THỨ SÁU, NGÀY 19 THÁNG 04 NĂM 2024 01:46

Cần nhìn nhận nghiêm túc vấn đề giáo dục giới tính cho trẻ

28/02/2023 | 21:24
Sự việc bé gái 13 tuổi ở Bắc Giang mang thai, tự sinh con trong nhà tắm và một số câu chuyện khác tương tự xảy ra thời gian gần đây đã gióng lên hồi chuông báo động về giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản, tình dục cho trẻ vị thành niên trong gia đình, trường học.

Khoảng trống giữa cha mẹ và con lớn dần khi trẻ ở tuổi vị thành niên

Việc nữ sinh T.T.M.C đang học lớp 7 ở Bắc Giang, sinh con trong nhà tắm và cha  của đứa bé chỉ mới 17 tuổi khiến dư luận một lần nữa lại nóng lên việc giáo dục giới tính cho trẻ em cần phải được quan tâm hơn nữa.

Mang thai ở tuổi vị thành niên để lại nhiều nguy cơ về sức khỏe, tinh thần. Ảnh minh họa

Mang thai ở tuổi vị thành niên để lại nhiều nguy cơ về sức khỏe, tinh thần. Ảnh minh họa

Chia sẻ quan điểm của mình về vụ việc này, chuyên gia giáo dục, TS. Vũ Thu Hương cho biết: Trong suốt quá trình trẻ mang bầu, gia đình, nhà trường đều không hề biết. Điều này cho thấy người lớn không có sự quan tâm đến con trẻ một cách nghiêm túc. Trong khi đứa trẻ còn quá nhỏ, không hiểu gì, kiến thức về giới tính bằng không. Có thể nói hiện nay, một bộ phận cha mẹ đã coi thường trách nhiệm chăm sóc, giáo dục và bảo vệ con cái, xuất phát từ lỗ hổng của pháp luật Việt Nam khi quy định rõ ràng trách nhiệm của cha mẹ nhưng không có chế tài xử phạt những cha mẹ vô trách nhiệm. Cha mẹ sinh con ra, thích thì nuôi, không thích thì bỏ mặc mà không bị xử phạt nên nhiều đứa trẻ đã bị bỏ rơi ngay chính ngôi nhà của mình.

Theo số liệu thống kê của Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, mỗi năm, nước ta có gần 300.000 ca phá thai, chủ yếu là người từ 15 - 19 tuổi. Trong số đó, 20-30% chưa kết hôn và 60-70% số ca nạo, phá thai đang là học sinh, sinh viên.

Việc mang thai ở độ tuổi vị thành niên không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn làm ảnh hưởng đến việc học tập, sự nghiệp, tương lai của các em gái.

Qua vụ việc trên, chuyên gia tâm lý Hà Thu Trang cho rằng, hiện nay nhiều cha mẹ đã dần tỉnh thức, nhận ra khoảng cách mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái ngày càng bị khoét sâu khi con bước vào tuổi vị thành niên. Các con không dám chia sẻ vì ít được cha mẹ lắng nghe mà hầu hết bị phán xét, chì chiết, dán nhãn. Mặt khác, cha mẹ cũng không dành thời gian để học cách hiểu bản thân mình, hiểu con, nên không biết lắng nghe, chia sẻ, thấu cảm như thế nào cho hiệu quả. Đặc biệt, do “cái tôi” của cha mẹ còn quá cao nên tình yêu thương và sự quan tâm đối với con chưa đúng đắn và phù hợp, do đó hầu như không thể hoặc khó có tiếng nói chung. Vì sợi dây kết nối dần bị đứt cho nên đến khi hậu quả nghiêm trọng xảy ra phụ huynh mới nhận ra thì đã quá muộn.

Hai đứa trẻ vị thành niên trong chuyện này chắc chắn rơi vào hoang mang, sợ hãi, đặc biệt là bé gái lớp 7. Nếu bị phụ huynh trách móc, luận tội, có thể trẻ sẽ rơi vào tuyệt vọng, và chấn thương tâm lý này không dễ chữa lành, bởi hậu quả còn theo suốt cuộc đời. Nếu bé không uỷ mị, yếu đuối, trầm cảm thì cũng dễ rơi vào trạng thái bất cần, lỳ lợm, khó bảo. Lúc này, bé rất cần được cảm thông, yêu thương để sau đó can đảm chấp nhận hiện trạng.

Chuyên gia tâm lý Hà Thu Trang nhấn mạnh, khoảng cách trong mối quan hệ cha mẹ và con dẫn đến mất kết nối là lỗi do chúng ta - những người làm cha, làm mẹ. Để dần rút ngắn khoảng cách, đi đến mục tiêu cuối cùng là kiến tạo nên niềm vui, hạnh phúc cho con, cha mẹ phải sẵn sàng hạ “cái tôi” xuống để đồng hành cùng con sao cho đạt được 7 yếu tố: hiểu mình; hiểu con; quan sát các hoạt động, diễn biến, thay đổi của con trong tầm ngoại vi, các kênh thông tin khác nhau; trao quyền cho con; hướng dẫn con tự ra quyết định và chịu trách nhiệm; hỗ trợ con kịp thời khi cần thiết; cổ vũ, khích lệ khi con đạt được mục tiêu; chia sẻ, an ủi khi con thất bại.

Câu chuyện đau lòng này tiếp tục cảnh báo cho tất cả người lớn chúng ta về việc giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản vị thành niên làm sao có thể giúp trẻ có được tính tự tin, tự chủ, tự lập. Mấu chốt nhất vẫn là phụ huynh, phải gần gũi, quan sát sự thay đổi, chuyển dịch tâm sinh lý, trạng thái, cảm xúc ở con. Và thêm nữa, cần đào tạo cho các giáo viên chủ nhiệm trở thành những “cô Thanh Tâm” tại trường, để ngoài kênh cha mẹ thì kênh giáo viên chủ nhiệm sẽ được các con tin cậy chia sẻ.

Tăng cường giáo dục giới tính cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ

TS Vũ Thu Hương cho rằng, chúng ta cần nhìn nhận nghiêm túc vấn đề giáo dục giới tính cho trẻ. Vụ việc ở Bắc Giang vừa qua chính là hậu quả của việc không giáo dục giới tính cho trẻ từ bé. Rất nhiều cha mẹ coi thường giáo dục giới tính cho trẻ. Nhiều khi chính người lớn không chịu hiểu trẻ con khi đã dậy thì là đã có nhu cầu tình dục như người lớn, chứ không phải chờ đến khi trưởng thành mới có. Đó là nhu cầu sinh học bình thường.

Giáo dục giới tính cho trẻ vị thành niên là vấn đề cần được xã hội đặc biệt quan tâm. Ảnh minh họa

Giáo dục giới tính cho trẻ vị thành niên là vấn đề cần được xã hội đặc biệt quan tâm. Ảnh minh họa

"Trẻ không biết dậy thì là gì, cơ thể sẽ phát triển như thế nào, những gì sẽ xảy đến sau quá trình dậy thì. Do đó, phụ huynh cần giáo dục con biết sau dậy thì sẽ như thế nào, có cảm giác gì và điều khiển cảm giác đó như thế nào, nếu không thì hậu quả sẽ ra sao. Đó là chưa kể những hệ lụy rất lớn khi trẻ dậy thì mà không biết ứng xử phù hợp với cơ thể của chính mình, từ việc vệ sinh đến bảo vệ cơ thể. Đã đến lúc các bậc cha mẹ cần phải thực hiện nghiêm túc hơn việc giáo dục giới tính cho trẻ nói riêng và giáo dục ý thức, nhân cách nói chung." - TS Vũ Thu Hương chia sẻ. 

Để tránh những vụ việc đáng tiếc có thể xảy ra, các bậc cha mẹ cần quan tâm hơn nữa đến con em mình, nhất là ở trong giai đoạn dậy thì, tăng cường giáo dục về giới tính, nhằm hạn chế tối đa việc mang thai ngoài ý muốn khi tuổi còn quá trẻ. Chúng ta cần quan tâm, bảo ban, chăm sóc, yêu thương các con nhiều hơn là ra lệnh. Có những biện pháp giáo dục phải xuất phát từ tình yêu thương mới có hiệu quả.

“Giới tính là một lĩnh vực nghiêm túc mà trẻ luôn khát khao được biết. Trong khoa học giới tính, phần nhạy cảm chỉ chiếm rất nhỏ. Ngoài phần đó ra, quá trình dậy thì, những nội dung pháp luật liên quan, phòng tránh xâm hại, hay các nguy cơ có thể đến khi chúng ta không tôn trọng cơ thể và giá trị của chính mình... đều là những nội dung bắt buộc từng đứa trẻ phải biết trong quá trình trưởng thành. Nếu giới tính được quy định thành môn học, có giáo trình, bài giảng cụ thể, có học và có thi, chắc chắn hiệu quả giáo dục giới tính sẽ được đảm bảo và những câu chuyện đau lòng sẽ không xảy ra.” - TS Vũ Thu Hương khẳng định.

Hồng Nga
Chi tiết trang bị vua Android tầm trung- Galaxy A55 5G: Cao cấp như Galaxy S24 Ultra, hơn iPhone 15

Chi tiết trang bị vua Android tầm trung- Galaxy A55 5G: Cao cấp như Galaxy S24 Ultra, hơn iPhone 15

1 tháng trước

Galaxy A55 5G vừa trình làng cách đây không lâu sở hữu hàng loạt trang bị ấn tượng hơn cả iPhone 15 và tiệm cận Galaxy S24 Ultra để vững bước lên ngôi vua Android tầm trung.
Cần dạy con cách phòng tránh xâm hại tình dục

Cần dạy con cách phòng tránh xâm hại tình dục

2 năm trước

Nạn xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em ngày càng gia tăng cả về tính chất xâm phạm và mức độ nguy hiểm. Tệ nạn này hiện nay đáng lo ngại hơn bao giờ hết, vì nó xảy ra ngày càng nhiều đối...
Giáo dục giới tính và pháp luật cho trẻ em

Giáo dục giới tính và pháp luật cho trẻ em

1 năm trước

Sự việc nữ sinh lớp 7 (mới 13 tuổi) ở Bắc Giang sinh con thu hút sự quan tâm, lo lắng của dư luận. Đáng suy nghĩ nữa là người gây ra hậu quả cũng chỉ 17 tuổi. Điều đặc biệt là trong suốt...
Tăng cường giáo dục sức khỏe sinh sản sau vụ nữ sinh lớp 7 sinh con tại nhà

Tăng cường giáo dục sức khỏe sinh sản sau vụ nữ sinh lớp 7 sinh con tại nhà

1 năm trước

UBND huyện Sơn Động (tỉnh Bắc Giang) yêu cầu các đơn vị tăng cường công tác bảo vệ, phòng chống xâm hại trẻ em và giáo dục sức khỏe sinh sản cho học sinh.
Báo động tình trạng tự tử ở trẻ vị thành niên

Báo động tình trạng tự tử ở trẻ vị thành niên

2 năm trước

Tự tử ở trẻ vị thành niên hiện nay ngày càng gia tăng nhưng người lớn, các bậc phụ huynh chưa biết cách nhận diện, hỗ trợ và can thiệp cho trẻ.