THỨ SÁU, NGÀY 26 THÁNG 04 NĂM 2024 10:31

Chắp cánh ước mơ, tạo lập hành trang vững chắc cho những phận đời bất hạnh

05/11/2021 | 19:54
Các em đến với Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ Trẻ em tỉnh Thừa Thiên Huế theo nhiều cách khác nhau, nhưng đều có điểm xuất phát chung là những mảnh đời bất hạnh. Tại ngôi nhà chung, các em được quản lý, chăm sóc bảo đảm quy định và được theo học các chương trình giáo dục như bao trẻ em cùng trang lứa khác, qua đó có hành trang vững chắc để trở lại với cộng đồng.
Lãnh đạo Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ Trẻ em tỉnh Thừa Thiên Huế và các nhà hảo tâm trao tặng chiếc xe máy, làm phương tiện đi lại cho em Lê Thị Thanh Nhàn.

Lãnh đạo Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ Trẻ em tỉnh Thừa Thiên Huế và các nhà hảo tâm trao tặng chiếc xe máy, làm phương tiện đi lại cho em Lê Thị Thanh Nhàn.

Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ Trẻ em tỉnh Thừa Thiên Huế là đơn vị công lập trực thuộc Sở LĐ-TB&XH tỉnh. Trung tâm có 2 cơ sở, trong đó cơ sở 2 là nơi tiếp nhận, nuôi dưỡng, chăm sóc, quản lý, giáo dục tập trung và thực hiện tái hòa nhập gia đình, cộng đồng cho trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi, trẻ lang thang cơ nhỡ. Hiện nay, Trung tâm đang quản lý, nuôi dưỡng 20 trẻ em độ tuổi từ trẻ nhỏ, mẫu giáo đến sinh viên đại học.

Theo lãnh đạo Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ Trẻ em tỉnh Thừa Thiên Huế, bên cạnh các chế độ nuôi dưỡng theo quy định thì việc học tập của các cháu luôn được Trung tâm xác định là nhiệm vụ hàng đầu. Trung tâm đã tạo điều kiện để các em đến trường, lớp đầy đủ theo đúng độ tuổi; đồng thời xây dựng nội quy, quy chế học tập sinh hoạt tại Trung tâm nhằm giáo dục, rèn luyện đạo đức cho các em. Đối với các em học hết THCS mà không thể học lên nữa, Trung tâm liên hệ với các cơ sở dạy nghề trên địa bàn TP. Huế để xin cho các em được học nghề, bảo đảm công việc và thu nhập khi tái hoà nhập cộng đồng.

Để bảo đảm đời sống và việc học cho các cháu được thực hiện tốt, bên cạnh nguồn kinh phí được phân bổ theo quy định, Trung tâm đã không ngừng nỗ lực huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước để chăm lo cho các cháu. Trong những năm qua, đã có nhiều trường hợp trẻ em được nuôi dưỡng tại Trung tâm ra trường và có công việc làm ổn định, trở thành những lao động có tay nghề cao. Đặc biệt, có trường hợp em Nguyễn Thị Phương Thảo hiện đang sinh sống và làm việc tại một tập đoàn lớn về du lịch ở Singapore, hay em Võ Độ sau khi tốt nghiệp Đại học Luật Huế, hiện cũng đang có việc làm ổn định tại TP. Đà Nẵng.

Trường hợp mới nhất đỗ đại học là cô tân sinh viên ngành Công tác xã hội, trường Đại học Khoa học Huế Lê Thị Thanh Nhàn.

Sau khi thi đỗ vào trường đại học với số điểm cao, Nhàn đã viết 1 lá thư đầy xúc động gửi chương trình “Tiếp sức đến trường” với mong muốn người mẹ mà em đã thất lạc sẽ đọc được và 2 mẹ con sẽ có cơ hội gặp lại nhau. Nhàn viết: “Mẹ ơi, con đậu đại học rồi, mà còn là thủ khoa của ngành học nữa cơ. Mẹ có biết con nhớ mẹ và muốn sà vào lòng mẹ để khoe điều đó lắm không? Con sẽ tìm mẹ, con hứa đó”.

Trong thư Lê Thị Thanh Nhàn tiết lộ, em sinh ra trong một gia đình có 2 chị em gái tại TP. Đà Nẵng. Tuy nhiên, ba em là người hay nhậu nhẹt và thường đánh đập vợ con, có khuynh hướng báo lực gia đình. Khi không còn chịu được những trận đòn roi ngày càng dày đặc từ người chồng nát rượu, vũ phu, mẹ Nhàn bế đứa con thơ rời khỏi căn nhà bất hạnh. Hai mẹ con Nhàn lang thang ngày qua ngày trên các tuyến đường, ngã phố.

“Thế rồi uất hận, mẹ bế con lên chiếc xe đạp màu tím nhạt cũ kỹ - chiếc xe theo mẹ buôn đồng nát để kiếm tiền nuôi 2 chị em con - rời khỏi ba, chị gái và căn nhà bất hạnh. Mẹ chở con đi qua bao mưa nắng gió sương, vừa đi vừa nhặt ve chai, giấy vụn đổi cơm cháo qua ngày. Hai mẹ con đi dọc đường tìm được nhà nào thì xin vào ngủ qua đêm nhà đó. Người tốt thì họ cho mượn tạm góc nhà ngả lưng, còn không thì họ đuổi đi vì sợ trộm hay bẩn nhà cửa của họ”.

Rồi hai mẹ con cũng lang thang như vậy cho đến một ngày mẹ nói hai mẹ con ra đến Huế rồi. Mẹ và con vẫn tiếp tục hành trình ngày lượm ve chai, rồi đêm xin ngủ nhờ mái hiên nhà người khác hoặc công viên...

Thời gian cứ thế trôi, cho đến một buổi sáng sớm tinh sương, khi hai mẹ con vừa thức dậy sau một đêm rét căm căm ở góc chợ Đông Ba, mẹ hoảng hốt khi trong túi áo rách không còn mấy chục ngàn tiền lẻ mẹ vừa bán đống chai nhựa hồi chiều hôm trước. Với mẹ con mình, mấy chục ngàn đồng lúc đó là cả một gia tài. Căn bệnh thần kinh trong mẹ tái phát. Mẹ như phát điên, gào thét rồi chạy đi xung quanh tìm bằng được kẻ nhẫn tâm đã ăn trộm tiền. 

Mẹ dặn con đứng trước cổng chợ để mẹ đi tìm tiền. Nhưng con đợi mãi, đợi suốt cả 1 ngày trời không thấy mẹ quay lại. Con ngủ thiếp đi thì sáng hôm sau các chú xe ôm, xích lô trước cổng chợ nói rằng mẹ đã bỏ con mà đi. Con òa khóc, vì không tin mẹ đã bỏ con, và cả... vì đói. 

Một chú xích lô đã mua cho con một trái bắp và đưa con đến Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Thừa Thiên Huế, nơi đã nuôi nấng và cho con ăn học nên người.” Hoàn cảnh bất hạnh của Nhàn được tiết lộ trong lá thư gửi chương trình “Tiếp sức đến trường”.

Từ đứa trẻ lang thang, thất lạc mẹ, Lê Thị Thanh Nhàn trở thành thủ khoa ngành Công tác xã hội, trường Đại học Khoa học Huế.

Từ đứa trẻ lang thang, thất lạc mẹ, Lê Thị Thanh Nhàn trở thành thủ khoa ngành Công tác xã hội, trường Đại học Khoa học Huế.

Theo bà Đỗ Lê Phương Mai, Phó Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Thừa Thiên Huế, Nhàn được đưa đến Trung tâm vào khoảng giữa tháng 12/2008 và có quyết định nhận vào Trung tâm từ tháng 1/2009, khi đó em khoảng 6 tuổi. Tại đây, Nhàn được quản lý, nuôi dưỡng như những trường hợp khác và được đến lớp học các chương trình giáo dục theo quy định. Gần 13 năm sống tại Trung tâm, được sự giúp đỡ của mọi người cùng nghị lực vươn lên, Nhàn đã cố gắng học tập thật tốt, có kết quả vượt trội.

“Suốt những năm học trên lớp, con luôn giành được danh hiệu học sinh khá, giỏi. Con đã cố gắng vượt lên sự rụt rè, mặc cảm của một đứa trẻ mồ côi để trở thành một cây văn nghệ của lớp, của trường. Và rồi ngưỡng cửa đại học đã mở ra sau những cố gắng không biết mệt mỏi của con. Con đậu thủ khoa ngành học Công tác xã hội, Trường đại học Khoa học - Đại học Huế mẹ ạ”, Nhàn viết trong thư.

Đầu tháng 10 vừa qua, để Nhàn có phương tiện đi lại, Ban Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ Trẻ em tỉnh Thừa Thiên Huế đã kết nối với các nhà hảo tâm để trang bị cho em một chiếc xe máy. Phần quà hết sức ý nghĩa do chị Đặng Thị Nga (ở TP. Huế) cùng với các anh, chị trong nhóm thiện nguyện của mình đã quyên góp và mua tặng.

“Có thể nói, món quà này có giá trị rất lớn đối với trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Đây là nguồn động viên to lớn tạo động lực để cháu Nhàn nói riêng và toàn thể các cháu trong Trung tâm nói chung phấn đấu, thi đua học tốt và đồng thời cảm nhận được sự ấm áp khi bên cạnh mình luôn có những người che chở, bảo vệ”, lãnh đạo Trung tâm chia sẻ.

Chiếc laptop mới sẽ là hành trang vào đời cho Nguyễn Thị Anh Thy, sinh viên năm cuối ngành Thiết kế mỹ thuật.

Chiếc laptop mới sẽ là hành trang vào đời cho Nguyễn Thị Anh Thy, sinh viên năm cuối ngành Thiết kế mỹ thuật.

Cũng trong những ngày đầu tháng 10 này, chị Đặng Thị Nga và nhóm thiện nguyện đã trao tặng em Nguyễn Thị Anh Thy (sống tại Trung tâm) một chiếc laptop hiệu Dell giá trên 30 triệu đồng. Với mong muốn Thy có việc làm ổn định, sống được bằng ngành thiết kế mỹ thuật đang học, Ban Giám đốc Trung tâm đã kết nối với các nhà hảo tâm để trang bị cho em một chiếc laptop có cấu hình lớn, để em làm hành trang vào đời.        

Thảo Vi
Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

5 tháng trước

Tại Quảng trường Đại đoàn kết, thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai, tối 11/11 đã khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch, liên hoan trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên Gia Lai 2023 với chủ đề “Gia...
Trẻ em hoàn cảnh đặc biệt được nhận nuôi có thời hạn: Nhiều em tìm được mái ấm gia đình

Trẻ em hoàn cảnh đặc biệt được nhận nuôi có thời hạn: Nhiều em tìm được mái ấm gia đình

2 năm trước

Trẻ em luôn cần sự quan tâm chăm sóc từ gia đình và xã hội, đặc biệt là các em có hoàn cảnh đặc biệt (HCĐB). Thời gian qua, một số địa phương đã có nhiều giải pháp tích cực, triển...