĩnh đã đánh bác sĩ thăm khám cho con mình. Một bác sĩ trẻ vào can ngăn cũng bị Kỳ đánh. Kết quả là cả hai bác sĩ đều bị thương; người thì bị đau đầu, chóng mặt, buồn nôn (có thể bị chấn thương sọ não); người thì bị rách mắt, chảy nhiều máu. 
Vào 23h30 ngày 13/4, tại Bệnh viện Xanh Pôn giữa Thủ đô Hà Nội, bố một bệnh nhi 7 tuổi, trong lúc trao đổi với bác sĩ về tình trạng vết thương của con mình đã xông tới đấm vào mặt bác sĩ. Cảnh này được camera ghi lại và phát rộng rãi trên mạng xã hội nên gây bức xúc cho cộng đồng.
 
Tình hình bạo lực ở bệnh viện đã khiến Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phải quan tâm. Chiều 18/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có cuộc làm việc với lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao. Tại buổi làm việc, Thủ tướng cho rằng cần khởi tố đúng pháp luật hành vi đánh bác sĩ trong bệnh viện. Thủ tướng còn nhấn mạnh: “Nếu vụ việc này mà xét xử nhanh, lưu động thì có tính giáo dục rất tốt”.
 
Giới thầy thuốc phản ứng ra sao?
 
Việc người nhà bệnh nhân hành hung bác sĩ, cùng một lúc vi phạm cả về mặt đạo đức, đạo lý lẫn pháp lý. Đã vi phạm, chắc chắn bị xử lý. Tuy nhiên, đối với giới thầy thuốc, trước hết họ phải làm thế nào để bản thân được an toàn. Còn việc xử lý theo pháp luật thì coi như “được vạ thì má đã sưng”.
 
Một số bác sĩ nổi tiếng, trong đó có bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu (Giám đốc Trung tâm Tim mạch Đại học Y Hà Nội, kiêm Phó giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và là đại biểu Quốc hội) lên tiếng kêu gọi đồng nghiệp tổ chức “tuần hành để thức tỉnh lương tri, chống bạo hành y tế”. Nhiều người ủng hộ đề xuất này. Họ cho rằng, thời gian qua, báo chí cũng như dư luận xã hội đã lên án mạnh mẽ việc hành hung bác sĩ nhưng vụ việc không hề giảm bớt, thậm chí càng ngày càng nhiều vụ bạo hành hơn, tính chất nghiêm trọng hơn. Vì vậy, việc tổ chức tuần hành là biện pháp cần thiết để toàn thể xã hội quan tâm đến việc bảo vệ thầy thuốc. Tuy nhiên, cũng có những ý kiến cho rằng, việc tổ chức tuần hành “nên chỉ là hành động cuối cùng khi mọi biện pháp trở nên bất lực”.
 
Nói như vậy để thấy nạn bạo hành bệnh viện đã trở nên rất nghiêm trọng. Một bộ phận không nhỏ trong giới bác sĩ cho rằng, cần phải tự cứu trước khi được bảo vệ của bệnh viện, cảnh sát 113 can thiệp. Một bác sĩ đang công tác tại một bệnh viện của Hà Nội cho rằng: “Đã đến lúc người làm ngành y không thể chờ đợi vào cơ quan ban ngành nào bảo vệ”. 
 
Chúng ta không nên ngạc nhiên khi thấy một số bệnh viện nhờ công an lập chốt ngay tại bệnh viện. Thậm chí đã có nơi thuê võ sư dạy võ cho các bác sĩ để họ tự bảo vệ mình. Ngoài ra, các bác sĩ nêu những vấn đề có tính nguyên tắc như: Bác sĩ đi làm là phải bám bệnh viện, trực tiếp tiếp xúc với bệnh nhân nhưng khi bị đe dọa, có được chạy trốn không? Nếu chạy trốn có vi phạm y đức không? Câu trả lời là được chạy trốn vì bảo đảm an toàn cho bản thân là ưu tiên cao nhất.
 
Các bác sĩ cũng đã phổ biến cho nhau 3 nguyên tắc nhân viên y tế cần lưu ý để tránh nguy cơ bị bạo hành khi làm việc. Đó là: 1. Người nhà, bệnh nhân và bác sĩ không đứng sát nhau quá, ít nhất cách một cánh tay; 2. Khi tiếp xúc với người nhà, bệnh nhân thì phải có người thứ ba đứng cạnh để vừa làm chứng vừa bảo vệ; 3. Không đứng xoay lưng lại bệnh nhân; khi bị tấn công, không quay lưng chạy mà đi lùi. 
 
Nếu bác sĩ buộc phải bảo vệ mình bằng vũ lực, bằng kỹ xảo thì xã hội lâm nguy mất!

Bác sĩ không được đánh lại bệnh nhân, vậy ai sẽ là người bảo vệ bác sĩ? Ảnh: Internet
 
Cần tìm những giải pháp để đạt được sự an toàn bền vững, lâu dài
 
Ông Phạm Đức Mục, Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam cho biết, bạo hành nhân viên y tế là vấn nạn toàn cầu. Công bố của Tổ chức Y tế Thế giới thống kê có 8 – 38% nhân viên y tế bị bạo hành ở nơi làm việc. Tại Việt Nam, trong hai năm qua, số vụ bạo hành nhân viên y tế tăng nhanh. Đây là vấn đề rất đáng lo ngại, cần phải tìm những biện pháp đối phó hiệu quả ngay lập tức như giới bác sĩ đã đề nghị.
 
Tuy nhiên, về lâu dài, vấn đề cần được giải quyết đúng với bản chất của nó. Xã hội nước ta đang phát triển theo cơ chế thị trường. Theo đó, ngành y tế dù là một ngành mang tính nhân văn, nhân đạo rất cao nhưng cũng là nghề phục vụ; chức năng của bác sĩ là người phục vụ người bệnh. Vậy là giữa bác sĩ và người bệnh (cùng với người nhà của họ) là mối quan hệ giữa người cung cấp dịch vụ và người hưởng dịch vụ.
 
Nếu nhìn nhận theo góc độ này, ngành y là một ngành dịch vụ công; bác sĩ không phải là công chức, viên chức mà là những người cung cấp một dịch vụ đặc biệt. Vậy trách nhiệm của bác sĩ là chữa bệnh. Để làm việc này tốt, bác sĩ phải có trình độ chuyên môn và cách ứng xử phù hợp. Ở đây, vấn đề đạo đức nghề nghiệp phải đặt lên hàng đầu.
 
Xã hội và chính quyền bảo vệ bác sĩ bằng dư luận và luật pháp, trong đó luật phải là biện pháp chính. Trước mắt, cần đưa ra biện pháp xử phạt những người hành hung bác sĩ tại bệnh viện thật nặng: Phạt thật nhiều tiền và phạt tù giam.


Hình ảnh bác sĩ Bệnh viện Xanh Pôn bị bố của bệnh nhi hành hung. Ảnh: Internet
                                                                                               
           
                                          Nên bỏ lối ứng xử duy tình!

Người Việt Nam chúng ta được xem là những người duy tình, nghĩa là thường đưa ra những quyết định dựa trên cảm xúc. Điều này không có lợi trong việc giải quyết bạo hành trong bệnh viện.

Chúng ta thường thấy, sau một vụ bác sĩ bị hành hung, thương tích có thể nặng nhẹ khác nhau; những người hành hung thường bị bắt, bị giữ để xử theo pháp luật. Lúc này hung thủ tỏ ra ăn năn, hối lỗi. 

Vậy là chính hung thủ, hoặc người nhà của anh ta tiếp xúc với bác sĩ bị hành hung để xin lỗi. Không biết lời lẽ nhỏ to, sự đền bù hay quà cáp thế nào đó, đa số nạn nhân đều thông cảm với kẻ hại mình, thứ lỗi cho họ và thường viết đơn gửi cơ quan chức năng bãi nại cho họ.
 
Hành động này thường được xã hội hoan nghênh vì nó nhân văn, nhân đạo, hợp với quan niệm “đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người chạy lại”. Khi mà nạn nhân đã tha thứ cho hung thủ thì cơ quan chức năng cũng nương nhẹ, thậm chí là tha bổng. Như vậy là sự việc được xem là kết thúc có hậu, mọi người đều hài lòng, vui vẻ.

Tuy nhiên, trên thực tế, hành động này có hại, nó khiến cho pháp luật không được thực thi một cách nghiêm minh. Nó cũng khiến cho ý nghĩa giáo dục và răn đe của pháp luật mờ đi, yếu đi. Chính vì thế, dù dư luận xã hội bức xúc, lên án nhưng bạo lực không giảm vì thủ phạm không bị trừng phạt ở mức cần thiết.

Do vậy, tôi đề nghị: Khi một vụ bạo hành bác sĩ xảy ra trong bệnh viện, hãy để cơ quan chức năng xử phạt thật nghiêm minh. Cách này sẽ góp phần làm giảm bạo lực bệnh viện.
                                                     Đàm Trọng
 

 

Hồ Bất Khuất/GĐTE

Khởi động Cuộc thi 'Trường học không ma tuý'

Khởi động Cuộc thi "Trường học không ma tuý"

5 tháng trước

Ngày 4/11, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04) Bộ Công an cho biết đang phối hợp với Ban Khoa giáo, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức cuộc thi "Trường học không ma tuý" dành cho...