THỨ BẨY, NGÀY 20 THÁNG 04 NĂM 2024 12:30

Chăm sóc sức khỏe sinh sản: trách nhiệm bình đẳng của cả phụ nữ và nam giới

03/07/2019 | 14:35


Hạnh phúc gia đình và sức khỏe của các thành viên đòi hỏi sự chung tay đóng góp của cả nam giới và phụ nữ.

Phụ nữ cần chú trọng việc chăm sóc SKSS của bản thân
 
Phụ nữ có đường sinh dục bao gồm nhiều bộ phận nằm cả bên ngoài và bên trong cơ thể. Với điều kiện sống và khí hậu nóng ẩm của Việt Nam, người phụ nữ có nguy cơ cao mắc các bệnh viêm nhiễm, đặc biệt ở các bộ phận sinh dục nằm bên trong cơ thể. Có thể kể đến các bệnh như: viêm tuyến bartholin, viêm âm hộ, viêm âm đạo, viêm cổ tử cung, viêm cổ tử cung lộ tuyến, viêm tử cung, viêm ống dẫn trứng, buồng trứng, viêm dây chằng, viêm tiểu khung, v.v.
 
Những dấu hiệu thông thường có thể nhận thấy được ở vùng kín khi các bộ phận sinh dục gặp viêm nhiễm như: đau ngứa, nóng rát, hoặc ra dịch là nước, hoặc dịch lẫn mủ, lẫn máu, dịch có mùi hôi khó chịu, đau bụng dưới, rối loạn kinh nguyệt, đái buốt, đái dắt, v.v.
 
Bên cạnh đó, cả phụ nữ và nam giới có nguy cơ mắc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục như bệnh lậu, bệnh giang mai, bệnh sùi mào gà, nấm chlamydia, viêm gan B, HIV... Trong đó, bệnh sùi mào gà đặc biệt cần lưu ý do ẩn chứa nguy cơ gây ung thư cổ tử cung. Người phụ nữ có thể phòng tránh các bệnh này bằng cách trao đổi thẳng thắn với bạn tình của mình, quan hệ chung thủy một vợ một chồng và đề xuất sử dụng bao cao su đúng cách. Phụ nữ cũng nên khám sức khỏe, xét nghiệm máu định kỳ để phát hiện và điều trị kịp thời các bệnh kể trên.
 
Do ung thư cổ tử cung không có biểu hiện nhận biết rõ ràng, phụ nữ trong độ tuổi sinh sản cần ý thức xét nghiệm phát hiện sớm bệnh này. 
 
Để phòng chống và điều trị kịp thời các bệnh nói trên, phụ nữ nên lắng nghe cơ thể của mình, quan sát các triệu chứng, khám sớm khi có dấu hiệu không bình thường. Đồng thời, chị em nên vệ sinh bộ phận sinh dục đúng cách hai lần một ngày (không rửa từ sau ra trước). Trong độ tuổi sinh sản, phụ nữ nên khám phụ khoa định kỳ 3-6 tháng một lần, xét nghiệm phát hiện sớm ung thư cổ tử cung, tiêm phòng ung thư cổ tử cung, xin tư vấn bác sĩ về SKSS. Trong quá trình mang thai, người phụ nữ nên khám thai ở các mốc quan trọng 2, 12, 22, 32 tuần và giữ gìn SKSS.
 
 
Vai trò bình đẳng của nam giới trong việc chăm sóc SKSS
 
Chăm sóc SKSS cho phụ nữ vốn không phải là phần việc chỉ dành cho nữ giới, song lối tư duy cũ với tư tưởng trọng nam khinh nữ tồn tại qua nhiều thế hệ đã khiến cho việc chăm sóc SKSS bị xem là trách nhiệm chỉ là của phụ nữ.
 
Nhằm đảm bảo nhiều lợi ích cho thế hệ kế cận và hạnh phúc gia đình, cả nam giới và phụ nữ đều cần hiểu rõ, chia sẻ và đóng góp trách nhiệm trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS). Đây là nội dung được chia sẻ trong khuôn khổ các buổi truyền thông nâng cao hiểu biết và kỹ năng chăm sóc SKSS, thuộc dự án Vì mẹ và bé – Vì tầm vóc Việt do Quỹ Vì Tầm Vóc Việt triển khai tại Vĩnh Phúc.
 
Trên thực tế, sự tham gia của nam giới trong quá trình chăm sóc SKSS góp phần mang đến cuộc sống hạnh phúc, viên mãn cho cả gia đình. Nam giới là đối tác quan trọng, cùng chia sẻ với phụ nữ các công việc gia đình, trong xã hội và trong chuyện sinh đẻ, tình dục cũng như chăm sóc con cái.
 
Cụ thể là trước khi quyết định có con, nam giới cần chủ động đi khám sức khỏe để phát hiện sớm các nguy cơ ảnh hưởng đến quá trình thụ thai cũng như có cơ hội nâng cao chất lượng phôi thai. Để sinh con an toàn, trong quá trình mang thai, chồng nên tạo điều kiện để người vợ thoải mái về tâm lý, đảm bảo được dinh dưỡng. Tuyệt đối không vì giới tính thai nhi mình mong muốn mà phá thai. Sau khi phụ nữ sinh, nam giới nên chia sẻ trách nhiệm, cùng tham gia nuôi dưỡng con cái để đảm bảo thể chất cũng như sự phát triển của đứa trẻ.
 
Ngoài ra, chăm sóc SKSS không chỉ là về quá trình sinh nở, nam giới cần tham gia và bình đẳng với phụ nữ trong cả hoạt động tình dục (đồng thuận, tự nguyện, mang lại khoái cảm, v.v.), chủ động phòng tránh bệnh lây truyền qua đường tình dục. Các bệnh lây truyền qua đường tình dục có cơ chế dễ lây lan, và có thể ủ trong cơ thể người đàn ông, rồi gây tái mắc bệnh cho phụ nữ. Do đó, khi người phụ nữ mắc các bệnh ở bộ phận sinh dục, người đàn ông nên phối hợp cùng vợ để chữa dứt điểm để không tái phát, tái nhiễm.
 
Việc quyết định số con, thời điểm sinh con và khoảng cách giữa các lần sinh con phải dựa trên ý kiến được thống nhất cả hai vợ chồng. Trong kế hoạch hóa gia đình, nam giới nên chủ động tìm hiểu, nhờ đến sự trợ giúp của các cơ sở y tế để chia sẻ thông tin với vợ, cùng lựa chọn biện pháp tránh thai phù hợp với cả vợ và chồng.
 
Việc bình đẳng tham gia chăm sóc SKSS của cả nam giới và phụ nữ góp phần quan trọng đảm bảo sức khỏe của vợ và chồng, sức khỏe của thế hệ con cái, hay nhìn rộng hơn là hạnh phúc gia đình và sự ổn định của xã hội.

D.Oanh/GĐTE

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

5 tháng trước

“Nằm vo tròn như một thai nhi trong bụng mẹ, tôi cảm giác mình sắp chết, không còn chút hi vọng nào có thể sống sót để kể lại câu chuyện này cho bất kỳ ai”.