THỨ BẨY, NGÀY 20 THÁNG 04 NĂM 2024 02:29

Chế độ dinh dưỡng hợp lý giúp trẻ em phát triển toàn diện

10/12/2020 | 20:20
Khuyến khích trẻ bú mẹ
 
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Các bà mẹ nên cho trẻ bú càng sớm càng tốt, ngay sau khi sinh (trong vòng 1 giờ đầu) để kích thích tiết sữa. Ngay cả khi mẹ chưa có sữa vẫn nên cho trẻ ngậm mút, kích thích từ động tác bú của bé sẽ kích thích tạo sữa.
Lúc mới bắt đầu bú, sữa mẹ thành phần chủ yếu là nước, càng về sau, đạm và chất béo càng nhiều. Nếu các bà mẹ chỉ cho bé bú trong giai đoạn đầu mà không cho bú hết hoàn toàn một bên vú, bé sẽ bị thiếu chất và tăng cân không hợp lý, bạn nên cho con bú hết hoàn toàn một bên ngực rồi mới chuyển bên còn lại.
 
Khi cho trẻ bú cần nâng cằm bé chạm vào ngực, mũi không bị chặn, đầu hơi ngả về sau. Nơi tiếp xúc với bầu ngực mẹ đầu tiên là cằm chứ không phải mặt. Trước khi cho con bú, mẹ nên trò chuyện, khuyến khích con mở miệng như: “con ngoan, bé ngoan, mẹ cho con ti đây…” rồi mới đưa đầu vú vào miệng con. Khi trẻ đã mở rộng miệng, hướng núm vú về vòm miệng, bé sẽ ngậm núm và phần lớn nhũ hoa trong miệng.
 
Mẹ không nên ép bé bú mà để con dùng bản năng tìm đầu ti hoặc ôm mẹ đòi bú. Hãy để cho bé bú liền một mạch đến khi vú mềm thì chuyển sang bầu ngực bên kia, thông thường khoảng 15 phút. Trong vài tuần đầu, nếu con chỉ bú một bên ngực thì mẹ nên hút sữa ở bên kia để giảm áp lực và duy trì nguồn cung cấp sữa.

Một bữa ăn cân đối cho trẻ nhỏ cần đủ 4 nhóm thực phẩm chính: bột đường, chất đạm, chất béo, nhóm vitamin và khoáng chất. Ảnh: Viện Dinh dưỡng Quốc gia
Thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý 
 
Trong 6 tháng đầu sau sinh, bú mẹ hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng và nước cho trẻ. Từ 6 tháng tuổi, sữa mẹ không thể đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ. Từ 6-12 tháng tuổi, sữa mẹ cung cấp 70% nhu cầu năng lượng và từ 1-2 tuổi sữa mẹ cung cấp 30-40% nhu cầu năng lượng. Vì vậy, tất cả trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên ngoài sữa mẹ đều cần được ăn bổ sung. 
 
Dinh dưỡng hợp lý là nền tảng của sức khỏe và trí tuệ, giúp trẻ phát triển cân đối về chiều cao và cân nặng, tăng sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm...
 
Theo Viện dinh dưỡng Quốc gia, một bữa ăn cân đối cần đủ 4 nhóm thực phẩm chính: bột đường (chủ yếu từ các loại ngũ cốc), chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu, đỗ...), chất béo (mỡ động vật, dầu thực vật), nhóm vitamin và khoáng chất (các loại rau, củ, quả...). 
 
Thức ăn của trẻ cần được chuẩn bị từ ít nhất 5 trong 8 nhóm thực phẩm, gồm lương thực, các loại hạt (đậu, đỗ, vừng, lạc ...), sữa và các sản phẩm từ sữa, thịt cá và hải sản, trứng và các sản phẩm từ trứng, rau củ quả có màu xanh thẫm hoặc màu da cam hay màu đỏ, các loại rau củ khác (su hào, củ cải), dầu ăn và mỡ.
 
Nhóm bột đường là nguồn cung cấp năng lượng quan trọng cho cơ thể hoạt động. Nên thay đổi các loại ngũ cốc khác nhau để làm đa dạng bữa ăn, tăng cường lợi ích sức khỏe cho trẻ.
 
Nhóm chất đạm cung cấp các thành phần thiết yếu nhằm đảm bảo cơ thể tăng trưởng và duy trì nhiều hoạt động sống, tăng sức đề kháng và chống lại bệnh tật. Cần ăn phối hợp cả thực phẩm giàu đạm động vật (thịt, cá, trứng, sữa) và đạm thực vật (từ các loại đậu, đỗ). 
 
Nhóm chất béo cung cấp năng lượng cho cơ thể hoạt động và tăng trưởng, hỗ trợ hấp thu vitamin tan trong dầu, mỡ như vitamin A, D, E, K. Mỡ động vật thường chứa nhiều chất béo bão hòa, khó hấp thu, nên hạn chế dùng. Mỡ cá và mỡ gia cầm chứa nhiều chất béo chưa bão hòa có lợi cho sức khỏe, nhất là omega 3, 6 và 9. Các loại dầu thực vật tốt cho tim mạch như dầu đậu nành, dầu mè, dầu hướng dương, dầu hạt cải... 
 
Nhóm vitamin và khoáng chất (các loại rau, củ, quả...) cung cấp các yếu tố vi lượng cũng như các chất bảo vệ. Rau lá màu xanh sẫm và củ quả màu vàng cung cấp vitamin A giúp mắt sáng khỏe, bổ sung sắt hạn chế thiếu máu thiếu sắt. Ngoài ra, rau quả còn chứa nhiều chất xơ, chất chống oxy hóa, rất tốt cho hệ tiêu hóa và miễn dịch của trẻ nhỏ.

Trẻ em từ 6-36 tháng tuổi đều được uống vitamin A tại các trạm y tế xã/phường. Ảnh: Long An
 
Không quên bổ sung vi chất dinh dưỡng cho trẻ
 
Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, vi chất dinh dưỡng là những chất mà cơ thể chỉ cần một lượng rất nhỏ nhưng có vai trò rất quan trọng, khi thiếu sẽ dẫn đến những ảnh hưởng nghiêm trọng cho cơ thể, đặc biệt là trẻ nhỏ. Các vi chất dinh dưỡng tham gia vào việc xây dựng nên các tế bào, các mô, vào các hoạt động hô hấp, chuyển hóa, bài tiết của tế bào, xây dựng nên hệ thống miễn dịch của cơ thể, tham gia vào nhiều cơ chế hoạt động của nhiều cơ quan trong cơ thể, duy trì sự cân bằng của hệ thống nội môi, giúp phục hồi các tế bào, các mô tổn thương, là thành phần chủ yếu để tạo ra các hoóc-môn, các dịch tiêu hóa… Vi chất dinh dưỡng rất cần thiết cho sự phát triển trí tuệ và thể chất của trẻ.
 
Có khoảng 90 vi chất dinh dưỡng khác nhau cần thiết cho cơ thể, bao gồm các vitamin tan trong nước như: nhóm B, C; các vitamin tan trong chất béo như: A, D, E, K và các chất khoáng sắt, kẽm, iode, đồng, mangan, magiê...
 
Phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng, chủ động và an toàn nhất là thông qua nguồn thực phẩm để bổ sung vitamin và các khoáng chất trong từng bữa ăn, các nhà dinh dưỡng đã khuyến cáo bữa ăn cần đa dạng, phối hợp nhiều loại từ 4 nhóm thực phẩm và thường xuyên thay đổi từ khi trẻ nhỏ mới bắt đầu ăn dặm. Khuyến khích các bà mẹ cho con bú ngay sau sinh để trẻ bú được sữa non vì trong sữa non hàm lượng vitamin A cao, giúp trẻ tăng sức đề kháng và chống được bệnh. Trẻ nhỏ cần được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu vì sữa mẹ là nguồn thực phẩm tự nhiên có đủ vi chất dinh dưỡng, đáp ứng được nhu cầu của trẻ.
 
Ngoài ra, cha mẹ có thể bổ sung vi chất dinh dưỡng cho trẻ từ nguồn tổng hợp như viên nang vitamin A liều cao để phòng chống thiếu vitamin A, điều trị khô mắt; viên sắt phòng chống thiếu máu dinh dưỡng; dầu i-ốt để điều trị thiếu i-ốt, bướu cổ…. Tuy nhiên, đây được coi là giải pháp ngắn hạn, khi tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ trầm trọng.
Ở Việt Nam đã có Chương trình Phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng như: Chương trình Phòng chống thiếu vitamin A bằng các hoạt động bổ sung vitamin A cho trẻ từ 6 - 36 tháng, 1 năm 2 lần; cho bà mẹ sau sinh uống vitamin A liều cao; bổ sung vitamin A cho những trẻ bị suy dinh dưỡng nặng, những trẻ bị tiêu chảy kéo dài, viêm đường hô hấp dai dẳng. Chương trình Phòng chống rối loạn do thiếu iốt bằng khuyến khích mọi gia đình sử dụng muối iốt và sản phẩm iốt (nước mắm, bột nêm) trong chế biến thức ăn. Chương trình Phòng chống thiếu máu dinh dưỡng bằng cách cho phụ nữ có thai uống viên sắt - acid folic trong suốt thai kỳ.

Khánh Linh/GĐTE

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

4 tháng trước

Tại Quảng trường Đại đoàn kết, thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai, tối 11/11 đã khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch, liên hoan trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên Gia Lai 2023 với chủ đề “Gia...