THỨ BẨY, NGÀY 27 THÁNG 04 NĂM 2024 05:19

Cần xóa bỏ rào cản phân biệt, đối xử kì thị với trẻ sống chung cùng HIV/AIDS

12/11/2021 | 13:44
Năm 1994, Việt Nam phát hiện trường hợp trẻ nhiễm HIV đầu tiên. Kể từ đó đến nay, công tác chăm sóc, điều trị HIV/AIDS cho trẻ tại cộng đồng và gia đình ở nước ta luôn được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá cao. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn cần khắc phục, bởi trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS là những người chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề nhất.

Những tuổi thơ bất hạnh

Trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS có thể bị kì thị, phân biệt đối xử và gặp khó khăn trong việc đến trường, chăm sóc y tế, thậm chí bị cộng đồng lảng tránh.

Từ khi mới chào đời, bé Quang ở TP. Hải Phòng đã không được hưởng trọn tình thương yêu chăm sóc của cha mẹ như bao đứa trẻ khác. Do nghiện ma túy và nhiễm HIV, cha mẹ em sống lang bạt kì hồ và Quang không được khai sinh. Khi bố bé Quang chết vì HIV/AIDS, người mẹ thấy con lở loét đầy người liền đưa bé về cho ông bà nội nuôi để đi theo người đàn ông khác, cháu phải sống với ông bà ở nhà trọ. Được một thời gian, chủ nhà trọ phát hiện bé Quang cũng bị nhiễm HIV nên đã chấm dứt hợp đồng thuê nhà. Ông bà và cháu lại lếch thếch đi tìm nhà trọ khác, chỗ nào lâu được 5 - 7 tháng, nếu chủ nhà biết ông bà nuôi cháu bé bị HIV là họ hắt hủi, xa lánh, đòi nhà.

Nhân viên CTXH chăm sóc trẻ nhiễm HIV tại Trung tâm Giáo dục lao động xã hội số 2 – Ba Vì - Hà Nội.

Nhân viên CTXH chăm sóc trẻ nhiễm HIV tại Trung tâm Giáo dục lao động xã hội số 2 – Ba Vì - Hà Nội.

Có nhiều em bé bị mẹ bỏ rơi vì lây nhiễm HIV từ mẹ đã sống trong sự ghẻ lạnh của nhiều người cho tới khi được đưa vào Trung tâm Giáo dục, Lao động xã hội II Hà Nội nuôi dưỡng, chăm sóc. Trường hợp bé Sơn ở Hà Nội, cha mẹ cũng mất vì AIDS phải ở với bác. Tuy bé may mắn không nhiễm HIV, nhưng người trong xóm vẫn sợ nên cấm con không được chơi với bé.

Sự phân biệt, kì thị đối xử luôn xảy ra với bất cứ đứa trẻ nào phải sống chung với HIV/AIDS và chịu ảnh hưởng của HIV/AIDS. Một em trai mồ côi cha do AIDS tâm sự: “Trong lớp cháu, một số bạn biết cha cháu bị nhiễm HIV nên hay rủa cháu: “Mày là con người nghiện, nhiễm HIV/AIDS, chúng tao không giây với mày". Bố mẹ các bạn ấy cũng không cho con chơi với cháu nên cháu rất tủi thân…”

Những em nhỏ bất hạnh ấy luôn cảm thấy buồn rầu, thất vọng, sống khép mình. Không chỉ bị xa lánh, một số em đau ốm đến các cơ sở y tế khám chữa bệnh cũng chịu sự phân biệt đối xử. 

Cần bảo vệ và không phân biệt, đối xử kì thị với trẻ sống chung cùng HIV/AIDS

Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật và thực thi một số chương trình hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS như: “Luật Phòng, chống HIV/AIDS”, “Kế hoạch Hành động Quốc gia vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS giai đoạn 2014 - 2020”, “Chương trình Hành động quốc gia chăm sóc và điều trị HIV/AIDS”... đã có nhiều ưu tiên trong việc chăm sóc và hỗ trợ trẻ em sống chung với HIV, hoặc chịu ảnh hưởng của HIV/AIDS, chỉ ra vai trò trách nhiệm của nhiều bộ, ngành, các cơ quan đoàn thể đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS. 

Nhân viên y tế khám chữa bệnh cho trẻ nhiễm HIV.

Nhân viên y tế khám chữa bệnh cho trẻ nhiễm HIV.

Chính phủ cũng có nghị định số 63/2005/NĐ-CP ban hành kèm theo điều lệ Bảo hiểm y tế, xác định trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, được cấp thẻ BHYT với mệnh giá như đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế; Quyền lợi khám chữa bệnh được mở rộng, nhất là trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS... Đó chính là những cơ sở pháp lí quan trọng, để bảo vệ các quyền cơ bản của người nhiễm HIV (trong đó có trẻ em) và là các công cụ để chống kì thị và phân biệt đối xử.   

Nhưng để toàn xã hội quan tâm, chăm sóc trẻ bị nhiễm và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhằm thay đổi nhận thức và hành vi của mọi người trong xã hội về HIV/AIDS. Làm sao để cho người dân hiểu rõ cơ chế truyền bệnh của HIV (lây qua đường máu và đường quan hệ tình dục), HIV không thể lây nhiễm khi ăn chung, sống chung, hay tiếp xúc với người bị HIV nếu biết cách phòng tránh. HIV không phải là tệ nạn xã hội, người nhiễm HIV vẫn sống có ích nếu được cộng đồng giúp đỡ. 

Hơn nữa, các dịch vụ xã hội hỗ trợ dành cho trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS phải được duy trì như: Hỗ trợ sữa thay thế để nuôi dưỡng trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV, sẽ làm giảm đáng kể nguy cơ trẻ bị lây nhiễm từ mẹ; Dịch vụ hỗ trợ dạy nghề, cũng như hỗ trợ việc làm cho trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV sau khi tốt nghiệp nghề (đã được triển khai ở Thái Nguyên và Hải Phòng) cần được nhân rộng… Ngành Y tế, cần nỗ lực hơn nữa nhằm giảm sự kì thị và phân biệt đối xử tại các cơ sở y tế và sớm khắc phục những bất cập ở một số cơ sở điều trị HIV/AIDS cho trẻ em. 

Song song với đó, các chế độ dành cho trẻ em chịu ảnh hưởng do HIV phải được gắn kết hoặc lồng ghép với các chính sách bảo vệ trẻ em mồ côi. Trong trường học, việc lồng ghép các tiết học chống phân biệt, đối xử và kì thị người nhiễm HIV/AIDS vào chương trình ngoại khoá, đưa ra những thông tin chính xác về HIV cho giáo viên và phụ huynh cũng như cho trẻ... 

Bài và ảnh: Huy Hoàng
Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...
Quyền trẻ em chưa được quan tâm đúng mức

Quyền trẻ em chưa được quan tâm đúng mức

2 năm trước

Khi nói tới quyền của trẻ em, ngoài quyền sống, chúng ta thường chỉ chăm lo tới quyền bảo vệ hay giáo dục phát triển mà chưa quan tâm đúng mức đến quyền tham gia với quan niệm trẻ nhỏ,...
Đôi điều về phát triển toàn diện cho trẻ em

Đôi điều về phát triển toàn diện cho trẻ em

2 năm trước

Những năm gần đây Việt Nam đẩy mạnh thực hiện yêu cầu phát triển toàn diện cho trẻ em. Đây là một nội dung quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Cần xem xét...