THỨ SÁU, NGÀY 26 THÁNG 04 NĂM 2024 09:43

Chấm dứt bạo lực với trẻ em

15/11/2021 | 07:51
Bạo lực, xâm hại trẻ em đã và đang diễn ra phức tạp và đau lòng hơn nữa những người gây ra bạo lực, xâm hại phần lớn là người thân, người chăm sóc trẻ hàng ngày... Dự án Chấm dứt bạo lực với trẻ em (EVAC) được triển khai tại Yên Bái và Điện Biên đã tạo nên sự thay đổi đáng kể về nhận thức, kỹ năng của trẻ em và cha mẹ trong việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em.

Chia sẻ về thực trạng bạo lực trẻ em tại Việt Nam, bà Thân Thị Hà, Giám đốc điều hành các chương trình của Tầm nhìn thế giới Việt Nam (TNTGVN) cho biết, có đến 3.000 - 4.000 vụ bạo lực trẻ em hàng năm, trong đó phát hiện khoảng 100 trẻ bị giết hại và 1.000 trẻ bị xâm hại tình dục. Độ tuổi trung bình của trẻ em bị xâm hại tình dục là 9 tuổi. Đáng chú ý, gần 74% trẻ em từ 2-14 tuổi bị cha mẹ/người chăm sóc hay những người khác trong gia đình trừng phạt bằng bạo lực; gần 24% số phụ nữ đã lập gia đình và có con dưới 15 tuổi cho biết chồng của họ đã có hành vi bạo lực đối với con cái.

Các hoạt động truyền thông được Dự án EVAC góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân về chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em. Ảnh: An Nhiên

Các hoạt động truyền thông được Dự án EVAC góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân về chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em. Ảnh: An Nhiên

Bà Thân Thị Hà nhận định: "Bạo lực trẻ em có rất nhiều hình thức. Việc bảo vệ trẻ em không chỉ là ngăn chặn bạo lực mà còn phải nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển sinh kế và phòng chống thiên tai".

Giúp thanh thiếu niên tự bảo vệ mình trước các nguy cơ bạo lực

Dự án Chấm dứt bạo lực đối với trẻ em do Tổ chức Tầm nhìn thế giới tài trợ. Tại Việt Nam, trẻ em tại Yên Bái và Điện Biên được hưởng Dự án EVAC thực hiện trong thời gian 4 năm (2016 – 2020) với mục tiêu giúp thanh thiếu niên ở 17 xã thuộc 4 huyện của hai tỉnh Yên Bái và Điện Biên. Với mục tiêu tạo môi trường cho thanh thiếu niên dễ bị tổn thương (trong độ tuổi 12-24) được chăm sóc và bảo vệ khỏi nạn mua bán người, bị xâm hại, xao nhãng, bóc lột và những hình thức bạo lực khác thông qua sự hỗ trợ của gia đình và cộng đồng.

Dự án được thực hiện tại 10 xã thuộc 2 huyện Văn Chấn và Lục Yên, tỉnh Yên Bái và 7 xã của 2 huyện: Mường Chà và Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên. Với sự vào cuộc của các cấp chính quyền và huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, việc triển khai dự án thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Dự án  đi vào các hoạt động nâng cao năng lực, trang bị kiến thức, đào tạo nghề và khởi nghiệp, hỗ trợ pháp lý, đối thoại, truyền thông..., trong đó ưu tiên các trẻ em và gia đình dễ bị tổn thương nhất.

Hướng tới chấm dứt bạo lực đối với trẻ em. Ảnh: An Nhiên

Hướng tới chấm dứt bạo lực đối với trẻ em. Ảnh: An Nhiên

Tại Điện Biên, sau 4 năm thực hiện Dự án, tỷ lệ trẻ em được biết ít nhất 3 biện pháp bảo vệ bản thân tăng từ 19% lên 38%; trong đó gần 2.900 trẻ em và thanh thiếu niên được truyền thông, 7 câu lạc bộ trẻ em đi vào hoạt động có hiệu quả; 112/112 hộ gia đình có trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó được thăm hỏi đã có sự thay đổi rõ về an sinh trẻ em. Tỷ lệ cha mẹ, người chăm sóc trẻ được thực hành kiến thức kỹ năng để bảo vệ trẻ em khỏi việc bị xâm hại dưới mọi hình thức đã tăng từ 25% đến 76%. Nhờ đó tỷ lệ trẻ em sống trong môi trường không có bạo lực, xậm hại, bóc lột, sao lãng đã tăng từ 53% lên 71% qua các năm.

Thời gian qua, Yên Bái đã triển khai nhiều hoạt động, dự án nhằm ngăn chặn và giảm thiểu bạo lực, xâm hại trẻ em và một trong những dự án đem lại hiệu quả thiết thực nhất là Dự án Chấm dứt bạo lực với trẻ em.

Sau 4 năm triển khai tại 10 xã thuộc 2 huyện Văn Chấn và Lục Yên (tỉnh Yên Bái), Dự án Chấm dứt bạo lực với trẻ em đã góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về quyền trẻ em; tình trạng bạo lực xâm hại trẻ em đã được hạn chế và giảm thiểu trong toàn tỉnh. Dự án đã đạt được 4 kết quả chính: Trẻ em, thanh thiếu niên đặc biệt nhóm đối tượng dễ bị tổn thương đã thay đổi về thái độ hành vi để tự bảo vệ mình nhằm giảm thiểu nguy cơ bị mua bán và các hình thức bạo lực; gia đình và người chăm sóc trẻ chủ động tạo môi trường hỗ trợ thông qua việc tiếp cận các dịch vụ phù hợp để chăm sóc và bảo vệ trẻ; cộng đồng trở nên vững mạnh và làm việc cùng nhau để tạo ra một môi trường an toàn và bảo vệ trẻ; giảm thiểu các rào cản nhằm giải quyết nạn bạo lực trẻ em bao gồm cả mua bán người. Cùng với đó, các hoạt động và các chỉ số kết quả của Dự án đã có sự thay đổi tích cực. Một số chỉ tiêu vượt mức so với mục tiêu đề ra như: Chỉ số "tỷ lệ cha mẹ/người chăm sóc thấy rằng cộng đồng của họ là nơi an toàn (không bạo lực) cho trẻ” vượt 50% so với mục tiêu đã đề ra; chỉ số "tỷ lệ trẻ em và thanh niên (nam và nữ) có thể xác định ít nhất ba cách thức để tự bảo vệ bản thân” vượt 73% so với mục tiêu đề ra.

Yên Bái triển khai nhiều kế hoạch thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em

Nhiều năm qua, xác định trẻ em là chủ nhân tương lai của đất nước, tỉnh Yên Bái đã xây dựng, triển khai nhiều kế hoạch thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, chỉ đạo các tổ chức đoàn thể triển khai thực hiện các quy định của Luật Trẻ em

Để tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em trên địa bàn tỉnh, Ban Chỉ đạo Công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em tỉnh Yên Bái cũng đã ban hành Kế hoạch số 29 về triển khai các hoạt động về bảo vệ, chăm sóc trẻ em năm 2021. Kế hoạch nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ, chăm sóc trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em; bảo đảm thực hiện các quyền trẻ em, phát triển toàn diện trẻ em, nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, tạo lập môi trường sống an toàn, lành mạnh, thân thiện cho trẻ em…

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, chủ động phòng ngừa, kiểm soát và giảm thiểu nguy cơ trẻ em bị xâm hại, tai nạn thương tích. Đầu tư xây dựng, củng cố, phát triển hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em. Duy trì, phát triển các mô hình về bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Khuyến khích, biểu dương, nhân rộng những mô hình, điển hình, những sáng kiến tốt trong bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và đóng góp nguồn lực cho trẻ em.

Tăng cường tổ chức các sự kiện truyền thông, tập huấn nhằm giáo dục kiến thức, kỹ năng thực hiện quyền, bổn phận của trẻ em, quảng bá về Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111), tổng đài tư vấn miễn phí cho trẻ em của tỉnh Yên Bái (số 18001776); hướng dẫn việc phát hiện, thông báo, tố giác hành vi, trường hợp, nguy cơ trẻ em bị xâm hại đến Tổng đài 111, 18001776 và các cơ quan có thẩm quyền.

Việt Cường
Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...
Thừa Thiên Huế tăng cường phòng, chống xâm hại trẻ em

Thừa Thiên Huế tăng cường phòng, chống xâm hại trẻ em

2 năm trước

Trong những năm gần đây, tình trạng tội phạm xâm hại trẻ em ở Thừa Thiên Huế diễn ra phức tạp, có chiều hướng gia tăng, tỷ lệ nạn nhân bị xâm hại đến từ người thân, quen khá cao;...