THỨ NĂM, NGÀY 25 THÁNG 04 NĂM 2024 11:25

Chăm sóc trẻ tăng động giảm chú ý cha mẹ cần lưu ý gì?

17/11/2021 | 15:42
Theo thống kê của BV Nhi Trung ương, có khoảng 3-8% trẻ em Việt Nam mắc rối loạn tăng động giảm chú ý và tỷ lệ này đang có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây. Nếu không được phát hiện sớm để can thiệp và điều trị, trẻ sẽ bị ảnh hưởng đến tâm lý và đời sống, gây cản trở sự phát triển toàn diện trẻ thơ.
Khám tâm lý cho trẻ tăng động giảm chú ý tại BV Đa khoa Quốc tế Vinmec.

Khám tâm lý cho trẻ tăng động giảm chú ý tại BV Đa khoa Quốc tế Vinmec.

Tăng động giảm chú ý là gì?

Theo BS. CKII Thành Ngọc Minh, Trưởng Khoa Tâm thần – BV Nhi Trung ương: “Tăng động giảm chú ý (viết tắt tiếng Anh là ADHD) là một rối loạn phát triển thần kinh thường gặp ở trẻ em, biểu hiện bằng những hành vi tăng hoạt động và giảm chú ý của trẻ nhiều hơn rõ rệt so với trẻ cùng tuổi và cùng giới.

Các tài liệu y khoa và thực tế cho thấy, trẻ tăng động thường hay bồn chồn, không thể ngồi yên, tay chân cử động liên tục. Trẻ thích chạy nhảy, leo trèo, cảm thấy khó khăn khi phải chờ đợi hoặc xếp hàng theo thứ tự, thường trả lời bột phát khi chưa nghe hết câu hỏi hoặc nói xen vào khi người khác đang nói...

Mặt khác, trẻ lại bị giảm chú ý như: dễ mất tập trung do tác động bên ngoài, không cẩn thận, không tỉ mỉ, hay gây sai sót trong học tập cũng như công việc; ít tuân theo sự hướng dẫn của người khác; thường hay bỏ dở việc này để làm sang việc khác; không duy trì chú ý được lâu so với trẻ bình thường cùng tuổi. Trẻ thường xuyên đánh mất những vật dụng cần thiết như: vở bài tập, bút chì, sách, đồ chơi… Thường tránh né, không thích hoặc miễn cưỡng thực hiện các nhiệm vụ đòi hỏi phải duy trì nỗ lực tinh thần như làm bài tập trên lớp hoặc ở nhà…

Nếu các biểu hiện này kéo dài trên 6 tháng và xuất hiện trước 7 tuổi, cản trở học tập, sinh hoạt, công việc và quan hệ của trẻ ở gia đình, trường học, trẻ có thể bị rối loạn tăng động giảm chú ý.

Trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý có thể do di truyền, bệnh lý khi mang thai, tổn thương não khi sinh, bệnh lý sau sinh... Nhưng cũng có thể do môi trường sống không ổn định: ồn ào, đông đúc, lộn xộn... hoặc bị ô nhiễm. Hoặc do trẻ bị lôi cuốn vào điện tử, nghiện Internet, xem tivi quá nhiều...

Cha mẹ cần lưu ý gì khi chăm sóc con?

Ths. Bs. Nguyễn Mai Hương, Phó trưởng khoa Tâm thần – BV Nhi Trung ương cho biết: “Mỗi năm, khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận khoảng 3.000 lượt trẻ khám rối loạn tăng động giảm chú ý, chiếm gần 20% tổng lượt khám. Các biểu hiện đặc trưng của trẻ là khó khăn trong duy trì chú ý, chọn lọc chú ý, dẫn tới khó khăn trong hoàn thành trọn vẹn các nhiệm vụ, bài vở. Đồng thời trẻ hoạt động quá nhiều, thiếu kiềm chế, có tính xung động, bốc đồng nên dễ gây ra những căng thẳng trong quan hệ xã hội, hành vi không phù hợp, gây nguy hiểm cho bản thân và cho người khác. Điều trị trẻ rối loạn tăng động giảm chú ý cần sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và các cán bộ y tế. Trẻ có thể cải thiện khi cha mẹ có các biện pháp quản lý hành vi, thái độ ứng xử tích cực, thực hiện những nguyên tắc dựa trên sự tôn trọng và hỗ trợ trẻ tối đa. Đồng thời trẻ có thể tham gia các khóa trị liệu chuyên sâu hoặc sử dụng thuốc”.

Khi bắt đầu nghi ngờ trẻ bị tăng động giảm chú ý, cha mẹ nên cho con đi khám bác sĩ tâm lý càng sớm càng tốt để được đánh giá và tư vấn kịp thời.

Tại đây, trẻ có thể được làm các trắc nghiệm tâm lý về trí tuệ, cảm xúc, hành vi… Các chuyên gia sẽ cùng giúp đỡ trẻ trong hoạt động trị liệu, giáo dục đặc biệt. Tuy nhiên, vai trò của gia đình rất quan trọng trong việc đồng hành, chia sẻ, động viên con; đồng thời cần nỗ lực tạo môi trường thuận lợi nhất để hỗ trợ việc điều trị cho trẻ.

Cha mẹ hãy cố gắng tạo môi trường yên tĩnh khi trẻ học tập. Huấn luyện trẻ tập trung nghe nhìn khi bạn nói. Nói rõ ràng yêu cầu của bạn với trẻ, bảo trẻ nhắc lại những gì bạn vừa nói. Nhắc cho trẻ một số luật lệ, nội quy trước khi đến nơi công cộng. Ví dụ, vào rạp chiếu phim, con phải xếp hàng mua vé theo thứ tự, ngồi trong rạp không được gây ồn ào, không được đạp chân lên ghế trước, không được quay phim, chụp ảnh…

Không giao nhiều việc cùng một lúc làm trẻ mất tập trung. Không nên kéo dài quá lâu một công việc hay nhiệm vụ sẽ dễ khiến trẻ chán nản.Trong các hoạt động vui chơi, giải trí, nên chọn các trò chơi tĩnh, đòi hỏi phải tư duy để trẻ có cơ hội rèn khả năng chú ý và bớt tăng động; tránh cho trẻ chơi game trên máy tính, nhất là các trò chơi bạo lực. Cho trẻ tham gia các hoạt động thể dục, thể thao vừa sức với lứa tuổi.

Chấp nhận một số hạn chế của trẻ, tránh chế diễu con. Cố gắng kiên trì, nhẹ nhàng nhưng dứt khoát khi dạy trẻ. Nếu bản thân các bậc phụ huynh còn không thể giữ được bình tĩnh thì sẽ rất khó trong việc can thiệp, trị liệu cho trẻ rối loạn tăng động giảm chú ý.

Để trẻ thích ứng với môi trường giáo dục trường lớp, cha mẹ nên trao đổi cụ thể với giáo viên về tình trạng của con. Đề nghị thầy/cô giáo để ý con hơn, sắp xếp cho trẻ ngồi bàn đầu để thuận tiện cho việc theo dõi và quản lý. Các bài tập về nhà thầy/cô giao, cha mẹ cần thường xuyên kiểm tra và nhắc nhở con.Tích cực cho trẻ tham gia vào các hoạt động nhóm, đoàn thể để trẻ nhanh chóng hòa nhập với các bạn và mọi người xung quanh. Tìm hiểu và phát huy các năng khiếu đặc biệt ở trẻ như khả năng văn nghệ hay chơi thể thao một bộ môn nào đó…

Khuyến khích, động viên khi trẻ có những biểu hiện tốt. Ngược lại, nếu trẻ mắc lỗi, cần kiên trì nhắc nhở, giải thích cho con hiểu hành vi đó là sai và lần sau con phải rút kinh nghiệm. Nếu con vẫn tiếp tục vi phạm thì có thể sẽ bị phạt bằng nhiều hình thức, tránh đánh mắng trẻ.

Nhìn chung, các bác sĩ tâm thần và chuyên gia tâm lý đều cho rằng, trẻ mắc rối loạn tăng động giảm chú ý nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời hoàn toàn có thể phát triển toàn diện như các bạn cùng trang lứa; có thể tham gia các hoạt động vui chơi và học tập phù hợp, phát huy được năng lực bản thân; có cuộc sống độc lập và hòa nhập tốt với xã hội.

Một phân tích tổng hợp từ 175 nghiên cứu trên toàn thế giới về tỷ lệ mắc rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ em dưới 18 tuổi cho thấy, tỷ lệ mắc hội chứng tăng động - giảm chú ý trên toàn cầu khoảng 7,2%. bé trai có xu hướng mắc cao hơn bé gái.

Tuấn Minh
Chi tiết trang bị vua Android tầm trung- Galaxy A55 5G: Cao cấp như Galaxy S24 Ultra, hơn iPhone 15

Chi tiết trang bị vua Android tầm trung- Galaxy A55 5G: Cao cấp như Galaxy S24 Ultra, hơn iPhone 15

1 tháng trước

Galaxy A55 5G vừa trình làng cách đây không lâu sở hữu hàng loạt trang bị ấn tượng hơn cả iPhone 15 và tiệm cận Galaxy S24 Ultra để vững bước lên ngôi vua Android tầm trung.
“Địa chỉ đỏ” tạo nguồn cán bộ và chắp cánh ước mơ cho học sinh dân tộc thiểu số

“Địa chỉ đỏ” tạo nguồn cán bộ và chắp cánh ước mơ cho học sinh dân tộc thiểu số

2 năm trước

Trong suốt 64 năm xây dựng và phát triển, Trường PT Vùng cao Việt Bắc đã đạt được những thành tích xuất sắc, có đóng góp lớn cho sự nghiệp phát triển giáo dục dân tộc thiểu số...
Hỗ trợ học sinh Quảng Bình được học tập ở môi trường an toàn và chất lượng

Hỗ trợ học sinh Quảng Bình được học tập ở môi trường an toàn và chất lượng

2 năm trước

Mới đây, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em phối hợp cùng Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Bình tổ chức hội nghị giới thiệu dự án “Môi trường học tập an toàn và chất lượng”. Bằng cách...
Cai nghiện 'ma túy' video game cho con

Cai nghiện "ma túy" video game cho con

2 năm trước

Trong bối cảnh giãn cách do đại dịch Covid-19, trẻ phải học trực tuyến, làm bạn với các thiết bị điện tử đã khiến tình trạng nghiện game trở nên đáng báo động. Phóng viên "Vì...