THỨ TƯ, NGÀY 24 THÁNG 04 NĂM 2024 11:03

Cần chấm dứt hành vi trục lợi từ lao động trẻ em tại Sa Pa

08/03/2022 | 15:11
Việc cha mẹ, người thân bắt ép trẻ em bán hàng rong tại Sa Pa (tỉnh Lào Cai) đã xảy ra từ nhiều năm nay và gây bức xúc trong dư luận. Dù mang lại lợi ích kinh tế, nhưng hành vi trục lợi từ lao động trẻ em là vi phạm quyền trẻ em và cần phải lên án.
Trẻ em Sa Pa bán hàng rong trong giá rét. Ảnh Internet

Trẻ em Sa Pa bán hàng rong trong giá rét. Ảnh Internet

Khi trẻ em là “cần câu cơm”

Việc thu hút hơn 3 triệu du khách mỗi năm là thành công của ngành du lịch Sa Pa. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc gia tăng số trẻ em vùng cao bị đẩy ra đường bán hàng rong. Vấn nạn này đã xảy ra rất lâu nhưng vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt.

Theo phản ánh của nhiều du khách, vào mỗi đợt cao điểm trong mùa du lịch tại Sa Pa, tình trạng trẻ em chèo kéo du khách mua hàng vẫn thường xuyên xuất hiện. Trong những ngày vừa qua, dù thời tiết rét buốt, có lúc nhiệt độ ngoài trời ở thị xã Sa Pa xuống 1 độ C, nhưng nhiều đứa trẻ vẫn phải đội mưa, chìa bàn tay lạnh cóng ra để bán hàng kể cả trong đêm khuya đã để lại ấn tượng không tốt cho khách tham quan.

Anh Vũ Minh Tiến, du khách đến từ thành phố Hà Nội cho biết: “Năm nào lên đây cũng vậy, nhìn những đứa trẻ dắt díu nhau mưu sinh trong giá rét khiến vợ chồng tôi rất khó xử. Vẫn biết và được khuyến cáo là không cho tiền và mua hàng của trẻ bán hàng rong, nhưng “Không mua thì thương, mua thì có cảm giác bị lợi dụng”. “Trời lạnh thế này, sao cha mẹ lại để con ra đường bán hàng cơ chứ?” - vợ anh Tiến bức xúc.

Chị Nguyễn Minh Hà ở Hải Phòng do lần đầu lên Sa Pa nên không biết đường nên đã nhờ một bé gái khoảng 10 tuổi đang bán hàng rong dẫn chị cùng nhóm bạn lên bản Cát Cát với giá 100.000. Trên đường đi, cô bé tâm sự, dẫn khách đến các địa điểm tham quan kiếm được nhiều tiền hơn bán đồ lưu niệm. Ngoài số tiền thoả thuận cho từng cung đường, khách tham quan cũng hay “bồi dưỡng” thêm. Nếu đông khách, thu nhập một ngày được vài trăm ngàn.

Trẻ bán hàng rong ở Sa Pa. Ảnh KT

Trẻ bán hàng rong ở Sa Pa. Ảnh KT

Tuy nhiên, theo chị Hà, việc bé gái 10 tuổi một mình dẫn du khách xa lạ đến những địa điểm theo yêu cầu sẽ tiểm ẩn nhiều rủi ro về sức khoẻ, thậm chí đối mặt với nguy cơ bị bắt cóc, xâm hại… Chị Hà và nhiều du khách trong đoàn đã băn khoăn tự hỏi: Có phải do mình (những khách du lịch) là nguyên nhân để những đứa trẻ này bị xua ra khỏi nhà đi kiếm tiền về cho gia đình? Cha mẹ không thể bất chấp vấn đề sức khoẻ và sự an toàn của trẻ em như vậy.

Theo khảo sát của các cơ quan chức năng thị xã Sa Pa, hầu hết trẻ em làm việc này đều dưới sự chỉ dẫn của bố mẹ hoặc người thân. Họ dùng chính thân thể của con em mình, tạo dựng hoàn cảnh thương cảm và lòng trắc ẩn của du khách để dễ bán hàng, bất chấp điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Nhiều người mẹ sinh con chỉ với mục đích lấy đứa trẻ làm “công cụ” đi lang thang bán hàng, xin tiền của du khách.

Bà Hoàng Thị Vượng, Trưởng Phòng Thông tin và Văn hóa thị xã Sa Pa cho biết, dù địa phương đã tuyên truyền rất nhiều nhưng vẫn có những bà mẹ cố tình đẩy con em ra đường bán hàng rong, chèo kéo, đeo bám, làm phiền du khách. “Ðây là một hình thức sinh kế của người lớn. Họ lợi dụng trẻ em để du khách thương hại, mua hàng hoặc cho tiền. Ðiều này khiến các cháu mất đi tuổi thơ và môi trường học tập tốt. Ðặc biệt là nguy cơ lây nhiễm trong mùa dịch Covid-19, bởi đa phần các cháu đều chưa đến tuổi được tiêm vaccine phòng Covid-19 nhưng hằng ngày tiếp xúc với rất nhiều người”, bà Vượng cho hay.

Một em bé đang mời chào khách du lịch mua hàng. Ảnh KT

Một em bé đang mời chào khách du lịch mua hàng. Ảnh KT

Cần xử lý hành vi trục lợi từ lao động trẻ em

Trong những năm vừa qua, mặc dù các lực lượng chức năng thị xã Sa Pa thường xuyên khuyến cáo khách du lịch không cho tiền, không mua hàng của trẻ em bán hàng rong, tuyên truyền vận động các hộ gia đình không để trẻ em đi bán hàng rong, nhưng tình trạng này vẫn thường xuyên tái diễn.

Một cán bộ Ðội Kiểm tra trật tự đô thị phường Sa Pa cho biết, một đứa trẻ có thể thu nhập từ vài trăm ngàn đến hàng triệu đồng mỗi ngày từ việc bán hàng cho khách du lịch. Có thể, chính lợi nhuận từ việc trục lợi sức lao động của trẻ em đã khiến tình trạng này khó dẹp bỏ.

Theo anh Vũ Minh Tiến – khách du lịch, thay vì kêu gọi du khách không cho tiền, không mua hàng của trẻ bán hàng rong, thì UBND thị xã Sa Pa nên cấm không cho trẻ bán hàng rong. Khi đó, bố mẹ những đứa trẻ này sẽ không có cơ hội để ép con mình làm việc đó nữa. “Năm nào gia đình cũng đi du lịch Sa Pa, nhưng nếu tình trạng trẻ em nơi đây vẫn bị xua ra đường chèo kéo du khách mua hàng, thì có thể năm sau chúng tôi sẽ không tới đây nữa”, anh Tiến cho biết.

Trước thực trạng trẻ em bị ép buộc ra đường bán hàng trong thời tiết giá lạnh, luật sư Hồ Thanh Thủy, đoàn Luật sư Hà Nội bày tỏ quan điểm: Bộ GD&ÐT đã quy định, khi nhiệt độ dưới 10 độ C học sinh tiểu học sẽ được nghỉ học và khi nhiệt độ dưới 7 độ C thì học sinh trung học  cơ sở sẽ nghỉ học. Vì vậy, những đứa trẻ tại Sa Pa phải dầm mình trong cái lạnh 1 - 2 độ C để bán hàng cho du khách là điều không thể chấp nhận, đặc biệt là khi bị bố mẹ, người thân ép buộc các em. “Ðây thực chất là hành vi bóc lột sức lao động của trẻ em, vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em’” - luật sư Hồ Thanh Thủy nhận định.

Cũng theo luật sư Hồ Thanh Thủy, các vụ xâm hại, bạo hành, cướp đi mạng sống của trẻ em trong thời gian gần đây là dấu hiệu cho thấy các vấn đề về trẻ em chưa thực sự được xã hội và người dân quan tâm đúng mức. Dù biện minh bằng lý do nào thì hành vi dụ dỗ, ép buộc trẻ em phải đi bán hàng rong, nhất là trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt như những ngày qua ở Sapa đều cần bị lên án và xử lý nghiêm theo pháp luật. Luật sư Hồ Thanh Thủy cũng đề nghị các cơ quan bảo vệ trẻ em cần lên tiếng một cách cụ thể, mạnh mẽ hơn nữa trước vấn nạn này.

Điều 26 Luật Trẻ em quy định: “Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bóc lột sức lao động, không phải lao động trước tuổi, quá thời gian hoặc làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm…”

Xuân Quang
Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...
Sau khỏi bệnh, trẻ em có nên đi khám hậu COVID-19?

Sau khỏi bệnh, trẻ em có nên đi khám hậu COVID-19?

2 năm trước

Hầu hết các trẻ mắc COVID-19 đều nhẹ và phục hồi nhanh hơn người lớn. Tuy nhiên, gia đình cần theo dõi sát diễn biến tình trạng sau thời gian trẻ mắc COVID-19 và có thể đưa trẻ đến...
“Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ ngày hôm nay vì một tương lai bền vững”

“Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ ngày hôm nay vì một tương lai bền vững”

2 năm trước

Nhân ngày Quốc tế phụ nữ 8/3/2022, ông Bjorn Andersson, Giám đốc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của UNFPA đã có bài viết: “Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ ngày hôm nay vì một...
Ngày hội Khu Phố Xanh lần 2: Hướng tới lối sống xanh và thân thiện với môi trường

Ngày hội Khu Phố Xanh lần 2: Hướng tới lối sống xanh và thân thiện với môi trường

2 năm trước

Ngày 6/3, CHANGE phối hợp cùng Đại sứ quán Thuỵ Sĩ, Quỹ Canada dành cho các sáng kiến địa phương (CFLI) và Phường 14, Quận 10, TP Hồ Chí Minh tổ chức sự kiện Ngày hội Khu Phố Xanh lần 2...