THỨ NĂM, NGÀY 25 THÁNG 04 NĂM 2024 11:23

“Chế” pháo nổ theo clip trên mạng nhiều trẻ em bị thương tích nặng

19/02/2022 | 06:03
Thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán, tại nhiều tỉnh/thành phố liên tiếp xảy ra các vụ việc trẻ em bị tai nạn thương tích do học theo cách “chế” pháo trên mạng Internet. Tình trạng này đã và đang gióng lên hồi chuông cảnh báo các bậc phụ huynh trong việc quản lý, giám sát con.
Dụng cụ tự chế pháo

Tai nạn do pháo nổ đặc biệt nguy hiểm

Ngày 2/1/2022, Bệnh viện C Thái Nguyên tiếp nhận bệnh nhân Ðan Hoàng V. (sinh năm 2008, TP Sông Công) nhập viện trong tình trạng bàn tay bị bỏng nặng với nhiều vết thương phức tạp. Các bác sĩ xác định bệnh nhân bị bỏng nhiệt mức độ 3, phải phẫu thuật để xử lý vết thương. Theo lời kể của cháu V, trước đó cháu xem mạng xã hội tiktok thấy có video hướng dẫn chế tạo pháo từ diêm nên bắt chước làm theo và đã xảy ra tai nạn.

Một ngày sau, Bệnh viện lại tiếp nhận bệnh nhân Dương Văn H. (sinh năm 2008, trú tại TX Phổ Yên) nhập viện trong tình trạng toàn bộ phần mặt và cổ bị “cháy xém” với nhiều vết bỏng sâu. Người nhà cho biết, cháu H. vào mạng Internet xem các video hướng dẫn chế tạo pháo nổ rồi làm theo, dẫn tới tai nạn đáng tiếc.

Khoa Chấn thương Chỉnh hình Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang cũng đã điều trị cho bé trai là Nguyễn H.L (14 tuổi, trú tại thị trấn Yên Sơn) bị bỏng vùng đầu, mặt, cổ, bàn tay trái, chân trái, vùng bỏng đau rát, khó thở nhẹ, 2 mí mắt sưng nề do bị tai nạn khi tự chế pháo nổ.

Bệnh viện Việt Nam - Thụy Ðiển (tỉnh Quảng Ninh) thông tin, ngày 31/12/2021, bệnh nhi T.Ð.A. (15 tuổi trú tại TP Uông Bí) nhập viện với vết thương vùng bàn tay trái và hai mắt. Theo gia đình, trước khi vào viện khoảng 30 phút, cháu T.Ð.A. tự chế pháo tại nhà và không may phát nổ.

Cũng dịp cuối năm 2021, Khoa Chấn thương II, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ đã phẫu thuật bảo tồn, giữ lại thành công bàn tay trái cho bé trai bị thương nặng do nổ pháo tự chế. Bệnh nhân Nguyễn Tuấn T. (14 tuổi, huyện Phù Ninh) nhập viện trong tình trạng tỉnh, khó thở, vết thương phức tạp bàn tay trái. Theo lời kể của mẹ bệnh nhân, cháu T. đã mua bột về tự chế tạo pháo. Trong quá trình chế tạo, bất ngờ pháo phát nổ.

Tại Nghệ An, ngày 28/1/2022, xảy ra hai vụ học sinh thương vong. Vụ đầu tiên tại huyện Nam Ðàn làm 3 học sinh bị thương, trong đó có 1 nạn nhân phải cắt bỏ một phần bàn tay do bị dập nát. Vụ thứ hai xảy ra tại huyện Tân Kỳ, hai học sinh thương vong, trong đó có một em (16 tuổi) đã không qua khỏi do vết thương quá nặng…

Thống kê một số vụ việc để thấy rằng, tai nạn do trẻ em tự chế pháo nổ xảy ra rất nhiều, tại hầu hết các địa phương và đây là loại tai nạn thương tích đặc biệt nguy hiểm, ảnh hưởng tới sức khỏe và tính mạng trẻ.

4 trẻ em bị tai nạn do học cách chế tạo pháo nổ trên mạng đang được điều trị tại Bệnh viện C Thái Nguyên. Ảnh KT

4 trẻ em bị tai nạn do học cách chế tạo pháo nổ trên mạng đang được điều trị tại Bệnh viện C Thái Nguyên. Ảnh KT

Cần nhiều giải pháp để hạn chế tai nạn do tự chế pháo nổ

Ðã có rất nhiều lời cảnh báo, rất nhiều phương án được đưa ra, nhưng hằng năm, cứ đến khoảng thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán, câu chuyện về pháo nổ lại “nóng” lên và lại thêm những sự việc đau lòng vì pháo, mà nạn nhân chủ yếu là thanh thiếu niên. Dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, theo báo cáo nhanh về tình hình khám chữa bệnh, cấp cứu, tai nạn, ngộ độc của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), trong 6 ngày nghỉ Tết (từ 29 tháng Chạp đến mùng 5 tháng Giêng), số ca khám cấp cứu liên quan đến tai nạn do pháo nổ là 316 trường hợp, tăng 9,2% so với cùng kỳ Tết Tân Sửu 2021. Gõ tìm kiếm trên Google cụm từ “Tai nạn do trẻ em tự chế pháo nổ”, chỉ trong khoảng 0,39 giây đã cho chúng ta 4.590.000 kết quả.

Ðã có rất nhiều trường hợp gặp tai nạn đáng tiếc trong quá trình trẻ em bắt chước, học "chế" pháo nổ theo các video trên mạng, trong khi chưa hiểu rõ về các chất hóa học có trong thuốc và chủ quan trước những nguy hiểm khi sử dụng pháo nổ… Ngoài những thương tổn toàn thân như: Bỏng, cụt chi, dị vật phần mềm, các tổn thương do pháo chủ yếu về mắt, tai, mặt, dập nát bàn ngón tay, cụt ngón chân và một số cơ quan khác. Nhiều trường hợp đã để lại những thương tích và di chứng vô cùng nặng nề, khiến cho người bệnh và gia đình không khỏi bàng hoàng, hối tiếc.

Chỉ cần lướt các trang mạng Internet, chúng ta thấy xuất hiện tràn lan những bài viết, video hướng dẫn cách tự chế tạo pháo nổ. Không chỉ dễ dàng học cách tự chế pháo, trẻ em còn có thể tự mua những hóa chất như KCLO3, lưu huỳnh và các phụ kiện để chế pháo trên các mạng xã hội như facebook, zalo, tiktok hoặc tại các cửa hàng rồi tự chế pháo nổ ngay tại nhà.

Ngoài ra, tại một số trường học, học sinh còn lập các nhóm kín trên facebook, zalo để trao đổi "kinh nghiệm" trong chế tạo và mua bán các hóa chất cũng như phụ kiện chế pháo nổ.

Trước thực trạng này, để không xảy những vụ tai nạn đáng tiếc từ việc chế tạo và sử dụng pháo nổ, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và trường học cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết cho người dân, đặc biệt là trẻ em về những nguy hại của việc chế tạo và sử dụng pháo nổ.

Các cơ quan có thẩm quyền cũng quản lý chặt chẽ hơn nữa việc phát tán các video, clip hướng dẫn cách tự “chế” pháo nổ trên mạng; quản lý chặt chẽ việc mua bán các hóa chất để tự “chế” pháo nổ.

Ðối với mỗi gia đình, cha mẹ cần quản lý, giám sát chặt chẽ khi trẻ sử dụng các thiết bị kết nối Internet để các em không bị tiêm nhiễm thông tin độc hại trên mạng, không bắt chước theo những bài viết, clip hướng dẫn cách làm pháo nổ, bởi rất dễ dẫn tới những tai nạn đáng tiếc. 

Theo BSCKI. Nguyễn Thị Diễm Hà – Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM nếu bị tai nạn do pháo nổ, cần thực hiện các bước sơ cứu sau:

Nếu bị bỏng vùng mắt hoặc dị vật vào mắt khi đốt pháo, nên rửa mắt bằng dòng nước sạch liên tục trong ít nhất 10 phút, chớp mắt để loại dị vật ra, không cố gắng lấy dị vật ra khỏi mắt sau đó băng mắt lại bằng gạc sạch.

Nếu bị chảy máu mắt, phải nhanh chóng băng mắt bằng gạc sạch.

Trường hợp bị vết thương mạch máu cần băng ép cầm máu ngay.

Nếu bị gãy xương, dập nát bàn tay, cần cố định xương gãy và băng vết thương cẩn thận.

Nếu bị bỏng da, làm mát vùng bỏng bằng cách tưới nước sạch liên tục trên 10 phút.

Sau khi thực hiện các bước sơ cứu trên, nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời.

Nam Anh
Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...
4 Bộ cùng phối hợp vì sự phát triển toàn diện trẻ em

4 Bộ cùng phối hợp vì sự phát triển toàn diện trẻ em

2 năm trước

Chiều ngày 17/02/2022, tại trụ sở Bộ LĐ-TB&XH đã diễn ra Lễ ký kết Quy chế phối hợp liên ngành về thực hiện “Đề án chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu...
Hà Nội tăng cường chăm lo cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Hà Nội tăng cường chăm lo cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

2 năm trước

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Công văn số 405/UBND-KGVX ngày 14/2 về việc thực hiện Chỉ thị số 36/CT-TTg ngày 31/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường giải pháp bảo vệ,...
Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em

Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em

2 năm trước

Bộ LĐ-TB&XH vừa có công văn số 338/LĐTBXH-TTr gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em.