THỨ BẨY, NGÀY 27 THÁNG 04 NĂM 2024 09:22

Cha mẹ nên làm gì khi con muốn tự tử

03/04/2022 | 06:22
Thời gian gần đây, nhiều vụ học sinh tự tử xảy ra trên cả nước với các nguyên nhân khác nhau. Mới đây tại Hà Nội, một nữ sinh 15 tuổi, vì gặp chuyện học tập không như ý đã nhảy từ tầng 26 xuống quyên sinh; một nam sinh 16 tuổi lao từ tầng 28 xuống giã từ cuộc sống do áp lực học hành. Phụ huynh nên thấu hiểu và đồng hành cùng con thế nào để tránh bất ngờ xảy ra chuyện đau đớn? Phóng viên ấn phẩm Vì trẻ em đã có cuộc trò chuyện cùng chuyên gia tâm lý Phạm Hiền.

Cha mẹ cần phát hiện ra các bất ổn trong cảm xúc, tính cách, hành vi của con

Xin chào chuyên gia tâm lý Phạm Hiền, chị suy nghĩ thế nào về việc trẻ vị thành niên tại sao quyên sinh chỉ vì điểm kém, hay vì bất kỳ lý do nào khác mà cha mẹ cho là nhỏ nhặt và dễ dàng bỏ qua?

Chuyên gia tâm lý Phạm Hiền: Người lớn chúng ta có những áp lực trong cuộc sống thì con cái cũng vậy. Đặc biệt, trong xã hội hiện đại, mọi mong muốn, kì vọng của chính mình, hay từ người khác với mình luôn tạo ra sự nhạy cảm nóng vội, dễ trở nên áp lực, bế tắc. Chỉ cần có suy nghĩ tiêu cực một lần dù nhỏ hay lớn, cũng dễ bị ám thị để từ đó với mỗi tác động xung quanh dù đơn giản cũng trở nên tiêu cực và tự thổi phồng cho là mình không thể chịu đựng nổi.

Chuyên gia tâm lý Phạm Hiền

Chuyên gia tâm lý Phạm Hiền

Có con trẻ tự kỳ vọng quá cao về bản thân trong việc học tập, điểm số, hoặc muốn thể hiện với bạn bè, nhưng sau đó không đạt được 100% như mình muốn, thậm chí là thất bại. Từ đó nuôi dưỡng sự tự ti, chê bai phán xét chính mình. Dẫn đến tự gây tổn thương cho mình bằng tinh thần hoặc kể cả thể xác.

Có con trẻ do cha mẹ quá kỳ vọng vào khả năng của con, áp đặt con phải làm được như mình muốn mà không lắng nghe, không nhìn nhận vào con người và năng lực thật của con. Từ đó tạo ra sóng ngầm xung đột. Có trẻ sẽ phản kháng liều lĩnh cho cha mẹ thấy, nhưng có trẻ chỉ giữ bên trong để rồi đến lúc “bùng nổ” và tìm đến sự giải thoát trong đau đớn.

Cha mẹ cần kịp thời phát hiện ra các bất ổn trong cảm xúc, tính cách, hành vi của con để cùng con tháo gỡ vấn đề. Ảnh minh họa.

Cha mẹ cần kịp thời phát hiện ra các bất ổn trong cảm xúc, tính cách, hành vi của con để cùng con tháo gỡ vấn đề. Ảnh minh họa.

Liệu tác động của đại dịch Covid-19, kéo theo khủng hoảng tâm lý của các em học sinh, trầm cảm, stress nhiều, có thể là tác nhân dẫn tới gia tăng các vụ học sinh tự tử trên cả nước?

Chuyên gia tâm lý Phạm Hiền: Đại dịch Covid–19 là một tác động thêm để làm đầy lên những áp lực khi không được giải tỏa, song nó không phải là nguyên nhân chính. Bởi đã có những con trẻ thay đổi tốt hơn từ đại dịch, khi bố mẹ có thời gian, có sự tĩnh, lắng để quan tâm, phát hiện ra các bất ổn trong tâm lý, cảm xúc, tính cách, hành vi của con, từ đó giúp con, giúp chính cha mẹ cùng thay đổi để gắn kết đồng hành cùng con đúng hướng và kịp thời.

Thực tế, con trẻ rơi vào các ngưỡng khủng hoảng tâm lý, trầm cảm, stress, vốn dĩ vẫn rất nhiều hàng năm, chỉ là cha mẹ có thời gian, có tâm thế để phát hiện ra kịp thời hay phải đến khi con phát bệnh mới biết thì đã muộn.

Giúp con tìm nguyên nhân gốc để thay đổi đúng

Gặp trường hợp con tư duy tiêu cực, chán nản trong học tập, thì cha mẹ nên làm gì để kịp thời “đảo chiều” tình huống, tránh để xảy ra sự việc đáng tiếc?

Chuyên gia tâm lý Phạm Hiền: Điều quan trọng là cha mẹ có nhận ra con mình tiêu cực hay không, tại sao con chán học, con có cần thay đổi không hay chờ lớn con khắc thay đổi. Với mỗi quan điểm sẽ là sự cổ súy hay là sự lo lắng để tìm mọi cách giúp con tìm nguyên nhân gốc, từ đó giúp con thay đổi đúng. Cha mẹ không thể chỉ nhắc nhở, giáo điều kiểu con phải thế này, con nên thế kia hoặc tại sao con như vậy, như thế là hư, sau đó để đấy mặc con loay hoay trong bế tắc. Đã có nhiều con trẻ nói với tôi rằng: “Con không nói với bố mẹ nữa, vì nói cũng chẳng để làm gì, thậm chí mắng con, cho rằng con nói linh tinh”. Từ đó con chấp nhận sống chung với các vấn đề của mình, nhưng trong sự cao trào hơn của những áp lực không thể thoát.

Là chuyên gia có kinh nghiệm lâu năm trong tư vấn tâm lý cho cha mẹ dạy con, chị có cho rằng cha mẹ Việt nên thay đổi lối suy nghĩ áp đặt lên con phải giỏi như con nhà người ta, để rồi con không làm được, sinh chán nản, bế tắc muốn giải thoát, hay cho con được sống cuộc đời như con muốn, theo đuổi những đam mê, cho con hạnh phúc hơn?

Chuyên gia tâm lý Phạm Hiền: Cha mẹ nào cũng muốn con mình giỏi nhất, có mọi thứ mà các bạn giỏi khác đã làm được. Hoặc thậm chí là nghe từ những chương trình dạy cha mẹ biến con mình thành đại bàng, thành nhân tài, cũng khiến cha mẹ áp lực hơn nếu thấy con mình không bằng con người ta. Mỗi con người cũng như mỗi con trẻ đều có một màu sắc khác nhau. Dạy con trẻ không hề dễ dàng, bất kỳ trẻ nào cũng không thể ngồi một chỗ để cho cha mẹ áp dụng phương pháp này, cách thức kia. Mặt khác, không thể chỉ so sánh, bắt con phải thành thế này, giống thế kia bằng lời nói suông, trong khi cha mẹ không thể đủ thời gian, đủ kiên trì, tỉ mỉ và kiến thức để giúp con.

Tôi đã gặp một sinh viên đại học năm thứ nhất, ngồi cùng bố mẹ mà cứ đấm liên tục vào ngực mình với sự thổn thức dồn dập để nói trong nước mắt rằng: “Bác ơi, con hỏi bác nhé. Con từ nhỏ đến lớp 12 luôn học giỏi, con tự học không cần đi học thêm, nhưng tại sao đến bây giờ con ra nông nỗi này. Con nợ 6 môn học, bố mẹ con càng áp, càng ép thì con sẽ càng vậy thôi, con sẽ làm ngược hết, con mệt lắm rồi”.

Một bạn khác cấp 3 thì buông bỏ trong bất cần và làm ngược vì “Con chẳng được sống theo mong muốn của con, suốt ngày bố mẹ so sánh con với anh trai, với anh chị trong dòng họ. Con dốt đấy, con chỉ thế thôi, mẹ đi mà lo cho những người giỏi đấy”.

Rất nhiều các trường hợp các con khác, kể cả khi đã tốt nghiệp đại học nhưng cũng không làm được gì, chẳng chịu làm gì, vì mọi thứ không phải do con muốn, do con chọn, mà là của bố mẹ, nên con trả lại cho bố mẹ.

Làm bạn với con để cùng con giải quyết tận gốc những bất ổn

Theo chị, phụ huynh cần thay đổi tư duy trong giáo dục, ứng xử với con ra sao để gần gũi, hiểu con hơn?

Chuyên gia tâm lý Phạm Hiền: Cha mẹ cần thấu hiểu rõ năng lực, điểm mạnh, điểm yếu để định hướng cho con; Khích lệ con phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu; Kiên trì, nhẫn nại, lắng nghe, đồng hành cùng con tháo gỡ các vấn đề con gặp phải; Làm bạn với con lịch sự như những người bạn lớn để con có thể tâm sự mọi niềm vui, nỗi buồn hoặc kể cả các ấm ức, khó chịu… từ đó đón đầu cùng con giải quyết tận gốc những bất ổn. Đặc biệt không thể chủ quan để vào các bẫy ngoan, bẫy trí thông minh của con chỉ thông qua học văn hóa mà quên rằng con cần rất nhiều các tư duy, kỹ năng khác quan trọng để có bản lĩnh giải quyết mọi vấn đề con gặp phải một cách chủ động.

Có trẻ học lớp 9 khóc trong bĩ cực và đổ lỗi cho bố mẹ rằng: “Tại sao năm lớp 7 con đã áp lực lắm rồi, con nói con muốn chết, con bị trầm cảm, con nói bố mẹ đi tìm bác sỹ tâm lý cho con nhưng bố mẹ không tin và gạt đi. Nếu lúc đó bố mẹ nghe con thì con có như thế này không, bố mẹ tự không công nhận thì bây giờ tự chịu. Con bỏ học vì con sợ lắm rồi, con không chịu được khi nghĩ đến phải đi học”.

Hãy luôn nhớ không có con trẻ nào muốn như vậy mà nó là sự tràn ly mất kiểm soát và sự liều lĩnh để giải thoát đôi khi chỉ trong tích tắc của bĩ cực kể cả cái tôi quá lớn hoặc do sự bất lực đã bị nuôi dưỡng quá lâu. Không có cha mẹ nào không yêu thương con nhưng không thể dạy con bản năng theo những gì mình muốn và nghĩ. Nó là khoảng cách lớn, là hố sâu để tạo ra các nguy cơ mất kiểm soát.

Xin cảm ơn chuyên gia tâm lý Phạm Hiền.

Hồng Nga (thực hiện)
Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

5 tháng trước

Tại Quảng trường Đại đoàn kết, thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai, tối 11/11 đã khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch, liên hoan trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên Gia Lai 2023 với chủ đề “Gia...
Đại dịch COVID-19 tác động tới sự phát triển của trẻ em

Đại dịch COVID-19 tác động tới sự phát triển của trẻ em

2 năm trước

Báo The New Daily của Australia đăng tải một báo cáo mới cho thấy tỷ lệ trẻ em tiến bộ trên 5 khía cạnh phát triển chính ở nước này đã giảm lần đầu tiên sau 13 năm do hệ quả của đại...
Tư pháp thân thiện với trẻ em

Tư pháp thân thiện với trẻ em

2 năm trước

Không ai muốn thấy cảnh trẻ em phải vướng vào lao lý dù là phía bị hại hay bị can. Việc tham gia trong tố tụng là một trải nhiệm đáng sợ đối với bất kỳ ai, đặc biệt là đối với...