THỨ SÁU, NGÀY 19 THÁNG 04 NĂM 2024 08:50

Chùa An Thái hồi sinh

19/11/2021 | 14:42
Tuổi thơ tôi gắn liền với biển và những ngôi chùa bị phá dở dang, những căn phòng thâm nghiêm trở thành nhà kho hoặc cửa hàng tạp hóa, những khu vườn rộng cùng những bức tượng dãi dầu thành nơi đánh trận giả vô cùng thú vị. Ấy thế mà, sau nhiều năm đi xa trở về, mọi thứ khác hẳn.
Tượng Bồ Tát Quán Thế Âm và tháp chuông chùa An Thái.

Tượng Bồ Tát Quán Thế Âm và tháp chuông chùa An Thái.

Sự hồi sinh kỳ diệu

Vào năm 2012, khi đi từ Hà Nội về tới thị trấn Cầu Giát (Quỳnh Lưu, Nghệ An), tôi thấy một tấm biển đề: “CHÙA AN THÁI 10 KM” và chỉ về hướng biển. Ðây là điều mới lạ đối với tôi vì hơn nửa cuộc đời, tôi thường xuyên qua đây và không thấy có tấm biển này. Hình như tấm biển mới được cắm ở đây vì nó còn khá mới. Tôi đi theo hướng tấm biển chỉ vì nó trùng với đường về nhà. Và thật không ngờ, chùa An Thái chính là nơi tôi từng đánh trận giả và đến để mua dầu, mua gạo, mua cam... Nơi này cách nhà tôi khoảng 300m.

Ngày xưa, nơi đây hoang tàn vì các gian thờ bị đập phá, tất cả tượng bị đưa ra khỏi chùa. Những căn phòng rộng lớn biến thành nhà kho, cửa hàng. Nay mọi thứ đã được sửa sang lại, cỏ dại ngoài vườn đã dọn sạch khiến tấm bia trên lưng rùa nổi bật. Một số bức tượng được đặt lại trong các gian thờ; nến, đèn được thắp lên; không khí thâm nghiêm được khôi phục.

Ban đầu, đây là những việc làm tự phát của người dân trong vùng, sau này chính quyền mới quan tâm. Vào thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI, tỉnh Nghệ An chủ trương phục hồi một số cơ sở đạo Phật trên địa bàn. UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành: Quyết định số 5021/QÐ-UBND/NC ngày 22/10/2010 về việc chấp thuận phục hồi chùa An Thái xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu; Công văn số 2576/UBND-NC ngày 26/4/2012 về việc chấp thuận sư trụ trì tại chùa An Thái xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu và Công văn số 7420/UBND-NC ngày 19/10/2012 về việc chấp thuận tổ chức lễ công bố quyết định phục hồi chùa, bổ nhiệm trụ trì và động thổ dựng tượng Quan Âm Bồ Tát tại chùa An Thái; đây là tâm nguyện, là niềm mong mỏi của bà con Phật tử trên địa bàn xã, huyện và các vùng lân cận.

Một trong những ngôi chùa cổ nhất Việt Nam

Căn cứ vào các tư liệu lịch sử còn lại, tôi biết rằng, chùa An Thái có từ lâu đời, được các nhà nghiên cứu xếp vào danh sách những ngôi chùa cổ nhất Việt Nam. Sau khi chùa được hồi sinh, nhiều hiện vật thất lạc đã được mang về.

Tháng 10/2014, Ban Quản lý Di tích và Danh thắng tỉnh Nghệ An đã tiến hành công tác kiểm kê khoa học tại các di tích lịch sử văn hóa - danh thắng trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Kết quả, chùa An Thái được đưa vào danh mục di tích cấp tỉnh theo quyết định số 1017/QÐ-UBND.VX của UBND tỉnh Nghệ An. Hiện nay tại chùa còn lưu giữ một tượng Hộ Pháp cổ làm bằng đá xanh nguyên khối có chiều cao 1,2m, một khánh đá có từ thời Lý - Trần (thế kỷ XI – XIV), hai tượng Bổn Sư, một tượng Di Lặc, một bệ sen cổ có niên đại từ thế kỷ VI được chế tác hoàn toàn bằng gạch đất nung, chạm khắc tinh tế, có trọng lượng khoảng 20kg. Trong khuôn viên của chùa còn lưu giữ được giếng cổ linh thiêng. Dưới đáy giếng có gỗ ván chữ thập, khắc chữ: “Thiên Thành Giáp Tý niên khai thiên tạo tỉnh”, nghĩa là giếng này được đào vào năm 1024 triều đại Vua Lý Thái Tổ, niên hiệu Thiên Thành. Như vậy rất có thể, chùa An Thái được xây dựng trước năm 1024. Ðến thời Trần Minh Tông (1324 -1329), chùa An Thái được tu sửa với quy mô lớn. Ðiều kỳ lạ là trải qua ngàn năm, nước giếng không bao giờ cạn, vẫn trong xanh màu xanh bích. Người trong chùa và dân quanh vùng vẫn dùng nước ở giếng này cho sinh hoạt.

Các Phật tử tham gia Lễ hội tại chùa An Thái. Ảnh: Truyền hình Nghệ An

Các Phật tử tham gia Lễ hội tại chùa An Thái. Ảnh: Truyền hình Nghệ An

Góp phần quan trọng đối với đời sống tinh thần của người dân trong vùng

Chùa An Thái được trùng tu, tôn tạo và xây dựng một số hạng mục công trình mới nhằm đáp ứng số lượng Phật tử ngày càng đông. Chùa đã đúc đại hồng chung nặng 1,5 tấn và dựng tượng Quán Âm Nam Hải cao 12m trên đỉnh núi Phượng (thuộc quần thể mở rộng của chùa An Thái). Những công trình mới này khiến chùa An Thái trở nên bề thế, linh thiêng.

Chùa An Thái là một ngôi chùa cổ ở làng biển và đóng vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của những người mưu sinh trên biển, suốt đời gắn bó với sóng nước trùng khơi. Ở chùa An Thái có nhiều hoạt động tâm linh nhưng quan trọng hơn cả là Lễ hội Quan Âm Nam Hải. Lễ hội gồm các nghi thức: phụng thỉnh Nam Hải Quan Âm linh ứng đàn tràng, thỉnh Phật đại khoa, cúng Hà bá Long vương, thỉnh Ðộng Ðình Nam Hải, ngũ phương tôn thần, dâng sớ kỳ đảo, quy y… Thông qua lễ hội, người dân cầu nguyện cho thế giới hòa bình, quốc gia hưng thịnh, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhân dân ấm no, hạnh phúc, biên cương hải đảo vững bền, người thác yên lòng, người sống yên tâm. Ðồng thời, đây cũng là dịp thể hiện những giá trị văn hóa, đạo đức trong đời sống ngư dân. Họ là những người có bản lĩnh, lòng quả cảm, đầy sức mạnh trên sóng nước và tin là được thần linh phù hộ. Niềm tin đó ít nhiều được thể hiện qua những nghi lễ trong Lễ hội Quan Âm Nam Hải.

Tôi quanh năm đi xa nhưng dịp Rằm tháng Bảy và Tết Nguyên đán khi nào cũng có mặt ở quê. Trò chuyện với những người dân nơi đây, ai cũng khẳng định từ khi chùa An Thái được hồi sinh, việc làm ăn của ngư dân thuận lợi hơn; trẻ em trong làng ngoan hơn, học giỏi hơn; người dân đoàn kết, yêu thương nhau hơn... Quỳnh Long đất chật người đông, tất cả đều dựa vào biển để mưu sinh. Ðàn ông ở đây đều là những ngư dân thiện chiến, phần lớn theo nghề lưới vây đánh bắt xa bờ.

Đàm Trọng
Mang hơi ấm đến với trẻ em vùng cao tại 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái

Mang hơi ấm đến với trẻ em vùng cao tại 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái

4 tháng trước

Nhằm động viên, chia sẻ và đồng hành cùng nhà trường và các em học sinh vùng khó khăn, các nhà hảo tâm đã tổ chức Chương trình “Chia sẻ yêu thương” lần thứ 20 tại xã Phình Hồ...
Bình Định tạo môi trường tốt nhất cho trẻ em phát triển

Bình Định tạo môi trường tốt nhất cho trẻ em phát triển

2 năm trước

Những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em của tỉnh Bình Định ngày càng được quan tâm, đầu tư, cùng với đó, việc thực hiện xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em...
Thông báo về việc tạm dừng tiếp công dân

Thông báo về việc tạm dừng tiếp công dân

2 năm trước

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thông báo tạm dừng tiếp công dân từ ngày 16/11/2021...
Thanh Hóa triển khai Chương trình “Sóng và máy tính cho em”

Thanh Hóa triển khai Chương trình “Sóng và máy tính cho em”

2 năm trước

UBND tỉnh Thanh Hóa mới đây vừa ban hành Kế hoạch về việc triển khai Chương trình “Sóng và máy tính cho em” trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Thời gian thực hiện từ tháng 11/2021 đến năm...