THỨ TƯ, NGÀY 24 THÁNG 04 NĂM 2024 08:42

Chúa sơn lâm trong ký ức tuổi thơ

02/02/2022 | 06:24
LTS: Dương Thuấn là nhà thơ dân tộc Tày, ông sinh năm 1959 tại bản Hon, xã Bành Trạch, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Từ nhỏ ở nhà sàn, sống với nương rẫy, ăn cơm chan canh rau bò khai… ký ức đậm chất văn hóa dân tộc đã được nhà thơ mang vào các tác phẩm của mình. Bên thềm năm mới Nhâm Dần, nhà thơ Dương Thuấn chia sẻ với Vì trẻ em một số câu chuyện thú vị quanh chú Hổ.
bf12ede270a5a03bc05cb0d20456eb43

Theo đóm ăn tàn

Người già bảo hổ theo đóm ăn tàn, quả không sai. Một lần, vào ban đêm đi soi cá, tôi là anh, lớn hơn nên là người vác bó đuốc đi trước. Còn thằng em tôi, nó nhỏ hơn, theo sau cầm cây đinh ba bằng sắt nhọn để thấy cá thì xiên. Ðêm ấy, cá cũng nhiều nên hai anh em mải mê xiên cá, không biết trời đã khuya. Bó đuốc bằng nứa khô, phơi nắng đã mấy ngày cháy rần rật, sáng choang cả một khúc sông quê. Ðang đi như thế, tôi cứ quan sát theo luồng cá phía trước. Tôi có cảm giác ai đó đang bám sát theo sau lưng, thỉnh thoảng từ phía sau như có người thổi vào bó đuốc. Bó đuốc bị thổi mạnh quá, đến nỗi ngọn lửa co lại chực phụt tắt rồi lại bùng sáng lên cháy ào ào... Tôi đổ tội cho người đi sau chơi xấu. Hai anh em suýt còn cãi nhau. Rồi thấy mình xử sự như thế không phải, tôi bảo thằng em tiến lên đi ngang để tôi soi cho rõ, thấy cá dễ xiên hơn. Ôi dào, làm như thế thì gió vẫn cứ thổi. Vẫn có người thổi “hồ … hồ…” vào bó đuốc. Rồi tàn đuốc lả tả rơi xuống. Tôi ngẩng lên nhìn xung quanh, hóa ra có một con hổ đang đi theo sau thổi, có người gì đâu. Nó thổi, để tàn đuốc rơi xuống nó ăn. Nó vừa cắm cúi đi theo sau vừa thổi cho tàn đuốc bay xuống và nó nhặt nhạnh. Tôi thấy vậy liền phất bó đuốc lên cao và hô “hổ” cho thằng em bỏ chạy. Bữa đó hai anh em tôi chạy về đến nhà, mở cái giỏ ra mới chỉ xiên được vài con cá to, còn lại là cá vừa vừa. Tiếc mãi...

Hổ chứ không phải là đống rơm!

Có một lần, tôi đi chơi về rất khuya, có lẽ khoảng 1, 2 giờ sáng gì đó nhưng tôi lại chưa lên nhà ngay. Ðêm đông sương xuống lạnh, dưới ánh trăng mờ mờ, mọi vật đã chìm vào giấc ngủ. Tôi lân la ngoài sân. Rồi tôi thấy một đống rơm to đùng ở giữa sân, tôi nghĩ là ông nội mang rơm ra cho hai con trâu mộng sáng mai ăn. Tôi đến đó và tựa lưng vào đấy ngắm trăng…

Một lúc sau, tôi thấy ram ráp ở cổ như có ai liếm cổ mình. Tôi mới cười phá lên, kêu là: “Nhột quá… Nhột quá…”. Lúc đấy, con hổ nghe được mới giật mình vùng chạy. Dưới ánh trăng mờ, nó đi lừng lững lên trên quả núi sau nhà. Tôi thật hú vía, con hổ đã liếm cổ tôi. Lúc đó, tôi mới  biết đống rơm là con hổ, nó về đứng ở sân nhà rình mồi đã lâu, nhưng tôi không nhận ra nó. Con hổ đó rất to khiến tôi tưởng là đống rơm. Tôi đươc phen hú vía!

Hổ và trâu cùng chết             

Nhà tôi nuôi hai con trâu mộng to, một con có màu gio gọi là con Trâu Gio và một con có cặp sừng dựng đứng, nhọn hoắt gọi là con Sừng Dựng. Hai con Gio và Sừng Dựng cùng ở một chuồng. Tối hôm nay,  mình con Gio về chuồng, còn con Sừng Dựng thì không. Hôm sau, tôi cưỡi con Gio đi chăn. Khi lội qua sông, sang đến bờ bên kia, sắp bước lên bờ thì con Gio bỗng đứng khựng lại. Rồi như là chôn chân xuống đất, đầu nó ngẩng lên, mũi cứ khựt khựt hít lấy hít để... Tôi biết là nó sợ mùi gì rồi, liền vội vàng nhảy xuống bờ cát. Lúc bấy giờ, nó mới cụp đuôi vào chạy băng băng về phía con Sừng Dựng mà nó đã nhìn thấy. Con Sừng Dựng đêm qua không về chuồng hóa ra ở đây. Nhưng con Sừng Dựng không quay lại chào con Gio như mọi lần. Nhìn kỹ thì thấy nó đang lấy bộ sừng nhọn hoắt đè một con hổ vào ta luy quãng bờ sông bị sạt lở. Tôi về gọi người lớn đến gỡ ra. Con hổ đã chết cứng từ bao giờ, nhưng con Sừng Dựng cứ đè như thế. Nếu không có người thấy thì nó sẽ còn đè đến bao giờ? Ðêm qua nó đã phải một mình chiến đấu với con hổ đến gần kiệt sức mới đè được con hổ vào ta luy. Khiếp thật... May mà con Sừng Dựng đã chiến thắng.

Con trâu còn thế, nó thà cùng chết với con hổ chứ không chịu một mình làm mồi cho hổ.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Năm hổ                 

Hồi tôi còn đi học, năm mười bốn mười lăm tuổi gì đó, năm đấy là năm hổ, mà theo những người già trong bản, năm hổ thì loài hổ hung hãn lắm, nó hay bắt người, giương oai, tác quái… Năm ấy, các bản đồn rằng, bà Nguyện ở Bản Hon đi làm nương bị hổ vồ ăn thịt. Bà Nguyện đã năm sáu mươi tuổi, đi làm nương một mình, bị con hổ đói vồ ở dưới khe. Nó tha lên trên nương ăn hết, may còn đống quần áo người đi tìm nhận ra bà Nguyện.

Chuyện bà Nguyện lâu dần quên đi, người ta lại có chuyện khác. Họ đồn đến tôi, là tôi bị con hổ cái vồ dưới lùm tre ở Kéo Ðiếc trên đường đi học. Ở chỗ Kéo Ðiếc có một quãng đường đi vô cùng rậm rạp hay có hổ và các loại hươu, nai, lợn lòi ra đấy uống nước, kiếm ăn… Con hổ vồ tôi là hổ cái già nên nó ăn phần chân trước, vì nó vồ vào cuối tháng, phần đầu nó bỏ lại để ăn sau. Vì thế, người ta mới nhận ra cậu học trò. Lời đồn bay vào tận trong miền Nam, khiến một ông anh họ tôi phải điện về chia buồn. Họ đồn cũng có phần có lý, vì con hổ nó vồ được mồi sẽ không vội ăn ngay. Nó còn nhìn lên mặt trăng xem là đầu tháng hay cuối tháng, nếu đầu tháng nó sẽ ăn phần đầu trước, nếu là cuối tháng nó sẽ ăn phần chân trước. Lời đồn chưa đúng ở chỗ tôi có bị hổ vồ đâu.

Phục kích hổ nhưng không thành

Nhà tôi lúc đó nuôi một trăm con bò. Cứ sáng tôi đi học, thì chiều về lại chăn bò. Cái chuồng bò làm bằng tre rào kín xung quanh. Trưa hôm ấy, mẹ chỉ cho tôi những dấu chân hổ đêm trước nó đi vòng quanh chuồng bò. Mỗi dấu chân to bằng miệng bát, con hổ này chắc phải to lắm, đêm nay nó lại mò về bắt bò cho mà xem. Chiều tối hôm đó, tôi ăn cơm sớm hơn mọi người trong gia đình rồi vác khẩu súng kíp ra chuồng bò mắc màn nằm.

Suốt đêm, nằm trên chuồng bò tôi cứ lăm lăm khẩu súng, cũng may đêm đó hổ không về tìm bắt bò. Và cũng từ đấy, tôi không thấy hổ về bản nữa.

Nhà thơ Dương Thuấn
Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

5 tháng trước

Tại Quảng trường Đại đoàn kết, thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai, tối 11/11 đã khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch, liên hoan trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên Gia Lai 2023 với chủ đề “Gia...
Những người cha mang quân hàm xanh trên cao nguyên đá

Những người cha mang quân hàm xanh trên cao nguyên đá

2 năm trước

Hưởng ứng Chương trình “Nâng bước em tới trường” và “Con nuôi đồn Biên phòng” do Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phát động, các đơn vị Bộ đội Biên phòng (BĐBP) trên các...
Chắp cánh ước mơ của trẻ khuyết tật

Chắp cánh ước mơ của trẻ khuyết tật

2 năm trước

Nhiều năm nay, Vũ Ngọc Duy và nhóm salon tóc Hạ Long (TP Hạ Long, Quảng Ninh) không chỉ cắt tóc miễn phí cho các em nhỏ khuyết tật đang được nuôi dưỡng tại Cơ sở Bảo trợ trẻ em của tỉnh...
Tết bình yên bên gia đình

Tết bình yên bên gia đình

2 năm trước

Tết cổ truyền năm nay, nhiều người dân chẳng mong mỏi gì cao sang, chỉ mong được bình yên bên ông bà, cha mẹ và những người thân yêu.