THỨ BẨY, NGÀY 27 THÁNG 04 NĂM 2024 10:50

Chắp cánh ước mơ của trẻ khuyết tật

01/02/2022 | 13:04
Nhiều năm nay, Vũ Ngọc Duy và nhóm salon tóc Hạ Long (TP Hạ Long, Quảng Ninh) không chỉ cắt tóc miễn phí cho các em nhỏ khuyết tật đang được nuôi dưỡng tại Cơ sở Bảo trợ trẻ em của tỉnh Quảng Ninh mà còn tận tụy hướng nghiệp, dạy nghề miễn phí với mong muốn các em nhỏ kém may mắn sẽ có việc làm, tự tin hòa nhập cộng đồng.
Sau 5 tháng đào tạo, Nguyễn Hồng Sơn đã tiến bộ rất nhiều.

Sau 5 tháng đào tạo, Nguyễn Hồng Sơn đã tiến bộ rất nhiều.

Khơi dậy đam mê của trẻ khuyết tật

Trẻ khiếm thính gặp khó khăn trong giao tiếp, thể hiện tình cảm cũng như rất khó kiếm việc làm để ổn định thu nhập nên cánh cửa hoà nhập cộng đồng của các em rất hạn chế. Trong nhiều năm qua, Vũ Ngọc Duy và những đồng nghiệp của mình luôn đồng hành, hỗ trợ các em học nghề cắt tóc. Với người bình thường, học được một nghề thuần thục để kiếm sống đã khó, với những người khuyết tật càng khó khăn gấp bội. Bởi việc học nghề với người khuyết tật đòi hỏi người học phải cố gắng hết sức và người dạy phải tận tụy, hết lòng với học viên.

Năm 2011 - khi mới bắt đầu khởi nghiệp, Duy cùng những thành viên trong nhóm của mình bắt đầu đến Cơ sở Bảo trợ trẻ em tỉnh Quảng Ninh để cắt tóc miễn phí, đồng thời dạy các em kỹ năng gội đầu, cắt tóc. Từ đó, chàng trai này đã nung nấu ý nghĩ phải thành lập một lớp học thiện nguyện để các em có nơi thực tập, hướng nghiệp. Tháng 12/2019, một lớp học với khá đầy đủ trang thiết bị như một salon (tổng giá trị khoảng 25 triệu đồng do nhóm và các nhà hảo tâm do Duy kêu gọi tài trợ trên mạng) phục vụ việc học đã được đặt ngay tại Cơ sở Bảo trợ trẻ em tỉnh. Lớp học cắt tóc với đầy đủ thiết bị cùng những "người thầy đặc biệt” đã khơi dậy đam mê, nâng bước giấc mơ của các em nhỏ thiệt thòi.

Không chỉ giúp các em học nghề, Duy còn tạo điều kiện cho các em có được công việc để khẳng định bản thân, hòa nhập xã hội. Sau thời gian học tập tại Trung tâm, một số em có năng khiếu, có kỹ thuật đã được những salon trong Nhóm nhận vào làm việc chính thức. Tại đây, các em được hỗ trợ khoản thu nhập xứng đáng. Khi các em đã thành thạo, Nhóm tiếp tục hỗ trợ mở cửa hàng theo đúng sở trường và điều kiện kinh tế của gia đình.

Sơn và Phong là 2 trong số những bạn nhỏ khuyết tật ngày nào còn vụng về đưa từng đường kéo thì nay đã có thể tự tin đứng cắt tóc cho khách. Ðây là 2 học trò khiếm thính có hoàn cảnh gia đình khó khăn đều mơ ước trở thành thợ cắt tóc giỏi và có thể nuôi sống bản thân bằng nghề. Phong hiện đã thành thạo kỹ thuật cơ bản, có thể cắt được những kiểu đầu đơn giản hoặc phụ cắt tóc. Còn Sơn, sau chừng 4-5 tháng đào tạo, tay nghề đã cải thiện khá nhiều, hiện nắm được một số kỹ thuật cắt tóc khó, kỹ thuật nhuộm tóc... Các em đều đã có thu nhập để lo một phần ăn ở, đi lại.

mo-ta-cong-viec-nha-tao-mau-toc-3

Giúp các em tự tin bước đi bằng chính đôi chân của mình

Salon tóc Duy Anh của Vũ Ngọc Duy nằm ở đầu con dốc Giao thông (phường Hà Trung, TP Hạ Long), rộng chừng 25-30m2 là nơi 2 em Sơn và Phong theo học nghề làm tóc. Do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, salon tóc của Duy vắng khách, nhưng “lớp học đặc biệt” này vẫn không dừng học. Duy cho biết, bản thân mình từ nhỏ đã sống ở Trung tâm Bảo trợ xã hội nên hiểu những thiệt thòi của các em nhỏ kém may mắn. Với các em bị khuyết tật thì càng thiệt thòi hơn. Chính sự thấu hiểu, chia sẻ và lòng thương người là động lực để Duy dành nhiều tâm huyết, thời gian và cả tài chính hỗ trợ, giúp đỡ các em. Duy luôn tâm niệm: “Cách giúp các em tốt nhất là dạy cho các em có nghề ổn định để tự tin bước đi bằng chính đôi chân của mình”.

Tâm huyết, nhiệt tình, nhưng khi bắt tay vào dạy các em nhỏ khuyết tật  Duy mới thấy gian nan. “Dạy những học sinh bình thường đã khó, dạy trẻ khuyết tật, khiếm thính lại càng khó khăn gấp bội. Với những trẻ khiếm thính việc giao tiếp phải dùng ngôn ngữ kí hiệu. Vì thế, để các em hiểu, tôi đã phải tự học một số ký hiệu của học sinh khiếm thính, trao đổi bằng giấy, thậm chí sắm 1 bảng điện tử để thầy trò trao đổi”, Duy kể về hành trình thầy - trò đồng hành cùng nhau. Dù cho là những đường cắt cơ bản hay những kỹ thuật cắt, nhuộm khó, Duy cũng đều phải dành thời gian gấp đôi để hướng dẫn các em. Nhìn cách Duy hướng dẫn những cậu học trò khiếm thính mới thấy được tình cảm mà “người thầy đặc biệt” này dành cho các em.

 “Trao cần câu hơn trao xâu cá”, câu nói này đúng trong mọi hoàn cảnh,  nhưng với các em nhỏ khuyết tật, việc được “trao cần câu” càng có ý nghĩa gấp bội. Có việc làm, các em sẽ có thu nhập, không còn là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Từ đó, các em không còn tự ti mà tự tin hòa nhập cộng đồng.

Khánh Vân
Chiêm ngưỡng 10 mẫu xe đẹp mắt nhất hiện nay

Chiêm ngưỡng 10 mẫu xe đẹp mắt nhất hiện nay

1 tháng trước

Trước kia, việc tìm xe 7 chỗ đẹp tại Việt Nam khá khó khăn. Tuy nhiên từ khi các dòng xe 7 chỗ nhập khẩu tràn về Việt Nam, người dùng có nhiều lựa chọn xe hơi 7 chỗ đẹp, tiện nghi và an...
Vì lợi ích tốt nhất của trẻ em

Vì lợi ích tốt nhất của trẻ em

2 năm trước

Việt Nam tự hào là quốc gia đầu tiên ở châu Á, thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước quyền trẻ em. Đến nay, với nỗ lực cao nhất, dành những gì tốt nhất cho trẻ em, Nhà nước Việt...
Mùa xuân cho em

Mùa xuân cho em

2 năm trước

Ẩn hiện trong sương mây, sắc xuân dệt màu áo mới khắp các làng bản, núi đồi Tây Bắc hùng vĩ. Xuân vào trong ánh mắt trẻ thơ vui vẻ, hồn nhiên cùng cỏ cây, hoa lá. Xuân thì thầm nói với...
Tết bình yên bên gia đình

Tết bình yên bên gia đình

2 năm trước

Tết cổ truyền năm nay, nhiều người dân chẳng mong mỏi gì cao sang, chỉ mong được bình yên bên ông bà, cha mẹ và những người thân yêu.