THỨ BẨY, NGÀY 27 THÁNG 04 NĂM 2024 12:47

Chuyện sau cơn bão

08/12/2017 | 11:36

Chị Giang và chị Tâm thăm hỏi gia đình bà Đắc sau bão lũ.
 
Tình người trong hoạn nạn
 
Bão 12 mới tan, lại cơn bão mới ập vào miền Trung, gió mạnh mang theo mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày, cả vùng Nam Trung bộ chìm trong biển nước. TP. Đà Nẵng cùng chung số phận, các xã trên địa bàn huyện Hòa Vang như Hòa Liên, Hòa Tiến, Hòa Nhơn, Hòa Châu, Hòa Khương, Hòa Phong… bị ngập sâu trên dưới 2m nước, nhiều thôn bị cô lập hoàn toàn.
 
Theo UBND huyện Hòa Vang, có hơn 4.000 hộ dân bị ngập chìm trong nước lũ, hàng ngàn gia cầm bị nước lũ cuốn trôi, hơn 45ha đất canh tác của bà con cũng bị nước lũ nhấn chìm.
 
 Sự bàng hoàng vẫn còn đọng rõ trên khuôn mặt mỗi người dân nơi đây. Câu chuyện mẹ con bà Đắc (thôn Tây An, xã Hòa Châu) thoát chết vì sống trong thuyền thúng khiến ai cũng nghẹn ngào.
 
Bà Lê Thị Đắc năm nay đã 72 tuổi mà chưa được an hưởng tuổi già vì anh con trai Lê Phước Vỹ (28 tuổi) bị di chứng chất độc da cam chỉ nằm một chỗ. Khi nước lũ lên, bà Đắc nhờ người trong thôn ẵm anh Vỹ bỏ vào chiếc thuyền thúng rồi cột vào cầu thang để không bị lũ cuốn trôi. Những ngày lũ giữ, mẹ con bà chỉ nhai mỳ tôm sống. Giờ nước bên trong nhà đã bắt đầu rút, nhưng hai mẹ con vẫn nằm tạm ở đây vì cả nhà không có chỗ nào là khô ráo, giường chiếu, đồ đạc bị ngâm nước lũ hư hết, mẹ già, con dại nước mắt chan cơm...
 
Câu chuyện cảm động ấy nhanh chóng được lan truyền rộng. Nước đã rút nhưng đường vào nhà bà Đắc vẫn còn sình lầy. Đoàn chúng tôi vào đến nơi, chứng kiến bà Đắc đang khóc. Bà nghẹn ngào: “Vừa có mấy cô chú vô đây, cũng khuyết tật như con tôi, mà chống nạng lội tận nơi cho mẹ con tôi quà”. Chiếc phong bì bà cho chúng tôi xem có những đồng tiền mới, cũ, được vuốt phẳng phiu, tất cả đếm được 2.130.000 đồng. Món quà thật nhỏ nhoi, nhưng những tấm lòng thơm thảo thật không gì sánh nổi.

Ảnh minh họa
 
Nghĩa cử của đôi bạn khuyết tật
 
Bà Đắc và ít ai được biết câu chuyện của những anh chị chân thấp chân cao, chống nạng đã đến thăm con bà, chia sẻ những khó khăn của gia đình sau cơn bão.
 
Người mang những suất quà từ những tấm lòng đến vùng tâm lũ ấy là “cô giáo một chân” Nguyễn Thị Minh Tâm - giáo viên môn Toán, Trường THPT Thiên Hộ Dương, phường 6, TP. Cao Lãnh (Đồng Tháp).
 
Cô giáo Tâm gặp nạn năm 2009 trên đường vận động học trò vùng núi Tân Hồng (Đồng Tháp) đi học. Tai nạn khiến cô phải cưa một bên chân đến nay đã 8 năm. 8 năm cô đứng một chân trên bục giảng không chỉ truyền kiến thức cho học trò, mà hình ảnh cô còn truyền động lực sống cho biết bao người cùng cảnh ngộ. “Sự hẫng hụt vì khiếm khuyết không giết chết con người mà sự thờ ơ của cộng đồng mới là sự mất mát lớn nhất” - cô giáo Tâm suy nghĩ như vậy. Trăn trở từ chính nỗi mất mát của mình để sao cho những người khố khó vượt qua mà đứng lên, cô Tâm đứng ra thành lập Nhóm thiện nguyện Nhất Tâm. Mục đích của nhóm là hỗ trợ những người khuyết tật vượt qua khó khăn ban đầu. Để có nguồn quỹ, mỗi dịp lễ, tết, nhóm cô Tâm bán hoa hồng. Nếu còn thiếu, cô vận động bạn bè, người thân, những nhà hảo tâm để giúp đỡ cho học sinh, người dân có hoàn cảnh khó khăn. Câu chuyện âm thầm tỏa hương cho đời của cô Tâm chỉ được biết đến nhân dịp kỷ niệm 35 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, khi Ban Thanh niên Trường học (Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh) phối hợp với Báo Sinh viên Việt Nam tổ chức tổng kết cuộc thi “Tri ân người thầy” và câu chuyện của cô giáo Tâm vinh dự được góp mặt. Trên đường ra Hà Nội dự lễ, cô giáo Tâm đã từ bỏ lịch trình để dừng lại chung tay với người dân xứ Quảng. 
 
Hành trình vì cộng đồng của cô Tâm khó thành hiện thực nếu không có người dẫn đường cũng hết sức đặc biệt là Đặng Hương Giang. Cái duyên cớ mà cô Tâm chọn chị Giang, chắc chỉ nói do “thiên định”. Chị Giang vốn là cô gái khuyết tật sinh ra tại Thái Bình. Cách đây đã gần 15 năm, CLB Thanh niên khuyết tật Thái Bình của chị được Quỹ Cựu chiến binh Mỹ (VVAF) hỗ trợ hoạt động. Trong một lần vào chia sẻ kinh nghiệm cho thanh niên khuyết tật  Đà Nẵng, chị cảm mến chàng trai khuyết tật giàu nghị lực Lê Ngọc Thưởng mà nên duyên vợ chồng. Không chỉ có vậy, nhờ có nhóm của chị Giang mà các bạn thanh niên khuyết tật Đà Nẵng đã thành lập được Hội Người khuyết tật Đà Nẵng và Hội đã lớn mạnh  như ngày nay. Với những hoạt động tích cực vì cộng đồng, chị Giang được tín nhiệm bầu làm Phó chủ tịch Hội Người khuyết tật TP. Đà Nẵng.
 
Như cô giáo Tâm, hình ảnh của chị Giang - “cô gái 2 nạng” - không chỉ là một nữ cán bộ hết mình vì cộng đồng, mà trong cuộc sống, nghị lực và hạnh phúc của vợ chồng anh chị Giang - Thưởng còn được Trung ương Hội bảo trợ người Khuyết tật và Trẻ mồ côi chọn vào danh sách 20 cặp vợ chồng người khuyết tật tiêu biểu của cả nước vào báo công với Chủ tịch nước.
 
Sẽ không có gì để nói về tấm lòng thơm thảo của các chị nếu không biết cô giáo Tâm phải chắt chiu từng đồng tiền bán hoa để có tiền giúp đỡ cho những người đồng cảnh. Món tiền đó không hề nhỏ khi vợ chồng anh chị Giang - Thưởng nhà vẫn phải đi thuê; chị Giang ngoài công tác xã hội còn phụ chồng làm nghề quảng cáo để nuôi 2 con nhỏ.
 
Dẫu cho cuộc sống này còn biết bao khó khăn, dẫu cho thiên tai ngày càng khốc liệt thì “Bầu ơi, thương lấy bí cùng”, trong hoạn nạn, tình người mới thật bao la.

Tâm sự cùng với mọi người, chị Giang chan hòa bộc lộ: Khi đồng bào mình gặp hoạn nạn, ai cũng có thể mở rộng vòng tay nhân ái, người khuyết tật cũng không đứng ngoài. Cuộc sống thường ngày chúng tôi thường nhận được sự chia sẻ của mọi người.
 

 

Nhật Nam/GĐTE

Chiêm ngưỡng 10 mẫu xe đẹp mắt nhất hiện nay

Chiêm ngưỡng 10 mẫu xe đẹp mắt nhất hiện nay

1 tháng trước

Trước kia, việc tìm xe 7 chỗ đẹp tại Việt Nam khá khó khăn. Tuy nhiên từ khi các dòng xe 7 chỗ nhập khẩu tràn về Việt Nam, người dùng có nhiều lựa chọn xe hơi 7 chỗ đẹp, tiện nghi và an...