THỨ TƯ, NGÀY 24 THÁNG 04 NĂM 2024 08:32

Cơ hội để chia sẻ yêu thương

02/02/2022 | 06:26
Chính trong dịch bệnh, việc có nhiều thời gian dành cho gia đình sẽ giúp mỗi người có thêm cơ hội để tự nhìn nhận lại bản thân, thêm trân trọng những giá trị cốt lõi của cuộc sống, và cùng sẻ chia yêu thương!
“Ăn mừng” sau khi cả nhà được dỡ phong tỏa.

“Ăn mừng” sau khi cả nhà được dỡ phong tỏa.

Năm thứ 3 Covid xuất hiện, tôi bắt đầu có chút lo lắng khi số ca mắc Covid ở Hà Nội gia tăng tới con số hàng nghìn mỗi ngày. Nhưng vẫn luôn tự tin, chắc mình sẽ không bị đâu, Covid ở đâu đó rất xa.

Cho đến trung tuần tháng 12, cả nhà bị Covid “gõ cửa” một cách bất thình lình, khiến mọi tính toán để có một cái Tết no ấm bỗng nhiên đổ vỡ không “cứu vãn được”.

Những triệu chứng ban đầu như đau người, sốt nhẹ không khác gì dấu hiệu cảm cúm hầu như năm nào tôi cũng gặp phải. Sau khi ngủ nguyên 1 ngày, nghĩ đến chồng, con, đồng nghiệp, hàng xóm, Covid ở khắp nơi, tôi mới test thì phát hiện đã dương tính nhưng không rõ nguồn lây. Gia đình tôi bị phong tỏa, nhưng Hà Nội quá tải, chờ mòn mỏi chẳng có mã cách ly. Lúc này, tôi xác định cả nhà sẽ bị nhiễm, vì khi triệu chứng nặng nhất, tôi vẫn nằm ôm hai con ngủ bình thường.

Nhưng tôi vẫn quyết định cách ly một mình 1 phòng, tự theo dõi sức khỏe, uống thuốc, được chồng phục vụ từ A đến Z. Hoang mang nhất là đến ngày thứ 5, chồng tôi có triệu chứng, test nhanh lại dương tính. Từ ban công chồng gọi điện bảo: “Anh cũng lên 2 vạch như em”.

Dù vô cùng lo lắng, nhưng tôi nhanh chóng bảo chồng phải bình tĩnh rồi tính tiếp. Gọi cho y tế không được, tôi liên lạc với cô bạn có kinh nghiệm từng chăm chồng F0 tại nhà ở TP.HCM, cô ấy bảo: thôi. Giờ cứ “toang” ra mà chăm nhau chứ gì.

Lúc “toang” như thế, tôi test nhanh vạch T đã mờ nhiều. Khứu giác đã mất, vị giác mất khoảng 50%, nhưng tôi chưa bao giờ có cảm giác khỏe đến thế. Bởi lẽ, trong lòng lo nhất cho hai đứa con. Thế là từ hôm đó, tôi F0 nhưng thay chồng chăm sóc cả nhà. Tuân thủ 5K, tôi đeo khẩu trang kể cả lúc ngủ. Cả chuỗi những ngày sau, tôi như quên mình đang là F0. Công việc chính là chăm lo cho 3 bố con: Ăn sáng, hoa quả, vắt nước cam, uống thuốc, nấu ăn trưa, ngủ trưa, cho con học, chiều đun lá xông, nấu bữa tối, dạy con học online… đi ngủ. Thiếu thốn thực phẩm hay gì đó thì lại gọi điện nhắn tin, nhờ mua, nhờ lấy. Và trả lời tin nhắn hỏi thăm của gia đình, bạn bè, hàng xóm, đồng nghiệp…

Các con cần nhất là tình yêu và sự quan tâm thực sự của bố mẹ…

Các con cần nhất là tình yêu và sự quan tâm thực sự của bố mẹ…

Ðiều tôi lo lắng thứ 2 là hai đứa trẻ đang tuổi cần vui chơi, chạy nhảy nhiều nhất bị nhốt trong nhà suốt 20 ngày. Chắc hẳn chúng sẽ vô cùng “cuồng chân”, bí bách, nhưng vì luôn có mẹ hiện diện ở bên mỗi khi chúng cần, mọi chuyện khá yên ổn.

Mặc dù bác sĩ vẫn bảo trẻ con thì không phải lo quá, nếu có bị thì cũng 1-2 hôm là khỏi, nhưng các con chưa tiêm vaccine nên tôi theo dõi các con rất kỹ, phải mua thuốc ho, máy đo nồng độ oxy trong máu và thực phẩm chức năng hỗ trợ tăng đề kháng.

Thực ra, hoạt động chính chỉ có xem tivi, chơi lego, đọc sách, chơi đố nhau và thích nhất là được ôm nhau ngủ đến lúc nào thì ngủ; đến khi cả bố mẹ đã âm tính thì hai bố con đeo khẩu trang chơi cờ vua. Anh lớn vẫn học online bình thường, bài vở vẫn làm đều đặn. Con thậm chí đã tăng lên gần 1kg sau 20 ngày bị phong tỏa.

Học về nuôi dạy con nhiều, nhưng đến lúc này tôi mới thực sự thấu hiểu đến tận cùng ý nghĩa của hai từ “hiện diện”. Tôi có những lúc ngồi cùng con chơi và ngắm con lắp lego tập trung 100%. Nhìn con nằm dài xuống sàn nhà, bàn tay thoăn thoắt chọn hình ghép và sung sướng khoe thành phẩm sau sự động viên của mẹ. Khoảnh khắc đó tôi hiểu rằng, các con cần nhất là tình yêu và sự quan tâm thực sự của bố mẹ…

Với việc đọc sách, tôi còn vui hơn nhiều. Con trai lớn học lớp 1, đến khi bắt đầu biết đọc thì vớ được cuốn nào, con đọc cuốn đó. Yêu nhất là cuốn của thầy Thích Nhất Hạnh dành cho trẻ con: Trong cái Không có cái gì Không? Tôi mua từ rất lâu nhưng các con không hứng thú. Mỗi tối con đọc khoảng 1-2 trang cho mẹ và em nghe. Ðọc xong, con còn bảo cuốn này hay thật, lúc nào mẹ mua cho con cuốn Làm thế nào để không tức giận nhé!... Hôm nào không đọc sách thì tôi sẽ cho các con kể về 3 điều tốt đã làm được trong ngày. Nếu làm đủ 3 điều, mỗi anh em được thưởng 2.000 đồng.

Cô con gái nhỏ có thể tự chơi hoặc chơi cùng anh, tự hát. Tôi cho các con chơi tất cả những gì chúng muốn, miễn là vui và an toàn.

Có những hôm, tôi cho các con nghe nhạc thiền, nhạc không lời trước khi ngủ. Ðó là lúc tôi “cài cắm” để dạy con lòng biết ơn. Ðơn giản như câu chuyện nhà tôi bị Covid, để có đồ ăn như thế này thì có bác Hiên, ông bà gửi cho, các bác ở cùng tầng gửi quà, cô Hoài còn chưng yến… Thế là chúng tự hỏi: Chúng ta phải biết ơn mọi người đúng không mẹ? Chúng tôi cứ thực hành lòng biết ơn mỗi ngày như vậy.

Bằng một cách kỳ diệu nào đó, các con của tôi chưa bị Covid trong suốt thời gian 20 ngày, tiếp xúc với bố mẹ bị Covid với đầy đủ các triệu chứng. Phải chăng, đó là nhờ TÌNH YÊU, LÒNG BIẾT ƠN và sự HIỆN DIỆN 100% của bố mẹ với các con?

Covid đang len lỏi ở khắp nơi, bất cứ khi nào “nó” cũng có thể xuất hiện ở cửa nhà bạn… Tết này có thể có nhiều gia đình sẽ phải cách ly tại nhà vì Covid, hãy giữ bình tĩnh và đối mặt với nó để cùng nhau vượt qua bạn nhé.

Yến Nhi
Chi tiết trang bị vua Android tầm trung- Galaxy A55 5G: Cao cấp như Galaxy S24 Ultra, hơn iPhone 15

Chi tiết trang bị vua Android tầm trung- Galaxy A55 5G: Cao cấp như Galaxy S24 Ultra, hơn iPhone 15

1 tháng trước

Galaxy A55 5G vừa trình làng cách đây không lâu sở hữu hàng loạt trang bị ấn tượng hơn cả iPhone 15 và tiệm cận Galaxy S24 Ultra để vững bước lên ngôi vua Android tầm trung.
Chắp cánh ước mơ của trẻ khuyết tật

Chắp cánh ước mơ của trẻ khuyết tật

2 năm trước

Nhiều năm nay, Vũ Ngọc Duy và nhóm salon tóc Hạ Long (TP Hạ Long, Quảng Ninh) không chỉ cắt tóc miễn phí cho các em nhỏ khuyết tật đang được nuôi dưỡng tại Cơ sở Bảo trợ trẻ em của tỉnh...
Nhớ câu vọng cổ ngày thơ ấu

Nhớ câu vọng cổ ngày thơ ấu

2 năm trước

Với tôi, nghe câu vọng cổ có lẽ không ở đâu hay hơn ven các triền sông của vùng sông nước quê ngoại…
Giăng suốt tuổi thơ

Giăng suốt tuổi thơ

2 năm trước

Tết, nhà nhà đụng lợn, rau cỏ ngoài ruộng sẵn rồi, đàn bà con gái đi chợ chỉ lo mua những món phụ trợ như là mật hay đường hoa mai để về làm bánh: bánh mật, bánh gai. và lục thúng bà,...