THỨ BẨY, NGÀY 20 THÁNG 04 NĂM 2024 01:26

Cần tăng cường vai trò của trẻ em vào công tác bảo vệ trẻ em

16/01/2023 | 21:46
Bà Lê Thị Thanh Hương - Trưởng đại diện Tổ chức Cứu trợ Trẻ em tại Việt Nam cho rằng, để trẻ em được chăm sóc, bảo vệ một cách tốt nhất, trước hết cần tiếp tục hoàn thiện luật pháp, chính sách cho hài hòa giữa luật pháp trong nước và Công ước quốc tế của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em; đẩy mạnh sự phối hợp của các cơ quan ban ngành liên quan trong việc thực hiện các chính sách, chương trình hành động vì trẻ em tại tất cả các cấp; củng cố chất lượng hệ thống bảo vệ trẻ em (BVTE), thúc đẩy dịch vụ BVTE một cửa để tiếp cận được tới nhóm trẻ vùng sâu, vùng xa, trẻ dân tộc thiểu số; tăng cường công tác truyền thông về quyền trẻ em với ngôn ngữ của các nhóm dân tộc thiểu số và ngôn ngữ kí hiệu...
Bà Lê Thị Thanh Hương - Trưởng đại diện Tổ chức Cứu trợ Trẻ em tại Việt Nam với trẻ em.

Bà Lê Thị Thanh Hương - Trưởng đại diện Tổ chức Cứu trợ Trẻ em tại Việt Nam với trẻ em.

Nhà nước và các bên liên quan cần chú trọng việc tăng cường năng lực làm cha mẹ cho người chăm sóc trẻ. Tổ chức Cứu trợ Trẻ em sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông về quyền trẻ em, quyền được bảo vệ của trẻ em, đặc biệt là thúc đẩy thực hiện ở diện rộng hơn mô hình Kỷ luật tích cực dành cho cha mẹ (PDEP). Đây được coi là công cụ hiệu quả giúp cha mẹ nuôi dưỡng con trẻ phát triển một cách lành mạnh về thể chất, tinh thần và đạo đức, đồng thời cũng giúp cha mẹ điều chỉnh bản thân, quản lý cảm xúc và giảm bạo lực với con trẻ.

Ngoài ra, cần tăng cường sự tham gia của khối doanh nghiệp, các cơ quan báo chí và cá nhân trong công tác đảm bảo quyền trẻ em, tuân thủ nguyên tắc quyền trẻ em trong kinh doanh, nguyên tắc quyền trẻ em đối với các nhà báo, phóng viên. Đặc biệt, cần tăng cường vai trò của trẻ em vào công tác BVTE. Hơn ai hết, trẻ cần được hiểu về quyền của mình và được tham gia vào việc bảo vệ quyền của mình.

Đánh giá năm 2022 là một năm đặc biệt với Việt Nam trong bối cảnh “bình thường mới”, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong việc kiểm soát dịch bệnh đồng thời duy trì phát triển kinh tế cũng như áp dụng nhiều biện pháp an sinh xã hội, trong đó có các giải pháp bảo vệ quyền trẻ em trong đại dịch COVID-19, bà Lê Thị Thanh Hương nhận thấy công tác BVTE của Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực như hệ thống luật pháp được củng cố và hoàn thiện hơn, tạo khung pháp lý thuận lợi cho việc thực hiện các chương trình vì trẻ em và BVTE. Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em 2021-2030 được phê duyệt năm 2021, kể từ đó, việc thực hiện chính sách cũng được tăng cường tại các cấp địa phương. Đến nay 63/63 tỉnh/thành phố đã xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em 2021-2030.

Hệ thống dịch vụ BVTE cũng được củng cố và có vai trò quan trọng trong việc phát hiện, hỗ trợ, can thiệp những trường hợp trẻ em cần được bảo vệ. Theo Bộ LĐ-TB&XH, 100% tỉnh trên cả nước có Ban Điều hành BVTE cấp tỉnh; trên 90% số huyện (662/712) và trên 80% số xã (9.837/11.160) có Ban BVTE, với 28.057 cán bộ BVTE các cấp. Việc đào tạo nâng cao năng lực cán bộ BVTE được quan tâm, đầu tư hơn trước. Ngoài ra, công tác truyền thông về quyền trẻ em và quyền được bảo vệ của trẻ em cũng được triển khai tích cực qua nhiều kênh trực tiếp như báo chí, truyền hình (VTV Vì trẻ em) và trên các nền tảng trực tuyến.

Tuy nhiên, công tác BVTE tại Việt Nam cũng còn tồn tại nhiều thách thức: Tỷ lệ trẻ em bị bạo lực, xâm hại vẫn cao, trung bình trên 1000 trường hợp được báo cáo, theo Bộ LĐ-TB&XH năm 20201. Theo UNICEF và Tổng cục Thống kê 20212, 74% trẻ em từng bị phạt bạo lực tại gia đình. Trên thực tế có rất nhiều trường hợp trẻ bị bạo lực, xâm hại chưa được báo cáo. Chất lượng dịch vụ BVTE cần được nâng cao để trẻ em, cộng đồng tin tưởng, báo cáo, thông tin về những quan ngại, vi phạm tại địa phương một cách kịp thời. Số lượng cán bộ BVTE còn rất mỏng so với nhu cầu thực tế. Trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, trẻ em thuộc các nhóm yếu thế như trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ khuyết tật vẫn rất khó tiếp cận tới dịch vụ BVTE. Ngoài ra, với sự phát triển của công nghệ, các loại hình tội phạm ngày càng trở nên phức tạp như xâm hại trẻ em trên không gian mạng, dụ dỗ bắt cóc trẻ thông qua các tài khoản trực tuyến…

Thông qua các chương trình hợp tác với các đối tác chính phủ Việt Nam ở cấp trung ương và cấp địa phương, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em đã có nhiều nỗ lực trong việc hỗ trợ trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ khuyết tật, trẻ dân tộc thiểu số, trẻ em khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn… được tiếp cận và thực hiện các quyền của mình. Trong năm 2022, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em tại Việt Nam đã hỗ trợ được hơn 9,3 triệu người hưởng lợi trong đó có hơn 7 triệu trẻ em trong tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, tiếp cận giáo dục có chất lượng, các dịch vụ BVTE cũng như tăng cường sự tham gia của trẻ em trong các hoạt động tại cộng đồng.

Đánh giá về thành tựu nổi bật nhất công tác BVTE của Việt Nam, bà Thanh Hương cho biết, có thể kể đến sự chuyển biến tích cực trong việc chỉ đạo về công tác BVTE trong tình hình mới, như BVTE trong dịch bệnh và các trường hợp khẩn cấp, BVTE trên môi trường trực tuyến. Cơ chế phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước, các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội trong công tác BVTE nói chung và BVTE trên môi trường trực tuyến đã có nhiều bước chuyển rõ rệt với sự vào cuộc của các bộ ngành liên quan và khối doanh nghiệp. Bên cạnh đó, vai trò của các tổ chức xã hội trong lĩnh vực trẻ em cũng được nâng cao. Các tổ chức quốc tế như Tổ chức Cứu trợ Trẻ em được tham gia nhiều hơn vào quá trình tham vấn chính sách, chia sẻ các bài học kinh nghiệm, các thực hành tốt từ cộng đồng trong công tác BVTE, ví dụ như phương pháp Kỷ luật tích cực, quyền trẻ em trong nguyên tắc kinh doanh, mô hình trường học an toàn, câu lạc bộ trẻ em…

"Trong năm 2023, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em sẽ tiếp tục đồng hành cùng với các đối tác chính phủ Việt Nam ở cấp trung ương và cấp địa phương trong việc hỗ trợ mọi trẻ em, đặc biệt là nhóm yếu thế, trong việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục có chất lượng, các dịch vụ BVTE cũng như tăng cường sự tham gia của trẻ em trong các hoạt động tại cộng đồng. Cụ thể, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan đối tác Chính phủ trong việc thực hiện và nhân rộng các mô hình điển hình, các phương pháp tiếp cận chung dựa trên bằng chứng, ví dụ như: phương pháp Hỗ trợ trẻ mầm non làm quen với Đọc viết và Toán, Tăng cường đọc viết cho học sinh tiểu học, Trường học An toàn, Mô hình Kỷ luật tích cực trong giảng dạy (PDET) và trong thực hành làm cha mẹ hằng ngày (PDEP), Phòng ngừa và giảm thiểu Lao động trẻ em tại cộng đồng… Một điểm vô cùng quan trọng trong vận hành và thực hiện các dự án phát triển của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em đó là thúc đẩy vai trò của trẻ em và sự tham gia có ý nghĩa của các em trong quá trình ra quyết định về các vấn đề có liên quan đến các em tại địa phương. Các mô hình tăng cường sự tham gia của trẻ em có thể kể đến như Mô hình SHIFT (chiến dịch truyền thông do thanh thiếu niên lãnh đạo), mô hình Câu lạc bộ Trẻ em, mô hình Đối thoại học đường, mô hình nhóm trẻ em nòng cốt trong trường học… Cũng trong năm 2023, chúng tôi sẽ thúc đẩy chiến dịch truyền thông mang tên Thế hệ Hy vọng (Generation Hope) để nâng cao nhận thức và khả năng phục hồi của trẻ em và gia đình tại những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu trên cả nước nhằm giải quyết các tác động tiêu cực của nó đối với cuộc sống của các em. Đồng thời, chúng tôi cũng sẽ hỗ trợ chính quyền địa phương, triển khai các hoạt động can thiêp, tăng cường chất lượng, nâng cao năng lực của Ban BVTE trong cung cấp dịch vụ BVTE. Chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh vai trò các tổ chức xã hội trong nước trong việc giám sát thực hiện quyền trẻ em, tăng cường trách nhiệm và sự tham gia của các doanh nghiệp trong công tác đảm bảo quyền trẻ em, tuân thủ nguyên tắc quyền trẻ em trong kinh doanh" - Bà Lê Thị Thanh Hương - Trưởng đại diện Tổ chức Cứu trợ Trẻ em tại Việt Nam.

Thảo Vân
Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...
Những gian hàng Tết 0 đồng tại Bệnh viện Nhi Trung ương

Những gian hàng Tết 0 đồng tại Bệnh viện Nhi Trung ương

1 năm trước

Ngày 15/1, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tổ chức Hội chợ “Xuân yêu thương” với những tấm phiếu mua hàng 0 đồng cho hàng ngàn bệnh nhi và người nhà nhân dịp đón xuân Quý Mão.
Bắt giữ đối tượng bị truy nã đặc biệt về tội hiếp dâm

Bắt giữ đối tượng bị truy nã đặc biệt về tội hiếp dâm

1 năm trước

Trong khi tại ngoại chờ chấp hành án tù về tội hiếp dâm, nam thanh niên 17 tuổi ở Bạc Liêu bỏ trốn khỏi địa phương và bị truy nã đặc biệt nguy hiểm.
Tết về quê hay đi du lịch?

Tết về quê hay đi du lịch?

1 năm trước

Ngày nay, nhiều người trẻ, nhiều gia đình lựa chọn đi du lịch thay vì về quê ăn Tết, thăm hỏi họ hàng. Có rất nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này. Tuy nhiên, điều quan trọng là bạn...