THỨ BẨY, NGÀY 27 THÁNG 04 NĂM 2024 06:51

Chăm sóc sức khỏe toàn diện cho thế hệ trẻ ngay từ trường học

24/01/2023 | 13:18
Chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) ngày càng khẳng định vai trò trụ cột trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, trong đó có đối tượng học sinh, sinh viên (HSSV). Đặc biệt, BHYT HSSV có ý nghĩa, lợi ích thiết thực trong việc đem lại cho thế hệ trẻ - chủ nhân tương lai của đất nước một cơ chế chăm sóc sức khỏe toàn diện ngay từ trường học.
Chăm sóc sức khỏe cho trẻ ngay từ trường học.

Chăm sóc sức khỏe cho trẻ ngay từ trường học.

Gần 19 triệu HSSV được đảm bảo và thụ hưởng quyền lợi BHYT

Theo thống kê của BHXH Việt Nam, năm học 2021 - 2022, chính sách BHYT đã bao phủ đến 96% HSSV cả nước với khoảng 18,8 triệu em tham gia. Ðiều đó đồng nghĩa với việc trên toàn quốc đã có gần 19 triệu HSSV được đảm bảo và thụ hưởng đầy đủ các quyền lợi BHYT theo quy định, trong đó, nếu không may ốm đau, bệnh tật các em sẽ được quỹ BHYT thanh toán số tiền khám chữa bệnh (KCB) không giới hạn theo phạm vi, mức hưởng, có thể lên tới hàng tỷ đồng/năm.

Khi tham gia BHYT, nếu HSSV đi KCB đúng tuyến sẽ được quỹ BHYT chi trả 80% chi phí KCB trong phạm vi, quyền lợi được hưởng. Trường hợp KCB trái tuyến, các em sẽ được hưởng theo phạm vi, mức hưởng BHYT như sau: 40% chi phí điều trị nội trú tại bệnh viện (BV) tuyến Trung ương; 100% chi phí điều trị nội trú tại BV tuyến tỉnh; 100% chi phí tại BV tuyến huyện.

Trong quá trình phát triển, chính sách BHYT ngày càng được hoàn thiện theo hướng quyền lợi, chất lượng KCB BHYT ngày càng được nâng cao và mở rộng. Theo đó, HSSV khi tham gia cũng được hưởng nhiều lợi ích hơn từ chính sách BHYT như: Ðược chăm sóc sức khỏe ban đầu (CSSKBÐ) ngay tại trường học; được tham gia KCB BHYT với các thủ tục thuận tiện, thông thoáng; được tiếp cận các dịch vụ y tế kỹ thuật cao, chi phí lớn… Nhờ có tấm thẻ BHYT, nhiều HSSV và gia đình chủ động về chi phí KCB, vơi đi gánh nặng tài chính giữa lúc khó khăn khi không may bị ốm đau, bệnh tật, để HSSV yên tâm chữa bệnh, điều trị sớm quay lại môi trường cuộc sống và học tập bình thường. Ðáng chú ý, trong khi Luật BHYT chưa có quy định chi tiết cho y tế dự phòng, nhưng nhóm HSSV đã gián tiếp được hưởng các quyền lợi này thông qua việc CSSKBÐ tại nhà trường. Công tác CSSKBÐ tại các trường học hiện đang vận hành chủ yếu từ nguồn kinh phí trích lại từ quỹ KCB BHYT cho hoạt động y tế trường học (trong đó có nội dung chi hỗ trợ khám sức khỏe định kỳ và phân loại sức khỏe cho HS đầu năm học; tổ chức các hoạt động tư vấn giáo dục, sức khỏe và phòng bệnh…).

Theo quy định của Luật BHYT, HSSV là đối tượng bắt buộc tham gia BHYT. Do đó, việc tham gia BHYT không những là quyền lợi mà còn là trách nhiệm tuân thủ pháp luật, thể hiện tinh thần tương thân tương ái của HSSV thông qua việc đóng góp, chia sẻ rủi ro với những người không may bị ốm đau, bệnh tật… đặc biệt với những người nghèo, người thuộc nhóm yếu thế trong xã hội. Tuy nhiên, hiện cả nước vẫn còn khoảng 4% HSSV chưa tham gia BHYT, tập trung ở nhóm SV các trường đại học và HS các trường cao đẳng, trung cấp. Trong số này, một số HSSV và phụ huynh vẫn còn hiểu chưa thấu đáo về chính sách BHYT, cho rằng chỉ cần tham gia BHYT những lúc ốm đau…

Luật BHYT quy định HSSV là đối tượng bắt buộc tham gia BHYT.

Luật BHYT quy định HSSV là đối tượng bắt buộc tham gia BHYT.

Nhiều học sinh được chi trả hàng tỉ đồng tiền chữa bệnh

Thực tế cho thấy, quỹ BHYT đã chi trả cho rất nhiều bệnh nhân là HSSV mắc các bệnh nan y, mạn tính phải điều trị dài ngày, nhiều đợt (như: chạy thận nhân tạo, điều trị ung thư, phẫu thuật tim mạch…) với chi phí từ vài chục triệu đến hàng tỷ đồng, giúp các em và gia đình giảm gánh nặng về chi phí KCB, có thêm động lực để yên tâm điều trị bệnh. Trong đó có thể kể đến bệnh nhân có mã thẻ HS48686217XXXXX (xã Mỹ Thạnh Trung, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long), đi KCB ngoại trú và điều trị nội trú BHYT 24 lần trong năm 2021 tại Bệnh viện Chợ Rẫy - TP.Hồ Chí Minh, Bệnh viện Ða khoa tỉnh Vĩnh Long và Bệnh viện Ða khoa Trung ương Cần Thơ với các chẩn đoán chính như thông liên thất (phần màng); nhiễm trùng huyết do candida; hở van động mạch chủ do thấp (nặng 4/4); hở (van) hai lá (nặng do dãn vòng van); viêm nội tâm mạc nhiễm trùng cấp và bán cấp (áp xe gốc động mạch chủ)… Chi phí quỹ BHYT chi trả cho bệnh nhân là 1,18 tỉ đồng, trong đó: tiền thuốc 475,2 triệu đồng; tiền phẫu thuật, thủ thuật 214,9 triệu đồng; tiền xét nghiệm 142,1 triệu đồng; tiền giường 74,3 triệu đồng; tiền máu 56,5 triệu đồng; tiền vật tư y tế 22,4 triệu đồng; tiền chẩn đoán hình ảnh 18,7 triệu đồng…

Hay bệnh nhân có mã thẻ HS47979369XXXXX (phường 14, quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh) KCB ngoại trú và điều trị nội trú BHYT 2 lần trong năm 2021 tại Bệnh viện Nhi Ðồng II và Bệnh viện 175 của TP. Hồ Chí Minh với các chẩn đoán chính như sốc nhiễm khuẩn từ đường tiêu hóa theo dõi do nhiễm trùng nhiễm độc thức ăn, suy đa cơ quan; viêm phổi, không đặc hiệu. Chi phí quỹ BHYT chi trả cho bệnh nhân là 1,14 tỉ đồng. Một trường hợp khác là bệnh nhân có mã thẻ HS47979379XXXXX (phường Tân Thành, quận Tân Phú, TP.  Hồ Chí Minh) khám chữa bệnh ngoại trú và điều trị nội trú bảo hiểm y tế 8 lần trong 8 tháng đầu năm 2022 tại Bệnh viện quận Tân Phú, Bệnh viện Nhi Ðồng I và Bệnh viện Chợ Rẫy. Bệnh nhân được các bác sĩ chẩn đoán: Viêm cơ tim cấp; Di chứng tổn thương nội sọ (tổn thương cũ chẩm trái); Hở van hai lá do thấp; Viêm mô bào… Chi phí quỹ bảo hiểm y tế chi trả cho bệnh nhân là 1,1 tỷ đồng.

Từ những số liệu trên, có thể khẳng định, chính sách BHYT mang ý nghĩa nhân văn và có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc. Ðặc biệt, với những HSSV, những người bị bệnh hiểm nghèo có thời gian chữa trị bệnh lâu dài thì giá trị của việc tham gia BHYT càng được nhân lên gấp bội. Tấm thẻ BHYT đã không chỉ giúp người bệnh có điều kiện được tiếp xúc, sử dụng với các vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật cao, đắt tiền để điều trị bệnh, mà còn giúp gia đình người bệnh không lâm vào cảnh sa sút kinh tế chỉ vì lo chi phí KCB cho người thân. Vì vậy, để đạt được mục tiêu 100% HSSV tham gia BHYT, để mọi HSSV đều được chăm sóc sức khỏe ngay từ trường học, bên cạnh sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ giữa BHXH Việt Nam, Bộ GD&ÐT, cần có sự vào cuộc của toàn xã hội, mà quan trọng hơn cả chính là ý thức tự giác, chủ động tham gia BHYT của mỗi HSSV và phụ huynh.

Minh Vũ
“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

5 tháng trước

“Nằm vo tròn như một thai nhi trong bụng mẹ, tôi cảm giác mình sắp chết, không còn chút hi vọng nào có thể sống sót để kể lại câu chuyện này cho bất kỳ ai”.
Thực phẩm giúp giữ ấm khi trời lạnh

Thực phẩm giúp giữ ấm khi trời lạnh

1 năm trước

Theo các chuyên gia, một số loại thực phẩm dưới đây có tác dụng thúc đẩy quá trình trao đổi chất của cơ thể và giúp làm ấm cho bạn từ bên trong
Nhiều trẻ em bị tai nạn, ngộ độc trong những ngày giáp Tết

Nhiều trẻ em bị tai nạn, ngộ độc trong những ngày giáp Tết

1 năm trước

Thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, Bệnh viện vừa tiếp nhận liên tiếp 03 bệnh nhi bị tai nạn, ngộ độc trong những ngày giáp Tết.
Gần 2.500 trẻ chào đời trong ngày mùng 1 Tết Quý Mão

Gần 2.500 trẻ chào đời trong ngày mùng 1 Tết Quý Mão

1 năm trước

Thông tin từ Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, báo cáo của các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế, 63 Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và y tế ngành...